Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Giải phóng quân phát triển nhanh chóng, trở thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Các tổ chức HCQĐ như Quân nhu, Quân giới, Quân y… ở các cấp dần được hình thành để bảo đảm các nhu cầu về ăn, mặc, sức khỏe, vũ khí, trang bị cho Quân đội. Tuy nhiên, trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguồn cung cấp và tổ chức tiếp tế chủ yếu dựa vào dân.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các tổ chức HCQĐ ngày càng phát triển. Ngày 11-7-1950, Tổng cục Cung cấp được thành lập. Từ đây, ngành Cung cấp Quân đội (HCQĐ ngày nay) hình thành, thống nhất chỉ đạo, chỉ huy các ngành Quân nhu, Quân y, Quân giới, Quân khí, Vận tải đã được tổ chức từ trước. Nhờ vậy, từ cuối năm 1950 trở đi, kết hợp với Hội đồng Cung cấp mặt trận các cấp, cùng sự đóng góp to lớn của Nhân dân, ngành HCQĐ đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cho quân và dân ta chiến đấu trên các chiến trường giành thắng lợi ngày càng lớn, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
|
|
Đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích Xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29-10-2012 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ảnh: Đình Thảo
|
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mặc dù điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, ngành HCQĐ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị vừa củng cố, xây dựng lực lượng, vừa tích cực tạo nguồn, tổ chức bảo đảm hậu cần đầy đủ, kịp thời cho lực lượng vũ trang chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch, bảo vệ miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam và nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, bảo đảm cho các lực lượng chớp thời cơ tiến công, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, toàn Ngành lại bước ngay vào bảo đảm cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, giữ vững chủ quyền biển, đảo và làm nghĩa vụ quốc tế.
Trong công cuộc đổi mới, ngành HCQĐ đã chủ động nghiên cứu đổi mới tổ chức và phương thức bảo đảm vật chất hậu cần phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tham mưu đề xuất và tham gia xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ; xây dựng các kế hoạch bảo đảm hậu cần cho phòng thủ đất nước; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, cải tiến trang bị đáp ứng yêu cầu xây dựng Ngành, xây dựng lực lượng Quân đội trong thời kỳ mới. Tích cực tham gia thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo, phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; chỉ đạo và tổ chức bảo đảm cho các đoàn Kinh tế quốc phòng, các nhiệm vụ đột xuất khác như: Phòng, chống lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, hợp tác quốc tế về hậu cần...
Những năm gần đây, phát huy nội lực, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, ngành HCQĐ triển khai toàn diện và hoàn thành tốt các mặt công tác. Cơ sở vật chất hậu cần từng bước được đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần. Bảo đảm hậu cần cho Quân đội xây dựng “tinh, gọn, mạnh” đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số công tác hậu cần. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 lây lan trong nước, ngành HCQĐ bám sát sự chỉ đạo của ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, chủ động chuẩn bị đồng bộ mọi mặt, tăng cường cho các khu vực có dịch và điều hòa vật chất hậu cần trong vùng dịch. Phong trào thi đua “Ngành HCQĐ làm theo lời Bác Hồ dạy” phát triển cả bề rộng và chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội có sự phát triển mới. Quân đội đang trong quá trình điều chỉnh tổ chức, biên chế; đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “tinh, gọn, mạnh”, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đặt ra yêu cầu rất cao đối với ngành HCQĐ. Để hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp cần tiếp tục quán triệt, vận dụng và thực hiện sáng tạo các quan điểm cơ bản của Đảng về hậu cần; luôn đề cao quan điểm “phục vụ bộ đội”, tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp công tác, coi trọng nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ theo phương châm “chủ động lo trước, tính trước”. Chú trọng đẩy mạnh xây dựng lực lượng, tiềm lực, thế trận hậu cần, hậu cần tại chỗ vững chắc trên từng hướng, địa bàn chiến lược và phạm vi cả nước; trên cơ sở kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh trong quá trình xây dựng các vùng chiến lược kinh tế, chuẩn bị hậu phương cho chiến tranh tương lai (nếu xảy ra). Trong đó, tập trung thực hiện tốt những nội dung, giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác hậu cần. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, trước hết là cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần (CTHC) Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Từ đó, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm, chủ động thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu CTHC, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Quân đội. Trước hết, tập trung lãnh đạo nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, đề xuất, thực hiện tốt hơn chức năng tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, chỉ huy các cấp về CTHC. Chú trọng tham mưu nâng cấp, hiện đại hóa trang bị, phương tiện hậu cần, phù hợp với khả năng ngân sách, lộ trình hiện đại hóa Quân đội; đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các đề án, chương trình, kế hoạch về hậu cần; xây dựng thế trận hậu cần rộng khắp, liên hoàn, vững chắc, chú trọng thế trận hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hai là, tập trung thực hiện và hoàn thành điều chỉnh tổ chức biên chế; xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp “tinh, gọn, mạnh”. Xây dựng tổ chức biên chế hậu cần theo hướng “tinh, gọn, mạnh” và làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Thực hiện và hoàn thành tốt điều chỉnh tổ chức biên chế lực lượng hậu cần các cấp theo Nghị quyết của Quân ủy Trung ương; Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về “tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 và những năm tiếp theo”, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, đồng bộ từ cấp chiến lược đến cơ sở, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phối hợp các trường Quân đội tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thiện bậc học, chức danh, đảm bảo số lượng, chất lượng, theo chuyên ngành; nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần; có cơ chế tuyển chọn và chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; bố trí, sắp xếp đúng mục tiêu, yêu cầu đào tạo đối với cán bộ, nhân viên tốt nghiệp ra trường; thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ hậu cần các cấp. Giải quyết kịp thời bất cập, mất cân đối giữa cơ quan với đơn vị cơ sở và thiếu hụt cán bộ, nhân viên hậu cần một số chuyên ngành. Đồng thời, tích cực phối hợp với các địa phương xây dựng, quản lý chặt chẽ lực lượng, phương tiện hậu cần dự bị động viên, sẵn sàng huy động khi có tình huống.
Ba là, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế, chính sách liên quan đến công tác hậu cần; hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về CTHC, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp quy định của pháp luật, đặc thù Quân đội. Tập trung nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung hệ thống điều lệnh, điều lệ, văn kiện, tài liệu chuyên ngành; tham mưu sửa đổi các nghị định, thông tư quy định tiêu chuẩn, chế độ hậu cần và huy động các nguồn lực hậu cần. Đồng thời, hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần; tích cực khai thác các nguồn lực, bảo đảm kịp thời, đầy đủ hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, thường xuyên và đột xuất; ưu tiên lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng trời, biên giới, biển, đảo, địa bàn trọng điểm, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Duy trì nghiêm quy định về lực lượng, vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất hậu cần; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tham gia tích cực, kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống bão lụt; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; phòng, chống dịch, bệnh.
Bốn là, chủ động nghiên cứu, dự báo, nắm chắc tình hình; tăng cường nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận hậu cần phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ công tác hậu cần trong tình hình mới. Phát huy tốt vai trò của chỉ huy, tham mưu của các cơ quan hậu cần chiến lược; đẩy mạnh nghiên cứu dự báo, nắm chắc xu thế, diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước; các nguy cơ, thách thức, tình huống tranh chấp, xung đột có thể xảy ra... tác động đến CTHC để xác định mục tiêu và đề xuất giải pháp phù hợp. Nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận bảo đảm hậu cần cho các hình thái chiến tranh, hình thức tác chiến phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị và môi trường tác chiến của các lực lượng; bảo đảm tốt hậu cần cho ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống. Nghiên cứu nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động hậu cần khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận hậu cần gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, đồng bộ với quy hoạch, phát triển kinh tế, xã hội trên từng hướng, địa bàn, tạo thế liên hoàn, vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng trong lĩnh vực hậu cần, vừa đáp ứng yêu cầu bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, vừa góp phần phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập hậu cần, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; huy động các nguồn lực, kết quả nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thành tựu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư; tổ chức triển khai đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, quy chế, quy định, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong CTHC.
Tích cực nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện hậu cần theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát thực tiễn, sát đối tượng, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, phù hợp với đặc điểm và nhiệm vụ; chú trọng nâng cao trình độ, năng lực chỉ huy, chỉ đạo, quản lý, tổ chức bảo đảm hậu cần, khả năng cơ động, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị (phân đội) hậu cần các cấp. Nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập, hội thi, hội thao hậu cần và các chuyên ngành; xây dựng chính quy ngành HCQĐ. Duy trì hiệu quả phong trào thi đua “Ngành HCQĐ làm theo lời Bác Hồ dạy”, Cuộc vận động “Quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”gắn với các phong trào thi đua và cuộc vận động khác, tạo động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ CTHC.
Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế về hậu cần với các nước phát triển, các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống. Ưu tiên mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quân y, quân nhu, xăng dầu, vận tải và các lĩnh vực phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ công tác hậu cần, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, cứu trợ thảm họa, hỗ trợ nhân đạo và hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Nghiên cứu xu hướng phát triển HCQĐ các nước trên thế giới, vận dụng linh hoạt, phù hợp trong hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, trao đổi khoa học kỹ thuật, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong công tác bảo đảm hậu cần.
Phát huy truyền thống vẻ vang qua 74 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ngành HCQĐ đã, đang và sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Quân đội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Trung tướng Trần Duy Giang-Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần