Trong đó, rối loạn stress cấp là các rối loạn tâm thần xuất hiện trong vòng một tháng sau  khi có chấn thương tâm lý. Rối loạn stress cấp tính là tình trạng biến đổi tâm lý khá phổ biến trong đời sống, nhiều người mắc chứng này thường khó kiểm soát được cảm xúc và làm tổn hại đến sức khỏe. Trên thực tế có những trường hợp đã bị đột quỵ khi gặp phải những cú sốc tâm lý quá lớn. Không những vậy, stress cũng là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của chấn thương tâm lý, thực tế có các nguyên nhân gây chấn thương phổ biến bao gồm: Người bệnh là nạn nhân hoặc phải chứng kiến tai nạn (tai nạn xe hơi, xe máy, cháy nhà...) hoặc một tội ác khủng khiếp (giết người), các trận đánh, bị hành hung, bị bắt cóc, tra tấn, nạn nhân của một thảm họa tự nhiên (động đất, sóng thần...) hoặc được chẩn đoán là mắc bệnh hiểm nghèo, bị lạm dụng tình dục. Các yếu tố tâm lý khác đều không phải là nguyên nhân gây ra rối loạn stress cấp.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: pharmacity.vn

Các yếu tố nguy cơ gây rối loạn stress cấp bao gồm: Từng bị chấn thương nặng về tinh thần và thể chất; có tiền sử mắc các bệnh tâm thần; sử dụng chất kích thích như rượu, ma túy…; môi trường sống không lành mạnh, ảnh hưởng stress từ những người xung quanh; những người thiếu tự tin, ít mối quan hệ xã hội; những người sức khỏe yếu, đang mắc các bệnh cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ từ 20 - 33% bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc rối loạn tâm thần như: tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc (trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực), rối loạn loạn tâm thần cấp…

Dấu hiệu nhận biết sớm

Các sự kiện chấn thương được tái hiện bền vững, bệnh nhân xa lánh các sự kiện có thể gợi lại chấn thương tâm lý. Bệnh nhân có nhiều triệu chứng  lo âu rõ ràng, thậm chí kích động. Những triệu chứng này gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân, khiến họ khủng hoảng tâm lý quá mạnh. Trong và sau khi chấn thương, bệnh nhân có ít  nhất 03 trong số các triệu chứng sau: cảm giác chết lặng, cảm giác tan rã, hoặc mất đáp ứng cảm xúc, giảm nhận thức của bệnh nhân với xung quanh, giải thể thực tại, giải thể  nhân cách,  quên  phân ly. Bệnh nhân không thực hiện các công việc bình thường hằng ngày như lao động, học tập...

Khi bị stress, người bệnh có biểu hiện sau: chết lặng (người bệnh bất động); kích động (người bệnh vùng chạy, la hét). Sau khi hết stress, người  bệnh có biểu hiện: mảng hồi tưởng (tái diễn không  mong  muốn các kỷ niệm đau buồn của chấn thương); ác  mộng  (người  bệnh có những giấc mơ đau buồn chứa đựng các nội dung liên quan đến chấn thương); khóc lóc, tự kết tội mình; xa lánh (người bệnh tìm cách tránh các sự kiện liên quan đến chấn thương); người bệnh có thể rối loạn giấc ngủ, nổi cáu, dễ giật mình, phản ứng quá mức. Các triệu chứng này phải diễn ra trong vòng từ 02 - 04 ngày sau chấn thương, kéo dài từ 01 ngày đến dưới 01 tháng rồi tự hết.

Dự phòng

Các nguyên nhân gây ra stress, có nguyên nhân phòng tránh được, cũng có nguyên nhân bất khả kháng. Mỗi cá nhân cần làm tốt những công việc sau để có thể phòng tránh stress khi gặp phải: Rèn luyện sức khỏe bằng cách luyện tập thể dục thể thao đều đặn, tập thiền, tập yoga... Ăn uống khoa học, hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… Ngủ đủ giấc vừa phòng ngừa stress tốt cho sức khỏe. Kiểm soát cảm xúc: Thư giãn, nghe nhạc, đọc sách, xem phim...; thiết lập nhiều mối quan hệ tích cực, lành mạnh; giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, duy trì các mối quan hệ tốt đẹp; sắp xếp công việc, học tập hợp lý có xen kẽ với nghỉ ngơi.

Xử trí ban đầu

Trước hết phải cô lập được stress: bệnh nhân cần được đưa ra khỏi môi trường gây chấn thương tâm lý càng sớm càng tốt. Khi thoát ra khỏi môi trường gây chấn thương tâm lý thì hầu hết bệnh nhân dần trở về trạng thái tâm lý bình thường, tình trạng hoảng hốt, lo âu, phân ly sẽ giảm đi.

Nhân viên y tế, đồng đội hoặc các thành viên trong gia đình cần giữ vững tình trạng tâm lý cho bệnh nhân, động viên an ủi bệnh nhân để họ thấy rằng nguy hiểm đã qua, giúp thư giãn, hướng dẫn cách tập thở chậm rãi để giảm bớt các triệu chứng khó chịu về cơ thể. Tránh gợi lại các khía cạnh của chấn thương tâm lý một cách bừa bãi để bệnh nhân phải sống lại các ký ức đau buồn của chấn thương tâm lý.

Các liệu pháp tâm lý nhận thức, hành vi nói chung là không cần thiết  vì  phản  ứng  stress cấp theo định nghĩa chỉ kéo dài không quá một tháng rồi tự hết. Tập luyện các môn thể thao, giao lưu văn hóa văn nghệ, du lịch, giải trí giúp bệnh nhân có điều kiện hòa nhập trở lại với xã hội.

Có  thể  dùng  thuốc   như sau: Diazepam 10 mg x 1 ống/ tiêm bắp hoặc:  Diazepam  5mg x 2 viên/ngày (uống trưa, tối). Trường hợp kích động mạnh, bệnh nhân cần được chuyển đến cơ sở y tế để điều trị. Liệu pháp dùng thuốc trong điều trị rối loạn stress cấp kém mạnh mẽ hơn so với liệu pháp tâm lý tập trung vào chấn thương. Thông thường, thuốc được sử dụng để điều trị các rối loạn tâm thần đồng thời hoặc các triệu chứng rối loạn stress đặc biệt nổi bật, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo lắng.

Rối loạn stress cấp diễn ra lâu dần sẽ làm suy sụp tinh thần người bệnh, làm đảo lộn cuộc sống bình thường. Tệ hơn có thể dẫn đến những sự kiện đáng tiếc khác và thậm chí là gây trầm cảm, tăng ý định tự sát. Vì vậy, cần nhận biết sớm stress cấp tính để điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Đại tá, BSCKII LÊ ANH TUẤN - Trưởng phòng Điều trị/Cục Quân y