Tham gia Hội nghị có 70 đại biểu là cán bộ hậu cần thuộc đầu mối đơn vị cấp quân khu, quân đoàn, sư đoàn, lữ đoàn, trường, bộ tư lệnh vùng hải quân, bộ tư lệnh vùng Cảnh sát Biển, bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, đại diện các doanh nghiệp phía Nam của Tổng cục Hậu cần, cộng tác viên tích cực… khu vực phía Nam của Tạp chí. Thiếu tướng Lê Hồng Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần chủ trì Hội nghị.
Báo cáo Trung tâm do Ðại tá Nguyễn Công Sinh - Tổng Biên tập Tạp chí HCQÐ trình bày tại Hội nghị cho thấy: Thời gian qua, Tạp chí HCQÐ luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị, là diễn đàn tin cậy của ngành Hậu cần Quân đội. Tạp chí đã có bước phát triển mới, sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng. Nội dung Tạp chí phản ánh đa dạng và sinh động các hoạt động hậu cần toàn quân, cập nhật tình hình hoạt động của các chuyên ngành hậu cần và đơn vị. Trong đó tập trung phản ánh các hoạt động bảo đảm hậu cần cho SSCÐ, phòng chống thiên tai, các hoạt động hội thi, hội thao, diễn tập của ngành Hậu cần...; hướng vào các sự kiện nổi bật của đất nước, quân đội, ngành Hậu cần. Tạp chí đã có nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu, tập trung làm sáng tỏ các vấn đề lý luận, thực tiễn toàn Ngành đang quan tâm, như: Công tác bảo đảm hậu cần cho tác chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo; bảo đảm hậu cần cho tác chiến phòng thủ chiến lược; bảo đảm hậu cần cho tác chiến đánh địch chia cắt chiến lược; xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần; bảo đảm hậu cần trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao; đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần; xã hội hoá công tác hậu cần...
Bên cạnh đó, Tạp chí đã giới thiệu được nhiều mô hình hậu cần mới và hiệu quả cùng hàng trăm tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trên các mặt công tác hậu cần, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ SSCÐ ở biên giới, hải đảo, Quần đảo Trường Sa... để toàn quân tham khảo, học tập. Ðặc biệt, Tạp chí đã mở thêm chuyên mục "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa” và duy trì thường xuyên chuyên mục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần giáo dục tinh thần tự lực tự cường, quan điểm cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên và người lao động trong ngành Hậu cần Quân đội.
Ngoài nhiệm vụ xuất bản Tạp chí in, duy trì trang Tạp chí HCQÐ trên mạng internet và Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hậu cần trên mạng truyền số liệu quân sự, từ năm 2016-2018, Ban biên tập còn tổ chức sản xuất một số phim phóng sự phản ánh các mặt hoạt động hậu cần toàn quân, phát trên kênh Quốc phòng Việt Nam và trang Tạp chí HCQÐ trên Báo Quân đội Nhân dân điện tử đạt chất lượng tốt. Trong đó, có 02 phim gửi tham gia liên hoan truyền hình toàn quân lần thứ 11và12; kết quả 01 phim đạt Huy chương Vàng, 01 phim được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tặng Bằng khen.
Với những kết quả đạt được trên các lĩnh vực xuất bản Tạp chí in, báo mạng, báo hình, Tạp chí HCQÐ đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin phục vụ bạn đọc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần toàn quân.
Phát biểu tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã khẳng định vai trò quan trọng của Tạp chí HCQÐ. Trung tá Võ Văn Diệu, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn bộ binh 330 - Quân khu 9 nhấn mạnh: Cán bộ, nhân viên ngành Hậu cần Sư đoàn luôn coi Tạp chí HCQÐ như cuốn cẩm nang công tác hậu cần, thường xuyên khai thác và vận dụng hiệu quả thông tin đăng tải trên Tạp chí vào hoạt động thực tiễn. Ðiển hình là đã tham mưu, đề xuất với chỉ huy đơn vị sử dụng một số mô hình tăng gia sản xuất chất lượng cao; sáng kiến cải tiến hậu cần; khoa học hậu cần; kinh nghiệm bảo đảm hậu cần để giới thiệu trong các lớp bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, nhân viên chuyên môn hậu cần. Trong đó, một số nội dung được đơn vị áp dụng thành công.
Trong bài phát biểu của mình, Ðại tá Phạm Văn Thảo, Trưởng phòng Tham mưu Kế hoạch - Cục Hậu cần Quân khu 7 đề nghị: Ban biên tập cần tăng cường các bài viết chỉ đạo, trao đổi kinh nghiệm, tập trung vào việc thực hiện dự trữ hậu cần SSCÐ theo chỉ thị mới của Bộ Quốc phòng; đổi mới mạnh mẽ phương thức bảo đảm vật chất hậu cần; phân cấp khai thác, tạo nguồn vật chất hậu cần; xã hội hóa công tác hậu cần; đổi mới công tác quản lý tài chính; xây dựng chính quy ngành… là những vấn đề mới và còn nhiều bất cập nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong toàn quân, nhất là cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp.
