Làm tốt công tác này giúp cung cấp thông tin gói thầu đầy đủ, rõ ràng, chính xác, đảm bảo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu, giúp đơn vị chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu phù hợp cho thực hiện gói thầu, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Cấp lữ đoàn trực thuộc các binh chủng là đơn vị dự toán cấp 4, thường xuyên tổ chức mua sắm hàng hóa, trang thiết bị theo phân cấp, phục vụ nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Những năm qua, công tác đấu thầu được các lữ đoàn thực hiện đúng theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Hồ sơ mời thầu (HSMT) được lập dựa trên các văn bản pháp lý, xác định loại gói thầu và các hình thức lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, khảo sát cho thấy: Việc xây dựng HSMT của một số gói thầu chất lượng chưa cao, chỉ dẫn cho nhà thầu trong HSMT chưa rõ ràng, dữ liệu chưa thống nhất, dễ gây nên sự nhầm lẫn, cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà thầu. Đặc biệt, nội dung HSMT của một số gói thầu còn chưa cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu, cụ thể như: Loại hàng hóa đặt mua, nhà sản xuất, các thông số kỹ thuật, địa điểm và thời gian giao hàng hoặc lắp đặt; yêu cầu bảo hành, bảo trì; mô tả chi tiết về kỹ thuật, tiêu chuẩn đặc điểm chủ yếu của hàng hóa, dịch vụ mua sắm; các yêu cầu về kinh nghiệm nhà thầu hoặc yếu tố liên quan đến hàng hóa, dịch vụ cho từng gói thầu mà nhà thầu phải đáp ứng còn chưa hợp lý, nhất là yêu cầu về năng lực thực hiện hợp đồng tương tự.
|
|
Công tác lập hồ sơ mời thầu qua mạng (E-HSMT) là một khâu trong tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ gói thầu. Ảnh minh họa: baodauthau.vn
|
Mặt khác, thực hiện theo Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 23/6/2023 và Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT, ngày 26-4-2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung các tiêu chí xác định tư cách hợp pháp của nhà thầu, bãi bỏ các mốc thời gian trong lập HSMT nhằm tăng tính chủ động của chủ đầu tư (bên mời thầu), đòi hỏi chủ thể xây dựng HSMT ngoài việc nắm chắc thủ tục đấu thầu qua mạng, còn phải nắm chắc chủng loại, yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa, kiến thức tài chính nhà thầu làm cơ sở xây dựng tiêu chí đánh giá phù hợp, đảm bảo tính chính xác của HSMT nói riêng, đáp ứng tiến độ lựa chọn nhà thầu nói chung.
Để nâng cao chất lượng công tác lập E-HSMT cấp lữ đoàn thuộc các binh chủng, theo chúng tôi cần thực hiện một số biện pháp sau:
Xác định rõ mục đích trong lập E-HSMT nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng về gói thầu để thu hút các nhà thầu hợp lệ, có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của bên mời thầu (BMT). E-HSMT phải hướng dẫn cho nhà thầu các thủ tục nộp hồ sơ dự thầu qua mạng (E-HSDT), các tiêu chí đánh giá E-HSDT, miêu tả chi tiết tiêu chuẩn các loại hàng hóa cần mua, điều kiện của hợp đồng… Vì vậy, thông tin trong E-HSMT phải được minh bạch hóa theo hướng vừa tạo thuận lợi cho BMT là các lữ đoàn, vừa tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho các nhà thầu. E-HSMT gồm các nội dung cần thiết như tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa và dịch vụ đi kèm, tiêu chuẩn đánh giá, điều kiện hợp đồng và chỉ dẫn cho nhà thầu. Khối lượng tài liệu của HSMT tùy thuộc vào quy mô và tính chất của gói thầu.
Các lữ đoàn đảm bảo nội dung những tài liệu này rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ; yêu cầu về hàng hóa và dịch vụ cung cấp được miêu tả đầy đủ, rõ ràng, chi tiết làm cơ sở cho việc lựa chọn nhà thầu đảm bảo tính cạnh tranh; đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật và các điều kiện hợp đồng không nhằm đến một nhà thầu cụ thể nào; các tiêu chí đánh giá phải được công khai, lập trên cơ sở quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định liên quan.
Phân tích thị trường cung cấp hàng hóa làm cơ sở lập dự toán gói thầu, đây là kỹ năng để BMT tìm hiểu, nắm bắt xu hướng cung cấp hàng hóa của thị trường, tính cạnh tranh của thị trường và giá trị hợp đồng mà nhà cung cấp có khả năng thực hiện. Điều này có thể cung cấp thông tin giúp cho việc lựa chọn nhà thầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc phân tích thị trường của các lữ đoàn cần được thực hiện với công tác mua sắm các loại hàng hóa có tính chất phức tạp, giá trị lớn như các gói thầu về công nghệ thông tin, loại mặt hàng chuyên ngành về hóa chất, thiết bị đặc thù… Đối với các loại hàng hóa nhỏ lẻ, không cần phân tích thị trường như văn phòng phẩm, máy in, máy tính cá nhân...
Đây là những mặt hàng dễ mua sắm trên thị trường và có giá trị không lớn, cấp lữ đoàn chỉ cần khảo sát giá của các nhà cung cấp trên địa bàn để lập dự toán gói thầu. Tuy nhiên, để làm cơ sở phân tích thị trường cung cấp hàng hóa được đi đúng hướng, đòi hỏi lữ đoàn phải xác định yêu cầu cho việc mua sắm hàng hóa đó như: số lượng mua sắm, tiêu chuẩn chất lượng, mức độ phổ biến của nguồn cung cấp hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật, giá của hàng hóa đó.
