PV: Đề nghị đồng chí Giám đốc Học viện cho biết khái quát về nhiệm vụ của HVQY?
Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: HVQY là cơ sở đào tạo đại học, sau đại học ngành Y - Dược duy nhất trực thuộc Bộ Quốc phòng (BQP) với nhiệm vụ chính trị trung tâm là: Đào tạo bác sĩ, dược sĩ Quân y, từ đại học đến trình độ Tiến sĩ; điều trị và nghiên cứu khoa học, nhất là về lĩnh vực y dược học quân sự; là một trong những trường đại học y dược hàng đầu của Việt Nam và khu vực; là trung tâm đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong các lĩnh vực y học quân sự và y học của quốc gia và quốc tế.
PV: Để ứng dụng CNTT, thực hiện CĐS tại Học viện, chủ trương, giải pháp của Đảng ủy, Ban Giám đốc là gì?
Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Ứng dụng CNTT, CĐS tại HVQY là nhu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng công tác chỉ huy, điều hành, quản lý giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị bệnh nhân tại Học viện. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện chủ động nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu về CĐS trong nhà trường Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, triển khai số hóa văn bản, hồ sơ công việc, giáo trình, tài liệu, bài giảng, hệ thống bệnh án điện tử tại các bệnh viện, gắn liền với đảm bảo an toàn thông tin. Đảng ủy HVQY đã ban hành Nghị quyết số 133/NQ-ĐU về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng Chiến lược CĐS tại HVQY giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, nội dung trọng tâm là:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong toàn Học viện về tầm quan trọng và sự cần thiết phải ứng dụng, phát triển CNTT đối với sự phát triển đất nước, Quân đội và của Học viện. Trong giai đoạn 2022 - 2023, tập trung triển khai các nhiệm vụ hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số được BQP giao. Xây dựng các văn bản pháp lý, triển khai các giải pháp kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng hiện có và trên cấp, hình thành kho dữ liệu tập trung phục vụ chỉ huy điều hành và đổi mới công tác giáo dục - đào tạo. Trong giai đoạn 2024 - 2025 và các năm tiếp theo, đề xuất dự án đầu tư chiều sâu, đồng bộ mở rộng hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ chỉ huy điều hành dựa trên dữ liệu số và công nghệ số. Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng nhà trường số, bệnh viện số và các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn có khai thác trí tuệ nhân tạo (AI-Artificial Intelligence) phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
|
|
Đồng chí Trung tướng, PGS.TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Kiên, Giám đốc HVQY. |
PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả tiêu biểu trong việc ứng dụng CNTT, thực hiện CĐS tại Học viện vừa qua?
Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Đến nay, Học viện đã xây dựng và triển khai ứng dụng 45 phần mềm các loại, trong đó 33 phần mềm do Ban CNTT của Học viện nghiên cứu lập trình, 12 phần mềm do trên cấp. Nhiều hệ thống phần mềm đã triển khai ứng dụng hiệu quả tại Học viện phục vụ công tác quản lý đào tạo, chỉ huy điều hành, như: Hệ thống thi trắc nghiệm; hệ thống giáo dục và đào tạo theo tín chỉ; phần mềm ra đề thi; các trang thông tin điện tử; các phần mềm hội thi, hội thao, bài giảng điện tử, học trực tuyến qua video. Ngoài ra một số phần mềm do Ban CNTT tự lập trình được ứng dụng cho các đơn vị trong và ngoài Quân đội sử dụng. Mở rộng, nâng cấp các ứng dụng số: Tạp chí Y Dược học Quân sự phiên bản điện tử và đăng ký chỉ số DOI (Digital Object Identifier), triển khai xây dựng nhà truyền thống số; trang, chuyên trang thông tin điện tử quảng bá các thông tin, dữ liệu về Học viện. Khai thác hiệu quả Trung tâm điều hành thông minh với các tính năng tích hợp thông tin, dữ liệu từ nhiều nguồn và trình bày thông tin theo nhiều chiều hỗ trợ chỉ huy, điều hành; hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn DataLake…
Học viện đã nâng cấp đường truyền mạng Internet tốc độ cao với băng thông 20 Mbps quốc tế, 500 Mbps trong nước; lắp đặt 250 thiết bị Internet Wifi phủ sóng toàn bộ các giảng đường và phòng ở học viên với trên 2.500 máy tính (tỷ suất 0,7 máy tính/ giảng viên), thiết bị di động thông minh sử dụng thường xuyên. Cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao, miễn phí cho học viên phục vụ khai thác, tra cứu thông tin, dữ liệu đáp ứng việc học tập mọi lúc, mọi nơi. Học viện đã tham gia chương trình “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của Công nghiệp 4.0”, mã số KC- 4.0/19-25 với nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ chẩn đoán bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Đề xuất BQP Chương trình nghiên cứu tâm thần với mục tiêu phát triển một số ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sàng lọc các bệnh lý tâm thần như: nhận dạng vân tay, eye-tracking, phân tích điện não đồ tự động, xác định đa hình gen, trắc nghiệm tâm sinh lý, sử dụng AI trong tư vấn… Học viện được Bộ Tư lệnh 86 đầu tư, lắp đặt hệ thống DataLake với 09 máy chủ cho phép lưu trữ trên 400 TB dữ liệu, lưu trữ tập trung toàn bộ dữ liệu số của Học viện, các bệnh viện trong 10 năm tới; phát triển ứng dụng AI trên nền tảng các bệnh án điện tử khi các bệnh viện triển khai thành công bệnh án điện tử.
