Hiện tại, Mỹ có 2 tàu bệnh viện mang tên USNS T-AH 19“Mercy”và T-AH 20“Comfort”.

Tàu  USNS  Mercy  (T-AH-19):  Được cải hoán từ tàu chở dầu cũ - SS Worth, thuộc lớp San Clemete cũ, bởi Công ty Đóng tàu và Thép Quốc gia Hoa Kỳ, tại San Diego, năm 1976. Tháng 7/1984, tàu đổi tên và chuyển đổi thành tàu bệnh viện. Mercy hạ thủy ngày 20/7/1985. Mercy có trụ sở đóng quân thường xuyên tại Căn cứ San Diego, California, chủ yếu hoạt động ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

leftcenterrightdel

Tàu VSNS Mercy của Hải quân Mỹ. Ảnh: Internet 

Một số đặc điểm chính: Tàu được sơn màu trắng sáng, trên thân tàu có kẻ 9 biểu tượng chữ thập màu đỏ, chiều dài 272,49 m, rộng 32,182 m, lượng choán nước 69.360 tấn, tốc độ chạy trên biển 32,41 km/giờ, có thể chạy liên tục 23.150 km. Động cơ đẩy của tàu gồm hai nồi hơi, hai tua-bin GE, công suất 24.500 mã lực. Trên tàu có sân đậu cho 2 trực thăng CH-53. Tàu thường ở trong trạng thái hoạt động cắt giảm, thủy thủ đoàn là nhân viên của Trung tâm Y tế Hải quân San Diego (gồm 12 nhân viên dân sự và 58 quân nhân). Những thủy thủ đến từ Bộ chỉ huy Vận tải Hải quân chịu trách nhiệm định vị, di chuyển và hầu hết các nhiệm vụ trên boong. Khi có lệnh ra biển, tàu có 5 ngày để kích hoạt đầy đủ các tính năng thành một cơ sở điều trị y tế cấp độ III của NATO. Trạng thái vận hành đầy đủ, thủy thủ đoàn gồm 61 nhân viên dân sự và 1.214 quân nhân.

Mercy có 12 phòng mổ, khả năng triển khai lên tới 1.000 giường bệnh gồm các khu chức năng: Khu vực chăm sóc đặc biệt với 80 giường; khu hồi sức 20 giường; khu chăm sóc trung bình 280 giường; khu chăm sóc nhẹ 120 giường; khu chăm sóc giới hạn 500 giường; riêng phòng vận hành tàu có 12 giường. Các phòng, ban, trang thiết bị tương ứng cần thiết khác gồm: Nơi tiếp nhận bệnh nhân; dịch vụ chiếu, chụp tia X-quang; phòng thí nghiệm chính và phòng thí nghiệm vệ tinh; trung tâm tiếp nhận vô trùng; kho cung cấp dược phẩm/y tế; khu vật lí trị liệu và điều trị bỏng; đơn vị chăm sóc đặc biệt; dịch vụ nha khoa; phòng thí nghiệm thấu kính/đo thị lực; khu nhà xác; phòng giặt ủi và 02 phòng máy sản xuất ôxy. Nhà ăn có quy mô rất lớn, mỗi ngày có thể phục vụ cho 2.000 - 3.000 người ăn... Trên tàu có hệ thống thông tin viễn thông, có thể tổ chức hội chẩn từ xa với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài.

Các hoạt động chủ yếu: Ngày 27/02/1987, Mercy bắt đầu quá trình huấn luyện trên một hành trình nhân đạo đến Philippines và Nam Thái Bình Dương. Nhân viên tàu gồm những quân nhân tại ngũ và dự bị thuộc các lực lượng Hải quân, Lục quân, Không quân Hoa Kỳ; Dịch vụ Y tế công cộng Hoa Kỳ; các nhà cung cấp dịch vụ y tế từ Quân đội Philippines và các thủy thủ dân sự của Bộ Chỉ huy Vận tải Hải quân (MSC). Hơn 62.000 bệnh nhân ngoại trú và gần 1.000 bệnh nhân nội trú đã được điều trị tại 07 cảng ở Philippines và Nam Thái Bình Dương.

Tiếp đó, tàu đã tham gia hoạt động vào hàng loạt các sự kiện như: Chiến dịch Lá chắn/Bão táp sa mạc (1990-1991), tàu tiếp nhận 690 bệnh nhân và thực hiện gần 300 ca phẫu thuật. Năm 2001, tàu tham gia bảo đảm quân y cho cuộc diễn tập “Tia chớp hạch tâm” diễn ra hằng năm tại California. Năm 2002, tàu tham gia cuộc diễn tập của lực lượng đa quốc gia với tên “Khiêu chiến biển Ban-tích 2002”, thực hiện cứu chữa cho 230 thương binh, đồng thời huấn luyện cho nhân viên y vụ, nhân viên điều trị của nhiều quốc gia khác về quy trình, nội dung thực hiện kiểm tra khoa ngoại, khoa phóng xạ, phòng dược, thiết bị phục hồi sức khỏe trên tàu, điều trị mô phỏng...

