Hệ thống logistics của Mỹ
Đường không: Theo số liệu từ Cục Hàng không Liên bang (FAA), hiện nay, Mỹ có 19.633 sân bay, trong đó có gần 5.100 sân bay công cộng và hơn 14.550 sân bay tư nhân. Khối lượng hàng hóa luân chuyển qua các sân bay rất lớn, trong đó có hàng hóa quân sự, tập trung nhiều tại sân bay New York, New Jersey, Chicago (Illinois), Los Angeles (California), New Orleans (Louisiana), Miami (Florida), San Francisco (California), Dallas - Fort Worth-Houston (Texas), Cleveland (Ohio), Anchorage (Alaska), Atlanta (Georgia)... Cơ sở hạ tầng vận tải đường không được Chính phủ Mỹ sử dụng để cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, trang thiết bị, vật tư quân sự phục vụ quân đội cả trong và ngoài nước.
|
|
Ảnh minh họa: Chinhphu.vn |
Hiện nay, nước Mỹ có 11 hãng hàng không dân dụng và 16 công ty vận tải hàng hóa hàng không thuộc lực lượng hàng không dân dụng dự bị, với 927 máy bay các loại. Lực lượng hàng không dự bị của Quân đội Mỹ được kết hợp trên cơ sở pháp luật và hợp đồng giữa Bộ Quốc phòng Mỹ với các công ty hàng không dân dụng. Để duy trì năng lực vận tải chiến lược của lực lượng không quân, đồng thời phát huy tính tích cực của các công ty hàng không tư nhân, Quân đội Mỹ sử dụng 3 phương pháp: (1) Hỗ trợ các công ty hàng không đối tác trong thời bình. Hằng năm, Chính phủ Mỹ chi khoảng 20 tỷ USD hỗ trợ lĩnh vực vận tải quân sự cho các công ty hàng không để đảm bảo sẵn sàng trưng dụng máy bay dân sự phục vụ mục đích quân sự bất kỳ lúc nào. (2) Ưu tiên dành các hợp đồng vận tải quân sự trong thời bình cho các công ty hàng không dân dụng có khả năng trở thành đối tượng tuyển dụng. (3) Dành mức ưu đãi hỗ trợ cho các công ty hàng không dân dụng là thành viên của lực lượng được huy động trong thời chiến cao hơn thời bình.
Đường thủy: Hiện nay, nước Mỹ có hơn 300 cảng biển, đa số thành phố lớn đều có cảng biển hoặc được kết nối với biển bằng đường thủy nội địa. Hệ thống cảng biển của Mỹ được chia thành 6 khu vực chính, gồm: phía Bắc và phía Nam bờ biển Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, bờ biển Vịnh Mê-xi-cô và vùng Ngũ Đại Hồ. Chính phủ Mỹ coi cảng biển là yếu tố quan trọng nhất của cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy, kết nối giữa khu vực tiềm ẩn xung đột vũ trang với hậu phương chiến lược - lục địa Bắc Mỹ. Dọc theo các tuyến đường biển, vũ khí, trang thiết bị quân sự, sản phẩm công nghiệp và nguyên liệu chiến lược được vận chuyển cung cấp cho các căn cứ quân sự của Mỹ tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Trong kế hoạch của Bộ Quốc phòng, các cảng biển được coi là căn cứ hải quân tiềm năng, trường hợp xảy ra chiến tranh sẽ mở rộng hệ thống căn cứ của lực lượng Hải quân Mỹ. Để sẵn sàng huy động lực lượng vận tải thủy dân sự tham gia các nhiệm vụ quân sự, Chính phủ Mỹ quy định bắt buộc ngành đóng tàu thương mại thiết kế đóng mới tàu vận tải dân sự phải tính toán cấu trúc tàu đáp ứng yêu cầu quân sự, sau khi hoán cải có thể lắp đặt trang bị quân sự, vũ khí, thông tin liên lạc và chuyên chở binh sĩ. Thiết kế tiêu chuẩn của tàu vận tải thương mại phải đáp ứng tiêu chí: Dự trữ thực phẩm, nước ngọt và xăng dầu cho hành trình từ 30 ÷ 35 ngày trên biển, với quãng đường từ 11.000 hải lý trở lên, cho phép tàu có thể vận hành khứ hồi từ bờ biển nước Mỹ đến các quốc gia đồng minh châu Âu hoặc một chiều đến các cảng biển trên Ấn Độ Dương. Ngoài ra, tàu vận tải thương mại phải đáp ứng các tiêu chuẩn của tàu vận tải quân sự như: khả năng chống lật, chống chìm, thiết kế vỏ tàu 2 lớp và 2 đáy; khả năng phòng, chống vũ khí hạt nhân, bố trí hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động kích hoạt trong điều kiện bị tác động cơ học lên thân vỏ và sóng xung kích do nổ lớn…
Đường sắt: Hiện nay, Mỹ là quốc gia có mạng lưới đường sắt dài nhất thế giới (khoảng 250.000km), với tổng số 538 tuyến đường sắt do nhà nước và tư nhân sở hữu. Mạng lưới hành lang đường sắt chiến lược quốc gia kết nối với các cơ sở quân sự, trung tâm công nghiệp và hải cảng quan trọng. Mạng đường sắt lớn nhất tập trung tại các bang miền Trung và miền Đông nước Mỹ. Cơ sở hạ tầng vận tải đường sắt được quân đội Mỹ sử dụng tối đa để vận chuyển vũ khí, hàng hóa quân sự đến những đơn vị đóng quân tại những vùng sâu, vùng xa, rừng núi. Trong vận tải đường sắt, 91% là hàng có khối lượng lớn như: nông sản, sản phẩm năng lượng, ô tô và phụ tùng ô tô, vật liệu xây dựng, hóa chất, than, trang thiết bị, thực phẩm, kim loại, khoáng chất và giấy; còn 9% là vận tải liên vận, thường là hàng tiêu dùng và tạp phẩm khác.
