Do tầm quan trọng của việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô do đồng chí Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Bộ Công an) làm Bí thư. Tháng 9-1954, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308/ Quân đoàn 12) làm Chủ tịch, Bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó chủ tịch.

Bộ Quốc phòng thành lập Ban chỉ đạo tiếp quản; các đồng chí Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng đoàn kiểm tra Tổng cục Cung cấp; Trần Cư, Phó cục trưởng Cục Vận tải (đại diện Tổng cục Cung cấp) phụ trách công tác bảo đảm. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Quốc phòng: "Bảo đảm vũ khí trang bị và mức sinh hoạt cho bộ đội, nhưng tuyệt đối không được làm mất ổn định thị trường Hà Nội trong và sau khi tiếp quản", Tổng cục Cung cấp đã chỉ đạo các Cục chuyên ngành bố trí lực lượng, chuẩn bị vật chất, sẵn sàng bảo đảm cho bộ đội về tiếp quản Thủ đô, gồm các bộ phận:

Bộ phận thứ nhất, phối hợp với Phòng Cung cấp Đại đoàn 308 chuẩn bị gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên các hướng hành quân của Đại đoàn; nắm tình hình bảo đảm của các đơn vị để kịp thời có biện pháp giải quyết.

Bộ phận thứ hai, liên hệ với Sở Kho thóc Trung ương và Cơ quan Tài chính Liên khu 3 chuẩn bị gạo, thực phẩm ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

leftcenterrightdel

Bác sĩ Trần Duy Hưng (đứng), Phó chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội trong đội ngũ tiến về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Tư liệu 

Bộ phận thứ ba, liên hệ với Thành ủy, Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội nắm khả năng cung cấp thực phẩm,  chất  đốt ở khu vực nội thành; phối hợp tổ chức các tổ tiếp phẩm nhân dân; đồng thời liên hệ với Ủy ban kháng chiến hành chính các tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ để mua lợn, trâu, bò vận chuyển về Hà Nội.

Bộ phận thứ tư, tổ chức khai thác củi ở Phú Thọ và Yên Bái.

Phòng Cung cấp Đại đoàn 308 có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo đảm cung cấp trong quá trình tiếp quản và sau khi bộ đội vào Thủ đô. Quân y Đại đoàn 308 tổ chức phục vụ tiếp quản như bảo đảm cho một trận đánh lớn, gồm: Bệnh xá tuyến sau ở Mai Lĩnh (Hà Đông) và bộ phận quân y tuyến trước bố trí trong đội hình cung cấp các trung đoàn, tiểu đoàn.

Đầu tháng 10-1954, công tác chuẩn bị bảo đảm cơ bản hoàn tất. Hơn 4.000 tấn thóc của Sở Kho thóc Trung ương và 700 tấn thóc do Cục Quân nhu khai thác được chuyển về tập kết tại Thường Tín (nay thuộc Hà Nội), Khoái Châu (Hưng Yên). Hàng trăm con trâu, bò, lợn từ Thanh Hóa, Lạng Sơn được chuyển về Văn Điển (Hà Nội), Từ Sơn (Bắc Ninh), Phùng (Đan Phượng); 1.400 tấn củi từ bến Đoan Hùng (Phú Thọ), Âu Lâu (Yên Bái) được kết thành bè, mảng xuôi sông Hồng đưa về bến Phà Đen (Hà Nội). Tại nội thành Hà Nội, có 8 tổ tiếp phẩm nhân dân đón nguồn thực phẩm từ ngoại thành đưa vào, mỗi ngày bảo đảm cho bộ đội 10 tấn rau, 2 tấn thịt, cá.

Cục Vận tải điều động Đại đội ô tô vận tải 200 và 203, phối hợp với lực lượng vận tải Đại đoàn 308 để tổ chức vận chuyển. Các Cục: Quân nhu, Quân khí cấp phát đầy đủ vũ khí, trang bị, quân trang, quân dụng cho Đại đoàn 308. Cục Quân y bảo đảm đủ cơ số thuốc cấp cứu, chuẩn bị 1.000 kg thuốc DDT; 50 kg phèn chua, hàng trăm ki lô gam vôi bột để vệ sinh khu vực đóng quân sau khi tiếp quản. Các tổ trinh sát vệ sinh được phái đi trước để nắm tình hình vệ sinh, dịch bệnh ở nội thành, sau đó thông báo cho các đơn vị chủ động ứng phó. Gạo, thực phẩm từ các điểm ở ngoại thành được bộ đội chuyển theo đội hình hành quân vào Thành phố; đại diện cơ quan cung cấp tiếp quản liên hệ với Chi sở Kho thóc Hà Nội và các tổ tiếp phẩm nhân dân trong quá trình bảo đảm.

Sáng ngày 8-10-1954, từ nhiều ngả đường, các đơn vị bộ đội tiến vào ngoại thành Hà Nội.

16 giờ ngày 9-10-1954, quân Pháp rút khỏi Thành phố, sang phía Bắc cầu Long Biên. Đến 16 giờ 30 phút, ta hoàn toàn kiểm soát Thành phố một cách gọn gàng và trật tự. Bộ đội tiến đến đâu, Nhân dân Hà Nội đổ ra hai bên đường phất cờ, tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố; cờ đỏ sao vàng tung bay trên các tầng nhà.

Ngày 10-10-1954, đại quân ta tiến vào nội thành Hà Nội trong khí thế hào hùng của đoàn quân chiến thắng. Từ sáng sớm, Nhân dân Thủ đô mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ chờ đợi bên những con đường bộ đội hành quân qua, hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Đúng 15 giờ ngày 10-10-1954, còi Nhà hát Lớn Thành phố nổi một hồi dài. Hàng vạn người dân Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị Quân đội. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Ngày 10-10-1954, Hà Nội sạch bóng quân xâm lược.

Do chuẩn bị chu đáo nên trong và sau khi bộ đội vào tiếp quản, mọi sinh hoạt của Nhân dân Hà Nội được bảo đảm ổn định. Cùng với bảo đảm cung cấp cho các đơn vị, Tổng cục Cung cấp đã tổ chức tiếp thu toàn bộ doanh trại, kho tàng trước đây địch chiếm giữ và các bệnh viện: Võ Tánh, Đồn Thủy (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày nay). Ngày 17-10-1954, trong buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Nhân dân Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao sự cố gắng của các lực lượng vũ trang và Nhân dân trong quá trình tiếp quản Thủ đô.

Sau khi bảo đảm cho Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội, Tổng cục Cung cấp chỉ đạo và tăng cường lực lượng, vật chất bảo đảm cho Trung đoàn 42/Liên khu 3 tiếp quản “khu vực 100 ngày” ở Hải Dương; đồng thời, tổ chức bảo đảm cho lực lượng huấn luyện, duyệt binh đón Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Thủ đô Hà Nội. Ngày 22-9-1954, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 22, biên chế 8.886 cán bộ, chiến sĩ gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích... làm nhiệm vụ tập luyện chuẩn bị duyệt binh. Đồng chí Nguyễn Hữu Ngân - Trưởng phòng Tài lương/Cục Quân nhu được cử làm Trưởng ban Cung cấp phục vụ duyệt binh. Trong điều kiện vật chất, trang bị còn hạn chế, thực hiện chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Cung cấp chỉ đạo các cục nghiệp vụ ưu tiên bảo đảm đủ yêu cầu cho Đoàn 22, gồm: trên 100 xe quân sự, 4.000 khẩu súng bộ binh và pháo... bảo đảm đầy đủ lương thực, thực phẩm, quân trang trong tập luyện và thực hành diễu duyệt. Tổng cục Cung cấp khẩn trương tiếp nhận 06 tấn hàng do Trung Quốc viện trợ gồm: nhạc cụ; trang thiết bị âm thanh, ánh sáng; pháo hoa... phục vụ lễ duyệt binh.

leftcenterrightdel

Sáng 10-10-1954, bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội trong rừng cờ hoa rực rỡ, tiếng reo hò của hàng chục vạn đồng bào. Ảnh: Tư liệu 

Ngày 1-1-1955, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, đoàn xe vận tải quân sự gồm 92 chiếc, hàng chục cỗ pháo các loại cùng các thành phần thuộc lực lượng vũ trang trong sắc phục mới nguyên... tiến qua Quảng trường. Lực lượng duyệt binh đã thể hiện sức mạnh của đội quân chiến thắng, cùng Nhân dân Hà Nội hân hoan đón chào Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Thủ đô. Thành công đó có phần đóng góp quan trọng của ngành Cung cấp.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cho duyệt binh, ngành Cung cấp tích cực chuẩn bị bảo đảm cho 25.140 cán bộ, chiến sĩ, nòng cốt là Đại đoàn 320 tiếp quản “khu vực tập kết 300 ngày”, gồm: Hòn Gai, Quảng Yên (Quảng Ninh), Kiến An, Đồ Sơn (Hải Phòng). Sáng ngày 13-5-1955, Đại đoàn 320 tiến vào tiếp quản thành phố Hải Phòng. Bộ chỉ huy tiếp quản khu vực 300 ngày được thành lập, trong đó có Phòng Cung cấp tiếp quản (gồm một bộ phận Phòng Cung cấp Liên khu 3, Phòng Cung cấp Liên khu Việt Bắc và một số cán bộ Tổng cục tăng cường). Được sự giúp đỡ của Nhân dân, kết thúc thời hạn 300 ngày, lực lượng vũ trang đã tiếp quản thắng lợi trọn vẹn các thành phố, thị xã, vùng địch tạm chiếm cuối cùng trên miền Bắc. Với sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành, hậu cần đã bảo đảm cho các lực lượng làm tròn nhiệm vụ tiếp quản; đồng thời quản lý một số bệnh viện lớn, kho tàng, doanh trại..., gồm 2.507 căn nhà với tổng diện tích 584.581m2 và cùng công nhân các công sở, xí nghiệp kiên quyết đấu tranh chống âm mưu phá hoại của địch, thu hồi các trang thiết bị quan trọng như xe máy, thiết bị y tế... Đồng thời, Tổng cục Cung cấp chỉ đạo các đơn vị bảo đảm đủ tiêu chuẩn, chế độ và đề xuất Bộ Quốc phòng phát động phong trào “Nuôi quân phòng bệnh”, “Rèn luyện thể lực”, góp phần tích cực ổn định và nâng cao sức khỏe bộ đội.

Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Tổng Quân ủy- Bộ Quốc phòng, trong thời gian ngắn, ngành Cung cấp đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ đan xen, dồn dập, đặc biệt là bảo đảm cung cấp cho tiếp quản Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng... tạo thế, tạo lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Những kinh nghiệm trên đã được kế thừa và phát huy tác dụng to lớn trong tiếp quản các đô thị miền Nam trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đại tá, ThS TRẦN ĐÌNH QUANG, Nguyên cán bộ Bộ Tham mưu Hậu cần