Hằng năm, trên cơ sở Nghị quyết số 623, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và chỉ lệnh CTHC, cơ quan thường trực PTTĐ các cấp tập trung cụ thể hóa các nội dung, chỉ tiêu thi đua như “Một tập trung - Ba đột phá” và “Năm tốt”... vào chương trình, kế hoạch khoa học, sát thực tiễn; nhiều đề án, mô hình, cách làm mới được triển khai, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả CTHC.

Theo đó, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị đã nghiên cứu, cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết số 623 sát với đặc điểm, điều kiện của từng lực lượng, từng lĩnh vực, loại hình đơn vị; CQHC các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, chỉ huy đơn vị, trực tiếp là Ban chỉ đạo PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” tập trung nghiên cứu, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thi đua phù hợp thực tiễn.

Trên cơ sở đó, các PTTĐ của ngành Quân nhu, Quân y, Doanh trại, Xăng dầu, Vận tải bám sát chỉ tiêu, yêu cầu cần đạt được, thúc đẩy các tập thể, cá nhân vươn lên, xung kích, sáng tạo, hoàn thành tốt các mặt CTHC. Có thể thấy rõ, PTTĐ đã bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng để tập hợp, khơi dậy ý chí quyết tâm, tạo ra động lực để toàn quân huy động các nguồn lực, bảo đảm tốt hậu cần cho các nhiệm vụ; ưu tiên bảo đảm cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, ở địa bàn trọng điểm; phòng, chống giảm nhẹ hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần thăm khu tăng gia sản xuất Kho 205 (Cục Quân nhu). 

Đặc biệt, TCHC đã kịp thời tham mưu, đề xuất với QUTW, BQP chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, góp phần khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Hoạt động hậu cần khu vực phòng thủ (KVPT) gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được quan tâm. Văn kiện hậu cần ở các cấp thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện. Các loại vật chất hậu cần dự trữ SSCĐ và đột xuất, dự trữ quốc gia cho quốc phòng được duy trì nghiêm túc.

PTTĐ “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” phát triển lên một bước mới, nhiều chương trình, kế hoạch, mô hình được triển khai hiệu quả thiết thực và đi vào chiều sâu. Công tác lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đúng quy định; tăng cường kiểm tra chất lượng trong quá trình thi công và nghiệm thu công trình hoàn thành, kịp thời chấn chỉnh sai sót. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và bàn giao khu gia đình Quân đội ra địa phương quản lý thu được kết quả quan trọng. Tham mưu chính sách nhà ở trong Quân đội đúng chủ trương của Nhà nước và BQP. Đáng chú ý, PTTĐ đã phát huy tốt nội lực, sử dụng hợp lý các nguồn vốn huy động của địa phương, công sức bộ đội để quy hoạch và xây dựng doanh trại, cải tạo khuôn viên, làm sân đường nội bộ, bồn hoa, cây cảnh; thể hiện tính đa dạng, phong phú các hình thức tổ chức PTTĐ.

Thực hiện tốt chủ trương xóa nhà cấp IV hết niên hạn sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng, xây dựng công trình nước sạch sinh hoạt, cải tạo hệ thống điện hạ thế, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Với ngành Vận tải quân sự, PTTĐ đã kết hợp chặt chẽ với Cuộc vận động 50, tổ chức khai thác hiệu quả phương tiện kỹ thuật cho các nhiệm vụ SSCĐ, diễn tập, huấn luyện dã ngoại, các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, đảm bảo an toàn trong mọi tình huống. Các đơn vị chiến lược đến cơ sở đã làm tốt công tác bảo đảm phương tiện cho nhiệm vụ vận chuyển vật chất hậu cần; vận chuyển tạo chân hàng cho Trường Sa; vận chuyển vật tư, hàng hóa cho nước bạn Lào và Campuchia, nhất là công tác vận chuyển người, vật tư, hàng hóa trong phòng, chống dịch Covid-19. Có thể thấy rõ, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh, cháy rừng, mưa bão, lũ lụt, triều cường, sạt lở đất, xâm nhập mặn, ngập úng và điều kiện đất nước bị dịch bệnh, các lực lượng vận tải chiến lược, chiến dịch, chiến thuật và vận tải bộ, thô sơ đã huy động hàng vạn lượt bộ đội, hàng nghìn lượt tàu thuyền, hàng chục ngàn chuyến xe giúp Nhân dân sơ tán, cứu người, cứu rừng, vận chuyển nước ngọt, vật liệu gia cố đê, khôi phục hệ thống giao thông, tu sửa nhà dân, trường học, bệnh xá, phòng, chống dịch bệnh…

