Tuổi phục vụ tại ngũ của SQ, QNCN không được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ, vì những lý do như sau:

Tuổi phục vụ tại ngũ là hạn tuổi phục vụ cao nhất theo cấp bậc quân hàm của SQ, QNCN được quy định tại Luật SQ và Luật QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng, cụ thể: Đối với SQ, tuổi phục vụ tại ngũ thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Luật SQ, trong đó cấp úy: 46 tuổi; thiếu tá: 48 tuổi; trung tá: 51 tuổi; thượng tá: 54 tuổi; đại tá: nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi; cấp tướng: 60 tuổi. Đối với QNCN, tuổi phục vụ tại ngũ thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Luật QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng, trong đó cấp úy: 52 tuổi; thiếu tá, trung tá: 54 tuổi; thượng tá: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi. Theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ điều chỉnh về tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động; do đó, tuổi phục vụ tại ngũ của SQ, QNCN không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn

SQ, QNCN khi hết hạn tuổi phục vụ cao nhất mà Quân đội không có nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì được giải quyết theo một trong các chế độ sau: chế độ hưu trí (nếu đủ điều kiện) hoặc hưởng trợ cấp một lần từ quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) hoặc bảo lưu thời gian công tác hoặc chuyển ngành (theo nguyện vọng). Như vậy, tuổi phục vụ tại ngũ của SQ, QNCN đang công tác trong Quân đội không được điều chỉnh theo quy định của Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ, mà tuổi phục vụ tại ngũ của SQ, QNCN đang công tác trong Quân đội được thực hiện theo quy định của Luật SQ, Luật QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng.

* Quân nhân nghỉ hưu trong trường hợp nào thì tuổi thực hiện theo quy định của Luật BHXH và Bộ luật Lao động?

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 219 Bộ Luật Lao động sửa đổi, bổ sung Điều 54 Luật BHXH: Đối với quân nhân, ngoài các trường hợp đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định của Luật SQ, Luật QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng, nếu có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, thuộc 01 trong 03 trường hợp sau thì được nghỉ hưu, đồng thời tuổi được quy định cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Trong điều kiện lao động bình thường, tại thời điểm nghỉ hưu quân nhân có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động.

Trường hợp 2: Có từ đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả vùng có phụ cấp khu vực 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021 thì quân nhân được nghỉ hưu khi có tuổi (tại thời điểm nghỉ hưu) thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động.

Trường hợp 3: Quân nhân bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, thì quân nhân được nghỉ hưu mà không phụ thuộc vào tuổi đời.

* Người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) mà thẻ hết hạn khi đang điều trị nội trú thì có được hưởng BHYT không?

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 27 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày  17/10/2018  của  Chính  phủ, người tham gia BHYT đang điều trị nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh mà thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng tiếp tục được hưởng các quyền lợi về BHYT cho đến khi ra viện nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày thẻ BHYT hết hạn sử dụng.

BAN BIÊN TẬP