Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC); khẩn trương xây dựng Kế hoạch số 469/KH-TCHC ngày 13-3-2024 về BĐHC cho diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP trình Tổng Tham mưu trưởng phê duyệt; chỉ đạo các cục chuyên ngành xây dựng kế hoạch và ban hành hướng dẫn của ngành để các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện. Báo cáo Bộ Quốc phòng (BQP) ban hành Quyết định thành lập lâm thời Bệnh viện dã chiến cứu chữa mức 2 thuộc TCHC (quân số 54 đồng chí). Căn cứ các văn bản của BQP, Bộ Tổng Tham mưu, TCHC, các chuyên ngành thuộc TCHC, hậu cần các cơ quan, đơn vị đã chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức xây dựng kế hoạch, hướng dẫn đơn vị để tổ chức thực hiện.

Sau khi có dự thảo Kế hoạch diễu binh, diễu hành của Bộ Tổng Tham mưu, TCHC đã chỉ đạo Cục Quân nhu phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thu thập yếu tố, sưu tầm tài liệu; triển khai nghiên cứu, thiết kế, chế thử mẫu và sản xuất quân phục, trang phục cho các khối diễu binh, diễu hành, báo cáo đồng chí Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng BQP phê duyệt mẫu; trong đó có 05 mẫu mới (Khối chiến sĩ Điện Biên, Tác chiến Không gian mạng, Dân công hỏa tuyến, Nữ Quân nhạc, Nữ du kích miền Nam). Chỉ đạo Cục Vận tải phối hợp với Học viện Hậu cần, Quân khu 1, các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất phương án huấn luyện và bảo đảm xe đạp thồ, trang bị vật chất hậu cần xếp trên xe.

