Về với Thủ đô kháng chiến

Theo đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Cao Bằng, Đoàn chúng tôi hành quân về ATK Định Hóa trong một ngày đẹp trời. Gió nhẹ thổi, nắng vàng trải trên đường. Gần lên tới ATK Định Hóa, con đường uốn lượn qua những đồi chè xanh mơn mởn và đồi cọ râm mát, thấp thoáng là những nếp nhà sàn của bà con dân tộc. Một khung cảnh thật đẹp, thơ mộng và trữ tình.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu lịch sử nơi đây nên sau khi thắp hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh Đèo De (Núi Hồng, xã Phú Đình, huyện Định Hóa), Hướng dẫn viên Dương Thị Hiền nhiệt tình cung cấp rất nhiều thông tin. Cô cho biết: Với tầm nhìn chiến lược, ngay sau ngày độc lập, trước bối cảnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc và nhận thấy dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và các thế lực phản động trong và ngoài nước, Bác Hồ đã quyết định trở lại Việt Bắc. Tháng 10-1946, khả năng bùng nổ cuộc kháng chiến đã đến gần, Bác cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Trần Đăng Ninh lên Việt Bắc chuẩn bị căn cứ địa. Ít ngày sau, kháng chiến bùng nổ, các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lần lượt rời Thủ đô Hà Nội di chuyển lên Việt Bắc. Ngày 20-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt tại ATK Định Hóa, đặt Phủ Chủ tịch đầu tiên tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc. Như vậy, ATK Định Hóa đã trở thành ATK tuyệt mật của Trung ương trong Căn cứ địa Việt Bắc.

leftcenterrightdel
 Hướng dẫn viên Dương Thị Hiền giới thiệu khu vực Bác ở và làm việc tại đồi Tỉn Keo. Ảnh: CTV

Cũng từ tháng 5 năm ấy, những bộ phận chủ yếu của Tổng hành dinh đã có mặt trên trục Tây Nam Định Hóa, từ Quán Vuông đến Lưu Quang, Lục Rã, sát chân Núi Hồng, trên đường sang Tân Trào. Để chuẩn bị đón Bác, Tổng đội xây dựng  thuộc Bộ Tổng Tham mưu đã xây dựng nơi ở và làm việc cho Bác ở khu rừng Khau Tý. Nhưng để đảm bảo bí mật, trong những ngày ở ATK Định Hóa, Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương thường hay thay đổi chỗ ở, nhiều địa điểm chỉ ở một vài tháng. Việc di chuyển của Bác không dùng ô tô mà đi lại bằng ngựa hoặc đi bộ.

Từ đây, có đường sang Sơn Dương, lên Chợ Đồn, ra Phú Lương, xuống Đại Từ. Một tháng sau khi đặt chân đến ATK Định Hóa, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi nhân kỷ niệm nửa năm kháng chiến toàn quốc. Bác đã khẳng định: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta nhất định thắng lợi. Vì đó là cuộc kháng chiến chính nghĩa, vì đồng bào ta đoàn kết một lòng, vì tướng sĩ ta dũng cảm, vì chiến lược của ta đúng đắn, vì ta có nhiều bầu bạn. Về mặt quân sự, theo chỉ đạo của Bác, các lực lượng vũ trang như bộ đội chủ lực, dân quân du kích từng bước được hình thành và phát triển mạnh trong phạm vi toàn quốc. Từ ATK Định Hóa, nhiều mệnh lệnh của Tổng hành dinh được chuyển tới các chiến trường trong cả nước, chỉ đạo các bước đi của đội quân Tây tiến, cách đánh địch ở Đường 5, Chiến trường Bình Trị Thiên, chỉ đạo cuộc chiến tranh du kích ở Nam Trung bộ và Nam bộ...

