Chủ trì thực hiện nhiệm vụ quan trắc, trinh sát, thông báo những vấn đề liên quan đến chất độc, phóng xạ; giữ vai trò nòng cốt trong ứng phó với các sự cố thảm họa hoá học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân; xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh; tham gia bảo vệ môi trường, cứu hộ, cứu nạn... Những năm gần đây, Binh chủng được BQP giao thêm nhiệm vụ tham gia khắc phục sự cố môi trường liên quan đến hóa chất độc hại, phóng xạ… tại các khu đô thị, khu công nghiệp, vùng kinh tế và phòng, chống dịch bệnh. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC); xác định đây là nội dung công việc rất quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ.

Do đặc thù nhiệm vụ, Bộ đội Hóa học trực tiếp làm nhiệm vụ tại hiện trường, trong điều kiện môi trường độc hại, quá trình làm việc phải sử dụng khí tài chuyên dụng, cường độ làm việc cao, thời gian dài, tiêu hao nhiều năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm chất độc, lây dịch bệnh... nên ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng bộ đội. Mặt khác, lực lượng tham gia làm nhiệm vụ thường phân tán, phạm vi hoạt động rộng nên công tác chỉ huy, hiệp đồng BĐHC gặp nhiều khó khăn. Điển hình là BĐHC phục vụ bộ đội tham gia xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ; xử lý sự cố ô nhiễm môi trường do hóa chất độc hại tại Nhà máy Z121 (năm 2013), Công ty Cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (năm 2019); Công ty trách nhiệm hữu hạn Golden Victory Việt Nam và Công ty Lợi Tín (năm 2019); cứu người bị ngạt khí độc dưới hầm sâu tại tỉnh Cao Bằng, Thanh Hóa; tẩy độc, khử trùng, vệ sinh môi trường tại nhiều khu vực trong đại dịch Covid-19...

Để BĐHC cho các nhiệm vụ, căn cứ tính chất công việc, mức độ nguy hiểm, độc hại của môi trường, các đơn vị xác định phương thức tạo nguồn bảo đảm vật chất hậu cần tại chỗ hay tiếp tế từ nơi khác đến. Hoặc bảo đảm tại vị trí tập kết đã được chuẩn bị trước với đầy đủ cơ sở, vật chất hậu cần đáp ứng nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt, đi lại, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho bộ đội. Đối với lực lượng làm nhiệm vụ xử lý chất độc da cam, dioxin, các đơn vị xây dựng, lắp ghép hệ thống nhà, công trình doanh trại (nhà chỉ huy, điều hành, nhà ở, nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt...) đảm bảo chắc chắn, chính quy gần khu vực hiện trường. Tại đây, các đơn vị bảo đảm đủ nhu cầu doanh cụ, dụng cụ, nước sạch, trang thiết bị (đèn điện, quạt điện...) phục vụ bộ đội sinh hoạt.

leftcenterrightdel
Bộ đội Lữ đoàn 87 (Binh chủng Hóa học) tham gia khử khuẩn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong phòng dịch Covid-19. Ảnh: CTV 

Về bảo đảm ăn uống cho bộ đội, các đơn vị khai thác thực phẩm tươi sống từ khu tăng gia sản xuất, trạm chế biến hoặc mua trên thị trường (địa bàn đóng quân) mang đến công trường. Trong điều kiện an toàn, các đơn vị khai thác lương thực, thực phẩm tại chỗ, kết hợp với vận chuyển từ nơi khác đến để chủ động trong bảo đảm. Tổ chức nấu ăn theo tiêu chuẩn, chế độ được hưởng; tích cực cải tiến, chế biến món ăn, phục vụ chu đáo để bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn, duy trì sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ dài ngày. Tại khu vực làm việc của bộ đội, các đơn vị bố trí nhân viên quân y bám sát hoạt động của bộ đội, hiệp đồng chặt chẽ với cơ sở y tế địa phương, sẵn sàng xử trí tình huống khi cần thiết.

Từ năm 2013 - 2022, toàn Binh chủng thực hiện trên 30 dự án, nhiệm vụ xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, bảo vệ môi trường và xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động quân sự…Trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, ngành Hậu cần Binh chủng khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm ăn uống, vận tải, quân y cho 1.722 lượt người và bảo đảm xăng dầu cho 281 phương tiện tham gia tiêu độc, khử trùng trên địa bàn các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với diện tích trên 4.600 ha và 1.485 km đường…

Đối với nhiệm vụ đột xuất (khắc phục sự cố chất độc hóa học, cứu hộ, cứu nạn…) hoặc tham gia tiêu độc, khử trùng trong phòng, chống dịch, do thời gian ngắn, công tác BĐHC cho các lực lượng chủ yếu là bảo đảm ăn uống, vận tải, quân y. Tại hiện trường, tùy theo tình hình cụ thể các đơn vị xác định tổ chức bảo đảm ăn uống phù hợp, an toàn. Trong đó, chủ yếu là phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị đứng chân gần hiện trường để tổ chức nấu ăn phục vụ bộ đội, hoặc tiếp tế cơm nước từ đơn vị mang đến. Cùng với đó, bố trí nhân viên quân y tại hiện trường, mang đủ thuốc, trang thiết bị, dụng cụ y tế, phương tiện sẵn sàng xử trí kịp thời khi xảy ra tai nạn lao động (đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, chống sốc do hơi độc, thực hiện các kỹ năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu). Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, hệ thống y tế địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho bộ đội và nạn nhân.

Cùng với các mặt bảo đảm trên, hằng năm, Cục Hậu cần Binh chủng chỉ đạo các đơn vị tổ chức khám định kỳ, lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe bộ đội theo quy định. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bộ đội được tẩy độc, quân y xét nghiệm chỉ số nhiễm độc và một số chức năng sinh lý cơ bản; nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. Kịp thời động viên, bảo đảm tốt chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù, chính sách hậu phương quân đội, nhất là những cán bộ, chiến sĩ gặp hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Thời gian tới, nguy cơ sự cố phóng xạ, chất độc, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, để nâng cao chất lượng BĐHC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Binh chủng xác định thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Trước hết, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho cán bộ, chiến sĩ tự bảo vệ sức khỏe bản thân trong sinh hoạt và khi thực hiện nhiệm vụ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ chấp hành tốt các quy tắc đảm bảo an toàn; mang đeo trang thiết bị phòng da, phòng hô hấp và các loại khí tài chuyên dụng khác, hạn chế mức thấp nhất tiếp xúc với chất độc, tác nhân độc hại, nguy hiểm.

Cơ quan hậu cần các cấp chủ động quan hệ chặt chẽ với cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, nguy cơ có thể xảy ra sự cố chất độc hóa học, phóng xạ, ô nhiễm môi trường, đại dịch trên các địa bàn trong cả nước. Nghiên cứu, đánh giá khả năng khai thác hậu cần từng khu vực để chuẩn bị các phương án bảo đảm phù hợp từng nhiệm vụ. Hoàn thiện các phương án BĐHC cho nhiệm vụ khắc phục sự cố, bảo vệ môi trường đảm bảo chỉ huy, chỉ đạo thống nhất, theo phương châm “bốn tại chỗ”. Linh hoạt vận dụng phương thức BĐHC phù hợp tình hình thực tế, có thể kết hợp giữa bảo đảm tại chỗ với cơ động, nhất là trong nuôi dưỡng bộ đội. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong khu vực thực hiện các dự án hoặc nơi dễ xảy ra sự cố để bảo đảm lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc cấp cứu, phương tiện vận chuyển... khi cần thiết.

Chuẩn bị toàn diện, chu đáo vật chất hậu cần đảm bảo đủ về số lượng, tốt chất lượng, đồng bộ chủng loại, tạo sự chủ động, sẵn sàng bảo đảm cho các nhiệm vụ đột xuất. Đầu tư phát triển các mô hình tăng gia sản xuất tập trung tại các lữ đoàn theo hướng bền vững, hiệu quả, an toàn, gắn với hoạt động chế biến tập trung tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, dự trữ bảo đảm cho thường xuyên và khi thực hiện nhiệm vụ phân tán. Đề xuất mua sắm thêm trang thiết bị, phương tiện hiện đại, dụng cụ chuyên dụng để BĐHC liên tục, không bị gián đoạn khi thực hiện nhiệm vụ trong môi trường độc hại. Không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới áp dụng trong công tác BĐHC phù hợp với nhiệm vụ và khả năng ngân sách.

Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức BĐHC cho lực lượng tham gia xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh; khắc phục sự cố môi trường, tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống dịch đảm bảo khẩn trương, chu đáo, toàn diện có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các biện pháp BĐHC phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cho 3 trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân khu vực miền Bắc, Trung, Nam, Đội khắc phục hậu quả môi trường và Trung tâm hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học, môi trường.

Thực hiện tốt các chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ sau khi hoàn thành nhiệm vụ và chính sách hậu phương quân đội để kịp thời động viên bộ đội. Quản lý chặt chẽ, chăm sóc sức khỏe bộ đội trước, trong, sau khi thực hiện nhiệm vụ; phát hiện sớm và điều trị các trường hợp bị nhiễm độc, chống phơi nhiễm, mắc bệnh nghề nghiệp. Thường xuyên quan tâm củng cố doanh trại, bảo đảm tốt nơi ăn, ở, nâng cao chất lượng đời sống cho bộ đội tại doanh trại. Xây dựng cảnh quan đơn vị xanh, sạch đẹp; tích cực thực hiện xử lý rác thải trong doanh trại góp phần làm sạch môi trường sống.

Không ngừng xây dựng ngành Hậu cần Binh chủng vững mạnh toàn diện, đủ khả năng làm nòng cốt thực hiện công tác hậu cần, bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh cả trước mắt và lâu dài. Đổi mới phương pháp, tác phong công tác, nâng cao chất lượng tham mưu đề xuất, năng lực chỉ huy, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cán bộ hậu cần các cấp. Hằng năm, cơ quan hậu cần các cấp phối hợp với cơ quan tham mưu tổ chức huấn luyện đầy đủ các nội dung hậu cần và huấn luyện bổ sung kỹ thuật ứng cứu khẩn cấp, 5 kỹ thuật cấp cứu cơ bản cho bộ đội. Cơ quan hậu cần các cấp tích cực tham gia các cuộc diễn tập ứng phó sự cố phóng xạ, khắc phục ô nhiễm môi trường để rèn luyện kỹ năng tổ chức chỉ huy, điều hành, phối hợp, hiệp đồng, nâng cao năng lực BĐHC trong các tình huống.

Những kết quả trong công tác BĐHC khắc phục sự cố, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh thời gian qua đã thực sự góp phần giúp Bộ đội Hóa học hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, đây là công việc phức tạp hơn so với nhiệm vụ BĐHC thường xuyên. Rất mong lãnh đạo, chỉ huy các cấp, Tổng cục Hậu cần quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa để ngành Hậu cần Binh chủng Hóa học hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng con người và môi trường sinh thái quốc gia.

Đại tá Lê Văn Hộ - Chủ nhiệm Hậu cần Binh chủng Hóa học