Trong Chiến dịch Cứu trợ Thống nhất (2004), Mercy đã cung cấp dịch vụ cho 108.000 bệnh nhân, thực hiện bởi các thành viên của Bộ Quốc phòng, Project Hope (một cơ quan đa dịch vụ) và Dịch vụ Y tế Công cộng Hoa Kỳ. Tàu còn liên tục tham gia chuỗi Chương trình Đối tác Thái Bình Dương. Năm 2006, tàu đã tham quan một số cảng ở Thái Bình Dương bao gồm Philippines, Indonesia và Banda Aceh. Năm 2008, Mercy đã chữa trị cho 91.000 bệnh nhân, trong đó có 1.369 ca phẫu thuật.

Trong lần triển khai vào năm 2010, Mercy đã đến thăm Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Đông Timor; điều trị cho 109.754 bệnh nhân và thực hiện 1.580 ca phẫu thuật. Năm 2012, tàu ghé qua Indonesia, Philippines, Việt Nam, Campuchia; mang theo các nhân viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, các thành viên đến từ 13 quốc gia đối tác và 28 tổ chức phi chính phủ. Năm 2013, tàu đến cứu trợ Philippines và các quốc gia khác sau cơn bão Haiyan. Năm 2014, Mercy tham gia Tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), đây là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn bao gồm các tàu và thành viên đến từ 23 quốc gia.

Ngoài việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và phẫu thuật trên biển cho binh lính, nhân viên bị thương trong cuộc tập trận, tàu còn tham gia vào trao đổi các vấn đề chuyên môn đa phương với các chuyên gia y tế quân sự của các quốc gia khác. Năm 2015, Mercy một lần nữa tham gia Chương trình Đối tác Thái Bình Dương sau 10 năm sau nỗ lực cứu trợ cho các nạn nhân trong trận động đất và sóng thần tại Ấn Độ Dương. Trong thời gian này, con tàu đã ghé vào các cảng của Cộng hòa Fiji, Papua New Guinea, Philipines và Việt Nam.

Tàu USNS T-AH 20 Comfort: Được Hải quân Mỹ mua lại vào năm 1987 cùng với một siêu tàu chở dầu khác với mục đích chuyển đổi cả hai thành tàu bệnh viện lớp Mercy. Comfort được hoán cải từ siêu tàu chở dầu SS Rose City, lớp San Clemente. Comfort hiện đại hơn Mercy, thường được sử dụng cho các chiến dịch hỗ trợ quân sự và xử lý khủng hoảng nhân đạo ở nước ngoài, cứu nạn trong các thảm họa động đất, bão. Sau 1/4 thế kỷở Baltimore, Maryland, Comfort chuyển vị trí đóng quân thường xuyên tới Trạm Hải quân Norfolk ở Norfolk, Virginia vào tháng 3/2013. Việc di chuyển này đã tiết kiệm cho Hải quân Hoa Kỳ ước tính khoảng 2 triệu USD/năm; đồng thời đặt con tàu gần hơn với nguồn cung cấp, phần lớn trong số đó đến từ Trung tâm Y tế Hải quân Portsmouth và đội ngũ nhân viên y tế. Phạm vi hoạt động chủ yếu của Comfort ở Caribe và Mỹ Latinh.

Một số đặc điểm chính: Comfort có chiều cao khoảng 30m, tương đương với tòa nhà 10 tầng; lượng giãn nước 70.473 tấn và ở nhiều cảng tàu buộc phải đậu ở ngoài khơi ít nhất 1,6km. Chiều dài tàu 272m, tương đương 3 lần chiều dài sân bóng đá tiêu chuẩn, tốc độ di chuyển khoảng 33 km/giờ. Comfort có một bãi đáp đủ sức tiếp nhận trực thăng quân sự cỡ lớn. Khi vận hành hết công suất, tàu và thủy thủ đoàn có thể hoạt động liên tục trong 5 ngày. Comfort biên chế 820 nhân viên y tế, 372 nhân viên bảo đảm và 15 nhân viên liên lạc hải quân.

Đội ngũ y, bác sĩ lúc đông nhất lên tới 1.200 người. Trên tàu có 14 phòng phẫu thuật (bao gồm cả phòng nha khoa), 16 phòng khám chữa bệnh quy mô 1.000 giường bệnh (trong đó có 500 giường được thiết kế cho nhu cầu tối thiểu, 400 giường cho các ca trung tính, 20 giường phẫu thuật và 80 giường điều trị tích cực) cùng các phòng hóa nghiệm, phòng chiếu xạ, phòng quét ảnh CAT, phòng thuốc, kho bảo quản máu, 50 trạm tiếp nhận thương, bệnh binh, xưởng sản xuất ôxy, có một phòng lớn cách ly bệnh truyền nhiễm và một nhà xác ở cuối tàu. Trung bình mỗi ngày có thể thu nhận và điều trị cho 300 thương, bệnh binh. Trên tàu có 02 buồng thở ô-xy, 01 phòng xét nghiệm và tủ cấp đông cất trữ 5.000 đơn vị máu.

Khi là bệnh viện di động, Comfort có thể chở theo 2.000 người trên khoang, gồm cả thủy thủ đoàn, bệnh nhân, có đủ nguồn nước ngọt cung cấp cho toàn bộ tàu nhờ một xưởng lọc nước có công suất 1.365.000 lít nước/ngày. Comfort được coi là một trung tâm cứu thương điều trị lớn thứ 5 trong hệ thống các bệnh viện của Mỹ. Trước khi đi thực hiện nhiệm vụ, trong 24 giờ, Comfort phải xếp đầy đủ thuốc và các vật tư cần thiết khác vào 1.800 chiếc tủ.

Theo tính toán, việc huy động quân số của Hải quân Mỹ trong chiến đấu có 3 loại tiêu chuẩn quy định số giường bệnh (1.000 giường, 500 giường, 250 giường) để bố trí nhân viên. Khi có 250 giường bệnh, yêu cầu cần phải có 730 nhân viên các loại. 2/3 số nhân viên y tế của tàu được điều đến từ Trung tâm Điều trị Hải quân Mỹ ở bang Maryland, số còn lại là nhân viên quân y thuộc các cơ quan điều trị khác của Hải quân Mỹ ở bờ biển phía Đông. Hằng ngày, tối thiểu phải có khoảng 250 nhân viên quân y Hải quân có mặt trên tàu, số còn lại được nghỉ trong căn cứ.

Các hoạt động chủ yếu: Comfort nhiều lần được điều tới các khu vực thảm họa hay chiến tranh. Tàu cũng xuất hiện ở vùng Vịnh nhiều lần. Đầu tiên là đợt đồn trú gần Kuwait và Saudi Arabia năm 1990, nhận 8.700 lượt bệnh nhân, đón 2.100 lượt trực thăng, thực hiện 337 ca phẫu thuật tại 12 phòng phẫu thuật. Năm 1994, tàu tổ chức cứu hộ, điều trị hơn 2.300 người gặp nạn trên biển. Cuối năm 1994, tàu đã chi viện điều trị 250 giường bệnh cho dân di cư trên vùng biển thuộc căn cứ Hải quân của Mỹ ở Guantanamo.

Tàu đã tới Haiti hai lần, lần thứ nhất vào năm 1994 để giúp sơ tán người di cư muốn thoát khỏi tình cảnh bất ổn; lần tiếp theo nhằm cứu trợ, sơ tán người dân trong trận động đất tàn phá thủ đô Port-au-Prince năm 2010. Sau sự kiện 11/9/2001, Comfort được phái đến nhiều vùng biển trên nước Mỹ để đối phó với nhiều thảm họa. Năm 2005, tàu tới New Orleans và Mississippi cứu trợ, chữa trị cho 2.000 nạn nhân bão Katrina trong thời gian 7 tuần. Tháng 5/2015, tàu có mặt tại Kingston, Jamaica để cung cấp các dịch vụ y tế bao gồm đo thị lực, nha khoa, y tế tổng quát, sức khỏe phụ nữ, nhi khoa và dược. Comfort trở về đến căn cứ Norfolk ngày 28/9/2015, sau thời gian 6 tháng công du các nước miền Trung và miền Nam châu Mỹ.

Tàu đã ghé vào các cảng của 11 quốc gia: Belize, Guatemala, Jamaica, Nicaragua, Panama, Salvador, Dominica, Kolumbia, Cộng hòa Domonica, Honduras, Haiti. Chuyến đi biển lần này nằm trong khuôn khổ Chương trình “Continuing Promise”, nhằm thu hút sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ ở các nước, thực hiện các hoạt động giúp đỡ y tế cho người dân và tiến hành những hoạt động nhân đạo khác. Tháng 3/2020, Comfort được điều tới New York nhằm giảm tải sức ép cho các bệnh viện của thành phố đang bị dồn ứ bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Hiện nay, Comfort và Mercy thuộc biên chế Bộ Tư lệnh Vận tải đường biển, do Bộ Tư lệnh Hậu cần Hải quân phụ trách, chỉ đạo kỹ thuật nghiệp vụ và công tác huấn luyện. Khi làm nhiệm vụ cứu trợ, hai tàu đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Vận tải đường biển. Hai tàu được biên chế thuộc Hạm đội Đại Tây Dương và Hạm đội Thái Bình Dương, bố trí ở bờ biển phía Tây và phía Đông nước Mỹ. Ngân sách chi cho công tác huấn luyện hàng năm của  2 tàu lên tới 14 triệu USD.

Trung tá, ThS Âu Đức Thắng

Bộ Tham mưu/TCHC

Thiếu tá Nguyễn Duy Khương

Học viện Hậu cần