Gùi xăng qua trọng điểm

Năm 1967, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt hệ thống dự trữ, cung cấp nhiên liệu của ta. Lúc này, Đoàn 559 có trên 2.000 xe vận tải nhưng do thiếu xăng, chỉ sử dụng từ 50 - 60%, thậm chí chỉ đủ xăng cho khoảng 20 - 30% xe hoạt động. Trước tình hình trên, Đoàn Hồng Hà - đơn vị vận tải thủy thuộc Cục Vận tải/Tổng cục Hậu cần được giao nhiệm vụ bí mật đưa 270 tấn xăng từ Hải Dương vào Thanh Hóa giao cho Binh trạm 10 tiếp chuyển lập chân hàng cho Đoàn 559. Sau gần 1 tháng, Đoàn Hồng Hà hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 140% kế hoạch, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nhờ đó, Đoàn 559 có xăng dầu bảo đảm cho Kế hoạch vận chuyển mùa khô năm 1967 - 1968 thắng lợi.

Ngày 31-3-1968, Giôn-xơn tuyên bố ném bom hạn chế miền Bắc. Chúng áp dụng chiến thuật chặt đứt giao thông ở các trọng điểm, hòng băm nát khu vực "cán xoong" dài gần 200km từ Vĩ tuyến 19 trở vào. Trên  địa bàn Khu 4, tháng 3, địch đánh phá trên 5.000 lượt, tháng 4 tăng lên 7.000 lượt. Ngoài ra, địch gia tăng mức độ đánh phá cơ sở kho tàng, lực lượng vận tải, xăng dầu. Do vậy, công tác vận tải gặp khó khăn, nhất là ô tô vận chuyển xăng dầu. Gần nửa tháng, Đoàn 559 không còn xăng cho xe hoạt động. Kế hoạch dồn chân hàng ra phía trước trong mùa mưa để mùa khô vận chuyển lớn cho chiến trường miền Nam có nguy cơ trì hoãn.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tư lệnh 500 chỉ thị cho Binh trạm 12, 14 và các lực lượng vận tải phía sau bằng mọi giá đưa xăng dầu vượt Trường Sơn giao cho Đoàn 559. Cửa khẩu Binh trạm 12, nơi gặp nhau giữa Đường 15 và Đường 12 là một hiểm địa, nơi đây, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu. Địch trút xuống từ ngã 3 Khe Ve đến đèo La Trọng hàng nghìn quả bom các loại. Đất đá đổ xuống, gặp nước nhão ra tạo nên vùng bùn lầy dài hàng ki-lô-mét. Muốn giao xăng cho Đoàn 559 phải vượt qua vùng lầy nguy hiểm này, có nhiều bom, mìn chưa nổ.

Trước khó khăn trên, cán bộ, chiến sĩ Binh trạm 12 nghĩ ra cách làm đường ống dẫn xăng tự tạo vượt qua vùng lầy bằng cách huy động ống nước, ống cao su, dùng tấm tôn cuốn lại hàn thành ống, chưa  đủ  thì  dùng ống bương,ống tre. Phía Bắc dùng 3 máy bơm đẩy xăng lên đèo La Trọng. Trên đỉnh đèo, cán bộ, chiến sĩ xăng dầu thiết kế bể chứa bằng phuy 200 lít, có van để điều tiết tự chảy xuống phía Nam đèo. Sau 10 ngày, tuyến đường ống tự tạo hoàn thành và vận hành xăng vượt qua đèo. Với phương tiện thô sơ tự tạo, sau vài ngày vận hành bị trục trặc do đoạn ống bương ngấm xăng tóp lại, làm dòng chảy hẹp phá vỡ mối nối. Cán bộ, chiến sĩ xăng dầu thay thế bằng đoạn ống khác để vận hành liên tục. Tuy thất thoát khá lớn nhưng đường ống kỳ lạ này tồn tại suốt 2 tháng, đưa trên 150 tấn xăng vượt trọng điểm vào phía trong.