Xác định cơ sở pháp lý trong lập E-HSMT dựa trên các văn bản pháp lý: quyết định phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; các yêu cầu về đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa; các chính sách của Nhà nước về thuế, phí, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu… Căn cứ vào các văn bản pháp lý và quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể để BMT đưa ra các yêu cầu phù hợp trong E-HSMT trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Trong E-HSMT, cấp lữ đoàn không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây nên sự cạnh tranh không bình đẳng. E-HSMT phải được phê duyệt bởi chỉ huy lữ đoàn trước khi phát hành. Các văn bản điện tử giao dịch qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các thông tin được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được coi là văn bản gốc, có giá trị pháp lý và có hiệu lực như văn bản giấy, làm cơ sở phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, kiểm tra, kiểm toán.
Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá HSDT phù hợp, gồm các tiêu chí: Đánh giá tính hợp lệ của E-HSDT, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, tài chính. Việc xây dựng các tiêu chí này là một nội dung quan trọng trong lập E-HSMT của lữ đoàn, trong đó cần lưu ý một số vấn đề sau:
Đối với tiêu chí đánh giá về năng lực và kinh nghiệm: Những gói thầu áp dụng chào hàng cạnh tranh, căn cứ vào quy mô và tính chất gói thầu mà BMT có thể lựa chọn để đưa ra tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm cho phù hợp. Đối với gói thầu có tính chất đơn giản có thể không yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo quy định nhưng nhà thầu tham dự thầu phải cam kết có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu. Khi lập E-HSMT không đưa ra yêu cầu quá cao, quá khắt khe, không phù hợp với quy mô, tính chất và yêu cầu thực tế của gói thầu làm hạn chế nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một nhà thầu hoặc đưa ra những yêu cầu không quan trọng, không cần thiết.
Các tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm bao gồm: (1) Lịch sử không hoàn thành hợp đồng do lỗi nhà thầu: Xác định nhà thầu có hay không có hợp đồng không hoàn thành trong khoảng thời gian thông thường từ 3 - 5 năm đến thời điểm đóng thầu; trường hợp là nhà thầu liên danh thì từng thành viên liên danh phải thỏa mãn yêu cầu này. (2)Thực hiện nghĩa vụ thuế: Đã thực hiện nghĩa vụ thuế của năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu. (3) Kết quả hoạt động tài chính: Nhà thầu nộp báo cáo tài chính thông thường là 03 năm trước năm có thời điểm đóng thầu; có giá trị tài sản ròng trong năm gần nhất phải dương. (4) Doanh thu bình quân hằng năm (không bao gồm thuế VAT) trong khoảng từ 3 - 5 năm trước năm có thời điểm đóng thầu. (5) Kinh nghiệm thực hiện cung cấp hàng hóa tương tự về tính chất (hàng hóa có cùng mã chương, mã nhóm) và quy mô hợp đồng (giá trị hợp đồng khoảng 70% giá trị gói thầu đang xét). (6) Khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác (nếu có).
Đối với tiêu chí đánh giá về kỹ thuật: Được quy định phương pháp đánh giá theo phương pháp đạt/ không đạt hoặc chấm điểm. Tuy nhiên ưu tiên sử dụng phương pháp đạt/không đạt. Các tiêu chí đánh giá cần phải đầy đủ và rõ ràng, chi tiết để làm cơ sở đánh giá HSDT. Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật dựa trên các yếu tố về khả năng đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, vận chuyển, lắp đặt, bảo hành, uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yêu cầu khác nêu trong yêu cầu kỹ thuật. Căn cứ vào tính chất của từng gói thầu cụ thể, BMT phải cụ thể hóa các tiêu chí làm cơ sở để đánh giá về kỹ thuật.
Đối với tiêu chí đánh giá về tài chính: Căn cứ tính chất, quy mô gói thầu để lựa chọn một trong ba phương pháp đánh giá chi tiết về tài chính gồm: Phương pháp giá thấp nhất, áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa đơn giản, quy mô nhỏ, trong đó các đề xuất về kỹ thuật, tài chính, thương mại được coi là cùng một mặt hàng khi đáp ứng yêu cầu trong HSMT.
Phương pháp giá đánh giá áp dụng đối với gói thầu mà các chi phí quy đổi được trên cùng một mặt bằng về các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thương mại cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa, công trình. Việc đánh giá các tiêu chí quy đổi về một mặt bằng (hiệu suất, chi phí vận hành, bảo dưỡng) dựa trên đề xuất cho nhà thầu chào, do đó hợp đồng cần nêu rõ chi phí xử phạt, bồi thường thiệt hại nếu nhà thầu không đáp ứng bất kỳ yếu tố nào nhà thầu đã chào và được đưa vào xác định giá đánh giá. Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá áp dụng đối với gói thầu công nghệ thông tin, viễn thông hoặc gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp khi không áp dụng được phương pháp giá thấp nhất và phương pháp giá đánh giá.
Xây dựng E-HSMT là khâu quan trọng trong thực hiện đấu thầu qua mạng. Những biện pháp trên cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, phù hợp với từng gói thầu cụ thể để nâng cao chất lượng xây dựng E-HSMT, đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu, nâng cao hiệu quả đấu thầu mua sắm thường xuyên cấp Lữ đoàn của Binh chủng.
Đại úy, ThS NGUYỄN NAM PHONG, Lữ đoàn 204, Binh chủng Pháo binh