Lần đầu tiên tham gia Đoàn công tác thăm quân, dân trên Quần đảo Trường Sa, lại đúng vào mùa biển lặng và đẹp nhất trong năm, vậy nên cảm xúc của tôi cũng như các thành viên trong Đoàn càng thêm phấn khích, háo hức hơn. Sau hơn một ngày đêm vượt qua hàng trăm hải lý, băng qua biết bao con sóng xanh ì oạp nối đuôi nhau, tàu KN-491 đưa chúng tôi đến thăm cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo Sinh Tồn. Đúng như trời đất sinh ra và trường tồn vĩnh cửu với thời gian, trước mắt chúng tôi, đảo Sinh Tồn hiện ra như một thành phố thu nhỏ, tràn đầy sức sống giữa biển khơi đầy nắng, gió.
Ngay khi đặt chân lên đảo, đi qua cầu cảng, chúng tôi rất ấn tượng bởi một âu tàu khá rộng, có thể chứa tới hàng trăm tàu cá lớn neo đậu. Vào đến Trung tâm dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn, thuộc Hải đoàn 129, chúng tôi được đồng chí Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng, Chỉ huy trưởng Trung tâm dẫn đi tham quan khu nhà làm việc, nhà nghỉ của cán bộ, nhân viên và khu sửa chữa tàu, tăng gia sản xuất... Điều kỳ lạ là, trên đảo mặn mòi, khan hiếm nước ngọt, nhưng trong vườn đang trồng rất nhiều loại rau xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống. Anh Đăng cười hồn hậu và nói: “Để có vườn rau xanh tốt này, chúng tôi xây tường gạch xung quanh cao hơn 1m, rồi dựng 1 - 2 tấm tôn lên, làm khung bằng lưới để che chắn gió biển. Đất trồng thường xuyên được cải tạo. Chăm cây cầu kỳ lắm, anh em còn tận dụng đầu cá ủ kỹ làm phân bón cho cây. Thấy cây phát triển tốt, mỡ màng, phải đổ nhiều mồ hôi có xá gì. Lá rau mồng tơi, rau dền ở đây to bằng bàn tay, chỉ cần chục lá là đủ nấu một bát canh to “đãi tiệc” cho cả 5 - 6 người ăn…”.
Qua tìm hiểu được biết, tại đây không chỉ trồng các loại rau, củ, quả, Trung tâm còn thường xuyên nuôi gối đầu từ 3 đến 5 con lợn thịt và từ 70 đến 100 con gia cầm. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng khá vất vả. Con giống đều do đất liền cung cấp, vượt hàng trăm hải lý mới lên đến đảo. Những ngày đầu mới lên đảo, vật nuôi nôn mửa khắp chuồng, nằm bẹp một chỗ, không chịu ăn uống. Thời gian đầu, bộ đội chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên gia cầm chết nhiều. Về sau, cán bộ, chiến sĩ cho tách đàn, chăm sóc riêng, theo dõi đặc biệt để hồi phục những con gia cầm yếu hơn. Trên đảo, gia súc, gia cầm được chăm sóc cẩn thận, hằng ngày cho ăn 3 bữa bằng thức ăn dư thừa từ nhà ăn, nhà bếp đã nấu kỹ. Mặc dù chăn nuôi, trồng trọt rất khó khăn nhưng cán bộ, nhân viên luôn xác định phải luôn vượt khó để tự túc nguồn thực phẩm tại chỗ cung cấp trong bữa ăn, vừa hỗ trợ ngư dân khi cần thiết. Khó khăn nhất ở đây là nguồn nước ngọt, bộ đội phải chắt chiu từng giọt nước mưa, không chỉ dùng trong sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi mà còn cấp miễn phí cho ngư dân. Đồng chí Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng còn bật mí: “Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm hỗ trợ miễn phí cho hơn 100 lượt tàu cá hàng trăm kg rau, củ, quả và gạo, thịt lợn, gia cầm. Tiếp nhận gần 1.000 lượt người vào âu tàu tránh gió bão và xin hỗ trợ các dịch vụ. Tại đây, âu tàu cung ứng trên 15.000 lít dầu DO tính phí theo giá thị trường, cấp miễn phí gần 100.000 lít nước ngọt cho ngư dân. Mong muốn của cán bộ, nhân viên Trung tâm trong thời gian tới là được cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng nhà máy làm đá để cung cấp cho ngư dân, giúp họ vươn khơi, khai thác hải sản dài ngày.