Bên cạnh việc vận chuyển xăng dầu bằng tuyến ống bương, Binh trạm 12 còn dùng phương pháp Kiệu xăng, bằng cách  lấy vỏ phuy 100 lít nạp đầy xăng rồi chằng buộc như chiếc kiệu để 4 chiến sĩ khiêng qua bãi lầy. Trong 2 ngày liền, Binh trạm giao được 2 xe xăng cho Tuyến 559, nhưng có 3 chiến sĩ hy sinh do trúng mìn và tai nạn.

Chiến trường miền Nam rất cần sự chi viện xăng dầu, nhưng đường vận chuyển vẫn bế tắc, cán bộ, chiến sĩ Binh trạm 12 phải gùi,  cõng  xăng  qua  trọng điểm 468. Xăng được gói trong túi nilon cho vào ba lô để bộ đội gùi. Qua 1 ngày vượt bom đạn địch, hơn 400 người đeo ba lô chứa đầy xăng vượt qua bùn lầy giao 10m3 xăng cho kho. Nhưng do ba lô bị ngấm xăng làm hơn 40 chiến sĩ bị bỏng, lưng phồng rộp, ngộ độc, 2 người hy sinh.

Ở tuyến sông Nhật Lệ thuộc Binh trạm 16 cũng bị địch khống chế gắt gao bằng bom từ trường. Binh trạm phải dừng vận chuyển bằng ca nô, sử dụng thuyền gỗ, thuyền nan để chở xăng dầu nhưng vẫn bị vướng bom. Bộ đội phải dùng tàu phá bom từ trường mới khai thông được tuyến. Trên đoạn từ ngã 3 sông Gianh vào sông Son, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ suốt ngày đêm dầm mình dưới nước dùng dây thép gông 40 phuy xăng thành mảng, vừa đẩy, vừa chèo hoặc kéo xăng ngược dòng trong điều kiện địch đánh phá ác liệt. Đến ngày 13-8-1968, Binh trạm đưa 1.500 phuy xăng đến Cường Hà, đây là cách làm sáng tạo của bộ đội Xăng dầu.

Cùng thời gian này, ở Binh trạm 14, việc chuyển xăng qua trọng điểm rất khó khăn, không thể đưa xăng vào chiến trường. Các đoạn đường hiểm yếu mỗi ngày hứng từ 30 - 40 trận bom, khiến đường đứt đoạn, xe không thể qua. Binh trạm lợi dụng dòng chảy, buộc dây vào phuy xăng để 2 người kéo dọc theo suối vòng qua các trọng điểm. Đêm đầu, địch ném bom trúng 2 phuy xăng, lửa bốc cháy dữ dội, máy bay địch phát hiện tập trung đánh phá, 20 phuy xăng được kéo qua trọng điểm nhưng có 9 chiến sĩ hy sinh, 7 người bị thương. Đêm thứ 2 kéo được 30 phuy, nhưng 29 người hy sinh. Giá phải trả quá đắt nhưng trước yêu cầu cấp bách của chiến trường, việc vận chuyển xăng dầu không thể dừng lại.

leftcenterrightdel

Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu 

Các binh trạm cửa khẩu gặp khó khăn nên trong tháng 8-1968 tuyến Trường Sơn mới nhận được 20 tấn xăng. Xăng thiếu nghiêm trọng, lực lượng cơ giới trên tuyến gần như ngừng hoạt động. Hàng hóa, vũ khí, đạn, nhất là lương thực, thực phẩm không đưa được vào sâu chiến trường, một số nơi lương thực thiếu, bộ đội bị đói. Lúc này, tại kho Binh trạm 31 còn 31 tấn xăng, Bộ Tư lệnh 559 chỉ thị cho Binh trạm phải gấp rút đưa xăng vào Lùm Bùm. Cán bộ, chiến sĩ Binh trạm nhanh chóng triển khai kết xăng thành mảng, rồi đẩy theo dòng Nậm Ngo, Nậm Hơ đến Seng Pheng. Tại đây, các phuy xăng tiếp tục được vần bộ trên quãng đường 20km, chuyển qua sông Sê-Băng- Phai rồi tiếp tục kéo bộ 20km vào Tha-pa-chôn giao cho Binh trạm 32 chuyển về Lùm Bùm. Qua gần 1 tháng vất vả, tất cả số xăng trên đã đến đích.