Tại đây còn diễn ra nhiều sự kiện quan trọng khác như: Ngày 28-5-1948, tại Hội trường Lớp học trại thiếu nhi Nà Lọm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và 10 tướng lĩnh khác; Hội nghị tuyên dương các anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất. Cũng tại Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành cuốn “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh XYZ… Trong hệ thống hàng trăm di tích lịch sử tại ATK, có lán Tỉn Keo - nơi làm việc của Bác làm bằng tre nứa, Thao trường để Đại đoàn Quân Tiên phong 308 diễn tập (cuối năm 1953) đánh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tại xã Đồng Thịnh (hiện nay không còn)…

Ngày 6-12-1953, tại đồi Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị cùng Quân ủy Trung ương thông qua Kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, quyết định quan trọng mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 1-1954, trước khi lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới Khuôn Tát chào và xin ý kiến chỉ đạo của Bác. Tại đây, Bác đã trao nhiệm vụ “Đánh chắc thắng”. Chính lời căn dặn của Người, Đại tướng đã có quyết định vô cùng sáng suốt mà theo Đại tướng “Đây chính là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. Đó là thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng từ ATK Định Hóa, phái đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu với tư thế của một dân tộc chiến thắng, cùng phái đoàn Lào và Campuchia sang Thụy Sĩ đàm phán. Trải qua rất nhiều phiên họp căng thẳng, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương chính thức được ký kết.

Nơi ra đời Tổng cục Cung cấp

Nằm trong cụm Di tích ATK Định Hóa có cơ quan Tổng cục Cung cấp (TCCC) (nay là Tổng cục Hậu cần) tại xóm Thẩm Quẩn, xã Thanh Định từ năm 1950 - 1954. Theo các tài liệu lưu trữ cho thấy: Tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra nghị quyết kiện toàn bộ máy chỉ đạo quân sự của Trung ương, chấn chỉnh tổ chức Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh. Ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121-SL quy định tổ chức các cơ quan chức năng của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam, trong đó có: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và TCCC. TCCC có nhiệm vụ quản trị, trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng; gồm các cục: Quân lương - Tài chính, Quân trang, Quân y, Quân giới, Vận tải, Quân vụ và Phòng Quân khí. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122-SL bổ nhiệm đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kiêm Chủ nhiệm TCCC.

leftcenterrightdel
Ban Biên tập và đại diện cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Thanh Định thắp hương tại Nhà lưu niệm Tổng cục Hậu cần. Ảnh: Hoàng Hiền

Hiện nay tại đây có Khu Di tích TCCC và Khu hầm Chủ nhiệm Tổng cục Trần Đăng Ninh (được công nhận là Di tích quốc gia theo Quyết định số 2245/QĐ-BVHTTDL ngày 29-6-2015 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Ông Phùng Đăng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Định dẫn chúng tôi đến 02 bia đá ghi dấu sự kiện thành lập, thời gian ở và làm việc của TCCC (từ năm 1950 - 1954). Khu Di tích Tổng cục có tổng diện tích 934,2m2, trong đó, Nhà lưu niệm Tổng cục Hậu cần diện tích 90m2, trưng bày một số tư liệu, hình ảnh, hiện vật của ngành Hậu cần Quân đội như: Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Đăng Ninh; Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Mẫu giáo nội trú đầu tiên của Quân đội ngày 19-5-1953 tại xã Thanh Định; Đồng chí Trần Đăng Ninh và cán bộ cơ quan TCCC tổ chức sinh hoạt đọc báo tại xã Thanh Định; Ngôi nhà đồng chí Trần Đăng Ninh và gia đình trong những ngày đầu thành lập TCCC… Nhật ký của đồng chí Trần Đăng Ninh ghi chép các nội dung công việc trong thời gian phụ trách Lớp huấn luyện  Cán bộ cung cấp Khóa 1 tổ chức tại Việt Bắc, năm 1951; Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Lớp huấn luyện Cán bộ Cung cấp Khóa 1 năm 1951, trong đó có đoạn “Nhiệm vụ chính của cán bộ cung cấp là phụng sự đa số của bộ đội, tức là người binh nhì. Phải thương yêu chăm sóc người binh nhì. Cán bộ cung cấp như người mẹ, người chị của người binh nhì… Nhiệm vụ chính của ngành cung cấp là quản lý tiền bạc, tài sản của Quân đội nên cán bộ cung cấp phải làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính”; Cặp da của đồng chí Trần Đăng Ninh dùng đựng công văn, tài liệu bảo đảm hậu cần cho các lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp; Một số đồ dùng của Nhân dân xã Thanh Định phục vụ nấu ăn cho các đồng chí cán bộ cơ quan TCCC trong những ngày đầu hoạt động…

Trọn nghĩa, vẹn tình; quê hương ngày càng đổi mới

Trong những tháng ngày ở ATK Định Hóa, với phương châm “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, từng bước cải thiện đời sống của Nhân dân. Do vậy, ATK Định Hóa ngày ấy thực sự là Thủ đô kháng chiến, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kháng chiến của cả nước. Trong những  năm   kháng   chiến   đầy gian khổ hy sinh ấy, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã hết lòng bảo vệ ATK, chở che cán bộ cách mạng, cùng bộ đội anh dũng chiến đấu, bảo vệ quê hương.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Trung ương Đảng, Bác Hồ và các cơ quan, đoàn thể lần lượt trở về xuôi, chuẩn bị cho một giai đoạn cách mạng mới. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, đặc biệt là sau đổi mới và những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, Nhân dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên về thăm và có những hoạt động tri ân thiết thực đối với ATK.

