Khi xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai dễ bị cô lập, việc cơ động lực lượng, phương tiện ứng cứu gặp khó khăn, thông tin liên lạc hạn chế. Đặc biệt là các vụ lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng thường xảy ra tại các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang... làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH), đời sống của nhân dân và hoạt động quân sự, quốc phòng.
Nhận thức rõ sự ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ, những năm qua, công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa (TTTH) tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của Quân khu 2 luôn được Thường vụ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chỉ huy các cấp đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Quân khu luôn chủ động làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, trực tiếp là Ban Chỉ huy phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, TKCN từ Quân khu đến các tỉnh, xây dựng kế hoạch, phương án, tình huống ứng phó sự cố TTTH, TKCN và tổ chức luyện tập theo kế hoạch. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch tạo nguồn dự trữ vật chất, phương tiện bảo đảm cho nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCN theo chỉ thị, quyết định của Tư lệnh Quân khu, hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Thực hiện phương châm chỉ đạo “Phòng là chính, tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, kịp thời hiệu quả”, hằng năm, Cục Hậu cần Quân khu (nay là Cục Hậu cần-Kỹ thuật) tiến hành kiểm tra, rà soát, điều chỉnh văn kiện hậu cần TTTH, CHCN ở các cấp sát với yêu cầu thực tế. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm lượng dự trữ vật chất, trang bị, phương tiện hậu cần bảo đảm cho nhiệm vụ đột xuất, phòng, chống TTTH, TKCN. Quản lý chặt chẽ vật chất, trang thiết bị hậu cần bảo quản trong kho, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng tốt, thực hiện luân phiên đổi hạt theo quy định; sẵn sàng cấp phát ngay khi có tình huống.
|
|
Chiến sĩ Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) lội dưới bùn sâu nhiều giờ tìm kiếm nạn nhân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai (tháng 9-2024). Ảnh: qdnd.vn |
Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành địa phương trong công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho lực lượng vũ trang Quân khu và Nhân dân địa phương. Theo phương châm “4 tại chỗ”, huy động lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời; cứu người trước, cứu tài sản sau, hạn chế thiệt hại mức thấp nhất về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Khi xảy ra thiên tai, các đơn vị được quyền sử dụng lực lượng, phương tiện hoạt động thường xuyên thuộc quyền đi ứng cứu, đồng thời báo cáo lên cấp trên. Vì vậy, những năm qua, mặc dù trên địa bàn Quân khu thường xuyên xảy ra lũ lụt, sạt lở nhưng do chủ động chuẩn bị tốt về mọi mặt, trong đó có công tác hậu cần đã giảm đáng kể thiệt hại do TTTH gây ra.
Đặc biệt, mới đây, cơn bão số 3 năm 2024 (bão Yagi) đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc nước ta gây hậu quả nặng nề, thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhân dân. Trong đó, trên địa bàn Quân khu 2 bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng do hoàn lưu sau bão. Trước khi bão đổ bộ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, công điện của Bộ Quốc phòng, thường xuyên theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất, trang bị sẵn sàng cơ động giúp Nhân dân địa phương khắc phục hậu quả, TKCN. Riêng bộ chỉ huy quân sự (CHQS) các tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, vật chất, phương tiện theo sự điều hành của ban chỉ huy phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, TKCN cấp tỉnh. Quân khu thành lập Sở chỉ huy nhẹ phía trước tại các địa bàn và điều động lực lượng cơ động thuộc Sư đoàn 316, Lữ đoàn 168, 543, 604 đi khắc phục hậu quả TTTH, TKCN tại các địa điểm xảy ra ngập lụt, sạt lở.
Cục Hậu cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiểm tra, rà soát kế hoạch BĐHC cho phòng, chống lụt, bão, TKCN theo phương án của chỉ huy đơn vị; kiểm tra chặt chẽ vật chất, trang bị, phương tiện hậu cần thường xuyên cũng như đột xuất, kịp thời cấp phát theo quy định. Hướng dẫn các đơn vị sử dụng lượng vật chất hậu cần thường xuyên, đột xuất kết hợp với khai thác hậu cần tại chỗ để bảo đảm cho các lực lượng tham gia phòng, chống lụt, bão, TKCN. Các đơn vị đi làm nhiệm vụ phòng, chống TTTH, TKCN mang theo tối thiểu 05 ngày ăn, quân trang cá nhân, tùy điều kiện cụ thể để sử dụng lán trại, nhà dân tổ chức ăn uống, ngủ, nghỉ cho bộ đội. Chỉ đạo Sư đoàn 316 sản xuất thịt hộp và dự trữ 2.000 hộp tại kho Sư đoàn, sẵn sàng cấp phát khi có lệnh, đồng thời huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho các địa phương vùng lũ. Trung đoàn 652/Cục Hậu cần- Kỹ thuật huy động lực lượng gồm 9 đồng chí (1 chỉ huy tiểu đoàn, cùng 7 lái xe, 1 thợ sửa chữa) và 5 xe KAMAZ vận chuyển hàng cứu trợ của Bộ Quốc phòng và Quân khu cho những khu vực xảy ra lũ lụt, sạt lở.
Chỉ đạo hậu cần các đơn vị khẩn trương khắc phục hậu quả, vệ sinh cảnh quan môi trường; phòng, chống dịch bệnh; sửa chữa, khắc phục nhà ở bộ đội, kho tàng doanh trại bị hư hỏng; kiểm tra, gia cố nhà kho đảm bảo an toàn cho vật chất, phương tiện; đào rãnh thoát nước ngập úng vườn trồng rau, trồng mới diện tích đất trồng rau bị thiệt hại; khai thác củ, quả để tích trữ sử dụng khi có tình huống. Cơ quan hậu cần đơn vị phối hợp với các lực lượng Quân đội và ban, ngành địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn; sơ cứu, vận chuyển người bị thương về cơ sở y tế nơi gần nhất để cấp cứu, điều trị; bàn giao thi thể cho địa phương, gia đình lo hậu sự; bảo đảm tốt mọi mặt đời sống cho các lực lượng và Nhân dân. Cơ quan thường trực hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ tỉnh, huyện thực hiện chức năng tham mưu với hội đồng cung cấp để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương khai thác kinh phí bảo đảm cho các lực lượng phòng, chống TTTH, TKCN theo Quy chế hoạt động.
Từ tình hình thực tiễn thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCN trong cơn bão số 3 vừa qua, Quân khu 2 rút ra kinh nghiệm, giải pháp trong công tác BĐHC như sau:
Tăng cường bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập tổng hợp BĐHC cho các lực lượng tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả TTTH, TKCN, nhất là đối với lực lượng nòng cốt. Nội dung bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập phải sát với thực tế, đặc điểm thời tiết, thủy văn trên địa bàn, trong đó phải dự kiến các tình huống thường xảy ra; chú trọng bồi dưỡng những kiến thức chung về phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCN. Tổ chức diễn tập tổng hợp về BĐHC cho phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCN, tập trung kết hợp giữa hậu cần lực lượng vũ trang với hậu cần địa phương và các ngành KT-XH liên quan, trong đó, lấy hậu cần quân sự địa phương tỉnh làm nòng cốt. Tập trung vào các nhiệm vụ bảo đảm chủ yếu như: BĐHC cho lực lượng hộ đê, phân lũ, bắc cầu phà, di dời dân và thực hành TKCN người và cơ sở vật chất, phương tiện trên vùng ngập lụt. Thông qua diễn tập, nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành của ban chỉ huy các cấp và khả năng thực hành bảo đảm, chi viện bảo đảm của lực lượng hậu cần trong khu vực phòng thủ. Thực hiện tốt diễn tập tổng hợp (theo các tình huống) giúp các cấp, ngành, đơn vị sớm phát hiện những vấn đề còn yếu, thiếu trong công tác chuẩn bị hậu cần, kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn chỉnh.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng BĐHC phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTH, TKCN; trong đó, hậu cần quân sự địa phương làm nòng cốt, thực hiện tốt phương châm “5 kết hợp”. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, LLVT phải kết hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong BĐHC, tạo thành mạng lưới hậu cần tại chỗ vững chắc, đa dạng, để chủ động đối phó với mọi tình huống xảy ra. Hậu cần quân sự địa phương cần quán triệt, thực hiện tốt phương châm “5 kết hợp”, đó là: kết hợp với hậu cần nhân dân địa phương; hậu cần cấp trên, trực tiếp là hậu cần Quân khu; hậu cần Bộ đội Biên phòng, Công an tham gia ứng cứu; hậu cần các ngành của Trung ương đứng chân trên địa bàn; kết hợp giữa phát triển KT-XH địa phương với xây dựng lực lượng hậu cần quân sự địa phương, tạo nguồn vật chất, phương tiện và bảo vệ hậu cần. Trong thực tế, việc kết hợp các lực lượng hậu cần tại chỗ của hậu cần quân sự địa phương bảo đảm cho LLVT địa phương được vận dụng linh hoạt. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng lực lượng hậu cần để xác định nội dung kết hợp cho phù hợp, đảm bảo phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia. Điểm chung của “5 kết hợp” đó là: kết hợp tạo nguồn và khả năng BĐHC trong mọi tình huống xảy ra; kết hợp trong khai thác, huy động nhân lực, vật lực, phương tiện tại chỗ tham gia ứng cứu, TKCN kịp thời; kết hợp trong ứng cứu, bảo vệ hậu cần; sẵn sàng chi viện BĐHC giữa các lực lượng hậu cần trên địa bàn cũng như giúp đỡ Nhân dân khi yêu cầu.
Phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chức năng (cơ quan hậu cần-kỹ thuật các cấp) giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, ban chỉ huy phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, TKCN lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ BĐHC cho các lực lượng trong mọi tình huống. Cơ quan hậu cần-kỹ thuật các cấp phát huy tốt chức năng tham mưu với chỉ huy cơ quan quân sự địa phương để tham mưu với cấp ủy, chính quyền, ban chỉ huy phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, TKCN về chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức BĐHC. Trước hết, phải nắm chắc nguồn hậu cần và khả năng huy động hậu cần trong các ngành KT-XH và hậu cần địa phương. Cùng với việc thực hiện tốt chức năng tham mưu, phải nắm chắc tình hình mọi mặt trước mùa mưa bão (lực lượng, phương tiện, vật chất...), chủ động xây dựng kế hoạch, phương án huy động các nguồn lực. Nội dung chủ yếu của kế hoạch tập trung vào dự kiến khu vực xảy ra thiên tai nhất là khu vực trọng điểm. Bố trí các bộ phận hậu cần, đường vận chuyển, dựa vào hệ thống sông ngòi, luồng lạch để sử dụng các loại phương tiện vận tải cho phù hợp; dự kiến khả năng huy động nhân lực, vật lực tại chỗ của các lực lượng hậu cần trên địa bàn.
Công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, TKCN được thực hiện thống nhất theo phân cấp, trong đó, chính quyền địa phương là trực tiếp, quan trọng nhất. Cấp ủy, chính quyền, ban chỉ huy phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, TKCN địa phương chỉ đạo, điều hành các lực lượng tham gia ứng cứu, TKCN trên địa bàn bằng chủ trương, cơ chế hoạt động thông qua chỉ thị, mệnh lệnh giao nhiệm vụ. Trên thực tế khi có lụt, bão xảy ra tại khu vực nào đó, phải BĐHC cho nhiều lực lượng tham gia, như: Quân đội, Công an, các cơ quan, ban, ngành của Trung ương đứng chân trên địa bàn và Nhân dân địa phương vùng lụt, bão. Để hoàn thành nhiệm vụ trên đòi hỏi các lực lượng hậu cần địa phương phải linh hoạt, có nhiều phương án và phải phối hợp chặt chẽ trên cơ sở quán triệt, vận dụng tốt phương châm “4 tại chỗ”, “5 kết hợp”, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu BĐHC kịp thời, đầy đủ cho các lực lượng tham gia.
Phát huy kết quả đạt được và những kinh nghiệm BĐHC cho phòng, chống TTTH, TKCN vừa qua, thời gian tới, ngành Hậu cần - Kỹ thuật Quân khu 2 tiếp tục chủ động mọi mặt, kịp thời bảo đảm đầy đủ nhu cầu hậu cần cho LLVT Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của bộ đội và Nhân dân.
Đại tá ĐẶNG VĂN HÒA, Phó chủ nhiệm HC-KT Quân khu 2