Năm 1995, trong dịp Cục Hậu cần/Quân đoàn 2 tổ chức Hội thi chủ nhiệm hậu cần trung đoàn giỏi để chuẩn bị cho Hội thi chủ nhiệm trung đoàn giỏi toàn quân, tôi được Khoa Chỉ huy Hậu cần, Học viện Hậu cần cử đến giúp Cục Hậu cần Quân đoàn 2 tham gia Ban Giám khảo Hội thi. Tại đây, tôi gặp nhà báo Trần Nguyên Trung, lúc đó là Thư ký Tòa soạn Tạp chí HCQĐ cũng đến theo dõi và đưa tin về Hội thi. Sau 3 ngày theo dõi công tác chuẩn bị, tổ chức Hội thi của cơ quan Cục Hậu cần Quân đoàn 2 và các thí sinh, tôi trao đổi nhận xét của mình với đồng chí Trần Nguyên Trung, đồng chí Trung đã động viên tôi viết bài đăng trên Tạp chí HCQĐ. Ngay buổi tối hôm đó, tôi đã hoàn thành bài viết.
Đồng chí Trung đã mang bài viết của tôi xin ý kiến Chỉ huy Cục Hậu cần Quân đoàn 2. Các đồng chí hoàn toàn nhất trí với bài viết của tôi. Trong đó, nội dung bài viết đã ghi nhận sự cố gắng của cơ quan Cục Hậu cần và chủ nhiệm hậu cần các trung đoàn về công tác chuẩn bị, thực hành Hội thi. Bên cạnh đó, bài viết cũng chỉ ra một vài vấn đề còn hạn chế cần rút kinh nghiệm. Các đồng chí Chỉ huy Cục Hậu cần cảm ơn tôi và đồng chí Trung, đồng thời hứa sẽ chỉ đạo rút kinh nghiệm, chuẩn bị tốt hơn để tham gia Hội thi chủ nhiệm hậu cần trung đoàn giỏi toàn quân sắp tới. Sau đó, bài báo được đăng trên Tạp chí HCQĐ.
Đó là cơ duyên và là sự khởi đầu tốt đẹp của tôi trong quá trình cộng tác với Tạp chí HCQĐ cho đến khi nghỉ hưu (2010). Trong khoảng thời gian này, tôi đã viết 60 bài báo khoa học, gửi đăng trên 5 tạp chí khoa học trong Quân đội, trong đó đăng trên Tạp chí HCQĐ 40 bài về công tác hậu cần thường xuyên, hậu cần chiến đấu. Một số bài báo của tôi như “Cần mở rộng phân cấp khai thác lương thực, chất đốt cho đơn vị, “Nâng cao hiệu quả trạm chế biến, tiếp phẩm tập trung cấp trung đoàn”, “Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra hậu cần”... được Tổng cục Chính trị đánh giá đạt chất lượng cao. Nhiều đồng chí cán bộ hậu cần đơn vị cơ sở cũng rất đồng tình với các bài viết của tôi.
Có thời gian tôi bận giảng dạy, biên soạn giáo trình, tài liệu, không còn thời gian viết báo, một số đồng chí trong toàn quân gọi điện hỏi thăm và nhắc lâu ngày không thấy viết bài đăng trên Tạp chí HCQĐ. Nhận được những thông tin đó, tôi rất phấn khởi vì đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc. Nhiều đồng nghiệp, học viên ở Học viện Hậu cần cũng rất quan tâm đến các bài viết của tôi đăng trên Tạp chí HCQĐ. Điều đó càng động viên, khuyến khích tôi tiếp tục nghiên cứu viết nhiều bài báo khoa học hơn. Tôi cũng rất biết ơn Ban biên tập Tạp chí HCQĐ đã quan tâm đăng tải các bài báo của tôi.
Những kết quả trong công tác nghiên cứu đề tài khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu và viết báo khoa học đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và sau đó được xét công nhận Phó Giáo sư trước thời hạn 01 năm. Với những đóng góp của tôi đối với Tạp chí HCQĐ, tôi đã 03 lần được chọn là cộng tác viên xuất sắc và được Chỉ huy Tổng cục Hậu cần tặng Bằng khen.
