Cụ thể: Hướng dẫn về các thành phần công nghệ thông tin (CNTT) cần thiết phục vụ triển khai nhiệm vụ của kế hoạch; phát triển hạ tầng truyền số liệu quân sự, đảm bảo hạ tầng truyền dẫn kết nối với cơ sở dữ liệu các chuyên ngành; tổ chức triển khai kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, doanh nghiệp hậu cần thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các chuyên ngành; kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng các hệ thống thông tin, bảo mật cơ sở dữ liệu... Các hoạt động trên đã góp phần tạo ra kết quả ban đầu thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) công tác hậu cần Quân đội, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị trong BQP trong việc tiếp tục đẩy mạnh CĐS trong BQP, tạo tiền đề CĐS BQP.
|
|
Các học viên huấn luyện kỹ thuật CNTT của TCHC nghe giới thiệu hệ thống điều hành của Trung tâm quản lý bán hàng (Tổng Công ty Viễn thông Viettel) (tháng 10-2022). Ảnh: Thanh Hiền |
Tuy nhiên, việc triển khai Kế hoạch CĐS công tác hậu cần Quân đội thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến nhiều nội dung còn chậm so với kế hoạch. Một trong những khó khăn, vướng mắc chính là hạ tầng CNTT của phần lớn các cơ quan, đơn vị hậu cần, tổ chức, doanh nghiệp hậu cần chưa đáp ứng yêu cầu, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu với TCHC được thông suốt, ổn định, cũng như những vấn đề về an toàn thông tin, an ninh mạng (ATTT, ANM). CĐS điều quan trọng nhất là dữ liệu và liên thông dữ liệu, nhưng sự liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu hiện nay còn rất hạn chế giữa các đơn vị hậu cần. Về hiện trạng hạ tầng CNTT của các cơ quan, đơn vị trong TCHC và cơ quan, đơn vị hậu cần trong toàn quân như sau:
Đối với hạ tầng mạng, đường truyền kết nối: Hạ tầng CNTT còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa kết nối, chia sẻ. Việc khai thác thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị còn hạn chế, phân tán. Tỷ lệ máy tính kết nối mạng máy tính quân sự còn thấp, cụ thể: Các đầu mối trực thuộc Tổng cục (Cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần; các Cục chuyên ngành, bệnh viện, nhà trường, Viện Thiết kế, Tổng Công ty 28 đã có đường truyền số liệu quân sự (TSLqs)) 100% lữ đoàn, kho và tương đương đã có kết nối mạng TSLqs. Các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần X20, Công ty CP 22, 26, 32, Armephaco chưa có mạng TSLqs. 03 đơn vị hậu cần của các đầu mối trực thuộc BQP chưa kết nối mạng TSLqs. Cơ bản các đơn vị hậu cần cấp chiến thuật chưa có kết nối mạng TSLqs.
Đối với phòng máy chủ của Tổng cục: Sở Chỉ huy (SCH) Tổng cục có 08 phòng máy chủ (chưa có trung tâm dữ liệu) hình thành mạng LAN SCH Tổng cục; các phòng máy chủ chưa được đầu tư đúng mức và chưa đạt chuẩn.
Đối với các phần mềm dùng chung: 100% văn bản toàn văn được chuyển nhận trên phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc có chữ ký số; hằng tuần, lịch công tác của Chỉ huy Tổng cục, Bộ Tham mưu và cơ quan, đơn vị được đăng tải trên hệ thống (không phát hành văn bản giấy); Cổng Thông tin điện tử Tổng cục và các cục chuyên ngành thường xuyên đăng tải các bài viết, văn bản quy phạm pháp luật, nội bộ và thông báo hành chính quân sự… Hệ thống giao ban trực tuyến của Tổng cục (28 điểm cầu) được khai thác thường xuyên, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành, các hội nghị tập huấn và hội thảo. Đặc biệt, TCHC đã bước đầu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác phổ biến thông tin.
|
|
Đồng chí Đại tá Vũ Quang Miên, Phó Tham mưu trưởng TCHC báo cáo đề dẫn tại Hội thảo Phát triển dữ liệu số hậu cần (tháng 7-2023). Ảnh: Thanh Hiền |
Phần mềm Quản lý Nhà ăn thông minh TCHC: Phần lớn cán bộ, nhân viên khối cơ quan Tổng cục đã cài đặt hoạt động trên thiết bị di động thông minh sử dụng cắt, báo cơm. Mọi người đều có thể tham gia ý kiến đóng góp xây dựng nhà ăn văn minh, sạch đẹp góp phần hiện đại hóa công tác quản lý Bếp ăn tại SCH Tổng cục.
Đối với các phần mềm chuyên ngành, một số phần mềm đã được ứng dụng và khai thác sử dụng thường xuyên, gồm: Phần mềm và cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý nhà, đất và tài sản doanh trại Quân đội đã triển khai đến một số đơn vị (Quân chủng Phòng không - Không quân; Quân khu 7; Binh chủng Công binh; Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng); phần mềm và CSDL quản lý cán bộ ngành Doanh trại toàn quân đã triển khai đến các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ. Phần mềm và CSDL quản lý xăng dầu; phương tiện kỹ thuật - vật tư xăng dầu trong Quân đội đã triển khai trong toàn quân đến cấp trung đoàn. Hồ sơ sức khỏe điện tử quân nhân, phần mềm và CSDL quản lý chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội đã đưa vào khai thác sử dụng. Phần mềm quản lý phương tiện vận tải toàn quân bước đầu tạo lập cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ huy, điều hành…
Tuy nhiên, các phần mềm hiện nay đều hoạt động độc lập, dữ liệu phân tán, chưa chia sẻ, liên kết giữa các Chuyên ngành được với nhau, chỉ liên kết được theo trục dọc. Toàn ngành Hậu cần chưa có phần mềm dùng chung, chưa có trung tâm (kho) dữ liệu hậu cần; phần lớn các dữ liệu được cài đặt trên các máy chủ, phòng máy chủ chưa đạt tiêu chuẩn.
Về ATTT, ANM: Tổng cục đã chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm ATTT, ANM theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh 86; duy trì hoạt động thường xuyên các hệ thống giám sát ATTT, ANM (gần 90% máy tính tại SCH Tổng cục - kết nối mạng TSLqs được giám sát theo quy định). Tuy nhiên, nguy cơ lộ, lọt dữ liệu quân sự rất cao vì các đơn vị chưa có mạng máy tính nội bộ kết nối mạng TSLqs do vậy không được triển khai các giải pháp giám sát ATTT. Hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng giải pháp bảo đảm ATTT của các đơn vị hậu cần chưa đáp ứng yêu cầu để kết nối, chia sẻ dữ liệu vì được đầu tư, mua sắm từ lâu, ít được nâng cấp…
Từ thực tế trên, để đảm bảo hạ tầng công nghệ đáp ứng yêu cầu CĐS công tác hậu cần Quân đội thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục phát triển đường TSLqs đến các cơ quan, đơn vị hậu cần. Để tiến hành CĐS, cần đầu tư trước một bước hạ tầng mạng làm cơ sở cho việc ứng dụng các phần mềm. Do vậy, cần phải tiếp tục đầu tư củng cố, nâng cấp, mở rộng mạng TSLqs đến các đơn vị phân kho, tiểu đoàn và tương đương kết hợp triển khai mạng máy tính an toàn. Đồng thời, triển khai các giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị hậu cần. Có giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu an toàn giữa mạng truyền số liệu quân sự với các mạng chuyên dùng của các cơ quan nhà nước.
Hai là, xây dựng các phần mềm và cơ sở dữ liệu dùng chung (nền tảng số hậu cần) của các Chuyên ngành, tiến tới hình thành hệ sinh thái số phục vụ chỉ huy, chỉ đạo, quản lý hậu cần và trao đổi, xử lý công việc trên mạng máy tính quân sự. Triển khai nền tảng định danh và xác thực điện tử tập trung cho con người, trang bị, phương tiện, cơ sở, vật chất hậu cần, đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất thông tin về nguồn lực hậu cần các cấp. Cần phối hợp chặt chẽ các cơ quan, đơn vị xác định giải pháp ATTT tối thiểu cần triển khai trước khi kết nối khai thác cơ sở dữ liệu, thông qua tăng cường công tác giám sát ATTT, ANM đảm bảo phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ về mất ATTT khi kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Ba là, về bảo đảm nguồn nhân lực. Đề nghị Thủ trưởng BQP xem xét chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương tổ chức rà soát, ưu tiên bố trí kinh phí, triển khai đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ các thành phần CNTT thiết yếu cần thiết phục vụ triển khai Kế hoạch. Cục Tài chính, Cục Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư, mua sắm các thành phần CNTT thiết yếu cần thiết phục vụ triển khai những nhiệm vụ CĐS công tác Hậu cần ngay trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Các học viện, nhà trường Quân đội cần nghiên cứu, mở chuyên ngành đào tạo về công nghệ số, CĐS nhằm bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình CĐS; có cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ CĐS ở một số khâu, lĩnh vực quan trọng.
Tin rằng với giải pháp trên cùng với sự phối hợp của cơ quan, đơn vị liên quan, Kế hoạch CĐS công tác hậu cần Quân đội sẽ được thực hiện kịp thời, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh CCHC, CĐS, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại… tạo tiền đề vững chắc để năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Thượng tá PHẠM ANH TÙNG, Trưởng ban CNTT/Bộ Tham mưu Hậu cần