Đường bộ: Ngay từ năm 1956, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc của Mỹ được xây dựng theo các tiêu chuẩn thống nhất trên toàn quốc với mục tiêu dài hạn từ 30 ÷ 50 năm, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế lớn, chùm đô thị và trong đô thị, kết hợp giữa phục vụ dân sinh và sẵn sàng bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Hiện nay, Mỹ có khoảng 75.000 km đường cao tốc liên bang, nối liền 48 bang và 209 thành phố có từ 50.000 dân trở lên. Việc xây dựng đường cao tốc giữa các tiểu bang đều tính đến các nhu cầu quân sự, quốc phòng.
Dịch vụ logistics của nhà thầu tư nhân tham gia hoạt động quân sự: Quân đội Mỹ rất coi trọng thu hút nhà thầu dân sự cung cấp dịch vụ logistics tham gia vào các cuộc diễn tập do quân đội tổ chức. Trong các cuộc tập trận thường niên do quân đội Mỹ tổ chức trên toàn thế giới đều có sự tham gia của các nhà thầu tư nhân. Trong quá trình bảo đảm, để khuyến khích nhà thầu thực hiện hợp đồng và cung cấp cho quân đội dịch vụ tốt nhất, Mỹ áp dụng chính sách “thành phẩm và tiền thưởng”, nghĩa là tiền thưởng gắn với giảm chi phí của nhà thầu. Thực tế, hợp đồng của nhà thầu với quân đội Mỹ tại Balkans quy định rõ, cứ giảm 1% chi phí cho mỗi thành phẩm, nhà thầu có thể được thưởng tối đa 8% trong tất cả các thành phẩm.
Các nhà thầu dân sự ký hợp đồng với lực lượng Lục quân Mỹ xây dựng doanh trại, cung cấp doanh cụ và các trang thiết bị cho sĩ quan và binh sĩ; xây mới, sửa chữa, bảo dưỡng cầu cảng, đường sá trong các căn cứ quân sự hay tại thao trường. Đến nay, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn sử dụng dịch vụ logistics của các cơ quan dân sự trong chính quyền liên bang để thực hiện một số chức năng như: Giảng dạy trong các trường quân đội; quản lý cơ sở vật chất; bảo dưỡng và bảo trì tòa nhà, căn cứ quân sự; phát hành các loại séc chi trả, thanh toán; kiểm tra, kiểm định chất lượng loại hàng hóa phục vụ hoạt động bảo đảm hậu cần -kỹ thuật; thiết kế và sửa chữa hệ thống vũ khí, khí tài; tổ chức và quản lý hoạt động nghiên cứu phát triển cơ bản và giám sát thực thi hợp đồng. Thông qua quá trình bảo đảm cho quân đội từ thời bình, khi chiến tranh xảy ra, lực lượng này được huy động tham gia vào chuỗi cung ứng của quân đội phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Hệ thống logistics của Trung Quốc
Đường không: Kể từ Đại hội Đảng lần thứ 18 (năm 2012), Trung Quốc chủ trương mở rộng vai trò hàng không dân dụng sẵn sàng bảo đảm cho các cuộc xung đột quân sự. Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc có 248 sân bay. Dự kiến đến năm 2035, Trung Quốc có khoảng 450 sân bay. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế ước tính, các sân bay Trung Quốc sẽ phục vụ 1,5 tỉ lượt hành khách vào năm 2036. Theo cam kết với quân đội, các công ty vận tải hàng không dân dụng có thể được huy động để cung cấp các dịch vụ hậu cần như: vận chuyển, theo dõi hàng hóa quân sự, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ y tế, thực hiện nhiệm vụ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, viện trợ nước ngoài, huấn luyện quân sự và các hoạt động sơ tán phi quân sự... Trung Quốc tận dụng tối đa năng lực công nghiệp chế tạo máy bay dân sự tích hợp với năng lực chế tạo máy bay quân sự, mỗi năm Trung Quốc sản xuất số lượng lớn máy bay chiến đấu, nhiều hơn tổng số máy bay do 28 nước NATO và Mỹ sản xuất.
