Đa số bệnh nhân mắc ung thư vùng đầu cổ thường nhạy cảm với tia xạ. Sau một thời gian xạ trị có những biến đổi về giải phẫu (thay đổi kích thước các tổn thương đích và các tổ chức lành), thay đổi về không gian (các tổ chức lành như tuyến nước bọt có thể di chuyển gần đến vùng liều cao). Những biến đổi này không thể đánh giá được nếu chỉ lập kế hoạch xạ trị 1 pha thông thường.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Thiếu tá, Bác sĩ Trần Văn Tôn khám bệnh cho bệnh nhân ung thư đầu cổ.

Để giải quyết vấn đề trên cần hiệu chỉnh, lập lại kế hoạch xạ trị thích ứng với những thay đổi về giải phẫu các tổn thương đích và các tổ chức lành. Nhóm nghiên cứu tiến hành cải tiến quy trình xạ trị điều biến liều 1 pha thông thường theo quy định của Bộ Y tế; xây dựng quy trình xạ trị điều biến liều thích ứng 2 pha đối với bệnh nhân ung thư đầu cổ, gồm các bước:

Bước 1: Chụp CT mô phỏng lập kế hoạch xạ trị điều biến liều lần 1 (giống quy trình xạ trị điều biến liều thông thường). Bước 2: Thực hành xạ trị điều biến liều theo kế hoạch lần 1 tới khi kết thúc 15 phân liều xạ trị. Bước 3: Chụp CT mô phỏng lần 2, lập kế hoạch xạ trị điều biến liều thích ứng pha 2 và kế hoạch xạ trị trung gian. Kế hoạch này thích ứng với những thay đổi của các tổn thương đích và các tổ chức lành nên được gọi là kế hoạch xạ trị thích ứng. Bước 4: Thực hành xạ trị điều biến liều theo kế hoạch xạ trị thích ứng pha 2 cho tới khi đạt tổng liều chỉ định.

So với quy trình xạ trị điều biến liều thông thường, tính sáng tạo thể hiện từ bước thứ 3. Với sự cải tiến này, từ quy trình xạ trị điều biến liều 1 pha thông thường, Nhóm đã thiết lập quy trình xạ trị điều biến liều thích ứng 2 pha. Đồng thời thiết lập kế hoạch xạ trị trung gian cho phép đánh giá liều hấp thụ bức xạ thực tế tại các thể tích xạ trị và các tổ chức lành nếu chỉ tiến hành xạ trị điều biến liều 1 pha đơn thuần. Các vùng thể tích, thông số kỹ thuật của kế hoạch xạ trị và tiêu chuẩn phân bố liều lượng sử dụng trong kỹ thuật này đều tuân thủ tiêu chuẩn của Hiệp hội Xạ trị ung thư Hoa Kỳ và Ủy ban Quốc tế về đo lường và đơn vị bức xạ, không gây tai biến, biến chứng.

Sáng kiến đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ/Học viện Quân y nghiệm thu, cho phép thực hiện thường quy đối với các bệnh nhân ung thư đầu cổ tại Bệnh viện quân y 103; bước đầu chuyển giao cho một số bệnh viện tại tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh... Sáng kiến đoạt giải Nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân lần thứ 23.

 Bài, ảnh: TÚ ANH