Từ hậu phương xa xôi, anh chị em kiên trì giong trâu, bò, lợn đi thành từng đàn vượt núi, băng rừng lên Điện Biên Phủ. “Chỉ huy” những đàn gia súc trên đoạn đường dài hàng mấy trăm ki- lô-mét hết sức khó khăn. Chúng vừa đi vừa tìm ăn, con phá ngang, con đi vụt lên phía trước, con tụt lại đằng sau... Ai có thể “hạ lệnh” cho những con trâu, bò, lợn ấy đi “hỏa tốc” được? Mỗi giờ chúng chỉ đi được vài ba ki-lô-mét là cùng. Ngày đi, đêm nghỉ. Đoạn đường nào máy bay địch hay bắn phá thì ngày nghỉ, đêm đi. Đi đường đã mệt, đến chỗ nghỉ lại phải lo cho từng con ăn no, ngủ ấm. Như thế mới phòng, chống được bệnh long móng, lở mồm ở trâu, bò và giữ cho chúng khỏi bị gầy.

Dẫn lợn đi hàng trăm km ra mặt trận quả là công việc gay go. Anh chị em nghĩ ra cách buộc hai con lại với nhau thành từng cặp, ủn ỉn đi xuyên rừng. Gặp đèo cao, dốc đứng phải có người kéo trước, đùn sau, đẩy từng “chú ỉn” vượt lên. Qua suối, phải dìu từng con một. Ban ngày vất vả đã đành, ban đêm đến chỗ nghỉ còn phải tìm chỗ quây chuồng, xong lại phải lần mò đi kiếm rau rừng, thân chuối về nấu với gạo làm thức ăn cho chúng. Trường hợp đang đi bị máy bay địch bắn phá, ném bom gần “đội hình”, cả đàn trâu, bò, lợn chạy tán loạn vào rừng. Anh chị em phải mất hàng ngày chui bờ, rúc bụi mới thu được chúng về đủ.

leftcenterrightdel
Đoàn xe thồ lương thực của người dân Thanh Hóa chi viện cho chiến trường Điện Biên. Ảnh tư liệu 

Đưa các đàn trâu, bò, lợn ra mặt trận thường phải đi trên các con đường lớn. Có lần bị máy bay địch bắn chết một lúc hàng chục con. Anh em phải vất vả mổ, chế biến. Đầu, chân và bộ lòng cấp ngay cho các đơn vị dân công dọc đường, còn thịt đưa gấp về lò sấy của trạm quân nhu gần nhất để chế biến thành thịt khô gửi ra mặt trận. Sau đó lại cấp tốc đưa những con còn sống lên đường.

Cùng phụ trách áp tải các đàn trâu, bò, lợn còn có các cán bộ, nhân viên thú y, lưng đeo túi thuốc kếch xù... Mỗi khi “hạ trại” xong, anh chị em thú y phải lo chăm sóc chạy chữa cho những con long móng, lở mồm. Nhiều con bị cảm cúm phải tìm chè tươi nấu nước thật đặc cho chúng uống, tìm lá rừng xát vào khắp cơ thể để chúng toát mồ hôi, mau hồi phục sức khỏe.

Có thể nói, đưa trâu, bò, lợn ra mặt trận là công việc cực kỳ vất vả và không phải không có đổ máu hy sinh. Ấy là chưa kể phải tự chiến thắng mình về tư tưởng. Người ta ra trận thì súng nhỏ, súng to, rầm rầm rộ rộ, hò hát vang rừng còn mình thì nhẩn nha bước một, suốt ngày họ trâu, đuổi lợn. “Sợ” nhất là đang đi trên đường bất chợt gặp bạn bè, người thân. Nhận thức được nhiệm vụ, thông được tư tưởng không phải là chuyện đơn giản. Song với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, anh chị em đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần xứng đáng vào Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Có thể nói, đưa trâu, bò, lợn ra mặt trận là một hình ảnh rất đẹp, điển hình trong bức tranh hoành tráng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc của dân tộc ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

MINH HẠNH