Tuy nhiên, quá trình trồng, chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch còn chưa tốt, nhất là cây ăn quả dài ngày nên vụ sau cây không ra hoa, hoặc ra hoa không đậu quả, tỷ lệ đậu quả thấp, thậm chí ra quả cách năm. Nguyên nhân do thời tiết, khí hậu bất lợi, cây trồng thiếu dinh dưỡng, sâu bệnh phá hoại, chế độ nước và phân bón không hợp lý… Chúng tôi cung cấp một số kiến thức kỹ thuật cơ bản chăm sóc phục hồi cây ăn quả sau thu hoạch như sau:

Kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán sau thu hoạch

Cắt tỉa cành, tạo tán giúp cho cây ăn quả có bộ khung vững chắc, đẻ nhiều cành, nhánh hữu hiệu, tạo không gian mở giúp cây phát triển tốt. Cắt tỉa bớt cành vô hiệu, sâu bệnh tạo cho vườn cây thông thoáng, thuận tiện chăm sóc, thu hoạch và hạn chế sâu bệnh. Mặt khác, cắt tỉa cành sẽ khống chế chiều cao, đường kính tán và mật độ phù hợp giúp cây sinh trưởng tốt. Việc cắt tỉa cành cần tiến hành sau thu hoạch và trước khi bón phân cho cây. Khi cắt tỉa cành, tạo tán chọn những ngày nắng ráo, tránh ngày mưa, ẩm, dễ làm lây lan mầm bệnh. Tùy thuộc vào loại cây, tuổi cây để cắt tỉa cành, tạo tán phù hợp, cụ thể:

Đối với cây cam, bưởi: Sau khi thu hoạch 2 - 3 tuần, tiến hành cắt tỉa cành, tạo tán cho cây. Tốt nhất nên cắt tỉa tán theo hình chữ Y, giúp cho ánh sáng lọt vào phía trong tán. Đối với cành nhỏ, sử dụng kéo cắt cành chuyên dụng; cành to, sử dụng cưa cắt cành. Tiến hành cắt sát thân các cành khô, cành vượt, không nằm trong tán, cành bị sâu bệnh, cành yếu, cành không có quả vụ trước tạo độ thoáng cho cây. Có thể cắt bỏ những cành to, hạ tán để cây chỉ cao từ 3 - 3,5 m. Sau khi cắt tỉa cành trên cây, quét vôi vào các vết cắt và thân cây, khoảng cách từ gốc lên trên thân cây từ 0,7 - 1,5 m. Để cây không bị nhiễm bệnh từ vết cắt, tiến hành phun chế phẩm nano đồng rửa vườn, tẩy rửa rong rêu, nấm khuẩn sau 1 vụ thu hoạch. Lưu ý, khi cắt cành phải sát vào thân cây, vết cắt gọn, dứt khoát, nhẵn, không làm dập cành, không nên cắt cành quá dài ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

Đối với cây nhãn, vải: Tiến hành cắt tỉa toàn bộ những cành tăm, cành bị sâu bệnh, cành trong tán, cành vượt, cành sát đất tạo độ thoáng cho cây. Việc cắt tỉa phải thực hiện thường xuyên, khi lộc ra dài từ 5 - 7 cm, tỉa bớt lộc trên những cành mọc dày, mỗi đầu cành chỉ nên để từ 1 - 2 lộc to, khỏe, đảm bảo số cành lộc phân bố đều quanh tán. Với vườn nhãn, vải bắt đầu giao tán phải cắt tỉa gọn, năm thứ nhất cắt 1/2 số cành, chỉ để 1/2 số cành ra quả, năm sau cắt cành năm trước đã ra quả và nuôi cành trong tán để tạo khung tán mới.

Đối với cây ổi: Cắt bỏ những cành mọc xà, cành mọc ở dưới, cành la, cành vượt không cho quả, quả nhỏ hoặc những cành mọc cao quá. Tỉa bỏ những cành mọc chồng chéo lên nhau, cành khô, cành bị sâu bệnh để tạo tán cây thông thoáng.

leftcenterrightdel
Cán bộ Ban CHQS xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương thu hoạch bưởi. Ảnh: CTV 

