Để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội, các đơn vị chủ động phát huy tiềm năng, thế mạnh, triệt để tận dụng diện tích đất hiện có và công sức bộ đội, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để tổ chức các mô hình TGSX phù hợp với đặc điểm vùng miền, thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng, quân số loại hình đơn vị, đảm bảo hiệu quả kinh tế.
|
|
Vườn rau chuyên canh trong nhà màng tại khu TGSX tập trung của Tổng cục Hậu cần. Ảnh: HOÀNG HIỀN
|
Điển hình như, Kho 205 (Cục Quân nhu) đóng quân phân tán tại 2 địa điểm trong khu vực Thành phố Hà Nội, mật độ dân cư cao, diện tích đất phục vụTGSX hạn hẹp, việc quy hoạch bố trí các khu chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn tập trung gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Kho tận dụng tối đa diện tích đất hiện có, quy hoạch, xây dựng khu TGSX tập trung tại khu B một cách khoa học, có đủ chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm, vườn, giàn, ao cá. Kho đầu tư kinh phí, công sức bộ đội, phát triển mạnh TGSX theo hướng cơ bản, bền vững, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Khu vực vườn, giàn có tổng diện tích gần 7.000m2, trong đó có 5.000m2 vườn trồng rau cao cấp, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động; hơn 1.000m2 giàn trồng cây leo được xây dựng kiên cố. Ngoài ra, Kho đầu tư xây dựng 350m2 nhà lưới ứng dụng công nghệ trồng rau thủy canh; 450m2 nhà màng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để trồng các loại cây leo giàn lấy quả chất lượng cao như dưa chuột, cà chua bi…; tận dụng diện tích đất xung quanh hệ thống kho, nhà ở, nhà làm việc, quy hoạch thành vườn cây ăn quả, trồng gần 3.000m2 cây các loại như: Chuối, bưởi, xoài, nhãn…
Đối với chăn nuôi, trên diện tích hơn 500m2 chuồng, kho bố trí khu nuôi lợn thịt quy mô 50 con, chuồng nuôi gà thịt quy mô 300 con. Các chuồng nuôi được bố trí khoảng cách hợp lý để phòng, chống dịch bệnh. Chất thải chăn nuôi được thu hồi, xử lý bằng công nghệ Biogas, đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường. Cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, Kho quy hoạch ao nuôi cá với diện tích 5.200m2 được kè bờ chắc chắn, nuôi thả ghép các loại cá trắm, chép, trôi… theo từng tầng nước.
Bên cạnh đó, Kho tận dụng diện tích mặt nước để nuôi hơn 200 con vịt đẻ; 400 con ngan, vịt các loại. Với hệ thống vườn, giàn, ao, chuồng được xây dựng cơ bản và áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt hiện nay, hằng năm, Kho thu hoạch trên 32 tấn rau, củ, quả; 7,5 - 8 tấn thịt lợn xô lọc; 4,5 - 5 tấn cá tươi; 4,5 - 5 tấn thịt gia cầm; 27.000 - 28.000 quả trứng vịt. Nhờ có nguồn sản phẩm TGSX tại chỗ, Kho luôn tự túc 100% nhu cầu rau xanh, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm và 85% nhu cầu cá tươi, giá rẻ hơn thị trường từ 8 - 15% (tùy loại thực phẩm), góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội. Thu lãi từ TGSX, dịch vụ hậu cần bình quân đạt 1.600.000 đồng/người/năm.
|
|
Khu chăn nuôi gia cầm tập trung của Lữ đoàn 972, Cục Vận tải. Ảnh: CTV |
Đối với Kho 661 (Cục Xăng dầu), có nhiều đơn vị đóng quân phân tán, chủ yếu ở địa bàn trung du, miền núi. Vì vậy, Kho không tổ chức mô hình TGSX tập trung, mà tùy vào điều kiện của từng điểm đóng quân, các phân kho, tiểu đoàn, đội bảo quản triển khai mô hình TGSX phù hợp với quân số, diện tích đất. Đối với những điểm đóng quân có quân số ăn cao, diện tích đất rộng như Phân kho 192, 14, Tiểu đoàn 668 và Đội bảo quản… tổ chức mô hình TGSX với vườn, ao, chuồng, giàn cơ bản, gắn với bếp ăn của bộ đội.
Đối với các điểm đóng quân nhỏ lẻ dọc theo tuyến ống của Phân kho 14, quân số ít, tổ chức nuôi lợn, gia cầm, trồng rau xanh quy mô nhỏ để tự túc thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày. Hiện nay, Kho có tổng diện tích vườn, giàn hơn 6.000 m2; 890 m2 chuồng nuôi gia súc, gia cầm, duy trì thường xuyên từ 140 -150 con lợn, 300 - 400 con gia cầm các loại; 10.000 m2 ao nuôi thả cá. Đặc biệt, Kho tận dụng lợi thế về diện tích đất, tại Phân kho 192 tổ chức trồng các loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vùng miền để cung cấp ra ngoài thị trường và chăn nuôi bò thịt.
Hiện tại, Phân kho trồng 13,7ha dứa, 10ha mía; nuôi từ 35 - 40 con bò. Tại Đội bảo quản của Kho tổ chức trồng ổi trên diện tích 1ha. Từ các mô hình này hằng năm Kho thu hoạch khoảng 35 tấn rau, củ, quả; 4,5 tấn thịt xô lọc, 4 tấn thịt nạc, 4 tấn thịt gia cầm; 11 - 12 tấn cá tươi; 80 tấn dứa; 40 tấn mía; từ 20 - 25 tấn quả ổi. Thu lãi từ TGSX và dịch vụ hậu cần đạt bình quân 1.800.000 đồng/người/năm.
