Luật Đấu thầu năm 2023 có 10 chương, 96 điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định phù hợp của Luật cũ, đồng thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung mới, cụ thể như sau:

Luật áp dụng đối với các gói thầu, dự án sử dụng “Vốn ngân sách Nhà nước”, thay vì các gói thầu, dự án sử dụng “Vốn Nhà nước” theo Luật Đấu thầu năm 2013.

Khái niệm “Vốn Nhà nước” có nội hàm rộng, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác, như: Vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước; vốn khác do Nhà nước quản lý (Điều 3, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãnh phí năm 2013 đã giải thích từ ngữ). Có thể thấy, vốn ngân sách Nhà nước chỉ là một loại trong phạm vi vốn Nhà nước. Như vậy, phạm vi nguồn vốn đã thu hẹp so với Luật Đấu thầu năm 2013.

Bổ sung phạm vi áp dụng Luật, nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, ngoài doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật đã bổ sung đối tượng doanh nghiệp do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Như vậy, Luật đã giới hạn đối tượng áp dụng là doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; không còn quy định đối với trường hợp sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án đầu tư phát triển.

Do đó, có thể hiểu, đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 100% vốn điều lệ, thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Điều 5, Luật Đấu thầu năm 2023 bổ sung thêm đối tượng hộ kinh doanh được tham gia hoạt động đấu thầu, khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 5.

Quy định chi tiết hơn về mức đảm bảo dự thầu đối với lựa chọn nhà thầu theo Khoản 4, Điều 14 , cụ thể: (a) Từ 1% - 1,5% giá gói thầu áp dụng đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng. (b) Từ 1,5% - 3% giá gói thầu áp dụng đối với gói thầu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, Khoản 4. (c) Từ 0,5% - 1,5% tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư kinh doanh áp dụng đối với lựa chọn nhà đầu tư.

Thời gian hoàn trả đảm bảo dự thầu theo Khoản 8, Điều 14, Luật Đấu thầu năm 2023 được rút ngắn. So với Luật Đấu thầu năm 2013, còn không quá 14 ngày kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt.

leftcenterrightdel

Luật Đấu thầu năm 2023 và văn bản hướng dẫn thi hành.

Bổ sung thêm trường hợp không được hoàn trả đảm bảo dự thầu theo Khoản 9, Điều 14: Nhà thầu không tiến hành/từ chối thương thảo hợp đồng (nếu có) trong thời hạn 5 ngày làm việc đối với đấu thầu trong nước và 10 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày nhận được thông báo mời thương thảo hợp đồng hoặc đã thương thảo hợp đồng nhưng từ chối hoàn thiện, ký kết biên bản thương thảo hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng.

Bổ sung hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu theo Điều 16, cụ thể: Dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu. Dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu. Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu.

Ngoài ra, Luật đã bổ sung, quy định thêm các hành vi cản trở đấu thầu, như: Có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng, nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng (Khoản 5, Điều 16).

Bổ sung một số trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn, quan trọng, cấp bách và một số trường hợp mua sắm đặc thù. Điều 23 đã luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, được quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm, nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đối với các gói thầu, như:

Gói thầu vận chuyển hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ trong trường hợp phải giao hàng ngay. Gói thầu thuê kho lưu giữ hàng tạm giữ, gói thầu thuê vận chuyển, bốc xếp hàng tạm giữ tại các cảng biển, địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung trong trường hợp chỉ có duy nhất một đơn vị cung cấp dịch vụ trong cảng. Gói thầu nhập khẩu vũ khí, thể thao phục vụ các câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo huấn luyện thể thao tập luyện, thi đấu hằng năm.

Bổ sung gói thầu được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh theo Điều 24, cụ thể: Gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp không quá 5 tỷ đồng, trong đó nội dung xây lắp đáp ứng quy định tại Khoản 3, Điều 24 sẽ được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh.

Bổ sung thêm quy định nội dung tùy chọn mua thêm (nếu có) vào nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Khoản 8, Điều 39: Tùy chọn  mua  thêm là khả năng chủ đầu tư mua bổ sung hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn của gói thầu ngoài khối lượng nêu trong hợp đồng. Trường hợp gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ khối lượng, số lượng, giá trị ước tính của phần tùy chọn mua thêm. Tùy chọn mua thêm được thực  hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện: Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi, đàm phán giá; khối lượng mua thêm không vượt 30% của khối lượng hạng mục tương ứng nêu trong hợp đồng; có dự toán được phê duyệt đối với khối lượng mua  thêm; đơn giá của hàng hóa, dịch vụ mua thêm không được vượt đơn giá của các hàng hóa, dịch vụ tương ứng trong hợp đồng; chỉ áp dụng trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng. Như vậy, Khoản 8, Điều 39 cho phép tùy chọn mua thêm đến 30% khối lượng tương ứng trong hợp đồng khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Bổ sung một số quy định mới về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế tại Điều 55, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế. Điểm nổi bật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế là: Các cơ sở y tế công lập tự quyết định mua thuốc ngoài danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế, mua vắc-xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ.

Bổ sung các loại hợp đồng theo Điều 64, bao gồm: Hợp đồng theo chi phí cộng phí, hợp đồng theo kết quả đầu ra, hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm, hợp đồng hỗn hợp.

Đấu thầu qua mạng được áp dụng với tất cả các gói thầu từ năm 2025 theo  Điểm b, Khoản 1, Điều 50, trừ trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại khoản 5, Điều 50.

Luật Đấu thầu năm 2023 tạo khung pháp luật tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật. Các cơ quan, đơn vị cần chú ý các quy định mới nêu trên, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt toàn diện, thực hiện đúng các quy định của Luật Đấu thầu năm 2023.

Thượng tá NGUYỄN KHẮC THIỆN - Trưởng ban Pháp chế, Tổng cục Hậu cần

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.