Làm cỏ và xới đất

Việc làm cỏ, dọn vệ sinh trong vườn cây ăn quả sau thu hoạch để tránh cư trú của sâu bệnh xâm nhập, gây ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất. Khi làm cỏ cần thực hiện theo hình chiếu tán của cây, khoảng 1 - 1,2 m kể từ gốc, kết hợp thu dọn quả rụng và các tàn dư thực vật, cành mục, lá khô… Những nơi cỏ mọc ngoài tán cây hoặc trên đường băng, có thể để nguyên, nếu cỏ phát triển nhiều phải cắt bỏ bớt để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây, đồng thời giữ được độ ẩm cho vườn. Sau đó, tiến hành xới đất xung quanh gốc cây để tạo độ thông thoáng và cung cấp thêm oxy cho đất và tạo bộ rễ mới cho cây, giúp tăng hiệu suất hấp thu dinh dưỡng, tăng năng suất ở vụ sau. Khi xới đất cần chú ý gần gốc xới nhẹ có độ sâu: 3 - 5 cm, giữa các hàng xới sâu hơn từ 10 - 15 cm. Sau đó khử trùng toàn bộ vườn bằng vôi bột với liều lượng từ 200 - 300 kg/ha, có thể quét vôi gốc cây cao khoảng 1 - 1,5m. Lưu ý, trong giai đoạn này không sử dụng thuốc trừ cỏ để phun, có thể làm cây bị thối hỏng, ảnh hưởng đến sự hấp thụ dinh dưỡng.

Bổ sung phân bón

Do cây sử dụng nguồn dinh dưỡng nuôi quả từ vụ trước, tiêu hao nhiều chất dinh dưỡng có trong đất. Để cây ăn quả nhanh chóng phục hồi và cho năng suất cao vụ tiếp theo, cần phải bón phân đúng cách, hợp lý, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, trong đó, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ đã được xử lý. Ngoài ra, bổ sung các chế phẩm sinh học loại bỏ những mầm bệnh và giúp vi sinh vật hoạt động biến phân đạm urê thành dạng đạm dễ tiêu, phân lân khó tiêu thành lân dễ tiêu. Khi bón phân, phải cân đối, tránh bón nhiều đạm vì rễ cây còn non chưa hấp thụ ngay được, đạm tự do sẽ kích thích cây phát lộc sớm, giảm số lượng hoa dẫn đến giảm năng suất. Bổ sung đầy đủ vôi để khử chua đất cho vùng rễ phát triển, bổ sung chất hữu cơ hoai mục tạo độ xốp giúp rễ nhanh phát triển, bổ sung Lân, Magie, Silic, các chất vi lượng và một lượng nhỏ Kali, Urê. Nếu đất bị chua, cần bón vôi trước khi bón phân 15 - 20 ngày, lượng phân bón và phương pháp bón phân cho các loại cây như sau:

Số lượng phân bón:

Đối với cây cam: Phân chuồng hoai mục từ 20 - 30 kg; phân vi sinh 2 - 7 kg; Urê: 0,15 - 0,3 kg; Super lân: 0,9 - 2,2 kg; Kali: 0,15 - 0,4 kg, tùy theo năm tuổi (thường áp dụng cho cây cam 4 - 10 năm tuổi kể từ khi cho thu hoạch). Ngoài ra có thể dùng phân NPK chuyên dùng để bón cho cam. Đối với bưởi: Phân chuồng ủ khoai mục: 10 kg, NPK (5:10:3) 1 - 2  kg (hoặc  NPK (16:16:8) những khu đất thiếu màu mỡ dùng NPK (16:6:16) để tăng cường bổ sung lượng đạm cần thiết), Lân 0,5 kg, Vôi bột 0,5 kg và Ure 0,5 kg. Đối với cây nhãn: Lượng phân bón sau thu hoạch gồm toàn bộ phân  hữu cơ + 30% Urê + 70% Supe lân + 30% Kali của tổng lượng phân bón cho nhãn 1 năm. Nếu sử dụng phân NPK thì nên bón loại NPK (13 -13 13 +TE) hoặc NPK (15 -15 -15 + TE) với lượng quy đổi đảm  bảo tương đương với phân đơn. Sau thu hoạch bón toàn bộ phân hữu cơ + 30% của tổng lượng phân NPK bón cho 1 năm. Ngoài ra, bổ sung thêm hạt đỗ tương, ngô đã được nghiền nhỏ ngâm ủ với liều lượng từ 3-5 kg/cây (tùy tuổi cây). Đối với cây vải: Sử dụng phân bón cho 1 cây khoảng 0,3 - 0,5 kg phân đạm urê; 1 - 2 kg lân supe + 5-10 kg phân chuồng hoai mục. Đối với cây ổi: Hằng năm, vào cuối tháng 12 nên bón mỗi cây 2 - 3 kg phân lân nung chảy Văn Điển và khoảng 3 - 4 kg phân hữu cơ hoai mục. Bón theo rạch ở phía ngoài tán cây. Ngoài ra, cần tiến hành bón thúc làm 3 đợt như sau: đợt 1, khoảng 20 - 25 ngày trước khi ra hoa bón 0,2 - 0,25 kg phân NPK (12:5:10 hoặc 13:3:10) để ra nhiều lộc và hoa; đợt 2, khi cây bắt đầu đậu quả bón 0,2 - 0,3 kg NPK (12:5:10, hoặc 13:3:10); đợt 3, 15 - 20 ngày sau khi bón đợt 2, bón 0,2 - 0,3 kg NPK (12:7:20). Lưu ý, với những cây ổi to hơn và nhiều quả cần tăng lượng phân bón.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Lữ đoàn 134 Binh chủng Thông tin liên lạc chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: Hoàng Hiền 