leftcenterrightdel
Các khâu chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Tổ chức khảo sát vị trí bố trí bếp nấu ăn của các đơn vị, củng cố trang bị, dụng cụ cấp dưỡng đồng bộ, bàn ghế ăn, bàn pha thái cho các bếp; bảo đảm kho lạnh phục vụ bảo quản thực phẩm, máy lọc nước cho các vị trí tổ chức đóng quân tập trung. Chỉ đạo Cục Hậu cần Quân khu 2 tổ chức tăng gia sản xuất; xác định các nhà cung cấp thực phẩm tại tỉnh Điện Biên có đủ uy tín, chất lượng, năng lực, đúng quy định của pháp luật; triển khai khảo sát giá tại địa bàn tỉnh Điện Biên và Sơn La, có phương án khai thác thực phẩm tại Sơn La nếu ở địa bàn tỉnh Điện Biên giá cả tăng đột biến. Phối hợp với các cơ quan của Bộ, chỉ đạo Cục Hậu cần Quân khu 2 phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) và các sở, ngành của tỉnh Điện Biên tổ chức sắp xếp, bố trí, dồn dịch cơ sở doanh trại Quân đội, cơ sở khác thuộc tỉnh Điện Biên, bảo đảm 100% nơi ăn, nghỉ cho các lực lượng, không phải ở nhà tạm. Bố trí đủ chỗ nằm cho từng người, đủ doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt. Tổ chức khoan thêm giếng để bảo đảm nước phục vụ bộ đội. Chỉ đạo Quân khu 2, Quân khu 3, Quân chủng Phòng không-Không quân triển khai bảo đảm khu vệ sinh tại các khu vực dừng, nghỉ trên đường cơ động cho các lực lượng. Chỉ đạo Cục Hậu cần Quân khu 2 triển khai trạm cấp phát xăng dầu bảo đảm cho các lực lượng tại Sân bay Nà Sản và Trung đoàn 754/Bộ CHQS tỉnh Sơn La (khu vực dừng nghỉ dài). Đồng thời chỉ đạo các đơn vị tổ chức khám sức khỏe cho 100% lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành; theo dõi, quản lý sức khỏe, thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe cho bộ đội, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Giai đoạn hợp luyện tại khu vực Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 4 (TB4): TCHC đã chỉ đạo tổ chức bếp ăn theo đầu mối các đơn vị trực thuộc Bộ hoặc khối theo vị trí đóng quân; tổng số 14 bếp ăn, quân số ăn: 3.536 đồng chí, mức ăn 240.000đồng/người/ngày. Tạo nguồn bảo đảm đủ 100% quân trang cho các khối diễu binh, diễu hành và Lễ phục K24 cho Tiểu ban Tổ chức, Ban Chỉ đạo/ BQP và đại biểu dự Lễ (tổng số 3.875 đồng chí). Ngoài lực lượng quân y của các khối theo biên chế; tổ chức triển khai 2 tổ quân y cơ động và 1 đơn vị chẩn đoán cận lâm sàng của Bệnh viện Quân y 103, gồm 15 đồng chí với đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, trang bị cấp cứu; 1 Tổ quân y cấp cứu cơ động của Quân y/Cục Hậu cần Bộ Tổng Tham mưu. Triển khai 2 lều cấp cứu say nóng, say nắng, tổ quân y phòng, chống dịch và tổ quân y ứng phó sự cố mất an toàn thực phẩm (Viện Y học dự phòng Quân đội) cùng trang bị, phương tiện đầy đủ. Phun thuốc diệt côn trùng 98.500m2 doanh trại. Định kỳ đánh giá chất lượng nước 05 ngày/ lần. Tổ chức xét nghiệm 124 mẫu nước tại các điểm trú quân theo tiêu chuẩn vệ sinh QCVN 1-1:2018/ BYT, QCVN 6-1: 2010/BYT. Kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại bếp ăn khoảng 3.800 lượt mẫu, với khoảng 9.500 lượt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kiểm tra chặt chẽ các chứng từ nguồn gốc đầu vào đối với nguyên liệu thực phẩm và chứng nhận (cam kết) về an toàn thực phẩm. Tổ chức khám, cấp cứu, điều trị, chuyển viện kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối, tỉ lệ quân số khỏe đạt 99,34%. Tận dụng cơ sở vật chất doanh trại của các đơn vị để bảo đảm nơi ăn, nghỉ cho các lực lượng; cấp bổ sung 125 bộ dụng cụ sinh hoạt, đảm bảo từng phòng ở đều được trang bị đầy đủ doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt cho các lực lượng sử dụng; lắp đặt bổ sung 20 nhà vệ sinh cơ động bảo đảm cho các lực lượng sử dụng trong quá trình tập luyện, hợp luyện. Phối hợp với Khoa Vận tải Học viện Hậu cần xây dựng giáo án huấn luyện khối Dân công hỏa tuyến (45 người, 45 xe đạp thồ); chỉ đạo Cục Hậu cần/Quân khu 1 tổ chức luyện tập; quá trình luyện tập đã điều chỉnh, bổ sung kịp thời theo ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu. Bảo đảm 20 xe đạp thồ cho Quân khu 1 để cùng số xe của đơn vị đủ phương tiện luyện tập. Chỉ đạo Quân khu 1 cải tạo 45 xe đạp thồ từ xe hiện có để tổ chức luyện tập, tái hiện khối Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch ĐBP. Tổ chức triển khai cơ động 2 khối Nữ bằng đường hàng không từ Sân bay quốc tế Nội Bài lên thành phố ĐBP (209 đồng chí), bảo đảm phương tiện đưa đón tại 2 đầu sân bay về đơn vị đảm bảo an toàn. Lữ đoàn 971 sử dụng 18 xe (9 xe tải, 9 xe stec) vận chuyển 207 tấn vật chất các loại cho các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ trong Lễ kỷ niệm.