Ngành Quân y đã tham mưu với cấp ủy, chỉ huy các cấp đẩy mạnh PTTĐ “Xây dựng đơn vị quân y 5 tốt”, hướng trọng tâm thi đua vào việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội từ tuyến cơ sở. Hệ thống bệnh viện, bệnh xá được xây dựng mới; củng cố, nâng cấp, đầu tư mới các trang, thiết bị hiện đại. Chất lượng thu dung, khám, cấp cứu, điều trị nâng lên. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được áp dụng với việc kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và Nhân dân, đảm bảo tỷ lệ quân số khoẻ trung bình trên 98,5%. Đặc biệt, y đức của đội ngũ y, bác sĩ được giữ vững, nâng cao, tạo niềm tin cho người bệnh khi đến khám và điều trị. Hoạt động nghiên cứu khoa học có bước phát triển mạnh (kỹ thuật ghép mô, tạng, ghép tế bào gốc...).

Quân y chiến lược đã làm tốt tham mưu chỉ đạo về công tác quân y toàn quân đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là công tác dự báo, tham mưu, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chu đáo nhân lực, vật tư y tế, hướng dẫn, chỉ đạo cấp chiến lược, chiến dịch và các đơn vị toàn quân phòng, chống hiệu quả đại dịch Covid-19. PTTĐ đã thúc đẩy các cơ sở kết hợp quân - dân y phát huy tốt nội lực trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và Nhân dân, qua đó góp phần thực hiện công tác dân vận, xây dựng KVPT ở các địa bàn chiến lược, khu căn cứ cách mạng, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần làm tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ quân y, chiến sĩ hậu cần đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân.

Trong công tác BĐHC thường xuyên, các đơn vị hướng thi đua vào đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội, tạo nguồn vật chất hậu cần theo phân cấp, bảo đảm đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Ngành Quân nhu đã nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức bếp ăn, nuôi dưỡng bộ đội sát với yêu cầu, nhiệm vụ. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, PTTĐ “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, với các mô hình tăng gia sản xuất như “Vườn rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap”, “Vườn cây ăn quả tập trung”, “Nuôi gà thịt theo hướng công nghiệp”... đã tạo động lực thúc đẩy phong trào nuôi dưỡng bộ đội.

Các đơn vị nắm chắc tình hình, chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm, sử dụng sản phẩm tăng gia sản xuất kết hợp ký thỏa thuận khung với các nhà cung cấp uy tín để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm và giá cả các mặt hàng. Nhiều đơn vị đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Công tác quân trang có sự đổi mới, bảo đảm đúng tiến độ thời gian, chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng chính quy trong toàn quân.

Từ thi đua và qua thi đua, Cục Xăng dầu đã chủ động tham mưu, đề xuất kế hoạch mua sắm tạo nguồn đúng thời điểm, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, điều chế, sản xuất nhiên liệu thay thế, khai thác triệt để nguồn hàng sản xuất trong nước, từng bước khắc phục tình trạng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi đúng quy định trong mua sắm phương tiện kỹ thuật, vật tư xăng dầu, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch, trong đó có nhiều năm liên tục vượt kế hoạch đề ra. Công tác tiếp nhận, cấp phát xăng dầu, phương tiện kỹ thuật, vật tư xăng dầu bảo đảm đầy đủ, kịp thời, an toàn tuyệt đối, giảm tỷ lệ hao hụt so với định mức quy định. Ngành Xăng dầu chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương, điều chỉnh thế bố trí kho trạm; đột phá về bảo đảm sức chứa nhiên liệu, triển khai xây dựng kho xăng dầu đặc chủng sản xuất trong nước cung cấp cho quốc phòng.

PTTĐ đã cổ vũ và phát huy mạnh mẽ ý thức cần kiệm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng cơ sở vật chất hậu cần, tài chính kết hợp chặt chẽ PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” với PTTĐ “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt” và các cuộc vận động, các PTTĐ của các cấp, các ngành trong động viên, khích lệ tinh thần trách nhiệm, ý thức chính trị, tính sáng tạo của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong bảo đảm các mặt CTHC và xây dựng ngành Hậu cần Quân đội phát triển toàn diện, vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất.

Cùng với đó, PTTĐ còn góp phần xây dựng ngành Hậu cần Quân đội phát triển vững mạnh về mọi mặt. Công tác xây dựng tổ chức đảng ở CQHC trong sạch vững mạnh về chính trị tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, xây dựng ngành Hậu cần vững mạnh được Ban Chỉ đạo, Ban Thường trực PTTĐ các cấp coi trọng và triển khai quyết liệt. Công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, thái độ phục vụ tốt, yêu ngành, yêu nghề của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ được phát huy hiệu quả. Chất lượng huấn luyện chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ từng bước nâng lên.