Chia tay đảo Sinh Tồn, tôi đến Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ khai thác biển Đông được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ hoạt động từ tháng 5-2005. Với diện tích hơn 8ha cùng cơ sở hạ tầng đồng bộ, Trung tâm có đủ hội trường, khu nhà làm việc, ngủ nghỉ, kho hàng, nhà máy nước đá, kho lạnh, kho đông, triền đà, xưởng cơ khí được trang bị máy phát điện phục vụ sinh hoạt và sửa chữa tàu, thuyền bị hư hỏng. Xưởng cơ khí của Trung tâm được trang bị nhiều máy hiện đại như: Máy hàn, khoan, tiện, phay bào để phục vụ công tác sửa chữa. Ngoài ra, còn được trang bị các thiết bị, dụng cụ cứu hỏa, cứu sinh, thiết bị lặn… phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Theo chân anh Nguyễn Tư Lúa, Quản đốc Phân xưởng sản xuất nước đá, chúng tôi được “mục sở thị” “cỗ máy” có công suất gần 900 cây đá/ngày để phục vụ ngư dân. Vừa điều chỉnh hệ thống điều khiển xong, anh Lúa trò chuyện với chúng tôi: “Trung tâm được đầu tư hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt với công suất 50m3 nước ngọt mỗi ngày. Kết hợp sử dụng nước lọc và nước mưa dự trữ trong hầm chứa dung tích hơn 4.000m3, chúng tôi đáp ứng cơ bản đủ nhu cầu đá lạnh cho các tàu, thuyền bảo quản hải sản trong điều kiện đánh bắt dài ngày”.
|
|
Phân xưởng sản xuất nước đá ở Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây. |
Đến thăm các tàu cá đang tránh, trú trong âu tàu đảo Đá Tây, cánh phóng viên chúng tôi được ngư dân chào đón nồng hậu. Các anh còn mở tủ bảo quản, lấy “sản vật” của biển là những gói cá cơm “sạch” dúi vào tay phóng viên: “Tặng “đất liền”, đồng chí đừng chê nhé!”. Anh Nguyễn Văn Lầm, ngư dân ở xã Cá Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cười hiền và nói: “Tàu cá chúng tôi ghé âu tàu Đá Tây để tránh trú, tiếp thêm dầu, đá và bổ sung các nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chuyến đánh bắt hải sản dài ngày trên biển. Coi các đồng chí trên đảo như người nhà, âu tàu như “ngôi nhà chung” của chúng tôi. Kết thúc chuyến ra khơi, chúng tôi lại theo ánh đèn hải đăng để “về nhà”, được hỗ trợ đá cây, nước ngọt miễn phí, mua dầu diezel rẻ hơn mua trên bờ, giúp ngư dân tiết kiệm nhiều công sức, tiền bạc, an tâm vươn khơi đánh bắt cá, bớt nỗi lo khi bão ập đến”.
Đồng chí Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên đảo Đá Tây A chia sẻ: “Những năm qua, công tác dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo từng bước hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng ngàn tàu cá của ngư dân đánh bắt, khai thác trên vùng biển Trường Sa, nhà giàn DK1. Các dịch vụ ưu tiên, ưu đãi của Công ty đã mang lại niềm tin, là chỗ dựa vững chắc, địa chỉ tin cậy cho ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, khai thác nguồn lợi thủy sản. Đồng thời khẳng định sự hiện diện thường xuyên của ta trên vùng biển thuộc chủ quyền biển, đảo Việt Nam”.
Tiếp tục hải trình, chúng tôi đến đảo Trường Sa. Nơi đây có Trung tâm dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật Âu tàu đảo Trường Sa thuộc Hải đoàn 129 cũng là điểm dừng chân lý tưởng cho các tàu cá vượt qua quần đảo bão tố. Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao, vì vậy, trong âu tàu có nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên... đến khai thác thủy, hải sản. Cách thị trấn Trường Sa không xa là Trung tâm dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật Âu tàu đảo Trường Sa. Chúng tôi gặp đồng chí Thiếu tá Trần Cộng Hòa, Chỉ huy trưởng Trung tâm đang chỉ đạo nhân viên sắp xếp tàu, thuyền neo đậu mới cập cảng trong âu tàu. Nhiệt huyết và hào sảng, vừa làm, anh vừa nói: “Tàu thuyền được neo đậu, cập cảng miễn phí, chúng tôi còn cung cấp nước ngọt miễn phí cho ngư dân. Bên cạnh đó, Trung tâm có dịch vụ thu mua hải sản với giá thỏa thuận và bán một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ ngư dân…”.
Đồng chí Hòa đưa chúng tôi đi một vòng quanh "ngôi nhà chung". Nơi đây có 3 cầu cảng cung cấp dịch vụ tiện ích, 3 dãy nhà Làng Chài với 48 phòng ở, khu vệ sinh khép kín, mỗi phòng được trang bị 4 giường tầng và 2 tủ quần áo. Bếp ăn Làng Chài được trang bị đầy đủ dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm và bếp nấu công nghiệp, có khả năng phục vụ cùng lúc 200 người ăn. Anh còn đưa chúng tôi tham quan nhà xưởng, kho rộng khoảng 350m2 được trang bị đầy đủ máy móc chuyên dụng hiện đại phục vụ sửa chữa tàu, thuyền như: Máy cán, cắt tôn, hàn, tiện, cân chỉnh kim phun. Trung tâm còn có đội ngũ kỹ sư, thợ sửa chữa tàu biển tận tụy, kinh nghiệm lành nghề, vì vậy, ngư dân được sửa chữa tàu miễn phí nhân công và vật tư thông thường. Năm vừa qua, Trung tâm đã sửa chữa thành công 36 tàu cá ngư dân, trong đó, có trường hợp cứu hộ, cứu nạn được cứu kéo vào âu tàu chống chìm, sửa chữa, khắc phục sự cố hư hỏng rất nặng. Gắn bó với biển nhiều năm qua, anh trầm ngâm: “Đồng hành với ngư dân, thương ngư dân mình nhiều lắm. Anh em mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió, cực lắm! Càng thương, chúng tôi thấy mình càng phải nỗ lực nhiều hơn, xác định tư tưởng vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…”.
Tìm hiểu được biết, tại khu vực Quần đảo Trường Sa, ngoài âu tàu đảo Sinh Tồn, Đá Tây, Trường Sa, còn có âu tàu đảo Song Tử Tây cũng có khả năng chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn neo đậu đảm bảo an toàn. Tại đây, Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá của Hải đoàn 128 cũng là điểm tựa tin cậy, vững chắc cho ngư dân đánh bắt hải sản. Trung bình hằng năm, âu tàu đảo Song Tử Tây đón hàng trăm lượt tàu; cung cấp hàng nghìn mét khối nước ngọt miễn phí, hàng chục nghìn lít dầu DO và số lượng lớn lương thực, thực phẩm cho ngư dân với giá bằng trong đất liền; đưa hàng trăm lượt ngư dân lên đảo khám, chữa bệnh miễn phí, giúp họ yên tâm khai thác thủy hải sản, đồng thời cùng các lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thật khó nói hết được cảm xúc của những người lần đầu tiên như chúng tôi tham gia Đoàn công tác thăm, tìm hiểu đời sống của quân, dân trên huyện đảo Trường Sa và “những ngôi nhà chung” giữa biển khơi. Nhưng khẳng định việc xây dựng các âu tàu neo đậu, tránh trú bão an toàn kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế gia đình từ biển. Hy vọng thời gian tới, các trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật nghề cá sẽ được đầu tư xây dựng quy mô lớn hơn, trang bị nhiều thiết bị làm đá, chế biến để hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác hải sản xa bờ và còn là “cột mốc sống” trên biển Đông, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: THANH TÚ