Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là vùng giải phóng quan trọng nhất của cách mạng Lào; địa bàn chiến lược có thế công, thế thủ, trực tiếp bảo vệ căn cứ địa Sầm Nưa; tạo thế uy hiếp và trực tiếp tiến công Căn cứ Long Chẹng của Vàng Pao; uy hiếp Thủ đô Viêng Chăn và kinh đô cũ Luông Pha Băng.

Đồng thời, là hướng chiến lược phối hợp tác chiến giữa Việt Nam, Lào và Campuchia, bảo vệ tuyến hậu cần chiến lược 559. Đế quốc Mỹ coi “Cánh đồng Chum là chìa khóa của nước Lào”. Từ 1963 - 1972, đây là địa bàn giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng Việt Nam và bạn Lào chủ trương bảo vệ, giữ vững địa bàn chiến lược này khi chiến dịch tiến công mùa khô 1971 - 1972 kết thúc.

Đầu tháng 4-1972, Bộ Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng nhằm đánh bại kế hoạch lấn chiếm mùa mưa của quân phái hữu Lào và quân đội Thái Lan; bảo vệ vùng giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng; giữ vững thế chiến lược của ta ở Bắc Lào; phối hợp với cuộc tiến công chiến lược ở miền Nam Việt Nam. Bộ Tư lệnh Chiến dịch được thành lập do đồng chí Vũ Lập làm Tư lệnh, đồng chí Lê Linh làm Chính ủy. Địa bàn Chiến dịch là khu tứ giác Noọng Pẹt - Mường Sủi - Thẩm Lửng - thị xã Xiêng Khoảng (dài 60km, rộng 50 km), chia thành 5 khu vực phòng ngự là: Khu trung tâm (Cánh đồng Chum); khu trung gian (Hin Tặng); khu thứ yếu (Noọng Pẹt) và 2 khu tác chiến phối hợp (Mường Xủi và thị xã Xiêng Khoảng); mỗi khu vực có các điểm tựa, cụm điểm tựa, hầm hào, công sự vững chắc, các trận địa hỏa lực... Lực lượng tham gia phòng ngự gồm: 5 trung đoàn bộ binh (174, 148, 866, 335 và 88), 2 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn pháo và súng máy phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn công binh của quân tình nguyện Việt Nam; 7 tiểu đoàn chủ lực, 1 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo binh, 2 đại đội súng máy phòng không, 2 đại đội công binh và 4 đại đội bộ đội địa phương của Quân giải phóng nhân dân Lào.

leftcenterrightdel
Hội thảo khoa học 50 năm chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng thắng lợi và bài học kinh nghiệm. Ảnh: CTV 

Lực lượng địch gồm: 76 tiểu đoàn bộ binh (quân Thái Lan có 18 tiểu đoàn); 3 tiểu đoàn pháo binh; bố trí theo 4 khu vực quanh Cánh đồng Chum, được Không quân Mỹ chi viện. Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (21-5 đến 25-11-1972), gồm 4 đợt. Đợt 1 (21-5 đến 10-8-1972), địch tiến công khu vực trung gian nhằm chiếm bàn đạp; ta kiên quyết ngăn chặn và tổ chức đánh phá sau lưng địch, phản kích khôi phục, giữ vững địa bàn. Đợt 2 (11-8 đến 10-9-1972), địch mở cuộc tiến công lớn vào Cánh đồng Chum, ta lần lượt bẻ gãy các cánh quân địch, giữ vững địa bàn phòng ngự. Đợt 3 (từ 11 đến 30-9-1972), địch chuyển hướng tiến công, lấy hướng tây là chủ yếu, ta tổ chức trận phản đột kích thứ 2, đánh bại quân địch. Đợt 4 (01-10 đến 15-11-1972), địch mở đợt tiến công mới nhằm chiếm phía Nam Cánh đồng Chum; ta tập trung lực lượng đánh trận then chốt quyết định, tiêu diệt phần lớn các cụm quân địch, sau đó phát triển sang truy kích, quét địch khỏi các điểm cao phía nam Cánh đồng Chum, buộc chúng phải co cụm về giữ Sảm Thông - Loong Chẹng. Ta hoàn toàn làm chủ khu vực trung gian Cánh đồng Chum.

Ngày 15-11-1972, Chiến dịch kết thúc thắng lợi, loại khỏi chiến đấu hơn 5.600 tên địch (bắt 179 tên), thu 800 súng, 4 pháo 105 mm và 4 cối 106,7mm, bắn rơi 38 máy bay. Đây là chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh đầu tiên, dài ngày nhất của Quân đội ta và Quân giải phóng nhân dân Lào với cách đánh sáng tạo, hiệu quả. Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu sự phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào; vĩnh viễn xóa đi sự giành giật quyền kiểm soát Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng nhiều năm trước đó; mở ra một thời kỳ mới của Cách mạng Lào và phối hợp hiệu quả với cuộc tiến công chiến lược ở miền Nam Việt Nam.

Trong Chiến dịch này, công tác hậu cần đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó bảo đảm 3.918 tấn vật chất (có 2.876 tấn lương thực, thực phẩm; 442 tấn đạn, 400 tấn nhiên liệu và 200 tấn vật chất khác); cứu chữa 1.662 thương binh… góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch. Đồng thời, để lại nhiều bài học quý về sự phối hợp giữa ta và bạn Lào trong quá trình chuẩn bị, bảo đảm hậu cần (BĐHC):

Một là, ta và Bạn tích cực, chủ động chuẩn bị cơ sở bảo đảm.

Quán triệt chủ trương tác chiến, chỉ thị của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, sau khi kết thúc chiến dịch tiến công (05-4-1972), Bạn và ta chuyển sang chuẩn bị chiến dịch phòng ngự. Thuận lợi cơ bản là hậu cần chiến dịch (HCCD) tiến hành trong liên minh chiến đấu đặc biệt Việt - Lào, đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, có thời gian chuẩn bị, được hậu cần chiến lược tăng cường lực lượng, chi viện bảo đảm và tồn kho sau chiến dịch tiến công còn 1.500 tấn vật chất. Tuy nhiên, bộ đội phải chiến đấu liên tục, dài ngày nên sức khỏe suy giảm, quân số thiếu, chưa có điều kiện củng cố. Mặt khác, địa bàn chiến dịch là rừng núi hiểm trở, thời tiết mưa nhiều, nguồn lực tại chỗ rất hạn chế; khối lượng bảo đảm lớn, chủ yếu vận chuyển từ miền Bắc Việt Nam sang, địch đánh phá rất ác liệt. Nhận thức rõ thuận lợi và thách thức đó, sau khi có chỉ thị của Bộ Tư lệnh (4-1972) về tiến hành Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, HCCD đã tích cực, chủ động triển khai mọi mặt chuẩn bị như: đường vận chuyển từ kho chiến dịch tới hậu cần các trung đoàn; chỉ đạo các đơn vị xây dựng đường vận tải bộ đến các cụm điểm tựa, điểm tựa phía trước; xây dựng hầm, hào, kho trạm... Sau gần 2 tháng, ta và Bạn tổ chức đào 500 hầm trú ẩn ven các đường cơ động, làm 50km hào giao thông, hơn 600 km đường cơ động cho xe cơ giới, bắc 100 cầu vượt suối để tổ chức vận chuyển trong mùa mưa... Nhân dân Xiêng Khoảng đã ủng hộ hàng nghìn cây tre, gỗ, hàng trăm tấn tôn để làm công sự và làm cầu; hàng nghìn người tham gia dân công phục vụ tác chiến.

Hai là, phối hợp xây dựng thế trận hậu cần phù hợp với quyết tâm Chiến dịch.

Trên cơ sở bộ máy HCCD tiến công đã hợp nhất với hậu cần Sư đoàn bộ binh 316. Các cụm hậu cần, cụm kho phía trước được điều chỉnh và rút về các căn cứ hậu cần (CCHC), một bộ phận lực lượng được chuyển giao cho các trung tâm làm nhiệm vụ phòng ngự. Cụm kho Bản Hai ở phía trước giao cho Trung đoàn bộ binh 174 làm nhiệm vụ giữ khu trung gian. Cụm kho Bản Khổng rút về CCHC Noọng Pẹt - Khang Khay, một bộ phận lực lượng và vật chất giao cho Trung đoàn bộ binh 866 phòng ngự khu trung tâm. CCHC Thẩm Cập - Bản Thẩm rút gọn thành cụm kho Bản Thẩm bố trí ở phía sau Trung đoàn bộ binh 866, cụm kho Bản Quang bố trí phía sau Trung đoàn bộ binh 148. CCHC chủ yếu Noọng Pẹt - Khang Khay - Lạt Bua được tổ chức lại như sau: Các kho trạm tổ chức thành 2 đại đội; Bệnh viện 139 tổ chức thành 2 đại đội vừa làm công tác chuyên môn, vừa sẵn sàng đánh địch xâm nhập. Bạn Lào cũng tổ chức bộ máy HCCD do Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu Xiêng Khoảng phụ trách. Nhờ đó, đã hình thành thế BĐHC theo khu vực hoàn chỉnh, vững chắc, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Ba là, tổ chức bảo đảm vật chất theo yêu cầu Chiến dịch phòng ngự.

Sau chiến dịch tiến công, vật chất tồn kho còn gần 1.500 tấn; giai đoạn chuẩn bị, được Binh trạm 11 và 13/Cục Vận tải vận chuyển bổ sung nên HCCD có dự trữ 4.396 tấn, đủ theo quy định. HCCD đã tổ chức dự trữ vật chất theo phân cấp, đảm bảo hợp lý, có chiều sâu. Các đơn vị phòng ngự dự trữ đủ 1 tháng và bổ sung đủ dự trữ sau từng đợt chiến đấu; ưu tiên các trung đoàn phòng ngự phía trước và khu vực trọng yếu. Đơn vị dự bị chiến dịch dự trữ ít hơn, HCCD chuẩn bị sẵn sàng bảo đảm cơ động lực lượng và vận chuyển vật chất bổ sung tại khu vực chiến đấu. Hậu cần các đơn vị đã tích cực cải tạo địa hình, đào hầm hào, công sự bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, vật chất và có phương án chiến đấu bảo vệ kho trạm, cơ quan hậu cần.

Bốn là, chỉ huy, chỉ đạo kiên quyết, sáng tạo, tập trung bảo đảm cho hướng, khu vực phòng ngự chủ yếu, các trận phản đột kích giành thắng lợi.

HCCD đã tập trung chỉ huy, chỉ đạo bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho tác chiến. Nhiều phái viên được cử đến các CCHC, đơn vị phía trước nắm tình hình, chỉ đạo, giúp đơn vị về công tác BĐHC; lực lượng quân y chiến dịch được tăng cường cho các đơn vị phòng ngự để nâng cao khả năng cứu chữa thương binh tại chỗ. Các biện pháp bảo đảm sinh hoạt trong phòng ngự (ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, phòng bệnh dịch...) được chỉ đạo, duy trì tốt; sau mỗi trận đánh, hậu cần các đơn vị đã nhanh chóng củng cố, bổ sung vật chất kết hợp chuyển thương binh về tuyến sau... Trong đợt 1, HCCD tổ chức cơ động Tiểu đoàn 6 bằng ô tô tới khu vực tập kết đúng quy định và bảo đảm cho phản công đột kích thắng lợi; đồng thời bảo đảm đạn pháo và chuẩn bị đầy đủ cho lực lượng đặc công tiến công thọc sâu vào Long Chẹng. Trong 82 ngày chiến đấu đã giữ vững khu vực trung gian, HCCD kịp thời bổ sung vật chất lên phía trước và chuyển thương binh về tuyến sau.

Trong tháng 8 và tháng 9, địch mở hai đợt tiến công lớn vào khu trung tâm Cánh đồng Chum, hậu cần đã bám sát, bảo đảm cho các đơn vị phòng ngự bẻ gãy các mũi tiến công của chúng. Đặc biệt, gần đến ngày đàm phán giữa hai bên (15-10-1972), địch tập trung hơn 60 tiểu đoàn phái hữu và Thái Lan tiến công nam Cánh đồng Chum, HCCD đã tập trung bảo đảm cho Trung đoàn bộ binh 148 và 335 phối hợp với các đơn vị pháo binh, xe tăng phản đột kích trên Cánh đồng Căng Xẻng (26-10), buộc chúng phải tháo chạy khỏi Cánh đồng Chum; kết thúc thắng lợi Chiến dịch (15-11-1972).

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là tự giúp mình”, công tác hậu cần đã phát huy sức mạnh đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt - Lào, phối hợp chặt chẽ giữa hậu cần chiến lược và chiến dịch với hậu cần Quân giải phóng nhân dân Lào trong chuẩn bị, chỉ huy, chỉ đạo bảo đảm, tổ chức bảo vệ an toàn hậu phương chiến dịch, duy trì khả năng bảo đảm liên tục, dài ngày, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch. Nửa thế kỷ trôi qua, những kinh nghiệm đó cần được nghiên cứu, vận dụng phù hợp điều kiện mới, nhằm xây dựng thế trận và tiềm lực hậu cần, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của mỗi dân tộc trong giai đoạn mới.

Đại tá, ThS TRẦN ĐÌNH QUANG (Nguyên cán bộ Bộ Tham mưu/TCHC)