Lữ đoàn 972 (Cục Vận tải), chủ yếu các đơn vị đóng quân tập trung tại khu vực xung quanh Lữ đoàn bộ, ngoài ra có một số bộ phận đóng quân độc lập. Vì vậy, Lữ đoàn tập trung đầu tư xây dựng Khu TGSX tập trung cơ bản, đồng bộ, ứng dụng công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm trong bữa ăn của đơn vị.
Vườn rau tập trung có diện tích trên 3.000m2, được đầu tư xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, trồng trọt các loại rau, củ, quả cho năng suất, chất lượng cao; vườn trồng cây leo giàn có diện tích 800m2 được đổ cột bê tông kiên cố, trồng mướp, bí, đậu đũa… Lữ đoàn quy hoạch vườn trồng cây ăn quả có diện tích 8.200m2 trồng mít, bưởi, ổi, bơ… để cung cấp trái cây cho các bếp ăn.
Đặc biệt, năm 2023, khu TGSX tập trung được đầu tư xây dựng khu vực ủ phân hữu cơ vi sinh có thể tích 25m3, vừa xử lý chất thải bảo vệ môi trường, vừa tạo nguồn phân bón hữu cơ cho trồng trọt. Trong chăn nuôi, khu TGSX tập trung nuôi 120 con lợn, 500 con gà thịt, 450 con vịt, ngan, 500 con gà đẻ trứng, 25 con bò. Chuồng nuôi được xây dựng cơ bản, có hệ thống thu gom, xử lý chất thải bằng công nghệ Bioga đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, diện tích ao nuôi cá 26.800m2 được kè bờ kiên cố, nuôi các loại cá thương phẩm chất lượng cao. Đối với tiểu đoàn, đại đội đóng quân độc lập, các đơn vị tổ chức trồng trọt, chăn nuôi quy mô nhỏ, phù hợp với điều kiện quân số và diện tích đất. Do hạ tầng TGSX được đầu tư xây dựng cơ bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, hằng năm Lữ đoàn thu 62 - 63 tấn rau, củ, quả; 24 - 25 tấn thịt các loại; 110.000 quả trứng gia cầm; 13 - 14 tấn cá tươi. Thu lãi từ TGSX và dịch vụ hậu cần đạt bình quân 1.550.000 đồng/người/năm.
Để chủ động tạo nguồn thực phẩm tại chỗ chất lượng tốt, an toàn cung cấp cho bếp ăn khối cơ quan Tổng cục, Cục Hậu cần tham mưu với Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục đầu tư xây dựng 2 khu TGSX tập trung để tổ chức trồng trọt, chăn nuôi theo quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, khu A được đầu tư xây dựng từ năm 2021 trên địa bàn xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội. Tại đây xây dựng, lắp đặt 2 vườn trồng rau trong nhà màng có tổng diện tích 3.456m2 để trồng các loại rau cao cấp; 1 vườn trồng rau trên giá thể, thủy canh có diện tích 636m2.
Các vườn rau trong nhà màng đều được lắp đặt đồng bộ hệ thống quạt thông gió, tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động hiện đại và áp dụng quy trình trồng rau hữu cơ an toàn. Cùng với đó, khu TGSX tập trung còn có 3.000m2 giàn trồng bầu, bí, dưa leo và 2.500m2 vườn trồng các loại cây ăn quả như bưởi, mít, ổi… Đối với chăn nuôi, hệ thống chuồng chăn nuôi được xây dựng mới, phân chia thành các khu chăn nuôi lợn thịt (750m2), chuồng nuôi gia cầm thịt, gia cầm đẻ trứng (600m2), chuồng nuôi bò thịt.
Ngoài ra, khu TGSX tập trung còn tổ chức chăn nuôi những loại gia súc, gia cầm chất lượng cao, mang tính chất thương mại như: đà điểu, lợn rừng... để cung cấp thực phẩm cho bếp ăn trong dịp lễ, Tết. Đối với Khu B, mới được Tổng cục đầu tư xây dựng từ năm 2023 tại phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Hiện nay khu TGSX đã xây dựng xong và đưa vào hoạt động chuồng chăn nuôi bò theo phương pháp bán thả, có diện tích 420m2, quy mô nuôi từ 20 - 30 con; ao nuôi cá có diện tích 3.600m2 được kè bờ kiên cố, nuôi các loại cá trắm, chép... Bên cạnh đó, trong khu TGSX hoạch 2.400m2 vườn trồng rau; 3.500m2 vườn cây ăn quả trồng ổi.
Với hệ thống vườn giàn, chuồng chăn nuôi, ao nuôi thả cá được đầu tư xây dựng cơ bản, ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới, hằng năm các khu TGSX tập trung của Tổng cục cung cấp từ 40 - 42 tấn rau, củ, quả các loại; 5 - 6 tấn thịt lợn; 5 - 6 tấn thịt gia cầm; 10 tấn thịt bò; 1,2 - 1,5 tấn thịt đà điểu... Sản phẩm đưa vào ăn thường xuyên và dịp lễ, Tết tại bếp ăn cơ quan Tổng cục và cung cấp cho một số đơn vị trên địa bàn với giá thấp hơn thị trường từ 10 - 15%.
Mặc dù điều kiện TGSX khác nhau, song các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục Hậu cần đã chủ động khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh, đầu tư xây dựng hạ tầng vườn, giàn, chuồng trại, ao hồ theo hướng cơ bản, bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt với nhiều mô hình hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng đời sống bộ đội.
Đại tá LÊ NGỌC HỒ, Trưởng phòng Quân nhu, Cục Hậu cần/Tổng cục Hậu cần