Thắng lợi của Chiến dịch là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó tổ chức bảo đảm hậu cần của Quân khu Tây Bắc đóng vai trò quan trọng.

Nhằm gây áp lực tại Hội nghị quốc tế Giơ-ne-vơ về Lào và Hội nghị ba phái Lào, tháng 3/1962, Mỹ chỉ đạo chính quyền tay sai Phumi Nòxavẳn tập trung lực lượng lớn quân đội và phương tiện chiến tranh đánh chiếm Nặm Thà - Mương Xỉnh làm bàn đạp tái chiếm lại toàn bộ Thượng Lào, uy hiếp Tây Bắc Việt Nam, khống chế một phần biên giới Trung Quốc, đồng thời bảo vệ cho tuyến đông bắc Thái Lan của chúng. Lực lượng địch gồm: 08 tiểu đoàn quân chính quy thuộc các binh đoàn cơ động (11, 15, 18) và 03 tiểu đoàn chiếm đóng (13, 15,18) với tổng số quân lên tới 5.600 tên, cùng với 06 khẩu pháo 105mm, 07 khẩu sơn pháo 75mm.

leftcenterrightdel
 Chuyên gia quân sự Việt Nam với các chiến sĩ Lào ( Ảnh nguồn TTXVN).

Nắm được âm mưu của địch, Trung ương Đảng Nhân dân Lào và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thống nhất mở Chiến dịch Nặm Thà với mật danh XYZ. Ngày 15/4/1962, Bộ Tư lệnh (BTL) Chiến dịch Nặm Thà được thành lập. Lực lượng tham gia Chiến dịch, về phía Việt Nam có Lữ đoàn bộ binh 316, 335 (Quân khu Tây Bắc), Tiểu đoàn 3/Lữ đoàn 330 (Quân khu Hữu Ngạn). Phía Lào có Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 701 Pathét Lào, Đại đội địa phương Nà Mo, Nặm Thà, một số trung đội địa phương huyện và dân quân du kích các xã trên địa bàn Chiến dịch. Tổng quân số khoảng 7.800 người, trong đó phần lớn lực lượng tham gia Chiến dịch thuộc biên chế Quân khu Tây Bắc.

Quân khu Tây Bắc được Bộ Quốc phòng (BQP) Việt Nam giao nhiệm vụ bảo đảm phần lớn vật chất hậu cần cho Chiến dịch. Đồng chí Đặng Quốc Tuyển - Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu Tây Bắc được cử làm Phó Chủ nhiệm Hậu cần Chiến dịch. Dự kiến khối lượng vật chất bảo đảm khoảng 660 tấn đạn các loại, 237 tấn lương thực, thực phẩm…

Tuyến hậu phương Chiến dịch được triển khai từ căn cứ Nà Mo, Mường Sài, Mương Hai đến khu vực hậu phương của các lữ đoàn và các đơn vị tác chiến độc lập. Tuyến hậu cần của Quân khu Tây Bắc được xác định từ Điện Biên tới Nà Mo. Các cơ sở trên các tuyến hậu cần được xây dựng tại các căn cứ Mường Sài, Mương Hai, Nà Mo, Pang Bang, Nặm Thà…

Để bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch, Bộ Tổng Tư lệnh giao cho Cục Không quân (Quân chủng Phòng không - Không quân) tổ chức vận chuyển vật chất bằng đường không từ hậu phương đến Mặt trận Nặm Thà, giao tại các căn cứ Nà Mo, Mường Sài, Mương Hai và nhận thương binh, tử sĩ chuyển về hậu phương. Quân khu Tây Bắc chịu trách nhiệm vận chuyển các loại vật chất bằng đường bộ và đường thủy từ Điện Biên sang Nà Mo. Từ Nà Mo, vật chất được các lực lượng vận chuyển đến kho các đơn vị. Thực tế, quá trình vận chuyển bằng đường không không bảo đảm nên ta chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ.

Giai đoạn chuẩn bị Chiến dịch, lực lượng làm nhiệm vụ vận tải dưới 100 người, 35-53 ngựa thồ, 20 xe đạp thồ đã không đáp ứng kịp yêu cầu vận chuyển vật chất theo kế hoạch. Do vậy, BTL Chiến dịch quyết định sử dụng một phần quân số chiến đấu của các đơn vị tham gia vận chuyển; đồng thời mua thêm ngựa thồ, xe đạp, thành lập đội vận tải hỗn hợp. Khi Chiến dịch diễn ra, Quân khu Tây Bắc gấp rút đưa 900 tân binh từ hậu phương sang Nà Mo bổ sung vào các đội vận tải, kịp thời vận chuyển, bảo đảm vật chất hậu cần cho bộ đội trong quá trình thực hành chiến đấu.

Từ tháng 02-5/1962, Hậu cần Chiến dịch Nặm Thà đã sử dụng 71.000 ngày công bộ đội vận tải và bộ đội; 347.969 ngày công dân công địa phương (cả dân công nước Bạn); 322 chuyến ô tô, 79 chuyến xuồng máy và thuyền, 12 xe đạp thồ… để vận chuyển vật chất; riêng Quân khu Tây Bắc gồm 3.300 tân binh, 150 chuyến ô tô, 79 chuyến xuồng máy. Song song với việc tổ chức nhận hàng từ Việt Nam chuyển sang, Hậu cần Chiến dịch còn tiến hành khai thác nguồn hàng từ các địa phương được 118 tấn gạo, 96 con ngựa, 51 con trâu, 96 con bò, 412 con lợn… Tính từ ngày 07/4 - 22/5/1962, Hậu cần Chiến dịch đã bảo đảm 647.535 tấn vật chất các loại, gồm: 383.478 tấn gạo, 32.139 tấn thực phẩm khô; 19.070 tấn thịt tươi; 3.797 tấn nhu yếu phẩm; 13.275 tấn lương khô; 195.776 tấn đạn…

Trong công tác bảo đảm quân y, BTL Chiến dịch dự kiến tỷ lệ thương vong là 6% (khoảng 400 thương binh, trong đó hy sinh khoảng 60 người). Để đảm bảo tốt công tác điều trị, Quân khu Tây Bắc tổ chức phân tuyến quân y theo phân cấp. Ở hướng chủ yếu, đại đội bộ binh biên chế 02 y tá; tiểu đoàn có 01 y sĩ và 02 y tá; lữ đoàn có 01 đại đội quân y đủ khả năng thu dung, điều trị 50 thương bệnh binh. Ở tuyến cuối, tổ chức 01 bệnh viện dã chiến với 100 giường bệnh ở Nà Mo. Tại Pang Bang và Mương Hai, bố trí 02 trạm tiếp chuyển thương bệnh binh, mỗi trạm có 01 y tá trưởng, 01 y tá và 01 nuôi quân. Ở các hướng độc lập, các đơn vị đều được tăng cường y sĩ, y tá,... Tại trạm Mường Sài được biên chế 01 y sĩ ngoại khoa, 02 y tá, 01 dược tá; có nhiệm vụ sơ cứu trong khi chờ chuyển thương bằng đường không về nước. Nhờ tổ chức chặt chẽ, thương vong toàn Chiến dịch là 4,3%; trong số 270 thương bệnh binh, chỉ có 49 đồng chí hy sinh, thấp hơn dự kiến. Sau khi Chiến dịch kết thúc, phần lớn thương bệnh binh được chuyển về nước điều trị tại bệnh viện của Quân khu Tây Bắc.

Chiến dịch Nặm Thà diễn ra trong 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 02 - 6/5/1962, liên quân Việt - Lào tiến công địch, giải phóng khu vực Mương Xỉnh - Nặm Thà; đợt 2 từ ngày 07 - 12/5/1962, liên quân Việt - Lào tổ chức truy kích địch trên đường tháo chạy. Ngày 12/5/1962, Chiến dịch Nặm Thà kết thúc. Kết quả, toàn Chiến dịch, liên quân Việt - Lào loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.800 tên thuộc lực lượng cơ động chiến lược của quân đội Phumi Nòxavẳn, thu 400 súng và gần 600 tấn đạn, giải phóng một khu vực gần 8.000km2, với hơn 70.000 dân.

Đây là lần đầu tiên ta tổ chức bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch quy mô trên chiến trường rừng núi ở Lào, xa hậu phương của ta, song Hậu cần Quân khu Tây Bắc đã chuẩn bị chu đáo, bảo đảm vượt chỉ tiêu kế hoạch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý trong quá trình phát triển và trưởng thành của Hậu cần Quân khu Tây Bắc về vấn đề tổ chức lực lượng, phân tuyến hậu cần, công tác vận tải, bảo đảm quân y…

Thiếu tá Vũ Thị Miền, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam