Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương (QUTW), Thủ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP), cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị; sự nỗ lực cố gắng, trách nhiệm cao của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, nhất là cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp; toàn ngành Hậu cần đã chủ động khắc phục khó khăn, tham mưu, chỉ đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác, góp phần cùng toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Nổi bật là:

Cơ quan (cán bộ) hậu cần các cấp đã thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu với cấp ủy, chỉ huy đơn vị chỉ đạo, bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và đột xuất, nhất là các cuộc diễn tập “MT-22”, “BĐ-22”, Hội thao quân sự quốc tế, Hội thao quân sự các nước ASEAN, Triển lãm Quốc phòng quốc tế tại Việt Nam... Duy trì thực hiện nghiêm các chế độ SSCĐ; rà soát, bổ sung kịp thời hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến; dự trữ vật chất, trang bị hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ, dự trữ quốc gia cho quốc phòng và dự trữ cho nhiệm vụ đột xuất theo quy định. Đẩy mạnh xây dựng và hoạt động hậu cần khu vực phòng thủ.

leftcenterrightdel

Ngành quân nhu có nhiều sản phẩm trang bị hậu cần cá nhân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu. Ảnh: CTV 

Trước tác động ảnh hưởng của tình hình thế giới, khu vực và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,... hậu cần các cấp đã phát huy nội lực, quyết tâm khắc phục khó khăn, tổ chức tốt hơn khai thác, tạo nguồn vật chất hậu cần, với nhiều biện pháp linh hoạt, hiệu quả. Các đơn vị đã tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chế biến; triển khai lắp đặt hệ thống bếp dầu, bếp điện, máy lọc nước uống trực tiếp, xe bếp tự hành theo kế hoạch. Chủ động phòng, chống dịch Covid-19, các dịch bệnh theo mùa, nhất là sốt xuất huyết, viêm não mô cầu, phòng chống say nắng, say nóng; tăng cường quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội; duy trì tỷ lệ quân số khỏe đạt 99,01%.

Triển khai các dự án, công trình xây dựng cơ bản đúng quy định, tiến độ, chất lượng, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm; quản lý chặt chẽ đất quốc phòng; tích cực củng cố, sửa chữa doanh trại; bảo đảm đủ điện, nước, doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt, xây dựng cảnh quan môi trường doanh trại chính quy xanh, sạch, đẹp. Chủ động tạo nguồn, bảo đảm kịp thời xăng dầu cho các nhiệm vụ; trong đó, chủ động tạo nguồn mua nhiên liệu trong nước của Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn thay thế hàng nhập khẩu. Vận dụng linh hoạt các phương thức, hình thức vận tải, nhất là vận chuyển cơ động lực lượng, vũ khí trang bị, các loại vật chất theo kế hoạch, đảm bảo kịp thời, an toàn.

Tích cực tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngành Hậu cần và xây dựng lực lượng hậu cần phù hợp, khả thi, đồng bộ với các chiến lược và chủ trương xây dựng Quân đội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW của QUTW về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Tham mưu, đề xuất tổ chức, biên chế cơ quan hậu cần - kỹ thuật đối với các đơn vị làm điểm; đồng thời phối hợp với Tổng cục Kỹ thuật soạn thảo một số văn kiện hậu cần, kỹ thuật cấp chiến thuật.

Tham mưu, phối hợp tổ chức tốt Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29-10-2012 của QUTW về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo ở các cấp. Tổ chức tập huấn hậu cần toàn quân, phúc tra, hội thi, hội thao các chuyên ngành đảm bảo thiết thực, an toàn, hiệu quả. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học quân sự hậu cần có tính ứng dụng cao, hiệu quả thiết thực; triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số công tác hậu cần giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 bước đầu đạt kết quả tốt.

Duy trì, thực hiện tốt nền nếp, chế độ công tác ngành; quản lý chặt chẽ ngân sách, cơ sở vật chất, trang bị hậu cần; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phong trào thi đua (PTTĐ) “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” duy trì thường xuyên, hiệu quả, thiết thực, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Năm 2023, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột quân sự Nga - Ukraine tác động mạnh mẽ, nhiều mặt đến các quốc gia, trong đó có nước ta. Trong nước, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; Quân đội tiếp tục thực hiện điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh; ưu tiên nguồn lực xây dựng đồng bộ, hiện đại một số quân chủng, binh chủng và lực lượng; nhu cầu ngân sách bảo đảm lớn...