Ngoài ra, từ năm 2014, HVQY đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Mô phỏng Y học với các thiết bị hiện đại như: Hệ thống mô phỏng siêu âm, nội soi khớp gối; can thiệp mạch; 5 kỹ thuật cấp cứu bệnh nhân Isan; phẫu thuật nội soi Laparoscopy; thực hành can thiệp nội mạch Angiomentor Ultimate; nội soi ống tiêu hóa Endoscopy; phần mềm dạy học giải phẫu 3D... Với các thiết bị mô phỏng, học viên có thể thực hành các thao tác phẫu thuật như trên cơ thể thật của người bệnh. Tại Trung tâm Huấn luyện Y học Quân sự đã triển khai các hệ thống sa bàn ảo mô phỏng không gian 03 chiều được giả lập bằng máy tính nhằm mô phỏng lại các tình huống diễn tập bảo đảm quân y. Phòng Studio, phòng thu âm đã và đang xây dựng các phim diễn tập, bài giảng video phục vụ thiết thực quá trình dạy và học tại Học viện.
Tỷ lệ gửi văn bản điện tử toàn văn của các cơ quan, đơn vị trực thuộc đạt trên 97%; tổng số toàn văn gửi có ký số tổ chức đạt tỷ lệ trên 80%; tỷ lệ triển khai sử dụng phần mềm đối với các cơ quan, đơn vị cấp 2 (trực thuộc các cơ quan, đơn vị trực thuộc Học viện) đạt trên 75%. Trên 80% nguồn lực (cán bộ - giảng viên, học viên; các trang bị và tài sản khác) được tạo lập hồ sơ điện tử và cấp định danh số thống nhất trong toàn Học viện; triển khai quản lý bệnh án điện tử tại các bệnh viện. 100% máy tính được quản lý đăng ký dán nhãn phân biệt; 100% USB được định dạng an toàn trước khi sử dụng; xử lý dứt điểm các vi phạm sử dụng Internet trái phép.
PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ứng dụng CNTT của Học viện còn những hạn chế gì, thưa đồng chí?
Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song công tác ứng dụng CNTT của Học viện vẫn còn những hạn chế như: Kinh phí mua sắm trang bị mới còn thiếu, nhiều năm không có dự án đầu tư về CNTT. Cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT và chương trình CĐS còn lạc hậu, thiếu về số lượng, chưa đồng bộ. Chưa chú trọng đầu tư phần mềm đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao trong ứng dụng CNTT của Học viện. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách về CNTT còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT. Tại các cơ quan, đơn vị, trình độ tin học của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên còn hạn chế và chưa đồng đều...
PV: Phương hướng phát triển, ứng dụng CNTT và CĐS tại Học viện thời gian tới như thế nào?
Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: Trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các nghị quyết của Trung ương, Quân ủy Trung ương, chương trình, đề án của BQP, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, lấy chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội, Nhân dân là mục tiêu chính trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT và CĐS.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT một cách rộng rãi, toàn diện phục vụ công tác chỉ huy, quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh, phấn đấu đến năm 2030, 100% cơ quan, đơn vị hoàn thành ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ huy điều hành đạt chất lượng tốt.
Về công tác đào tạo, triển khai xây dựng và đưa vào ứng dụng phần mềm Kế hoạch huấn luyện, quản lý đội ngũ giảng viên, học viên và đề thi; liên kết, đồng bộ cơ sở dữ liệu tuyển sinh đại học, sau đại học, giữa các bộ môn, khoa với các phòng, ban chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý đại học và sau đại học. Thường xuyên cập nhật hệ thống ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm. Ứng dụng dạy học E-learning trên nguyên tắc thiết thực, hiệu quả; cập nhật kho học số liệu như: bài giảng điện tử, phần mềm mô phỏng, sách giáo khoa điện tử… Tăng cường ứng dụng thư viện số, thư viện điện tử (giáo trình, bài giảng, tài liệu nghiên cứu…) nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo đại học và sau đại học. Tăng cường ứng dụng các phần mềm quản lý đề tài, dự án khoa học công nghệ. Tiếp tục số hóa các nội dung chưa số hóa và số hóa chưa đầy đủ về dữ liệu nghiên cứu khoa học.
Tăng cường mở rộng phần mềm quản lý tại các bệnh viện thuộc Học viện; xây dựng, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Ứng dụng các thành tựu công nghệ AI trong chẩn đoán và điều trị; triển khai khám, tư vấn và điều trị từ xa; ứng dụng robot trong phẫu thuật; hướng tới ứng dụng công nghệ AI trong quản lý toàn diện chất lượng bệnh viện; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số. Nâng cao, chuẩn hóa tiêu chí về sử dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, sinh viên. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên. Xây dựng bộ tiêu chí chuẩn CNTT cho cán bộ, nhân viên và bộ tiêu chí cho giảng viên (theo Thông tư số 03/2014/ TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT) làm cơ sở đào tạo, tập huấn nâng cao và kiểm tra trình độ ứng dụng CNTT đội ngũ cán bộ, giảng viên…
PV: Đồng chí có kiến nghị, đề xuất gì với Quân ủy Trung ương, BQP và Tổng cục Hậu cần?
Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên: HVQY mong muốn Quân ủy Trung ương, BQP xem xét bổ sung đầu tư dự án CNTT phục vụ công tác chỉ huy điều hành giai đoạn 2025 - 2030 để xây dựng hạ tầng CNTT cơ bản làm cơ sở để ứng dụng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; bổ sung tiềm lực CNTT đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ huy và điều hành trong công tác đào tạo, nghiên cứu và điều trị trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Đề nghị Tổng cục Hậu cần lựa chọn, bổ sung cho phép HVQY triển khai các ứng dụng CĐS như ngành Hậu cần Quân đội đã và đang triển khai ứng dụng cho các chuyên ngành Quân y, Xăng dầu, Doanh trại.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Giám đốc HVQY!
THANH TÚ (thực hiện)