Đường thủy: Các tàu thuộc sở hữu của Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc được xây dựng từ các doanh nghiệp hàng hải lớn của quốc gia, ngoài việc hoạt động thương mại còn phải hỗ trợ bảo đảm hậu cần - kỹ thuật trong các nhiệm vụ quân sự của lực lượng Hải quân Trung Quốc như: hoạt động tác chiến biển, đảo; đảm bảo quyền, lợi ích hàng hải quốc gia và an ninh các tuyến đường vận tải biển chiến lược, vận chuyển quân, vật chất hậu cần... Ngoài hoạt động vận tải biển trong nước, Trung Quốc còn có ảnh hưởng lớn đến hơn 100 cảng biển thuộc hơn 50 quốc gia trên thế giới. Cảng biển thương mại ở nước ngoài do các công ty Trung Quốc vận hành tạo nên cơ sở hậu cần quan trọng phục vụ các hoạt động của quân đội Trung Quốc trên toàn cầu, giúp lực lượng Hải quân nước này giám sát các hoạt động thương mại giữa các vùng biển lớn của thế giới.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hằng năm, số lượng tàu dân dụng được hạ thủy dẫn đầu thế giới. Do nắm bắt và tận dụng tối đa những thành tựu công nghệ đóng tàu dân sự trong và ngoài nước giúp trình độ thiết kế, sản xuất tàu quân sự được nâng cao hơn hẳn trước đây. Tốc độ đóng tàu của Trung Quốc rất nhanh, chỉ tính loại tàu khu trục Type-052C/D, Type-055, trong 8 năm (từ 2010 ÷ 2018), Trung Quốc đóng được 24 tàu. Trong khi đó, 20 năm trước (từ năm 1990 ÷ 2010), chỉ có 10 tàu khu trục được hạ thủy. Về tàu sân bay Type-001A của Trung Quốc, chỉ cần 3 năm, 6 tháng có thể hạ thủy và chạy thử, trong khi đó tàu sân bay USS Gerald R.Ford (Mỹ) phải cần gần 5 năm mới hạ thủy.
Đường bộ: Đường cao tốc tại Trung Quốc đi qua hầu hết các tỉnh thành, quận, huyện có trên 200.000 dân. Cuối năm 2022, tổng chiều dài đường quốc lộ của Trung Quốc đạt 5,35 triệu km, trong đó có 177.000 km đường cao tốc được thông xe, đứng đầu thế giới. Trung Quốc có kế hoạch mở rộng mạng lưới đường cao tốc lên 461.000 km vào năm 2035 và phát triển đường cao tốc theo hướng kỹ thuật số, hướng tới mạng lưới đường cao tốc “thông minh”, thân thiện với môi trường. Quân đội Trung Quốc đang tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng và tuyến vận tải đường bộ để phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hàng hóa: Điều 51 Luật Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định: Đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp phải quán triệt yêu cầu quốc phòng trong xây dựng kinh tế theo quy định của Nhà nước. Đơn vị quản lý những công trình giao thông như: bến xe, bến tàu, bến cảng, sân bay, đường sá... phải cung cấp dịch vụ ưu tiên cho người, xe, tàu thuyền quân sự. Điều 21 Luật Động viên quốc phòng nước này quy định: Căn cứ nhu cầu động viên quốc phòng, các dự án xây dựng và sản xuất sản phẩm quan trọng phải đáp ứng yêu cầu quốc phòng.
Ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ logistics phục vụ quân đội. Các dịch vụ gồm: bảo quản thực phẩm, quản lý điều hành nhà ăn tập thể, mua bán phụ tùng và sửa chữa phương tiện... Ví dụ, Trung Quốc tổ chức các cơ sở bảo quản, sửa chữa chung do dân sự quản lý thay thế hoặc bổ sung cho các kho quân lương của quân đội. Trong thời bình hoặc điều kiện khẩn cấp, các đơn vị quân đội có thể khai thác lương thực từ hệ thống kho do dân sự quản lý và trả tiền thông qua việc sử dụng công nghệ “thẻ thông minh”. Tương tự như vậy, quân đội Trung Quốc thiết lập mối quan hệ với các cơ sở cung cấp và bảo dưỡng sửa chữa xe ô tô trên khắp cả nước, nhờ đó, phương tiện của quân đội có thể được sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời khi hoạt động xa căn cứ...
Có thể thấy, việc đầu tư phát triển hệ thống logistics vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng là xu hướng tất yếu ở mỗi quốc gia, với quy mô, cách thức vận dụng khác nhau. Các nước đang có xu hướng tập trung kết hợp kinh tế với quốc phòng, quân sự với dân sự, đẩy mạnh xã hội hóa thông qua việc huy động tối đa hệ thống logistics trong nền kinh tế quốc dân vào nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Thượng tá, ThS Âu Đức Thắng, Bộ Tham mưu Hậu cần - Thiếu tá Vũ Ngọc Toàn, Học viện Hậu cần