Theo Khoản 2 và Khoản 3 Điều 30 Thông tư số 136/2020/TT-BQP ngày 29-10-2020 quy định thời hạn giải quyết hồ sơ hưởng BHXH một lần ở các cấp như sau: Trong thời hạn 5 ngày đối với cấp trung đoàn và tương đương, 5 ngày đối với cấp sư đoàn và tương đương, 5 ngày đối với đơn vị trực thuộc Bộ, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ hưởng chế độ BHXH một lần, cơ quan nhân sự hoàn chỉnh hồ sơ gửi BHXH BQP. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, BHXH BQP hoàn thành việc ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với người lao động. Thời hạn trao quyết định hưởng trợ cấp BHXH một lần đến người lao động trước ngày người lao động phục viên, xuất ngũ, thôi việc tối thiểu là 5 ngày (đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ, gửi BHXH BQP trước ngày người lao động phục viên, xuất ngũ, thôi việc tối thiểu là 30 ngày).

Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ: Sau 15 ngày, kể từ ngày thủ trưởng đơn vị đầu mối trực thuộc BQP ký quyết định xuất ngũ, cơ quan nhân sự các đơn vị trực thuộc BQP tổng hợp hồ sơ theo quy định gửi về BHXH BQP để có cơ sở xác nhận quyết toán và cấp kinh phí chi BHXH cho đơn vị.

*Quy định thời hạn giải quyết hưởng chế độ ốm đau trong BQP?

Theo Điều 7 Thông tư số 136/2020/TT-BQP ngày 29-10-2020 quy định thời hạn giải quyết hưởng chế độ ốm đau trong BQP như sau: Trong  thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, người sử dụng lao động hoàn thành việc giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động. Đối với trường hợp hồ sơ không được giải quyết thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho người lao động biết bằng văn bản và nêu rõ lý do.

*Quy định việc điều chỉnh nhân thân trên sổ BHXH để giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động trong BQP?

Theo Điều 37 Thông tư số 136/2020/TT-BQP ngày 29-10-2020 của Bộ trưởng BQP hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ BHXH trong BQP quy định việc điều chỉnh nhân thân trên sổ BHXH để giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động trong BQP như sau: Áp dụng đối với người lao động thôi phục vụ tại ngũ theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà nhân thân trong sổ BHXH không thống nhất với giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu hoặc thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh thư; cá nhân có nguyện vọng điều chỉnh.

Hồ sơ gồm: Sổ BHXH; đơn đề nghị theo mẫu; công văn của thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ; giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu hoặc thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân. Cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương khi lập hồ sơ giải quyết chế độ BHXH có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định trên, gửi cùng hồ sơ giải quyết chế độ BHXH đến cơ quan nhân sự cấp trên cho đến BHXH BQP.

*Thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội đang tại ngũ có phải tham gia đóng bảo hiểm y tế (BHYT) không?

Theo Khoản 13 Điều 3 Nghị định số 146/2018/ NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội đang tại ngũ nếu chưa tham gia BHYT thì được tham gia BHYT theo quy định và do ngân sách nhà nước đóng, gồm: cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân của vợ hoặc của chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 06 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.

BAN BIÊN TẬP