Thông qua bài viết này, tôi muốn trao đổi một vài kinh nghiệm của mình về viết bài báo khoa học để các cộng tác viên của Tạp chí HCQĐ tham khảo. Trước hết, để bài viết đạt chất lượng tốt, người viết phải nắm chắc những chủ trương của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần về công tác hậu cần (CTHC), những vấn đề mà ngành Hậu cần toàn quân đang quan tâm. Chẳng hạn, trong những năm của thập niên 90 thế kỷ trước, vấn đề chuyển đổi phương thức bảo đảm hậu cần được Tổng cục Hậu cần tăng cường chỉ đạo thực hiện, cơ quan hậu cần các đơn vị cũng quan tâm tổ chức thực hiện để đạt hiệu quả cao.
Qua tìm hiểu các thông tin, tư liệu từ Tổng cục Hậu cần và thực tế ở đơn vị, tôi đã viết một số bài báo khoa học đăng trên Tạp chí HCQĐ và được đón nhận tích cực của lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Hậu cần, Ban biên tập và bạn đọc. Đối với các cộng tác viên ở Học viện Hậu cần có thuận lợi là nắm vững lý luận về CTHC nhưng hạn chế là thiếu kinh nghiệm về thực tế ở đơn vị. Vì thế, để tăng vốn thực tiễn thì các cộng tác viên cần tăng cường đi đơn vị để trực tiếp nắm chắc thực tế CTHC tại đơn vị. Đồng thời, có thể trao đổi với cán bộ hậu cần và các học viên là cán bộ hậu cần đơn vị đang học tập tại Học viện về những vấn đề còn vướng mắc, kinh nghiệm trong CTHC và những kiến nghị, đề xuất...
Bản thân tôi khi còn là giảng viên, hay khi lên cương vị chủ nhiệm bộ môn, rồi Chỉ huy Khoa, tôi luôn chú trọng khai thác thực tế hậu cần tại các đơn vị. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên trong bộ môn, trong Khoa có điều kiện để thu thập thông tin, tư liệu về thực tế CTHC. Tôi đã nhiều lần trao đổi với học viên, qua đó thấy được cách làm hay, những khó khăn vướng mắc trong CTHC ở đơn vị. Bên cạnh đó, tôi tranh thủ khai thác những “kinh nghiệm ngược’’ của cán bộ hậu cần.
Chẳng hạn, để tạo được “cơ sở dự phòng”, nhiều đồng chí đã có “tiểu xảo” mua cá khô về, nhưng chưa nhập kho ngay, chờ cá khô hút ẩm rồi mới nhập kho sẽ làm tăng trọng lượng nhất định. Hay khi khai thác hàng ở thị trường chưa thanh quyết toán ngay, chờ khi giá thị trường tăng lên mới hợp thức chứng từ để thanh toán… Từ những thông tin thu thập được, tôi đã viết bài nêu lên những giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra hậu cần và được đánh giá cao. Về công tác bảo đảm hậu cần chiến đấu, tôi luôn chú trọng việc rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong bảo đảm hậu cần khi lực lượng hậu cần bị mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng; yêu cầu bảo đảm gấp, khối lượng bảo đảm lớn nhưng lực lượng vận tải có giới hạn hoặc khó có điều kiện hoạt động do địch đánh phá, ngăn chặn ác liệt...
Chính vì vậy, các bài viết của tôi gửi đến các Tạp chí đều được chấp thuận đăng tải, trong đó có Tạp chí HCQĐ. Trong điều kiện tác chiến mới, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh ngày càng ác liệt, việc bảo đảm hậu cần cho chiến đấu rất khó khăn, phức tạp, việc ứng dụng công nghệ số trong CTHC đang đặt ra nhiều vấn đề cho ngành HCQĐ cũng như cho các cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học. Rất mong Tạp chí HCQĐ khai thác, đăng tải nhiều bài báo khoa học, đề xuất nhiều giải pháp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả CTHC cả trong thời bình và trong tác chiến (nếu xảy ra).
Tin rằng, thời gian tới, Tạp chí HCQĐ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong 70 năm qua, không ngừng nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trong CTHC và sự chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần đối với ngành Hậu cần toàn quân. Kịp thời phản ánh, trao đổi kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong CTHC thường xuyên, SSCĐ và chiến đấu. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu chuyên sâu các đề tài khoa học nghệ thuật quân sự hậu cần, góp phần nâng cao công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ khoa học cho ngành HCQĐ.
Đại tá PGS, TS Nguyễn Vĩnh Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Chỉ huy Hậu cần/HVHC