Với thành tích đó, bộ đội Xăng dầu góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi chủ trương kiên quyết đẩy mạnh vận tải cơ giới trên toàn tuyến Trường Sơn đáp ứng yêu cầu chi viện chiến trường.

Những tuyến ống đầu tiên

Cuối năm 1967, Tuyến vận tải 559 hình thành đường cơ giới từ Đường 12 vượt Đường 9 đến Tha Mé, Bạc. Do vậy, lượng tiêu thụ xăng dầu đòi hỏi ngày càng lớn. Theo dự kiến, năm 1968 có thể cần tới 12.000 tấn/tháng, nhu cầu xăng dầu rất lớn, nhưng địch đánh phá ác liệt. Việc bảo đảm, vận chuyển khối lượng lớn xăng dầu bằng xe xi-tec và phuy 200 lít vượt đường dài, qua nhiều trọng điểm đánh phá của địch rất khó khăn, tổn thất lớn. Trước tình hình trên, Cục Xăng dầu đề xuất với Tổng cục Hậu cần đề nghị với cấp trên và Nhà nước xin nhập đường ống vận chuyển xăng dầu của Liên Xô. Theo đề nghị của Chính phủ ta, tháng 9-1967, bộ đường ống dã chiến thứ nhất do Liên Xô viện trợ được chuyển sang. Đây là bộ đường ống dã chiến, thường trang bị cho các tập đoàn quân của quân đội Liên Xô thực hiện nhiệm vụ cấp chiến dịch, hết nhiệm vụ tháo rời, cất giữ bảo quản. Bộ đường ống trên có chiều dài 100km, gồm các ống thép tráng kẽm đường kính 100mm, dài 6m, nối với nhau bằng gioăng, ngoàm, thuận tiện khi tháo lắp, vận chuyển. Tháng 11-1967, việc tiếp nhận bộ đường ống hoàn tất. Tháng 12-1967, 2 chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam trực tiếp hướng dẫn bộ đội ta sử dụng. Tiếp đó, bộ đường ống thứ 2 được tiếp nhận. Trong đợt đầu, Liên Xô viện trợ cho ta 200km đường ống dã chiến cùng 20 máy bơm PNU 35/70.

Theo chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đường  ống dã chiến phải là phương thức vận chuyển bảo đảm xăng dầu cho Tuyến vận tải chiến lược 559, tiến tới bảo đảm cho các quân binh chủng hành quân vào chiến trường, nhất là những nơi trọng yếu địch đánh phá ác liệt, việc vận chuyển bằng xe xi-tec, xe chở phuy bị ngăn chặn. Tổng cục dự kiến lắp đặt tuyến ống trên chặng từ R (Xóm Cục) đến S (Lùm Bùm). Trước mắt, xây dựng tuyến đường ống tại khu vực Tam giác lửa Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm. Theo đó, thành lập các đội khảo sát có nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, xác định vị trí sở chỉ huy công trình, vị trí tập kết thi công tuyến ống. Cùng lúc, Tổng cục Hậu cần tổ chức các đơn vị vận chuyển trang, thiết bị phục vụ công trình đường ống.

Ngày 20-4-1968, Tổng cục Hậu cần thành lập Công trường 18 đảm nhiệm việc thi công tuyến ống xăng dầu trên địa bàn Quân khu 4. Trước mắt, Công trường 18 xây dựng Công trình X42 (tuyến ống dài 42km) vượt qua vùng Tam giác lửa. Các K (tương đương đại đội) được phân công như sau: K1 thi công tuyến Truông Băng (Nam Thanh) đến Nam Lâm (Nam Đàn); K2 thi công tuyến Nam Đông đến Đức Trường (Đức Thọ); K3 thi công tuyến Đức Phong đến Nga Lộc (Can Lộc); K4 thi công vượt sông Lam (tại Vạn Rú) và sông La (tại Đức Trường). Đêm 12-6-1968, toàn bộ lực lượng của Công trường 18 rời Hà Nội hành quân vào Quân khu 4. Vượt qua các trọng điểm đánh phá của địch, cuộc hành quân cấp tốc của hơn 400 người, trong đó có 240 cán bộ, công nhân của Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Thủy lợi, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, công nhân xây dựng khu Nam Hà Nội vào tuyến lửa an toàn.

Đúng 18 giờ ngày 22-6-1968, toàn công trường xuất kích ra hiện trường. Tại bến đò Vạn Rú bên dòng sông Lam cách trọng điểm Rú Trét (nơi địch thường xuyên đánh phá) khoảng 500m, các lực lượng đã sẵn sàng. Phía bờ Bắc, các ống được lắp nối vào nhau, đầu ống lắp cút chữ T và được giấu kín trong bãi ngô ven sông. Nhóm thợ lặn kéo sợi dây cáp qua sông. Đúng 21 giờ, hiệu lệnh vượt sông bắt đầu. Bên bờ Bắc, đoạn ống đường đẩy ra bờ sông, đầu ống lắp cút chữ T được buộc vào sợi dây cáp để kéo sang bờ Nam. Hàng trăm người hợp lực cùng sức kéo của chiếc xe GAT-69 kéo ống từ từ sang sông. Do trục trặc, dù bên hai bờ, xe ôtô và hàng trăm người bên kéo, bên đẩy nhưng đường ống không nhúc nhích. Chỉ huy công trường cho thuyền chở thợ lặn ra giữa sông để kiểm tra đường ống, phát hiện đầu ống rúc xuống bùn dưới lòng sông, không di chuyển được. Chỉ huy công trường sử dụng lực lượng thợ lặn, dùng dây kéo đầu ống nâng lên, rồi từ từ kéo về phía bờ Nam. Qua 1 đêm vật lộn với sắt thép, sông nước, dưới làn bom đạn địch, đến 5 giờ sáng 23-6, tuyến 500m đường ống vượt sông Lam an toàn.

Tại K1, K2, K3, khí thế ra quân rất hào hứng. Trong dây chuyền đào tuyến, rải ống, lắp ráp, chôn ống, ngụy trang, bộ đội và dân công thi đua lao động. Trong điều kiện phải giữ bí mật tuyệt đối, tránh địch trinh sát đánh phá, khi đào tuyến ở những nơi trống trải, mọi người phải mặc áo tơi giống như người dân làm việc ngoài đồng. Để đảm bảo an toàn khi thi công, tại những nơi ruộng khô, ban ngày người dân đưa trâu ra cày vạch đường chuẩn, đến đêm lực lượng thi công theo đường cày đào tuyến, rải ống và lắp ráp. Nếu gặp ruộng lúa nước thì ban ngày nhân dân cùng bộ đội cắm vè làm cọc tiêu; đến tối, lực lượng thi công đường ống đến nhổ lúa, vét bùn, chôn ống rồi cấy lúa lên trên để ngụy trang. Đêm thi công, ngày rút kinh nghiệm, vì vậy, năng suất lao động không ngừng tăng. Cứ như vậy, tuyến đường ống xuyên ngầm trong lòng đất qua các cánh đồng, men theo sườn đồi nhanh chóng nối các K thành một hệ thống hoàn chỉnh.

Sau 45 ngày đêm vất vả, lực lượng thi công của Công trường 18 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng Công trình X42, gồm hệ thống tuyến ống, trạm bơm, kho chứa, đường dây thông tin với tổng chiều dài 42 km vượt qua sông Lam và sông La, qua các trọng điểm đánh phá của địch. Ngày 10-8-1968, dòng xăng theo đường ống chui ngầm dưới đất, xuyên qua lòng sông, men theo bờ ruộng, chân đồi từ Nam Thanh chảy vào tới Nga Lộc. Tại kho Nga Lộc, cán bộ, chiến sĩ Công trường 18 tiếp nhận những phuy xăng đầu tiên. Từ đây, việc bảo đảm xăng dầu được đầy đủ hơn, đáp ứng nhu cầu cho các phương tiện và binh khí kỹ thuật hoạt động trên chiến trường.

Đại tá, PGS, TS DƯƠNG HỒNG ANH, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự