Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là chủ trương chiến lược của Đảng ta, mục đích nhằm tạo sự đột phá, đưa cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam phát triển lên một bước mới.
Trong đó, trọng tâm là đòn tiến công chiến lược thực hiện kết hợp Tổng tiến công với nổi dậy của quần chúng Nhân dân đánh thẳng vào sào huyệt, đầu não hiểm yếu nhất của địch tại 04 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn trên toàn miền Nam.
Tập trung đánh vào các căn cứ hậu cần, kỹ thuật, sân bay, bến cảng lớn, sở chỉ huy cấp sư đoàn, quân đoàn, quân khu của địch. Ở nhiều nơi, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, Nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ, từng bước đập tan bộ máy chính quyền của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn…
|
|
Quân Giải phóng miền Nam và lực lượng vũ trang địa phương Nam Bộ vận chuyển đạn phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu |
Để chuẩn bị hậu cần cho chiến trường miền Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo tập trung nguồn lực tạo chân hàng ở phía nam Khu 4 cho Đoàn 559 vận chuyển vào chiến trường. Đối với hậu cần Miền được bố trí thành hai tuyến, tuyến trước trực tiếp bảo đảm chiến đấu, tuyến sau tiếp nhận hàng về giao cho các đoàn đứng chân ở phía trước.
Đến trước giờ nổ súng tiến công đồng loạt vào đô thị, hậu cần Miền và các đoàn hậu cần tổ chức nhiều phân đội hậu cần cơ động bảo đảm cho tác chiến, như: các đội điều trị, đội phẫu thuật, đại đội, tiểu đoàn vận tải sẵn sàng cơ động theo đội hình chiến đấu của đơn vị. Hậu cần Miền đã chuẩn bị được 5.554 tấn lương thực, thực phẩm và 5.79 tấn vũ khí đạn. Hậu cần các địa phương đều lập kế hoạch, sẵn sàng huy động nhanh lương thực, thực phẩm, thuốc men tại chỗ phục vụ bộ đội trong tác chiến…
Trong 03 đợt Tổng tiến công và nổi dậy, hậu cần Miền đã chuẩn bị 46.282 tấn hàng (trong đó có 10.872 tấn vũ khí đạn), cung cấp cho các đơn vị 35.648 tấn (có 5.983 tấn vũ khí đạn). Các cơ sở quân dân y đã thu dung điều trị 94.636 lượt thương binh, bệnh binh (TBBB) (trong đó có 22.535 thương binh điều trị khỏi, trả về đơn vị, đạt tỷ lệ 72%). Riêng trong Tổng tiến công đợt 1 vào các mục tiêu trọng yếu ở Sài Gòn, đã cấp phát 132 tấn đạn cho các đơn vị, thu dung và chuyển về tuyến sau điều trị 3.698 thương binh; điều trị khỏi, ra viện 944 lượt người (đạt tỷ lệ 25,5%). Cùng với đó, hội đồng cung cấp các địa phương đã huy động 600.000 dân công, thanh niên xung phong, trong đó, Nhân dân Long An đóng góp nhiều nhất…
Từ những thành công, hạn chế trong công tác BĐHC, có thể rút ra một số vấn đề sau:
Trước hết, thực hiện tốt chủ trương nâng cao khả năng độc lập, tự lực BĐHC của từng đơn vị cơ sở.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ BĐHC cho các lực lượng tác chiến, trong thế trận xen kẽ giữa ta và địch, các tiểu đoàn “mũi nhọn” và lực lượng biệt động chiến đấu trong nội đô, công tác BĐHC đặc biệt quan trọng, việc cứu chữa thương binh gặp rất nhiều khó khăn; vận chuyển TBBB về tuyến sau phải mất tới 10 - 15 ngày. Nhiều trường hợp địch tập kích, đánh phá, phong tỏa đường vận chuyển từ tuyến chiến dịch, các căn cứ hậu cần xuống hậu cần sư đoàn, trung đoàn phải mất hàng chục ngày.
Do vậy việc nâng cao khả năng tự lực bảo đảm cho hậu cần đơn vị cơ sở là vấn đề có ý nghĩa sống còn, giúp các lực lượng chiến đấu liên tục. Ở Mặt trận Huế, hậu cần Mặt trận tăng cường dự trữ vật chất cho Trung đoàn bộ binh 6 tiến công trên hướng chủ yếu: dự trữ gạo 01 tháng, thuốc chiến thương bảo đảm cứu chữa 800 thương binh, đạn các loại 2 cơ số. Tại Sài Gòn - Gia Định, ngay thời gian đầu đợt 1, khi địch tăng cường đánh phá tuyến vận tải, phong tỏa khu vực ngoại thành, hậu cần chiến dịch tổ chức các đội “phẫu thuật mũi nhọn”, “đội phẫu thuật xung kích” tăng cường xuống các phân khu nội đô để cứu chữa, vận chuyển TBBB. Nhờ vậy, công tác cứu chữa, vận chuyển TBBB được kịp thời.
Hai là, phát huy khả năng của bộ đội, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa tích cực tham gia công tác BĐHC.
Các chiến dịch, trận đánh diễn ra trong điều kiện tác chiến rất ác liệt, gian khổ, dài ngày, tỷ lệ thương vong cao, đời sống sinh hoạt của bộ đội gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc huy động, động viên lực lượng bộ đội tích cực tham gia công tác BĐHC có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị. Cơ quan hậu cần các cấp trên chiến trường miền Nam đã tổ chức quán triệt, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm cho bộ đội tự giác, chủ động tham gia nhiệm vụ BĐHC như: vận chuyển vật chất; cứu chữa, vận chuyển TBBB… để tự bảo đảm cho đơn vị mình và đơn vị bạn. Đối với những công việc cần huy động lực lượng nhiều, thời gian dài, các đơn vị triển khai kế hoạch chặt chẽ, có lực lượng hậu cần chuyên trách, nhất là vận chuyển vật chất, TBBB, đảm bảo bí mật trong xây dựng kho tàng, bến bãi.
Ở Mặt trận Huế, từ đợt 2, địch phản kích, đánh phá ác liệt, số lượng thương vong lớn, dù đã huy động cả Nhân dân, sinh viên, tham gia vận chuyển nhưng do tuyến vận tải lên vùng giáp ranh dài, phải huy động bộ đội tham gia chuyển thương binh, tử sĩ về phía sau. Đến đợt 3, địch đánh phá, ngăn chặn, phong tỏa các tuyến đường từ đồng bằng lên vùng giáp ranh ác liệt, TBBB ở đơn vị, các đội phẫu thuật còn nhiều, giai đoạn này ta chủ yếu sử dụng vận tải bộ và bộ đội vào công tác tham gia vận chuyển.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng hậu cần, xây dựng thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc trong bảo đảm.
Trong Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, tại Sài Gòn - Gia Định, hậu cần Miền kết hợp chặt chẽ với hội đồng cung cấp tiền phương các tỉnh, huyện, trên các hướng tiến công… đều hình thành ban chỉ huy thống nhất về hậu cần, gồm: đoàn hậu cần khu vực, hậu cần phân khu, hậu cần đơn vị chủ lực và cấp ủy đảng địa phương để thống nhất chỉ huy các cơ sở, kho tàng, bệnh viện… tạo thành thế liên hoàn vững chắc, nối liền từ hậu cần Miền đến các hướng chiến đấu, đơn vị cơ sở và hậu cần nhân dân địa phương. Với thế trận đó đã bảo đảm kịp thời mọi mặt hậu cần cho các lực lượng tham gia tổng tiến công và nổi dậy.
Bốn là, phát huy vai trò của hậu cần tại chỗ trong huy động lực lượng và khai thác cơ sở vật chất bảo đảm kịp thời, liên tục cho bộ đội.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng tham gia nhiều, địa bàn tác chiến rộng, thời gian dài nên nhu cầu BĐHC rất lớn, nhất là bảo đảm vật chất hậu cần (VCHC) và cứu chữa, vận chuyển TBBB. Do đó, việc huy động lực lượng và khai thác VCHC tại chỗ bảo đảm cho tác chiến là yếu tố hết sức quan trọng nhằm bảo đảm được kịp thời, liên tục mọi mặt hậu cần trong mọi tình huống tác chiến. Trên chiến trường miền Nam, từ đầu năm 1965, các tỉnh, huyện đều xây dựng hệ thống tổ chức “Hội đồng chi viện cho tiền tuyến” và tổ chức hậu cần nhân dân trên các chiến trường, ngoài hoạt động bảo đảm cho Nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương đã giúp đỡ cho hậu cần các đơn vị chủ lực, tổ chức huy động lực lượng, khai thác VCHC phục vụ tiền tuyến.
Hậu cần tại chỗ đã huy động lực lượng Nhân dân địa phương tham gia các mặt BĐHC như: vận chuyển TBBB, bốc xếp, vận chuyển VCHC, cất giấu, chăm sóc nuôi dưỡng TBBB, ủng hộ lương thực, thực phẩm, thuốc men... Ở Sài Gòn - Gia Định, hậu cần Miền kết hợp chặt chẽ với “Hội đồng cung cấp tiền phương” các tỉnh, huyện, đã huy động lực lượng tự vệ, du kích ở địa phương tham gia vận tải và phục vụ chiến đấu. Chỉ riêng tỉnh Long An huy động 03 bệnh viện, với khả năng thu dung 1.800 TBBB để phục vụ chiến đấu.
Nội thành Sài Gòn - Gia Định đã xây dựng 19 cơ sở chính trị, gồm 325 gia đình, tạo được 400 điểm ém giấu lực lượng, vũ khí, VCHC gần các mục tiêu biệt động đánh chiếm. Tại Mặt trận Huế, khu ủy và quân khu đã chủ động thành lập “Ban bảo đảm hậu phương” chỉ đạo các địa phương kết hợp với đơn vị chủ lực lập kế hoạch huy động nhân lực, cơ sở VCHC, tổ chức thu mua lương thực, thuốc men. Hệ thống quân dân y trên địa bàn phối hợp triển khai cứu chữa TBBB; thời điểm cao nhất đã huy động trên 3.500 dân công phục vụ chiến đấu.
Năm là, những sai lầm, khuyết điểm trong công tác BĐHC.
Công tác BĐHC của các đơn vị tham gia tác chiến có thời gian, thời điểm còn buông lỏng, chưa tập trung bảo đảm cho địa bàn trọng điểm như: việc cứu chữa, vận chuyển thương binh, giữ gìn lực lượng để hạn chế tổn thất… Những hạn chế trên đã được kịp thời rút kinh nghiệm và đề ra chủ trương phù hợp, có kế hoạch, phương án trong giai đoạn mới, nhất là từ sau năm 1970 trở đi.
Những kinh nghiệm trong công tác BĐHC Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển lý luận hậu cần phục vụ tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra).
Đại tá, PGS.TS TRẦN NAM CHUÂN, Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng