Tuy nhiên, hiện nay, tại các bệnh viện trong Quân đội, công tác quản lý trang thiết bị y tế còn hạn chế; sử dụng phương pháp quản lý thủ công tốn nhiều thời gian, công sức, dễ sai sót… khó kiểm soát và giám sát việc sử dụng các loại thiết bị này.
Từ thực tế trên, Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 105, Tổng cục Hậu cần do đồng chí Trung tá Bùi Thị Hoa, Kỹ sư Khoa Trang bị làm Chủ nhiệm đã nghiên cứu sáng kiến “Số hóa quy trình quản lý trang thiết bị quân y tại các bệnh viện trong Quân đội”.
|
|
Phần mềm quản lý trang thiết bị y tế được ứng dụng tại Bệnh viện Quân y 105.
|
Trên cơ sở các nội dung quản lý trang thiết bị y tế, Nhóm nghiên cứu thực hiện mô hình hóa, cụ thể hóa và ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi cách thức quản lý trang thiết bị y tế áp dụng cho các bệnh viện trong Quân đội. Để xây dựng phần mềm, Nhóm nghiên cứu sử dụng 2 giao thức là HTTP/1, HTTP/2; lựa chọn ReactJS (một thư viện JavaScript) xây dựng giao diện người dùng (User Interface - UI), xử lý tương tác của người dùng (User Experience - UX) trong lập trình giao diện của ứng dụng; lựa chọn Golang (Go Language -một ngôn ngữ lập trình mới do Google thiết kế và phát triển) để phát triển dữ liệu và cơ sở hạ tầng của phần mềm và hệ cơ sở dữ liệu PostgreSQL.
Nhóm nghiên cứu cụ thể hóa nguyên tắc, quy tắc, mục tiêu quản lý trang thiết bị thành các module quản lý trang thiết bị y tế với các chức năng đề ra; xây dựng phần mềm hoàn chỉnh, tiến hành cập nhật dữ liệu toàn bộ trang thiết bị y tế hiện có của Bệnh viện. Tiếp đó, đưa toàn bộ cơ sở dữ liệu lên hệ thống máy chủ của Bệnh viện, sử dụng mạng LAN để truyền dữ liệu đến máy tính của các khoa trong Bệnh viện. Với phần mềm ứng dụng nói trên có thể triển khai dễ dàng tại các bệnh viện trong và ngoài Quân đội.
Khi người dùng truy cập phần mềm thông qua trình duyệt (ví dụ: Google Chrome hoặc Microsoft Edge) và sử dụng tài khoản đăng nhập. Phần mềm sử dụng phương thức phân quyền với từng đối tượng sử dụng để giới hạn thao tác và trường thông tin nhìn thấy được về trang thiết bị. Toàn bộ thông tin của từng loại trang thiết bị y tế (số giờ sử dụng, số lần thiết bị hỏng, số lần sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, nội dung sửa chữa, số lần kiểm định/kiểm chuẩn; số lần luân chuyển, phân cấp chất lượng, tỉ lệ khấu hao trên trang thiết bị…) sẽ được ghi lại vào bộ lưu giữ và theo dõi liên tục tiến trình vòng đời của thiết bị.
Sáng kiến trên hiện đang được áp dụng tại Bệnh viện Quân y 105 cho thấy hoạt động ổn định, chi phí thấp, xử lý công việc nhanh, kịp thời, độ chính xác cao, phù hợp với cách thức quản lý trang thiết bị tại các bệnh viện Quân đội. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác trang thiết bị, tiết kiệm công sức lao động, hạn chế sổ sách ghi chép, giảm kho lưu trữ thông tin thiết bị, rút ngắn thời gian xử lý công việc, nâng cao hiệu quả khai thác trang bị, tránh đầu tư dư thừa hoặc thiếu trang thiết bị.
Sáng kiến trên còn là tài liệu, mô hình nghiên cứu, tham khảo áp dụng trong quản lý vũ khí trang bị, tài sản quốc phòng tại các đơn vị. Trong thời gian tới, Nhóm nghiên cứu tiếp tục cập nhật các ứng dụng mới giúp bảo mật dữ liệu tốt hơn, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu phần mềm giữa máy tính và điện thoại, nâng cao tính cơ động trong công tác quản lý. Đồng thời, phát triển thêm các module để hướng tới quản lý trang thiết bị y tế một cách toàn diện hơn.
Sáng kiến đoạt giải Nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24.
Bài, ảnh: TÚ ANH