Theo tài liệu của Dược sĩ Trần Ngọc Bảy, ngay sau ngày Hiệp định Geneva có hiệu lực, ta và phía Pháp đã tiến hành hiệp thương về việc chuyển giao Thành phố Hà Nội. Sau nhiều cuộc đàm phán rất căng thẳng, phía Pháp đã thống nhất chuyển giao Thành phố Hà Nội cho ta vào ngày 10-10-1954.
Tuy nhiên, ngay từ hạ tuần tháng 9-1954, Dược sĩ Trần Ngọc Bảy được Bác sĩ Vũ Văn Cẩn giao phụ trách đoàn cán bộ đi cùng với đoàn cán bộ của Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) về tiếp quản các cơ sở hậu cần của Pháp tại Hà Nội, trong đó có các cơ sở quân y. Khu vực đoàn tiếp quản kéo dài từ Nhà hát lớn thành phố tới khu vực Bệnh viện Đồn Thủy. Dược sĩ Trần Ngọc Bảy chia đoàn thành hai bộ phận. Một bộ phận do Dược sĩ Phạm Lạng và Dược sĩ Dương Đình Hùng phụ trách, có nhiệm vụ tiếp quản khu vực từ Nhà hát lớn đến phố Đinh Công Tráng (nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng); một bộ phận do Dược sĩ Trần Ngọc Bảy và Bác sĩ Trần Văn Bảo phụ trách, tiếp quản Bệnh viện Đồn Thủy. Sau khi bộ phận của Dược sĩ Phạm Lạng tiếp quản xong các cơ sở quân y của Pháp, sáng ngày 8-10-1954, bộ phận của Dược sĩ Trần Ngọc Bảy tiến hành tiếp quản Bệnh viện Đồn Thủy.
|
|
Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Tại Phòng hành chính của Bệnh viện Đồn Thủy, Dược sĩ Trần Ngọc Bảy, Bác sĩ Trần Văn Bảo cùng với 10 cán bộ cả quân y và quân dược làm việc với đoàn quân y Pháp do viên đại tá, viện trưởng dẫn đầu. Sau khi trao đổi về các thủ tục bàn giao, cả hai đoàn lần lượt bàn giao từng cơ sở của bệnh viện, bắt đầu từ khu xét nghiệm, khu điều trị và cuối cùng là khu hậu cần. Theo Dược sĩ Trần Ngọc Bảy: “… Các phòng điều trị, khu xét nghiệm, nhà kho, nhà ăn, tôi nhận thấy Bệnh viện Đồn Thủy chỉ còn cái vỏ. Hầu hết các phòng bệnh nhân đều bị phá hỏng, không còn các trang thiết bị, phương tiện máy y tế, dụng cụ phục vụ công tác điều trị.
Các giường bệnh cũng bị mang đi, chỉ còn lại những chiếc giường hư hỏng, rệu rã. Thậm chí vòi nước, các thiết bị trong phòng tắm, phòng vệ sinh cũng bị tháo dỡ, nước chảy lênh láng tràn ra các lối di. Thư viện và phòng đọc của Bệnh viện tuy còn một số cuốn sách, nhưng chủ yếu là sách văn học và tạp chí các loại vứt ngổn ngang dưới sàn nhà. Trong số sách ít ỏi về chuyên môn y - dược, hầu như không còn quyển nào nguyên vẹn, bị xé ra từng mảnh.
Hàng đống báo ảnh khỏa thân và đồi trụy bị xới tung, vung vãi khắp sàn nhà. Sau khi kiểm tra khắp lượt, tôi đã nói với viên viện trưởng bằng tiếng Pháp “Thưa ông, như ông đã thấy, bệnh viện Đồn Thủy chỉ còn là cái xác nhà trống rỗng”. Nghe tôi nói, viên viện trưởng không nói gì, chỉ nhún vai và im lặng. Trong suốt quá trình nhận bàn giao, Bác sĩ Trần Văn Bảo tỏ ra bực bội và thất vọng trước một cơ sở điều trị thuộc diện hiện đại của quân đội Pháp lúc đó đã bị tàn phá đến mức không còn sử dụng được nữa. Tuy nhiên, tôi đã thuyết phục Bác sĩ Trần Bảo phải kiềm chế, không được làm bất cứ việc gì có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của cấp trên. Khi biên bản bàn giao đã được chuẩn bị rất kỹ, chỉ chờ đại diện hai bên ký là hoàn tất việc bàn giao, tôi nhận thấy viên viện trưởng rất nôn nóng, muốn sớm kết thúc việc bàn giao nên y đã đề nghị tôi ký vào biên bản. Tôi không ký vì chưa có lệnh của Cục Quân y. Thấy tôi kiên quyết không ký vào biên bản, viên viện trưởng đã nói “… Xin ông hiểu cho hoàn cảnh của tôi, lúc này ở sân bay Gia Lâm, vợ và hai con tôi đã chờ tôi khá lâu rồi…”. Nhưng nhớ lời Cục trưởng căn dặn tôi trước khi hành quân về Hà Nội “… Anh chỉ được phép ký vào biên bản bàn giao khi nào Quân đội ta vào tiếp quản Thủ đô và phía Pháp rút hết lính gác ở cổng Bệnh viện Đồn Thủy…”. Biết viên đại tá rất sốt ruột, tôi phải tìm mọi cách trì hoãn để chờ lệnh của cấp trên”.
Đến 9 giờ sáng ngày 9-10-1954, khi tên lính Pháp đứng gác ở cổng bệnh viện Đồn Thủy vội vã bước ra khỏi vọng gác để các chiến sĩ ta vào thay thế, thì Dược sĩ Trần Ngọc Bảy nhận được lệnh ký vào biên bản bàn giao. Chỉ vài phút sau thì viên viện trưởng đã rồ ga chiếc xe hơi sang trọng lao nhanh ra cổng, ngược lên phía cầu Doumer (Long Biên) sang Gia Lâm. Đúng 16 giờ chiều ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng lặng lẽ rút khỏi nội thành Hà Nội. Từ thời điểm này, Thủ Đô đã hoàn toàn sạch bóng quân thù.
Ngay từ sáng sớm ngày 10-10-1954, Dược sĩ Trần Ngọc Bảy cùng các anh Phạm Lạng, Dương Đình Hùng, Nguyễn Như Tiếp và Phan Trọng Hoành ra đại lộ Gambeta chờ sẵn. Trên những tuyến đường được báo trước đại quân ta sẽ đi qua, Nhân dân ăn mặc chỉnh tề, mang cờ, hoa, khẩu hiệu và ảnh Bác từ khắp nơi đã đứng kín lề đường. Dọc đại lộ Gambeta, gương mặt ai cũng tỏ ra vui mừng, hoan hỷ, tươi cười và trên tay cầm cờ, hoặc hoa tươi, băng rôn, khẩu hiệu hoặc ảnh Bác Hồ. Có thể nói, đại lộ Gambeta lúc đó là một rừng người, rừng cờ hoa và ảnh Bác Hồ. Những người đeo đàn Accordion, guitar, violon say sưa chơi các bản nhạc hùng tráng, rạo rực như Tiến về Hà Nội, Vì nhân dân quên mình… Khoảng 8 giờ sáng ngày 10-10-1954, mọi người kháo nhau có một đoàn quân đội ngũ chỉnh tề, đi đều từ phía Quần Ngựa qua các phố Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang, rồi tiến vào cửa Đông thành Hà Nội. Khoảng 45 phút sau, một đoàn quân xếp hàng ba thẳng tắp, nghiêm trang, vai đeo ba lô và súng, đi đều, rầm rập.
Người chỉ huy đi đầu hàng quân đeo súng ngắn tay cầm quốc kỳ, luôn giơ tay vẫy chào Nhân dân đứng hai bên lề đường. Đoàn quân này xuất phát từ phía Việt Nam học xá, qua phố Bạch Mai, Phố Huế, quanh Hồ Gươm, rồi vòng lại chiếm lĩnh khu vực Đồn Thủy và khu Đấu Xảo (nay thuộc Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô). Đoàn quân đi đều, rầm rập hòa lẫn trong tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng hò reo của các tầng lớp Nhân dân. Nhiều thiếu nữ mặc áo dài ra tận hàng quân để tặng hoa các chiến sĩ. Đến 9 giờ 30 phút, một đơn vị pháo binh khí thế hùng dũng, nghiêm trang, từ phía Bạch Mai tiến lên Phố Huế, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, rồi rẽ ra Cửa Bắc tiến vào Thành Hà Nội. Đến 15 giờ cùng ngày, một hồi còi dài được phát ra trên nóc Nhà hát lớn Hà Nội, chính thức báo hiệu giờ phút Thủ đô Hà Nội đã hoàn toàn giải phóng.
Sau ngày Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển về Thủ Đô, cơ quan Cục Quân y và các đơn vị trực thuộc lần lượt hành quân về Hà Nội. Một khu vực khá rộng kéo dài từ Nhà hát lớn tới Bệnh viện Đồn Thủy được dành cho Viện quân y 108 (nay là Bệnh viện trung ương quân đội 108) và một số đơn vị thuộc ngành Dược. Dược sĩ Trần Ngọc Bảy được nhận chức trách mới là Phó Giám đốc Xí nghiệp dược phẩm 6-1 trực thuộc Cục Quân y. Năm 1961, Dược sĩ Trần Ngọc Bảy chuyển ngành ra Bộ Y tế, làm Phó Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm trung ương II và trước khi nghỉ hưu vào năm 1989, là Phó Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp dược Việt Nam.
14 năm phục vụ ngành Quân y, Dược sĩ Trần Ngọc Bảy đã trải qua nhiều nhiệm vụ quan trọng, có nhiều kỷ niệm rất đáng ghi nhớ. Nhưng nhiệm vụ phụ trách đoàn tiếp quản của Cục Quân y và những giây phút được hòa mình trong không khí phấn khởi, tự hào của người dân Hà Nội khi đón đại quân từ Chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Thủ Đô là một dấu ấn, kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời ông.
Thượng tá Vũ Thanh Hóa, Phó chủ nhiệm Chính trị Cục Quân y/TCHC