Trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, chính quyền cách mạng mới thành lập với nền kinh tế - tài chính đặc biệt khó khăn, lại đứng trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp ở miền Nam, quân Tưởng ở miền Bắc. Để giải quyết những khó khăn về kinh tế, bảo vệ chính quyền cách mạng, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào cả nước “Ủng hộ Việt Minh”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Hồ Chủ tịch, nhân dân cả nước hăng hái tham gia “Quỹ Độc lập”, “Tuần lễ vàng”, tích cực thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm và đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Hầu hết người dân tham gia cách mạng đều tự nguyện mang theo tư  trang  và  lương  ăn.  Gia  đình lo chu cấp để “tòng quân”; địa phương từ cấp xã, huyện, tỉnh, khu nhận trách nhiệm cung cấp cho các lực lượng kháng chiến. Bộ đội địa phương hoàn toàn do cấp tỉnh đảm nhiệm theo khẩu hiệu: “Địa phương cấp dưỡng cho bộ đội địa phương” hay “Ủy ban Hành chính kháng chiến các cấp phải đảm nhiệm lo lắng, cấp dưỡng cho bộ đội địa phương và dân quân...”; các khu đều dấy lên phong trào“Tự làm để đánh giặc”; chính quyền được Nhân dân nuôi dưỡng, ngày càng lớn mạnh, có ngân sách và từng bước tổ chức bảo đảm cho lực lượng vũ trang (LLVT) hoạt động.

Năm 1946, Chính phủ ra Sắc lệnh “Đảm phụ quốc phòng” bằng lương thực hoặc tiền, mỗi người góp 5 đồng, đồng thời thực hiện trưng mua gạo, hàng hóa và tạm vay tiền, vàng của nhân dân. Ngày 21-1-1950, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc lần thứ 3. Về kinh tế, Đảng ta chủ trương xây dựng một nền kinh tế dân chủ nhân dân có khả năng tự cấp, tự túc; vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho kháng chiến, vừa cải thiện đời sống bộ đội và Nhân dân; Chính phủ, chính quyền các cấp tổ chức, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hình thức tập thể, chú trọng công tác đê điều, thủy lợi, khuyến khích  khai  hoang,  phục hóa, cải tiến kỹ thuật canh tác… Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp ngày một tăng, năm 1950, chỉ tính từ Liên khu 4 trở ra, tổng sản lượng lúa ở vùng tự do và căn cứ du kích đạt 2.414.830 tấn; sản xuất ngô, khoai, sắn cũng tăng mạnh. Công nghiệp quốc phòng được chú trọng và đạt kết quả tốt: Đến năm 1949, cả nước có 130 xưởng sản xuất vũ khí, 21 cơ sở quân dược, 20 cơ sở quân nhu. Với chính sách kinh tế kháng chiến, nguồn vật chất hậu cần (VCHC) bảo đảm cho LLVT ngày càng dồi dào, đáp ứng tốt yêu cầu tổ chức chiến dịch theo các quy mô khác nhau.

leftcenterrightdel
Vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu 

Từ năm 1953, “Hội đồng Cung cấp mặt trận” và “Ban Bảo đảm giao thông” được tổ chức ở các cấp, từ Trung ương tới cơ sở xã, nhằm huy động nhân, tài, vật lực cho kháng chiến. Xây dựng hậu phương, hậu cần ở các cấp được chú trọng, nhằm duy trì sản xuất và huy động hậu cần bảo đảm cho tác chiến trên khắp các chiến trường. Từ năm 1953 đến năm 1954, cuộc kháng chiến của Nhân dân ta bước vào giai đoạn mới, ta liên tiếp mở các chiến dịch, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3-1954 / 7-5-1954). Để bảo đảm lương thực cho Chiến dịch, ta đã tổ chức huy động, khai thác trên 11 tỉnh thuộc 4 liên khu (Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu 4 và một phần Liên khu 3) được 12.950 tấn; huy  động  ở  hậu  phương  được 25.056 tấn lương thực, 1.783 tấn xăng dầu... Ngoài ra, hậu cần các đơn vị tham gia Chiến dịch tổ chức huy động, khai thác các loại vật chất tại địa phương, đáp ứng một phần nhu cầu cho bộ đội.

Xây dựng hậu phương, tạo tiềm lực kinh tế, tạo nguồn vật chất bảo đảm cho kháng chiến; vừa tổ chức tác chiến, vừa xây dựng tiềm lực mọi mặt của hậu phương, huy động,  bảo  đảm cho kháng chiến là một thành công lớn, đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng và huy động nguồn lực, bảo đảm cho LLVT tác chiến, là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm, truyền thống của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Kế thừa kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Pháp, xây dựng hậu phương, xây dựng tạo nguồn, huy động, bảo đảm cho tác chiến có bước phát triển mới: Sự nghiệp xây dựng XHCN ở miền Bắc được đẩy mạnh, nhằm đưa miền Bắc trở thành căn cứ địa chiến lược, hậu phương chiến lược cho tiền tuyến miền Nam. Trước thực trạng kinh tế miền Bắc sau giải phóng 1954 rất khó khăn, Đảng, Nhà nước chủ trương phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân; động viên khí thế chiến thắng thành sức mạnh phục hồi kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân, chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, một cao trào hành động cách mạng và chiến tranh cách mạng với khẩu hiệu: “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Vì miền Nam ruột thịt” được dấy lên trên toàn miền Bắc; các phong trào thi đua sôi nổi trong sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế, giáo dục… đã góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), chi viện sức người, sức của cho miền Nam ngày một lớn.

Tại miền Nam, các vùng giải phóng, chính quyền cách mạng chủ động duy trì các căn cứ kháng chiến, mở rộng hậu cần nhân dân, tạo nguồn vật chất tại chỗ, sẵn sàng huy động, bảo đảm cho trường hợp phải đấu tranh vũ trang lâu dài với địch. Các hoạt động tạo nguồn, huy động vật chất được tiến hành băng nhiều hình thức, cả công khai, bí mật, hợp pháp và không hợp pháp, nhằm huy động và phát huy tối đa nguồn đóng góp của Nhân dân bảo đảm cho các lực lượng tác chiến, đấu tranh. Căn cứ cách mạng được củng cố, mở rộng thành những địa bàn đứng chân của lực lượng hoạt động sản xuất, tạo nguồn hậu cần.

Tháng 2-1961, LLVT giải phóng miền Nam được thành lập, tổ chức Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Tư lệnh các quân khu. Ngoài lực lượng bộ đội địa phương của huyện, tỉnh còn có lực lượng bộ đội chủ lực của quân khu và Miền. Tổ chức hậu cần quân khu, Miền được hình thành, kết hợp với các cơ sở hậu cần địa phương để tạo nguồn, huy động vật chất bảo đảm cho các đơn vị tập trung hoạt động  tác chiến.  Cuối  năm 1964, Bộ Tư lệnh Miền, quân khu đã tổ chức Hội đồng Cung cấp tiền phương từ Miền, quân khu đến tỉnh, huyện để huy động nhân lực, vật lực, tạo nguồn vật chất tại chỗ, kết hợp với nguồn vật chất từ miền Bắc chi viện để bảo đảm cho LLVT tác chiến.

Bị thất bại trong “Chiến lược Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ chuyển sang thực hiện “Chiến lược Chiến tranh cục bộ”. Trước tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt, từ năm 1965, Tổng cục Hậu cần thực hiện phương thức bảo đảm hậu cần theo khu vực. Tại miền Đông Nam bộ, các đoàn hậu cần khu vực được kiện toàn để khai thác, huy động nguồn vật chất tại chỗ; hậu cần B2 và các chiến trường đã tổ chức tiếp nhận hàng chi viện từ miền Bắc và tích cực tổ chức tăng gia sản xuất.

leftcenterrightdel
Quân Giải phóng miền Nam và lực lượng vũ trang địa phương Nam Bộ vận chuyển đạn phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu 

Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, do địch tập trung đánh phá, nên những năm 1968-1970 ta gặp nhiều khó khăn về cung cấp VCHC. Nguồn chi viện từ miền Bắc bị tổn thất lớn do địch liên tục đánh phá các tuyến vận chuyển; nguồn vật chất tại chỗ bị thu hẹp. Ở chiến trường Nam bộ, Tây Nguyên, 06 tỉnh ven biển Khu 5, nguồn lương thực, thực phẩm hạn chế. Để khắc phục, hậu cần quân khu, Miền đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, triệt để khai thác, huy động nguồn tại chỗ. Tiếp nhận, bảo quản, phân phối kịp thời nguồn chi viện của miền Bắc; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, triệt để chống lãng phí, hư hỏng, mất mát, phấn đấu có dự trữ.

Vượt qua những thử thách, hậu cần các chiến trường tích cực tạo nguồn, huy động VCHC tại chỗ, kết hợp với nguồn chi viện của miền Bắc đã bảo đảm cho LLVT trên khắp chiến trường miền Nam liên tiếp đánh bại các cuộc hành quân của địch, cục diện chiến trường và tương quan lực lượng thay đổi có lợi cho ta. Cuối năm 1971, thực hiện quyết tâm chiến lược, đánh bại “Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh” của địch; cùng với tổ chức tiếp nhận nguồn VCHC chi viện từ miền Bắc, các chiến trường đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tổ chức tạo nguồn, khai thác, huy động vật chất tại chỗ, tạo được nguồn vật chất dự trữ dồi dào, đã bảo đảm cho các LLVT miền Nam liên tiếp mở các chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu năm 1972 giành thắng lợi.

Thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược ở miền Nam, đặc biệt là chiến thắng lịch sử của quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại và tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, buộc Mỹ phải ký “Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Trên miền Bắc, ngay sau Hiệp định Paris, quân và dân ta đã khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết hợp kinh tế với quốc phòng, tăng cường tiềm lực quân sự, ổn định đời sống nhân dân. Công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam có điều kiện đẩy mạnh hơn.

Trên chiến trường miền Nam, được hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của, cùng với nguồn VCHC huy động tại chỗ đã tạo lượng dự  trữ  lớn, chuẩn bị cho Tổng tiến công mùa Xuân 1975. Đến tháng 4-1975, với lượng VCHC dự trữ ở các chiến trường và lượng mang theo của các lực lượng cơ động chiến lược từ miền Bắc vào, lượng VCHC bảo đảm cho Chiến dịch Hồ Chí Minh đạt 55.000 tấn (25.000 tấn đạn, 4.500 tấn xăng dầu, 25.500 tấn hàng quân nhu), đạt hơn 90% kế hoạch, đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, ta đã động viên Nhân dân cả nước với tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng rất cao “vì miền Nam ruột thịt”, thống nhất đất nước “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”... Chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều hình thức sản xuất, khai thác, huy động mọi nguồn lực, bảo đảm cho kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi.

Những kết quả trên cho thấy: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trước nhu cầu rất lớn về VCHC, kỹ thuật, lại trong điều kiện kinh tế đất nước khó khăn…, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù  hợp, nhằm thúc đẩy sản xuất, khôi phục kinh tế, từng bước xây dựng, tạo nguồn hậu cần để huy động, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tác chiến. Trong điều kiện mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh đã được hoạch định, ban hành; để đạt mục tiêu xây dựng tiềm lực mọi mặt ngày càng vững chắc, sẵn sàng huy động, bảo đảm cho các nhiệm vụ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện chặt chẽ.

Trong điều kiện kháng chiến rất khó khăn, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đã khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống, sức mạnh dân tộc, bằng hình thức, phương pháp phù hợp đã huy động được nguồn lực hậu cần to lớn trong Nhân dân, bảo đảm cho kháng chiến thắng lợi. Đây là bài học, kinh nghiệm quý, có giá trị trường tồn cùng lịch sử dân tộc, phải được vận dụng, phát triển trong xây dựng tiềm lực đất nước, tiềm lực hậu cần sẵn sàng huy động bảo đảm khi có yêu cầu, chiến tranh.

Xây dựng hậu phương, căn cứ địa, an toàn khu vững chắc, làm cơ sở, chỗ dựa để xây dựng tiềm lực mọi mặt, huy động, bảo đảm cho tác chiến đã góp phần quyết định thắng lợi của hai cuộc kháng chiến. Trong điều kiện mới, xây dựng phát triển đất nước, từng vùng, địa phương giàu mạnh, sẽ tạo ra tiềm lực dồi dào, trong đó có tiềm lực quốc phòng cho bảo đảm hậu cần thực hiện các nhiệm vụ cũng như chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra).

Hình thành kịp thời các cơ quan, tổ chức (Uỷ ban Hành chính kháng chiến các cấp, Hội đồng Cung cấp mặt trận, Ban Bảo đảm giao thông; Hội đồng Cung cấp tiền phương từ Miền, quân khu đến tỉnh, huyện…) để chỉ đạo, điều hành, tiến hành xây dựng và huy động nguồn lực đã mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, bên cạnh hệ thống tổ chức hành chính, còn có các tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng tham mưu, tư vấn, phối hợp thực hiện phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, các vấn đề về chính trị, văn hóa, ngoại giao… cần phát huy tốt để nâng cao hiệu quả trong xây dựng và huy động tiềm lực quốc phòng cho bảo đảm hậu cần trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra).

Thượng tá NGUYỄN VĂN HIỆP, Bộ Tham mưu Hậu cần