Trên cơ sở Kế hoạch số 4396/KH-BQP ngày 4-11-2021 của BQP về phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số trong BQP giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 421-NQ/ĐU ngày 28-12-2021 của Đảng ủy TCHC về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2022 xác định: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển CPĐT hiệu quả” là một trong “Ba khâu đột phá” và chọn các cục: Quân y, Xăng dầu, Doanh trại làm trước về CĐS để rút kinh nghiệm. Tổng cục đã xây dựng Kế hoạch số 557/KH-TCHC ngày 31-3-2022 về CĐS CTHC Quân đội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành Kế hoạch số 573/KH-TCHC ngày 4-4-2022 về phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số trong TCHC; Kế hoạch số 1859/KH-TM ngày 1-7-2022 về triển khai nhiệm vụ trọng tâm CĐS trong TCHC.

Chủ động phối hợp với Bộ Tư lệnh 86 (BTL 86), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) và các cơ quan chức năng của BQP khẩn trương triển khai thực hiện. Tổ chức Hội nghị ký kết Chương trình hợp tác thực hiện CĐS CTHC Quân đội giữa TCHC và Viettel. Cùng với đó, Tổng cục tổ chức các Hội nghị tập huấn CĐS cho trên 210 cán bộ, nhân viên; tổ chức lớp huấn luyện kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) cho cán bộ, nhân viên kiêm nhiệm phụ trách CNTT của cơ quan, đơn vị Tổng cục; đưa nội dung CĐS CTHC Quân đội vào chương trình tập huấn cán bộ hậu cần toàn quân năm 2022. 

leftcenterrightdel

 Các đại biểu tham quan phòng khám Chuyển đổi số của Bệnh viện Quân y 354. Ảnh: ĐÌNH THẢO

Trong năm 2022, Tổng cục đầu tư mua sắm, lắp đặt trang thiết bị, mở rộng kết nối mạng truyền số liệu quân sự (TSLqs) đến 70% các đơn vị cấp lữ đoàn, kho và tương đương trong Tổng cục. Sửa chữa, cải tạo phòng họp của Tổng cục và các Cục: Doanh trại, Xăng dầu, Quân y thành phòng đa chức năng, vừa là phòng điều hành CĐS, vừa phục vụ các cuộc họp, giao ban. Phòng Điều hành CĐS Tổng cục có chức năng, nhiệm vụ thu thập, chuẩn hóa, tổng hợp, phân tích dữ liệu; đưa ra số liệu đánh giá và thống kê, báo cáo từ thông tin cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục và toàn quân, giúp chỉ huy Tổng cục theo dõi, quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động CTHC.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống của các cục chuyên ngành, cơ quan, đơn vị trong Tổng cục, hình thành kho dữ liệu dùng chung trong Tổng cục và toàn ngành Hậu cần Quân đội. Cùng với đó, Tổng cục chỉ đạo xây dựng hệ thống thông tin tổng hợp, báo cáo CTHC, thực hiện quy trình số hóa, tự động thu thập, tổng hợp dữ liệu theo phân cấp từ các cơ quan, đơn vị hậu cần toàn quân. Dữ liệu được số hóa và thống kê dưới dạng bảng, hiển thị dưới dạng biểu đồ, tự động đưa ra các cảnh báo, giúp cho người chỉ huy phân tích, đánh giá tình hình và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp. Hiện đã số hóa 19 mẫu biểu tổng hợp và 323 biểu đồ chuyên ngành Xăng dầu, Doanh trại, Quân y để phục vụ làm trước CĐS.

Đối với Cục Quân y thực hiện CĐS 02 nội dung: Hệ thống thông tin, tổng hợp báo cáo đã số hóa 23 biểu mẫu, gồm: 21 biểu mẫu về quản lý công tác điều trị dự phòng (thuộc tuyến bệnh viện và thí điểm tại Bệnh viện quân y 354); 2 biểu mẫu về quản lý công tác vệ sinh phòng dịch tại tuyến đơn vị. Từ dữ liệu cập nhật hằng ngày theo thời gian thực giúp chỉ huy bệnh viện có phương án bảo đảm nhân lực, thuốc, vật tư y tế cho bệnh viện. Số liệu thu dung, điều trị sẽ liên kết quân y các tuyến, giúp chỉ huy và cơ quan hậu cần thực hiện các biện pháp chỉ huy, chỉ đạo, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội. Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử quân nhân cập nhật dữ liệu thí điểm cho đối tượng từ cấp trung tá trở xuống tại Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Bệnh viện quân y 354, Viện Y học dự phòng Quân đội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Lữ đoàn 205/Binh chủng TTLL, BTL 86, mỗi đơn vị 30% quân số. Hồ sơ sức khỏe điện tử quân nhân sau khi hoàn thiện, được kết nối, liên thông, chia sẻ với các cơ sở khám chữa bệnh ở các tuyến, liên thông với Bộ Y tế, Bảo hiểm y tế.

Cục Doanh trại triển khai CĐS trên 04 nội dung, tại 05 đơn vị (Quân khu 4, Quân đoàn 1, Binh chủng TTLL, BTL 86 và Học viện Kỹ thuật quân sự). Kết quả đạt được là: Công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng quản lý số cơ sở doanh trại, diện tích đất theo mục đích sử dụng; quản lý hồ sơ pháp lý đất; diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm; tổng hợp bàn giao, tiếp nhận đất quốc phòng... Công tác quản lý, sử dụng công trình nhà tổng hợp số lượng, chất lượng, mục đích sử dụng; theo dõi niên hạn sử dụng công trình nhà của toàn quân. Hệ thống báo cáo tổng hợp công tác doanh trại, sau khi thực hiện CĐS, việc tổng hợp số liệu, dữ liệu tự động tổng hợp, phân tích, xử lý nhanh trên môi trường số.

Cục Xăng dầu triển khai CĐS trên 2 nội dung, gồm: Phần mềm Quản lý công tác xăng dầu trong Quân đội, thực hiện theo quy định của Thông tư số 84/2014 của BQP, sử dụng từ cấp chiến lược đến cấp chiến thuật. Tất cả số liệu báo cáo được tự động cập nhật, giúp người chỉ huy tra cứu số liệu kịp thời, chính xác… Nâng cấp hệ thống camera và phần mềm quản lý camera giám sát, an ninh cho các đơn vị Phân kho 95/Kho 190, Kho 186 giúp chỉ huy nhanh chóng đưa ra quyết định điều hành kịp thời, chính xác ngay cả khi không có mặt tại hiện trường, giảm nhân lực canh gác, bảo vệ kho xăng dầu.

Cùng với các nội dung trên, Cổng Thông tin điện tử của TCHC và Cục Doanh trại, Vận tải, Quân y, Quân nhu hoạt động trên mạng TSLqs đã thường xuyên cập nhật văn bản, bài viết về hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Các phần mềm dùng chung được ứng dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả, như: Phần mềm Quản lý văn bản, Hồ sơ công việc có chữ ký số và Hệ thông tin chỉ đạo, điều hành được sử dụng tại 100% đầu mối trực thuộc Tổng cục (trừ doanh nghiệp); tỷ lệ văn bản được gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 99%; 100% cán bộ, nhân viên khối cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục được cấp tài khoản truy cập phần mềm Thư điện tử quân sự; 100% lịch công tác tuần của Thủ trưởng Tổng cục, các cơ quan, cục chuyên ngành và văn bản xin ý kiến, thông báo hành chính… được cập nhật trên Hệ thông tin chỉ đạo, điều hành; việc chuyển nhận, trao đổi tài liệu quân sự không mật được thực hiện phổ biến hơn, hạn chế tối đa sử dụng thiết bị lưu trữ, góp phần đảm bảo an toàn thông tin (ATTT), an ninh mạng (ANM).

Đặc biệt, từ năm 2020-2022, Tổng cục áp dụng hiệu quả phần mềm Thi trắc nghiệm phục vụ hội thi, hội thao, tập huấn, kiểm tra nhận thức chính trị… trong Tổng cục và các hội thi, tập huấn toàn quân. Ứng dụng phần mềm Quản lý nhà ăn thông minh. Thực hiện Bảo tàng Hậu cần số, số hóa tư liệu, hình ảnh, hiện vật bảo tàng, tư liệu truyền thống. 100% bệnh viện trong Tổng cục ứng dụng phần mềm Quản lý bệnh viện, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành; kiểm soát công việc, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm sai sót trong quá trình quản lý. Bên cạnh đó, hệ thống Telemedicine đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và điều trị, trao đổi chuyên môn, kịp thời xử lý các ca bệnh khó, cứu sống nhiều trường hợp bộ đội, Nhân dân, ngư dân sinh sống, làm việc trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. Những kết quả CĐS đã được đưa vào chương trình tham quan phục vụ Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về CTHC Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, được Thủ trưởng BQP và các đại biểu đánh giá rất cao.

Trên cơ sở kết quả CĐS năm 2022, Tổng cục Hậu cần tập trung thực hiện các nội dung CĐS năm 2023 sau:

Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, nghiên cứu, tham gia xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; ban hành các quy trình xử lý công việc trong lĩnh vực hậu cần theo phạm vi, chức năng từng cấp. Xây dựng văn bản quy định về quản lý, quy định trách nhiệm quản lý, khai thác các hệ thống thông tin. Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, định mức, hạn mức vật chất hậu cần.

Phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, cơ động ở cơ quan, đơn vị; kết nối mạng TSLqs cho các đơn vị, kho còn lại. Phát triển các nền tảng số, dữ liệu số dùng chung; mở rộng phạm vi ứng dụng các phần mềm và cơ sở dữ liệu dùng chung của các chuyên ngành; rà soát, thống nhất thông tin về các nguồn lực hậu cần bằng mã định danh điện tử, chuẩn hóa chế độ báo cáo, quy trình, mẫu biểu báo cáo, phục vụ xây dựng hệ thống thông tin, tổng hợp, báo cáo đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành. Triển khai các nền tảng số CTHC ứng dụng trên hạ tầng truyền dẫn không dây có bảo mật, đáp ứng yêu cầu cơ động trong các tình huống. Phát triển ứng dụng số, dữ liệu số CTHC đáp ứng yêu cầu CĐS trong các hoạt động đối với các cơ quan Nhà nước, địa phương, tổ chức có liên quan.

Mở rộng phạm vi ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc, hệ thông tin chỉ đạo, điều hành, thư điện tử quân sự đáp ứng yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử; xây dựng, hình thành kho dữ liệu điện tử phục vụ quản lý, lưu trữ tập trung thông tin CTHC và trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị liên quan trên môi trường mạng. Phát triển ứng dụng số, dữ liệu số. Xây dựng và triển khai có lộ trình việc chuyển đổi phương thức làm việc từ truyền thống sang hiện đại trên cơ sở sử dụng các ứng dụng số, dữ liệu số CTHC.

Xây dựng, củng cố các ứng dụng số, dữ liệu số, hệ thống CNTT thực hiện chỉ huy, chỉ đạo, quản lý hậu cần dựa trên dữ liệu số, báo cáo điện tử và các ứng dụng số. Thống nhất thiết kế giao diện, cơ sở dữ liệu Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục và các cục chuyên ngành đảm bảo đầy đủ tính năng, thuận tiện quản lý, cập nhật dữ liệu, trợ giúp công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động hậu cần, góp phần cải cách hành chính trong Tổng cục. Thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm ATTT, ANM. Triển khai các giải pháp kỹ thuật bảo đảm ATTT, ANM cho tất cả hệ thống thông tin, mạng máy tính, thiết bị CNTT trong cơ quan, đơn vị. Ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật - công nghệ, công nghệ số trong CĐS CTHC theo kế hoạch của BQP…

Để thực hiện tốt các nội dung trên, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động trong TCHC về phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số và CĐS. Cấp ủy, chỉ huy các cấp bám sát chỉ đạo của Tổng cục và các cơ quan chuyên môn, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ, chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, CĐS, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý của cán bộ chủ trì các cấp đối với công tác phát triển CPĐT, CĐS; đưa các nội dung trên vào nghị quyết, kế hoạch hoạt động hằng năm.

Hai là, xây dựng các nền tảng số, ứng dụng số phải đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu. Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng mạng CNTT theo mô hình mạng an toàn, đồng bộ, hiện đại, liên thông, làm cơ sở cho việc ứng dụng các phần mềm. Tiếp tục đầu tư củng cố, nâng cấp, mở rộng mạng TSLqs đồng thời với triển khai các giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục. Chủ động nghiên cứu các công nghệ số ứng dụng trong các hoạt động ngành, đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư; ưu tiên ứng dụng, phát triển CNTT trong các hệ thống thông tin quản lý, chỉ huy, điều hành các hoạt động hậu cần.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng sâu rộng các phần mềm dùng chung trong tất cả các lĩnh vực, chuyên ngành cùng với đổi mới lề lối, phương thức làm việc. Tăng cường chuyển nhận văn bản không mật và xử lý công việc trên môi trường mạng. Duy trì hoạt động các phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý. Xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của Tổng cục và triển khai các nhiệm vụ công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, huy động các nguồn kinh phí đầu tư cho CĐS đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Bốn là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ quan CNTT tinh, gọn, mạnh, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, giữ vững nguyên tắc, linh hoạt, nhạy bén trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT để thực hiện tốt chức năng tham mưu và là lực lượng nòng cốt trong ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, CĐS.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có kinh nghiệm về CĐS (BTL 86, Binh chủng TTLL, Viettel), huy động nhiều nguồn lực, kinh phí phát triển công nghệ, bảo đảm ATTT, ANM, phát triển hạ tầng số, dữ liệu số. Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ hậu cần các cơ quan, đơn vị toàn quân khảo sát, đánh giá, xây dựng các chương trình, nội dung, triển khai CĐS đồng bộ với Kế hoạch CĐS CTHC Quân đội. Làm tốt việc xây dựng điểm, rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; kịp thời khen thưởng, khuyến khích, động viên, nhân rộng cách làm hay, điển hình tiên tiến trong thực hiện CĐS CTHC.

Những kết quả bước đầu về CĐS CTHC trong TCHC vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn rất lớn, do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị để thực hiện thành công CĐS, góp phần xây dựng ngành Hậu cần Quân đội ngày càng vững mạnh, góp phần “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại... tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại…”, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

ĐẠI TÁ VŨ QUANG MIÊN - PHÓ THAM MƯU TRƯỞNG TỔNG CỤC HẬU CẦN