Khu vực biên giới tỉnh Hà Giang (gồm 34 xã, thị trấn thuộc 07 huyện biên giới). Đây là địa bàn có địa hình dốc, đường sá đi lại rất khó khăn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, với 19 dân tộc (trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 60%), trình độ dân trí không đồng đều, tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu; KT - XH chậm phát triển, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Mặt khác, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, di cư tự do, xuất nhập cảnh trái pháp luật diễn biến phức tạp.

Thực hiện Chỉ thị số 572-CT/QUTW ngày 5-10-2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, nhiều năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy (BCH) BĐBP tham mưu với Tỉnh ủy thực hiện thành công nhiều chương trình, kế hoạch, hoạt động hỗ trợ người dân phát triển KT-XH, gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ biên giới. Kết quả nổi bật là:

Từ năm 2018 đến 2023, Đảng ủy BCH BĐBP tham mưu, đề xuất, giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân triển khai các dự án bố trí, sắp xếp ổn định khu dân cư biên giới; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các điểm dân cư gần đồn, trạm biên phòng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng BĐBP Tỉnh đã chủ động tham gia 10 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người. Thực hiện mục  tiêu phát  triển  KT-XH gắn với xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, BCH BĐBP phối hợp với sở, ban, ngành địa phương chỉ đạo các huyện biên giới thực hiện thành công 5 dự án phát triển KT-XH với tổng mức đầu tư trên 150 tỉ đồng. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, hộ gia đình, mở rộng quy mô trồng lúa nước, cây lương thực; duy trì hiệu quả hoạt động kết hợp quân - dân y; xây dựng đường giao thông nông thôn và công trình phúc lợi dân sinh.

leftcenterrightdel
 Chiến sĩ Đồn biên phòng Xín Mần chăm sóc vườn rau chuyên canh. Ảnh: Lương Thảo

Thông qua chương trình phát triển KT-XH, BĐBP Tỉnh phối hợp với các cơ quan, ngành địa phương, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 313, vận động tổ chức xã hội, cá nhân, nhà tài trợ ủng hộ thêm kinh phí xây dựng được trên 180 ngôi nhà “Đại đoàn kết” và 30 ngôi nhà “Mái ấm Chữ thập đỏ - Biên phòng” tặng các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng; xây dựng 2 điểm trường với tổng kinh phí trên 7 tỉ đồng. Cùng với đó, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ BĐBP Tỉnh còn tích cực ủng hộ hơn 1.400 ngày công lao động và kinh phí tham gia xây dựng hàng chục công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp nước sạch, điện sinh hoạt phục vụ gần 4.500 hộ gia đình. Cùng với các hoạt động trên, hằng năm, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật đề xuất với BCH phối hợp với các địa phương, trạm y tế xã tổ chức khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm hộ gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn… trong dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, Quân đội. Bên cạnh đó, hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các trạm xá trên địa bàn biên giới khó khăn với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng.

leftcenterrightdel
 Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: CTV

Với mục tiêu tạo điều kiện tối đa để người dân vùng biên vươn lên thoát nghèo bền vững, BCH BĐBP Tỉnh ban hành Nghị quyết số 26/NQ-ĐU ngày 28-12-2022 và Kế hoạch số 224/KH-BCH ngày 2-2-2023 về lãnh đạo thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất (TGSX), chế biến trong Quân đội đảm bảo phù hợp, an toàn, bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030” trong BĐBP tỉnh Hà Giang. Trên cơ sở Nghị quyết, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, đồn tổ chức phát triển TGSX đảm bảo hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ phục vụ bữa ăn hằng ngày. Các đơn vị tận dụng tối đa diện tích đất đai, chuồng trại hiện có, đầu tư kinh phí, quy hoạch lại, xây dựng vườn, giàn, ao, chuồng cơ bản để phát triển chăn nuôi, trồng trọt quy mô phù hợp. Hiện nay, các đồn, đơn vị đều có khu TGSX tập trung được xây dựng cơ bản, chắc chắn, có thể tổ chức phát triển chăn nuôi, trồng trọt tập trung phù hợp với khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, các đồn, đơn vị tự túc 100% nhu cầu rau xanh, từ 70 - 80% nhu cầu thịt lợn, gia cầm… trong bữa ăn bộ đội hằng ngày, giá thấp hơn thị trường từ 10 - 15%. Những mô hình chăn nuôi, trồng trọt còn là nơi tham quan sinh động để bà con học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô hộ gia đình.

Cùng với việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt tại các đơn vị, trong 10 năm qua, BĐBP Tỉnh tích cực hướng dẫn, tuyên truyền cho Nhân dân thay đổi tư duy, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt đảm bảo năng suất, hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập cho người dân. Kết hợp các nguồn kinh phí theo chương trình, dự án phát triển KT - XH trên cấp, BĐBP Tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức xã hội vận động doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ kinh phí mua và bàn giao gần 2.100 con bò nái giống cho hộ nghèo. Từ số lượng con giống ban đầu, sau 10 năm đã sinh sản được trên 10.000 con bò, giúp bà con phát triển quy mô chăn nuôi gia súc, góp phần giảm nghèo bền vững. Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi, các đơn vị trong BĐBP Tỉnh còn ủng hộ trên 6.000 ngày công và trên 150 triệu đồng để giúp đỡ, hỗ trợ hàng chục hộ gia đình cải tạo vườn tạp, mua phân bón, cây giống. Các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể hướng dẫn hộ gia đình vay vốn theo quy định (30 triệu đồng/hộ) để thực hiện dự án được phê duyệt. Tính đến hết tháng 12-2023, có hàng trăm hộ gia đình thoát nghèo, thu nhập ổn định từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây lương thực, hoa màu, cây dược liệu. Nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp hộ gia đình, hằng năm, tỉ lệ hộ nghèo các huyện biên giới giảm từ 6-7%, một số xã thuộc huyện Xín Mần, Thanh Thủy... đạt tiêu chí nông thôn mới.

Song song với các hoạt động xây  dựng  công  trình  cơ  sở  hạ tầng và phát triển kinh tế nông nghiệp, năm 2022, Tỉnh đoàn Hà Giang phát động Chương trình “Thắp sáng vùng biên” tại 34 xã, thị trấn thuộc 07 huyện biên giới. Trên cơ sở đó, BCH BĐBP Tỉnh phát động cho 100% cán bộ, nhân viên trong độ tuổi đoàn và đoàn viên hưởng lương ủng hộ. Trong đó, cán bộ trong độ tuổi đoàn, đoàn viên hưởng lương ủng hộ tối thiểu 50.000đồng/người; đoàn viên thanh niên không hưởng lương ủng hộ tối thiểu 5.000đồng/người. Với cách làm này, Đoàn cơ sở BCH BĐBP Tỉnh tiếp nhận tiền ủng hộ trên 8,2 triệu đồng.

Cùng với đó, BCH BĐBP phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Giang vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ Chương trình kinh phí, vật chất để thiết kế, lắp đặt hệ thống bóng đèn năng lượng mặt trời. Đối với các huyện đoàn chỉ đạo 100% đoàn cơ sở xã, thị trấn tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, mục tiêu của Chương trình “Thắp sáng vùng biên” đến các chi đoàn, đoàn viên, thanh niên. Đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí, vận động doanh nghiệp, tổ  chức  xã  hội  ủng  hộ kinh phí, vật chất cho Chương trình. Phòng Hậu cần-Kỹ thuật được BCH BĐBP Tỉnh giao trách nhiệm khảo sát, thiết kế, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật, giúp các đơn vị phối hợp với địa phương lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả. Trong đó, tập trung lắp đặt tại các chốt, trạm kiểm soát biên phòng, đồn biên phòng,  tuyến đường  tuần tra biên giới và một số thôn, bản giáp biên.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song đến hết quý I-2024, Đoàn Thanh niên BĐBP Tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Giang và các huyện biên giới tổ chức lắp đặt xong 170 cột, bóng đèn năng lượng mặt trời với tổng kinh phí 525 triệu đồng. Trong đó, tại các đồn biên phòng 37 cột; tổ, trạm kiểm soát 66 cột; thôn giáp biên giới 67 cột. Với hệ thống đèn năng lượng mặt trời hiện nay thực sự làm thay đổi diện mạo các đồn, thôn, bản, đường giao thông giáp biên giới vào ban đêm, giúp Nhân dân đi lại thuận lợi và góp phần đảm bảo an ninh, an toàn. Đến nay, Chương trình “Thắp sáng vùng biên” đã lan tỏa đến các địa phương trong toàn tỉnh Hà Giang, một số xã lắp đặt đèn năng lượng mặt trời trên trục đường chính, tuyến đường liên thôn, trung tâm của xã...

Với tinh thần chủ động xây dựng “thế trận biên phòng toàn dân”, bằng những việc làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, những năm qua, BCH BĐBP tỉnh Hà Giang đã góp phần quan trọng vào việc phát triển KT-XH địa phương, thực sự là điểm tựa của Nhân dân khu vực biên giới.

THẢO HÀ