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, toàn Ngành cần tập trung quán triệt sâu sắc Nghị quyết của QUTW, Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng, Chỉ lệnh công tác hậu cần năm 2023 của Bộ trưởng BQP; phát huy tốt nội lực, kết hợp khai thác hiệu quả các nguồn lực; thực hiện tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo, triển khai toàn diện các mặt công tác; gắn với chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và chủ đề “Triển khai nghiêm túc tổ chức biên chế, chủ động khắc phục khó khăn, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác hậu cần, kết quả cao hơn năm 2022”. Trong đó, tập trung vào những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, duy trì nghiêm các chế độ SSCĐ, nền nếp chế độ công tác hậu cần; chủ động nghiên cứu, dự báo những tác động đến công tác hậu cần; tham mưu, chỉ đạo, bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần, sẵn sàng bảo đảm cho nhiệm vụ đột xuất, an ninh phi truyền thống, phòng chống thiên tai, cứu hộ-cứu nạn... Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến ở các cấp. Đẩy mạnh xây dựng và hoạt động hậu cần phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP của Chính phủ về phòng thủ dân sự, sẵn sàng đáp ứng các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh... Chỉ đạo, bảo đảm tốt hậu cần cho lực lượng Quân đội tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược; nhiệm vụ C, K. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá công tác bảo đảm hậu cần trong cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và tình hình hiện nay; đề xuất nghiên cứu phát triển lý luận, phương thức bảo đảm hậu cần cho tác chiến bảo vệ biển, đảo chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hai là, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ hậu cần theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của QUTW về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Triển khai thực hiện điều chỉnh tổ chức biên chế lực lượng hậu cần theo Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của QUTW; Kế hoạch số 1228/KH-BQP ngày 25-4-2022 của Bộ trưởng BQP về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần cho các nhiệm vụ phù hợp với quy định pháp luật và đặc thù Quân đội. Tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng bộ đội, từng bước quy hoạch tăng gia sản xuất, chế biến theo hướng tập trung, đồng bộ, bền vững; triển khai hiệu quả các mô hình điểm theo Đề án QN-21. Tiếp tục trang bị, lắp đặt hệ thống bếp dầu, bếp điện; máy lọc nước uống tại một số đơn vị; đề xuất chủ trương mua sắm, trang bị xe bếp tự hành 2 cầu, dây chuyền sản xuất khẩu phần ăn chế biến sẵn, kho lạnh... theo chủ trương của Bộ; hoàn chỉnh mẫu lễ phục của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, giày ghệt dã chiến mới phù hợp với yêu cầu mang mặc.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao năng lực hệ thống y học dự phòng; quản lý môi trường và bệnh nghề nghiệp; kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền tại các cơ sở điều trị. Thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội; duy trì hiệu quả chương trình kết hợp quân - dân y trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe bộ đội và Nhân dân; trọng tâm ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Làm tốt công tác dân số, gia đình và trẻ em trong Quân đội.

Rà soát, hoàn chỉnh, thực hiện tốt quy hoạch, quản lý quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại, xây dựng các dự án, công trình theo đúng quyết định phê duyệt; quản lý, sử dụng đất quốc phòng theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất của các đơn vị quân đội; bàn giao các khu gia đình quân đội ra địa phương quản lý. Triển khai các dự án phát triển nhà ở theo đúng quy định của Chính phủ và BQP; quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng nhà ở công vụ theo quy định của BQP. Nghiên cứu, ban hành thiết kế mẫu trụ sở ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn.

Chủ động tạo nguồn, mua sắm, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ xăng dầu, phương tiện kỹ thuật - vật tư xăng dầu cho các nhiệm vụ; từng bước hoàn thiện phương thức tạo nguồn xăng dầu ổn định vững chắc; quản lý, sử dụng xăng dầu chặt chẽ, đúng nhiệm vụ. Tổ chức phân cấp vận chuyển hợp lý; kết hợp sử dụng hợp lý các loại hình, phương thức, phương tiện vận tải hiện có hoàn thành các kế hoạch vận chuyển, nhất là cho Trường Sa, vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật, đảm bảo kịp thời, an toàn.

Bốn là, thực hiện hiệu quả các Chương trình, Đề án ngành Hậu cần theo quyết định phê duyệt của Chính phủ, BQP; nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, đề nghị ban hành các nghị định, thông tư quy định bảo đảm cho các nhiệm vụ; rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, định mức, hạn mức hậu cần, đối tượng và từng loại hình đơn vị; tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật các sản phẩm hậu cần. Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất ban hành hệ thống văn kiện hậu cần, kỹ thuật tác chiến, thường xuyên và quy định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác cơ quan hậu cần - kỹ thuật các cấp theo kế hoạch triển khai tổ chức lực lượng.

Năm là, tổ chức huấn luyện hậu cần theo phương châm “Cơ bản - thiết thực - vững chắc”, sát thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu phù hợp với đặc điểm và nhiệm vụ bảo đảm hậu cần; tập huấn, hội thi, hội thao theo phân cấp đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, thiết thực, an toàn. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nâng cao hiệu quả công tác hậu cần.

Mở rộng hợp tác hậu cần với các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, nhất là quân đội các nước ASEAN theo đúng quy chế đối ngoại quân sự; ưu tiên hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, trao đổi khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong công tác hậu cần và hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc; tham gia Hội thao quân sự quốc tế Army Games-2023. Đẩy mạnh PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” gắn với PTTĐ Quyết thắng và các cuộc vận động, xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Phát huy những thành tích, kết quả đạt được năm 2022, tin tưởng rằng, năm 2023, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Hậu cần tiếp tục đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Ngành và xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

TRUNG TƯỚNG TRẦN DUY GIANG - CHỦ NHIỆM TỔNG CỤC HẬU CẦN