Giai đoạn cơ động và làm nhiệm vụ tại thành phố ĐBP: TCHC đã tổ chức các hội nghị hiệp đồng hậu cần với các cơ quan, đơn vị; triển khai kế hoạch cơ động và kế hoạch bảo đảm hậu cần tại Điện Biên. Để đảm bảo tốt chất lượng bữa ăn hằng ngày, Tổng cục chỉ đạo thống nhất thực hiện thực đơn chung cho tất cả các bếp; đồng thời tăng cường kiểm tra việc tổ chức bảo đảm ăn uống. Triển khai lắp đặt 3 kho lạnh, mỗi kho lạnh dung tích 20m3 giao cho Quân khu 2 (2 kho), Quân chủng Phòng không - Không quân (1 kho) để dự trữ thực phẩm và sản phẩm tăng gia sản xuất. Lắp đặt đủ hệ thống bếp nấu, tủ bảo quản thực phẩm, tủ lưu nghiệm thức ăn, bàn pha thái cho các bếp; dụng cụ còn lại, đơn vị tự mang theo (riêng Khối nữ du kích miền Nam bảo đảm đủ dụng cụ chia, dụng cụ ăn) bảo đảm cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch. Các đơn vị của Quân khu 2 tổ chức gieo trồng được 4 ha vườn rau các loại. Bổ sung đủ cơ cấu đàn vật nuôi theo quy mô thiết kế chuồng trại; tổ chức chăn nuôi gồm: 280 con lợn, 3.400 con gia cầm, 80 con trâu bò. Trung đoàn 82/Sư đoàn 355 tích cực củng cố, tăng cường hoạt động của Trạm chế biến tập trung để cung cấp một số loại thực phẩm chính (giò, chả, đậu phụ, ngâm ủ giá đỗ…).

Đối với công tác bảo đảm quân y: Tổ chức lực lượng 210 đồng chí, với 29 xe (có 19 xe cứu thương); trong đó tổ chức 1 Bệnh viện dã chiến cứu chữa mức 2. Triển khai 4 lều cấp cứu say nắng, say nóng (loại lớn) tại các khu vực nghỉ, luyện tập tập trung, các khu tập kết, khu vực sân vận động để tổ chức cấp cứu kịp thời. Phối hợp với Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Điện Biên nắm bắt tình hình dịch bệnh khu vực đóng quân. Tổ chức giám sát tình hình sức khỏe, bệnh truyền nhiễm của các đơn vị tại thành phố ĐBP. Tiến hành phun thuốc diệt côn trùng 165.650m2 tại các điểm đóng quân. Tiến hành kiểm tra đánh giá chất lượng nước, hướng dẫn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và xử lý rác thải. Kiểm tra, giám sát 4 đầu mối cung cấp thực phẩm; tổ chức kiểm tra toàn bộ bếp ăn tập trung về công tác nhập thực phẩm, chế biến, vệ sinh dụng cụ ăn uống, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn, thu gom rác và các nội dung đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện xét nghiệm 2.500 lượt mẫu tại 20 bếp một số chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Hướng dẫn cho bộ đội nâng cao nhận thức, kỹ năng cá nhân, thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống say nóng, say nắng.

Để bảo đảm cho hành quân cơ động, bộ CHQS các tỉnh trên đường hành quân tại mỗi điểm dừng nghỉ bảo đảm từ 10 - 15 nhà vệ sinh tạm bằng bạt, diện tích khoảng 30m2/nhà (nam, nữ riêng), đủ hố vệ sinh; 50 - 70 bộ dụng cụ sinh hoạt (xô, chậu chứa nước), bố trí đầy đủ nước rửa mặt, rửa tay tại các vị trí; chủ động, chỉ đạo kết hợp, hiệp đồng tốt với Nhân dân, địa phương nơi các lực lượng dừng chân để sử dụng các nhà vệ sinh của nhà dân, cây xăng, quán nước, quán ăn ven đường, các công trình công cộng,…; bảo đảm tốt về vệ sinh, cảnh quan môi trường.