Công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; duy trì nền nếp chế độ quy định được đẩy mạnh. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, chỉ huy, điều hành; từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong hệ thống CTHC toàn quân. Phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, với gần 100 đề tài cấp Nhà nước, hơn 200 đề tài cấp Bộ và trên 3.000 đề tài Ngành đã góp phần nâng cao chất lượng quản lý, chỉ huy, BĐHC cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phù hợp với từng loại hình đơn vị, thống nhất, chính quy, hiệu quả kinh tế cao. Có thể khẳng định, PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” đã tạo ra động lực mạnh mẽ để ngành Hậu cần Quân đội và các cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng công tác, hướng vào thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, những định hướng mà Nghị quyết số 623 đã xác định.

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực vẫn diễn biến nhanh, khó lường; Biển Đông còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế thế giới, khu vực và trong nước. Toàn quân tiếp tục thực hiện đổi mới, hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội; đẩy mạnh điều chỉnh lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh; yêu cầu, nhiệm vụ CTHC ngày càng cao… Để PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” tiếp tục phát triển, là động lực quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu CTHC đã xác định, cần thực hiện tốt những giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ về vai trò của PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, Nghị quyết, chỉ thị QUTW, BQP là trách nhiệm chính trị của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và mọi cán bộ, chiến sĩ, trong đó thi đua là động lực, là đòn bẩy, phương thức để các tập thể, cá nhân quyết tâm phấn đấu giành được thành tích cao nhất. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy và ngành Hậu cần các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức PTTĐ với các nội dung, hình thức phù hợp; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức của cấp uỷ, chỉ huy đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của PTTĐ đối với công tác xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện nói chung và công tác hậu cần nói riêng; xây dựng động cơ thi đua đúng đắn; khơi dậy ý thức tự giác, nhiệt tình, sáng tạo, hăng say cống hiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, giành kết quả cao.

Hai là, thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo, Cơ quan thường trực PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, duy trì hoạt động thi đua nền nếp, hiệu quả. Ban Chỉ đạo, Cơ quan thường trực PTTĐ là cơ quan tham mưu với cấp ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức PTTĐ, theo dõi, chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai tổ chức thực hiện. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn ban chỉ đạo, cơ quan thường trực; chủ động, nhạy bén, bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chỉ lệnh CTHC hằng năm và nhiệm vụ chính trị trung tâm, tình hình thực tiễn của đơn vị để chỉ đạo, hướng dẫn, khơi dậy tinh thần thi đua của các tập thể, cá nhân. Đồng thời, phải gắn chặt PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” với PTTĐ Quyết thắng và các PTTĐ của các cấp, các ngành.

Ba là, quan tâm xây dựng, phát huy tốt vai trò tham mưu của CQHC và đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp trong thực hiện PTTĐ. Thực hiện PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, CQHC các cấp là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo PTTĐ. Để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình, cần quan tâm xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng CQHC vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, cơ quan, đơn vị hậu cần vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Hậu cần vừa “hồng”, vừa “chuyên”; chú trọng công tác tuyển chọn nhân sự, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao. Phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong việc tham gia hưởng ứng thực hiện, đảm bảo PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

Bốn là, luôn đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp trong tổ chức PTTĐ; coi trọng nghiên cứu, đánh giá, tổng kết, phổ biến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Việc xác định nội dung, chỉ tiêu thi đua phải cụ thể, xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong từng đơn vị và toàn quân phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ từng loại hình đơn vị, vùng miền, lĩnh vực. Tổ chức thi đua phải toàn diện, đa dạng về nội dung, hình thức, đồng thời lựa chọn khâu đột phá, xác định rõ chỉ tiêu cần quan tâm, phấn đấu thực hiện, tạo đòn bẩy nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ; tránh chung chung, dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những tồn tại, khuyết điểm, thiếu sót, đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời, triệt để trong tổ chức PTTĐ và CTHC của cơ quan, đơn vị.

Để phát huy nâng cao hiệu quả PTTĐ có ý nghĩa thiết thực này, các cơ quan, đơn vị từ cơ sở đến toàn quân phải coi trọng nghiên cứu, đánh giá, tổng kết, phổ biến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; đầu tư xây dựng mô hình điểm, phát hiện nhân tố mới, cách làm hay để phổ biến nhân rộng trong toàn quân, đảm bảo kết quả năm sau cao hơn năm trước, giai đoạn sau thắng lợi, giàu thành tích hơn giai đoạn trước; PTTĐ phát triển không ngừng, là động lực, đòn bẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Thiếu tướng LÊ TẤT CƯỜNG, Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Hậu cần