Thay mặt khối doanh nghiệp hậu cần, Ðại tá Vũ Xuân Tạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần 32 trao đổi: Tạp chí HCQÐ luôn theo sát các doanh nghiệp hậu cần, giúp người tiêu dùng trong quân đội hiểu biết hơn về ngành nghề kinh doanh, uy tín doanh nghiệp, sản phẩm chất lượng cao do các công ty sản xuất. Trên cơ sở đó, khách hàng đến quan hệ hợp tác kinh doanh hoặc mua hàng, góp phần tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngày càng phát triển. Mong rằng, thời gian tới, Tạp chí sẽ đưa nhiều thông tin, phản ánh của cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân về chất lượng sản phẩm do Công ty sản xuất, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp với hoạt động đặc thù từng quân, binh chủng và điều kiện khí hậu thời tiết... Có nhiều bài viết phổ biến kinh nghiệm hoạt động sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động, giải quyết ô nhiễm môi trường, công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ... của các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bên ngoài quân đội. Cung cấp nhiều thông tin về các trường hợp làm hàng giả, nhái sản phẩm... để người tiêu dùng phòng tránh và giúp các doanh nghiệp hậu cần có biện pháp ngăn chặn, giữ vững uy tín, chất lượng.
Là đơn vị làm nhiệm vụ đặc thù, trong môi trường khó khăn, khắc nghiệt, Thượng tá Nguyễn Văn Hà, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Tư lệnh Vùng 3 Cảnh sát Biển Việt Nam đề nghị: Thời gian tới, Ban biên tập cần cử phóng viên thâm nhập nhiều hơn vào hoạt động của lực lượng Cảnh sát Biển khi tham gia nhiệm vụ trọng yếu, hoạt động dài ngày trên biển. Ðồng thời, phát triển đội ngũ cộng tác viên thuộc đơn vị cơ sở trong lực lượng Cảnh sát Biển để phản ánh chân thực, thông tin sớm nhất về hoạt động của cán bộ, chiến sỹ. Tạp chí cần có nhiều bài viết hơn nữa về chương trình “Cảnh sát Biển đồng hành với ngư dân”. Ðây là mô hình hoạt động mới mà ngành Hậu cần Cảnh sát Biển đang tham gia và đạt nhiều kết quả tốt.
Ðể tăng tính hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, Trung tá Lại Thế Hiền, Phó Tổng biên tập Báo Quân khu 7 đề xuất: Tạp chí cần mạnh dạn đăng tải những bài viết có tính chiến đấu cao, phê phán những hạn chế của đơn vị liên quan đến công tác hậu cần... để nội dung ấn phẩm đa chiều hơn, tránh nhàm chán, phù hợp với xu thế báo chí thời đại. Cần đổi mới nhiều hơn nữa cách thể hiện bài viết, tránh đơn điệu, chủ quan, một chiều, tính thuyết phục không cao.
Thượng tá Phan Tùng Sơn, đại biểu Báo Quân đội nhân dân khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị: Ban Biên tập cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan báo chí trong Quân đội để tuyên truyền kịp thời hơn các hoạt động của ngành Hậu cần Quân đội. Cần xây dựng, phát triển mạnh đội ngũ cộng tác viên là phóng viên, biên tập viên của các báo trong Quân đội. Ðây là nguồn cộng tác viên chất lượng tốt, có khả năng tác nghiệp nhanh, kịp thời phản ánh hoạt động hậu cần đăng tải trên Tạp chí. Nhiều năm qua, Tạp chí phối hợp hiệu quả với Báo Quân đội nhân dân điện tử duy trì chuyên trang HCQÐ, đăng tải các bài viết đã đăng trên ấn phẩm in, giúp bạn đọc tiếp cận thông tin về ngành Hậu cần Quân đội nhiều hơn. Số lượng bạn đọc truy cập vào chuyên trang trên báo điện tử ngày càng nhiều. Ðây là cách làm hay, đề nghị Ban biên tập cần tăng cường cập nhật, đăng tải nhiều hơn các tin, bài, ảnh để ấn phẩm Tạp chí trên Báo Quân đội nhân dân Ðiện tử chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Thiếu tướng Lê Hồng Dũng ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các đại biểu và biểu dương thành tích mà Tạp chí HCQÐ đã đạt được trong thời gian qua. Ðồng thời, yêu cầu thời gian tới, Tạp chí luôn quán triệt sâu sắc và bám sát đường lối, quan điểm của Ðảng, Quân ủy Trung ương, nhất là nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói chung, nhiệm vụ của ngành Hậu cần, bám sát sự chỉ đạo của Ðảng ủy, chỉ huy Tổng cục Hậu cần, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích đề ra. Thường xuyên hướng ra phía trước, hướng xuống cơ sở, hướng tới các đơn vị làm nhiệm vụ SSCÐ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới để tuyên truyền. Kịp thời cung cấp thông tin cho Ðảng ủy, Chỉ huy Tổng cục và cơ quan chức năng nắm chắc thực tiễn hoạt động hậu cần toàn quân, cả những biểu hiện tích cực và tiêu cực; xu thế vận động, dư luận, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sỹ toàn quân về chất lượng công tác hậu cần. Kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp liên quan đến công tác hậu cần. Quá trình biên tập, xuất bản cần coi trọng việc nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, biên tập viên, phóng viên, đồng thời mở rộng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên, đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền trong thời kỳ mới.
Có thể nói, các ý kiến tham luận tại Hội nghị là những ý kiến tâm huyết của cộng tác viên dành cho Ban biên tập Tạp chí HCQÐ. Ðây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để Ban Biên tập tiếp tục phấn đấu, vượt qua khó khăn, xuất bản những ấn phẩm chất lượng tốt, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu bạn đọc toàn quân.¨
ĐÌNH THẢO