Phương pháp và kỹ thuật bón: Phương pháp: Đào rãnh theo dạng vành khăn quanh tán cây (từ mép tán trở ra) rộng từ 0,2 - 0,3 m, sâu 0,3 - 0,4 m, nếu những vườn trồng dày thì đào rãnh đối xứng; đào rãnh vào những ngày nắng, hanh khô và phơi nắng được 3 - 5 ngày.

Kỹ thuật bón vôi bột, phân: Đối với vôi bột, sau khi đào rãnh xong để các vết đứt của rễ khô nhựa (sau khoảng 1 ngày) bón vôi  bột dưới  cùng, không trộn lẫn các loại phân, vôi bón trước các loại phân từ 2 - 3 ngày. Các loại phân (phân chuồng hoai mục + phân vô cơ đơn như: đạm, lân, kali hoặc kết hợp với một trong các loại phân đa yếu tố khác) trộn đều và bón theo tỷ lệ trên tương ứng với các loại cây, ưu ý bón phân trong những ngày nắng ráo. Bón phân xong tiến hành tưới nước đủ ẩm (khoảng 75 - 80%) để phân tan và cây hấp thụ từ từ. Không nên tưới quá nhiều nước bởi phân sẽ hòa tan và bị rửa trôi xuống tầng đất sâu, rễ không hấp thụ được. Ngoài ra, có thể phun bổ sung các phân bón qua lá như: phân bón lá Quế Lâm, AH Thanh Hà, Đầu Trâu, Sông Gianh...

Phòng trừ sâu bệnh hại

Sâu, bệnh hại thường tấn công mạnh đối với cây ăn quả sau khi thu hoạch qua các vết thương do thu hoạch, sức đề kháng của cây giảm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây vụ kế tiếp. Các loài sâu bệnh trên cây ăn quả thường gặp như: sâu đục thân, đục gốc, rệp sáp, rầy mềm, nhện đỏ, bọ xít, bệnh vàng lá, thối rễ… cần có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Cụ thể, đối với sâu đục thân, đục gốc cần chú ý quan sát tìm lỗ đục có phân còn mới. Dùng que sắt, dây thép nhỏ… chọc vào đường đục diệt sâu; hoặc dùng bơm tiêm bơm thuốc vào đường đục rồi bịt chặt bằng đất sét; quét Boóc-đô 5% để phòng nấm và hạn chế xén tóc đẻ trứng gây hại thân, gốc cây. Đối với sâu đục gốc, tìm vị trí sâu hoạt động ở phần thân cây sát mặt đất, dùng dao nhọn tìm theo vết sâu đục diệt sâu non hoặc bơm thuốc trừ sâu vào lỗ đục rồi dùng đất sét bịt kín lỗ. Ngoài ra, sử dụng các loại thuốc Taron 50 EC, Map Judo 25WP, Regent 5SC, Polytrin - P 440EC; Sherpa 25EC; Classico 480EC; Pyrinex 20EC… Đối với các loại rệp nên sử dụng thuốc hoá học như: Dầu khoáng, Map Winer 5WG, Map Green 6SL, Radiant 60SC, Alfamite 15EC, Oc- tur 5SC, Comite 73 EC, Nilmite 550EC… hay các thuốc sâu sinh học như: RV06, Bihoppe 200EC, Selecron 500EC, Rebio T... Với các bệnh thối rễ, nên sử dụng các sản phẩm vi sinh, hữu cơ, dinh dưỡng nano; các loại thuốc chuyên dùng để diệt nấm, tuyến trùng, kích rễ, dưỡng cây, cải tạo đất… và một số thuốc trừ nấm và tuyến trùng thường được sử dụng dể phòng trị bệnh vàng lá thối rễ như: Map Logic 90WP kết hợp bón phân vào rãnh, Mataxyl 500WP pha 1 g/lít - 16 g/bình 16 lít phun lên lá hoặc tưới, Ridomilgol 72 WP Pha 300 - 400 g trong 20 lít nước… Các loại thuốc trên có thể kết hợp cả phun đều tán lá và tưới đều phần đất quanh tán 2 lần cách nhau 7 ngày, sau 7 ngày cây ra rễ và phục hồi.

Trên đây là một số kỹ thuật cơ bản chăm sóc một số loại cây ăn quả sau thu hoạch, các đơn vị tham khảo và thực hiện đúng kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Công Phúc - Học viện Hậu cần