Riêng đối với Bác, dù bận rộn việc nước, nhưng nhiều lần về thăm lại Thái Nguyên và ATK. Lần cuối cùng vào ngày 1-1-1964, Bác căn dặn: “Tỉnh ta là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi, đồng bào và cán bộ phải ra sức thi đua để làm cho Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta”.

Thực hiện lời dạy của Bác, sau gần 80 năm phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói chung và vùng chiến khu ATK Định Hóa nói riêng luôn ra sức thi đua phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Từ một vùng quê nghèo, giờ đây, Định Hóa đã đổi khác rất nhiều. Những con đường nhỏ xíu, gập ghềnh, len lỏi giữa rừng già ken lối của  vùng  chiến  khu  xưa  đã lùi vào dĩ vãng. Dọc con đường chúng tôi đi qua, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi mọc lên san sát bên những đồi chè, rừng cây xanh ngát, những con đường trải nhựa uốn lượn giữa các triền đồi núi. Đồng chí Nguyễn Minh Tú - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết: Nhiều năm gần đây, với sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền  tỉnh,  huyện, đời sống của đồng bào các dân tộc Định Hóa - chiến khu xưa đã được nâng lên. Năm 2023, các chỉ tiêu  phát  triển  kinh  tế  -  xã hội, quốc phòng, an ninh… của huyện cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật là: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản là 1.200 tỉ đồng (đạt 100,2% kế hoạch); giá trị sản xuất công nghiệp địa phương 327,5 tỉ đồng (tăng 10,83% so với năm 2022); thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 53 tỉ đồng (105,54% kế hoạch); giảm tỉ lệ nghèo đã chiều 6,3/5,5% (114% kế hoạch, xuống còn 9,98%). Các xã đều đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, thị trấn Chợ Chu đạt đô thị văn minh, 100% huyện đạt tiêu chí huyện nông thôn mới. Mạng lưới điện đã về tới tất cả các xã, 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia. Hầu hết các trường học ở Định Hóa đã được xây dựng kiên cố, có 69/71 trường đạt chuẩn quốc gia. Là  huyện  miền  núi,  nhưng huyện được đầu tư xây mới một bệnh viện khá hiện đại với hơn 100 giường bệnh có đủ các trang thiết bị cùng đội ngũ y, bác sĩ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân. Công tác chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực...

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền huyện, xã cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho các tầng lớp Nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ thấy được vị trí, vai trò và giá trị của các di tích, trong đó có nơi thành lập TCCC, trên cơ sở đó xây dựng ý thức, tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử này. Tổ chức sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến các hoạt động của Trung ương Đảng, Bác Hồ, các cơ quan, đoàn thể giai đoạn 1947 - 1954. Với lợi thế 183 địa điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh được gìn giữ, tôn tạo đã trở thành thế mạnh phát triển du lịch gắn với lịch sử, nơi có hệ sinh thái tự nhiên như: rừng cọ, đồi chè, ruộng bậc thang, trong đó thác Khuôn Tát 7 tầng - một danh lam thắng cảnh đẹp của núi rừng Việt Bắc đã được xếp hạng cấp Quốc gia, thời gian tới, huyện đẩy mạnh các tuyến du lịch về nguồn với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam. Đồng thời, cũng là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Chúng tôi rời ATK Định Hóa khi trời đã nhập nhoạng tối. Những ngôi nhà hai bên ven đường đã lên đèn. Chuyến đi này giúp chúng tôi hiểu thêm rất nhiều về lịch sử ATK, hiểu thêm về những trang sử gian khổ mà hào hùng của dân tộc ta trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và tấm lòng của bà con các dân tộc nơi đây - mảnh đất cội nguồn của cách mạng Việt Nam.

TRANG LONG