Tại thành phố ĐBP, các đơn vị đã tập trung cải tạo hệ thống điện, nước, sơn sửa lại nhà, kịp thời lắp dựng bổ sung 10 nhà tạm bằng tôn, khung thép (tổng diện tích khoảng 1.350m2), huy động bảo đảm 1.115 bộ giường sắt 2 tầng, 90 giường gỗ, 650 bộ dụng cụ sinh hoạt bằng nhựa; dồn dịch, kê xếp để bảo đảm đủ chỗ ở, chỗ ăn, sinh hoạt cho các lực lượng. Hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan Điện lực thành phố ĐBP chuẩn bị lực lượng trực, sẵn sàng khắc phục khi mất điện; chủ động hướng dẫn các đơn vị huy động bổ sung máy phát điện dự phòng kịp thời bố trí cho tình huống mất điện tại tất cả các vị trí (5 máy 100KVA; 8 máy từ 50 - 350 KVA). Khoan bổ sung 13 giếng khoan; huy động và lắp đặt bổ sung kịp thời 26 téc dự trữ nước từ 2 - 3m3, 8 bể chứa nước dã chiến từ 9 - 18m3, 3 xe stec chứa nước tăng cường sẵn sàng các phương án nếu tình huống bị mất nước; bố trí lực lượng trực bơm nước, không để xảy ra thiếu nước. Bảo đảm tốt, đầy đủ các nhà vệ sinh tạm tại các vị trí tập trung, luyện tập và hợp luyện cho các lực lượng.

Về bảo đảm xăng dầu, trước khi hành quân lên thành phố ĐBP, các đơn vị tiến hành thay dầu động cơ cho 100% phương tiện; tra nạp nhiên liệu đầy bình chứa cho các phương tiện. Tăng cường lực lượng, phương tiện cho Quân khu 2 (4 đồng chí và 2 xe stec) triển khai trạm tra nạp bổ sung xăng dầu tại vị trí dừng nghỉ dài khu vực Sân bay Nà Sản và Trung đoàn 754 cũ/ Bộ CHQS tỉnh Sơn La (4 xe stec, 4 bể chứa nhiên liệu, 6 cột tra với 12 vòi tra). Chuẩn bị đầy đủ lượng xăng dầu, triển khai đầy đủ các xe cứu hỏa, bình cứu hỏa, xây dựng kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy; phối hợp hiệp đồng với Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh Sơn La sẵn sàng xử trí khi có tình huống. Đã bảo đảm kịp thời, đầy đủ xăng dầu cho khoảng 500 phương tiện xe cả lượt đi và lượt về. Tại thành phố ĐBP, các đơn vị hiệp đồng phối hợp chặt chẽ với Quân khu 2 tiếp nhận cấp phát tại trạm cấp phát xăng dầu Bộ CHQS tỉnh Điện Biên và kho xăng dầu dự trữ.

Các đơn vị thực hiện nghiêm Kế hoạch cơ động của Bộ Tổng Tham mưu, tổ chức vận chuyển các khối luyện tập, hợp luyện, sơ duyệt, tổng duyệt, làm nhiệm vụ chính thức tại thành phố ĐBP. Cụ thể: 410 lượt xe vận chuyển 5.886 lượt người từ TB4 đến Thành phố và ngược lại; 89 lượt xe vận chuyển 1.202 lượt người đi tham quan theo kế hoạch của Tiểu ban Diễu binh, diễu hành; 1.138 lượt xe vận chuyển 20.846 lượt người luyện tập, sơ duyệt, tổng duyệt, làm nhiệm vụ chính thức tại Sân vận động tỉnh Điện Biên, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Được sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Thủ trưởng BQP và các cơ quan chức năng, sự ủng hộ có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh Điện Biên…, TCHC cùng ngành Hậu cần Quân đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ BĐHC cho các lực lượng Quân đội tham gia diễu binh, diễu hành phục vụ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP. Những kết quả đạt được và kinh nghiệm rút ra trong công tác BĐHC vừa khẳng định trình độ, năng lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện, vừa là tiền đề để ngành Hậu cần Quân đội nói chung, TCHC nói riêng tổ chức bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đồng bộ mọi mặt hậu cần phục vụ các sự kiện trọng đại của đất nước, Quân đội trong thời gian tới.

Thiếu tướng PHẠM MẠNH CƯỜNG, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần