Nghị quyết xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nhằm phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi Bắc bộ, tăng cường liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội…, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, bảo đảm vững chắc QP, AN. Dưới đây, đề cập một số nội dung cơ bản công tác hậu cần Quân đội thực hiện Nghị quyết.

Trong xây dựng quy hoạch vùng và quy hoạch của các địa phương trong vùng

Cơ quan hậu cần (CQHC) chiến lược thực hiện tốt tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, chỉ đạo Cục Hậu cần Quân khu 1, 2, CQHC quân sự địa phương (QSĐP), Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, để tham gia xây dựng, thẩm định nội dung liên quan hậu cần theo phạm vi, chức năng các quy hoạch phát triển KT - XH của vùng và từng địa phương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đảm bảo đồng bộ, thống nhất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kết hợp chặt chẽ kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế, đúng định hướng phát triển xanh, bền vững; phát huy các lợi thế về tài nguyên rừng, khoáng sản, các cửa khẩu, văn hóa dân tộc đặc sắc, đa dạng và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ... gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; giữ đất, giữ rừng, ổn định dân cư, bảo đảm an ninh trật tự xã hội; tạo thế trận hậu cần chiến lược, phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ từng địa phương trên địa bàn vùng vững chắc.

Xây dựng quy hoạch, bố trí các thành phần hậu cần theo thế trận quân sự, phù hợp với quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ vùng, đúng quy định pháp luật về quản lý và sử dụng đất quốc phòng, đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất và xây dựng kinh tế, đáp ứng yêu cầu liên hoàn, vững chắc, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng. Hoàn chỉnh, phê duyệt theo phân cấp quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại các đơn vị; đầu tư xây dựng cơ bản doanh trại theo thiết kế mẫu, gắn với đặc điểm địa bàn. Triệt để tận dụng điều kiện địa hình, nhất là các hang động tự nhiên có giá trị, nơi có khả năng huy động tốt nguồn lực của các ngành, lĩnh vực kinh tế và hệ thống cơ sở hạ tầng của 03 tổ chức vùng: Vùng biên giới Việt - Trung, vùng biên giới Việt - Lào, vùng trung du gò đồi để xác định, quy hoạch chi tiết, từng bước đầu tư xây dựng các hạng mục, công trình cần thiết ở các căn cứ, phân căn cứ, cơ sở hậu cần bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự.

leftcenterrightdel
Tăng gia sản xuất ở Lữ đoàn Bộ binh 82, Quân khu 2. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, phát triển một số ngành, lĩnh vực tương ứng hậu cần

Về công nghiệp: Theo chức năng, phạm vi ở từng cấp, CQHC phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan, tham mưu với cấp có thẩm quyền để có thể cơ cấu một số doanh nghiệp quốc phòng trong cơ cấu lại, phân bố không gian công nghiệp của vùng theo hướng lưỡng dụng, khai thác lợi thế về nhân công, thị trường tiêu thụ của vùng và từng địa phương.

Tham gia theo năng lực vào các ngành, lĩnh vực, phù hợp với định hướng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển công nghiệp theo 03 tổ chức vùng được xác định trong Nghị quyết, chú trọng đầu tư, phát triển các ngành mà doanh nghiệp Quân đội có thế mạnh, liên kết được với công nghiệp dân sinh, phát huy và tận dụng nguồn lực tại chỗ, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất quốc phòng và sức cạnh tranh của sản phẩm khi tham gia đáp ứng nhu cầu dân sinh, xuất khẩu, như: Sản phẩm nhựa, hóa chất cơ bản, hóa dược phục vụ nhu cầu chữa bệnh tại Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Giang; trồng cây dược liệu tại Sa Pa (Lào Cai), Cao Bằng, Lạng Sơn, các tỉnh Tây Bắc; trồng và chế biến chè, cà phê, cao su tại Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu trong mối liên kết với Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên; chế biến gỗ tại Tuyên Quang…

Kiến nghị, tham gia thẩm định theo quy định vào các kế hoạch, dự án phát triển công nghiệp của vùng, các địa phương có liên quan đến hậu cần, đảm bảo tính lưỡng dụng, nhất là các lĩnh vực may, da giầy, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế, sẵn sàng tiếp nhận, chuyển đổi công nghệ, chuyển sang phục vụ quốc phòng, bảo đảm hậu cần khi có yêu cầu.

Phối hợp tham mưu, kiến nghị ban hành chính sách hỗ trợ, đổi mới công nghệ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo nghề và nâng cao tay nghề, trang bị các kiến thức, kỹ năng ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất cho đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân, người lao động...

Về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường: CQHC các cấp, đơn vị trên địa bàn làm tốt tham mưu, phối hợp cung cấp yếu tố, yêu cầu quốc phòng theo phân cấp, quy định cho xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia, vùng, nhằm hoàn thiện các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành của vùng, các địa phương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như: Quy hoạch lâm nghiệp; quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi; quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; quy hoạch thủy lợi lưu vực sông (sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Hồng - Thái Bình), quy hoạch phòng lũ tuyến sông có đê (sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đà, sông Thao, sông Lô).

Tham mưu và cho ý kiến thẩm định theo quy định pháp luật đối với những kế hoạch, dự án đầu tư phát triển KT - XH của vùng, địa phương trong nông nghiệp. Các đơn vị kinh tế - quốc phòng, quân sự địa phương, Bộ đội Biên phòng, doanh nghiệp hậu cần và kể cả một số đơn vị chủ lực trên địa bàn nghiên cứu, tham gia vào các chương trình, dự án phục hồi, phát triển, bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang; nâng cao chất lượng rừng đặc dụng tại Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Tuyên Quang, Lai Châu, rừng sản xuất tại Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang; phát triển các vùng rừng sản xuất trồng cây gỗ lớn, cây đặc sản; duy trì, củng cố các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng lịch sử cảnh quan tại Mường Tè - Mường Nhé, Điện Biên.

Triển khai thực hiện tốt Đề án “Nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất, chế biến trong Quân đội bảo đảm phù hợp, an toàn, bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030”, gắn với định hướng phát triển nông nghiệp của vùng, từng địa phương, sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, xanh, sạch, đặc sản, gắn kết với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng tốt nhu cầu thường xuyên của các đơn vị, tạo nguồn dự trữ vật chất cho SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất khác.

Kết hợp chặt chẽ thực hiện Đề án với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, với phát triển kinh tế số, phát triển du lịch nông thôn và xây dựng nông thôn mới; tổ chức các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chế biến đúng quy định pháp luật, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương, sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, hiện đại hóa…

Phát triển cây trồng, vật nuôi lợi thế của vùng và điều kiện địa hình, thổ nhưỡng từng địa điểm, thực hiện sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê, ngựa), an toàn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Tham gia phát triển nuôi thủy sản ở các hồ thủy lợi, thủy điện gắn với bảo tồn và phát triển nguồn lợi quý hiếm; phát triển một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao tại một số địa bàn của Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, tạo nguồn hậu cần tại chỗ, đáp ứng yêu cầu thường xuyên và sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu, đột xuất.

Thông qua thực hiện các mục tiêu của các đoàn kinh tế - quốc phòng, Đề án “Nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất, chế biến trong Quân đội đảm bảo phù hợp, an toàn, bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030”, các hoạt động tăng gia sản xuất, phối hợp với cơ quan chuyên môn tuyên truyền đẩy mạnh các phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; vận động nông dân, hộ gia đình, cá nhân tham gia các mô hình hợp tác như: tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã… để có điều kiện tích lũy vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất; tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa.

Tích cực hoàn thiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quốc phòng, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, đúng pháp luật, quy định của Bộ Quốc phòng về các loại đất quốc phòng.

Về thương mại, dịch vụ: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, vùng trung du và miền núi Bắc bộ, các ngành thương mại, dịch vụ tương ứng hậu cần ngày càng phát triển mạnh, như: Hệ thống cửa hàng, hợp tác xã, doanh nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm; thuốc, vật tư y tế; xăng dầu; dịch vụ vận tải, cung cấp phụ tùng, vật tư ngành Vận tải; doanh nghiệp, hợp tác xã, cửa hàng sản xuất, mua bán vật liệu xây dựng; các cơ sở dịch vụ, sản xuất thủy hải sản, chế biến lương thực, thực phẩm… Đây là tiềm lực ngày càng dồi dào, hậu cần các cấp cần thường xuyên nắm chắc, có phương án sẵn sàng huy động bảo đảm khi có yêu cầu. Tuy nhiên, do vị trí địa lý, đặc điểm môi trường tự nhiên, khả năng KT - XH từng địa phương, có sự chênh lệch giữa các ngành, hàng, loại hình dịch vụ, đặc biệt ở địa bàn sâu, nơi nhiều đồng bào dân tộc ít người, chưa có điều kiện phát triển nhanh, đòi hỏi CQHC QSĐP, Bộ đội Biên phòng phải tham mưu tốt hơn để phát huy được thế mạnh của địa phương, hạn chế những khó khăn, tác động xấu đến phát triển thương mại, dịch vụ và hoạt động hậu cần.

Cục Hậu cần Quân khu 1, 2, CQHC QSĐP, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh trên địa bàn, làm tốt tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tổ chức liên quan trong phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ của vùng và từng địa phương, đáp ứng nhu cầu đa dạng của sản xuất, tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, đảm bảo ổn định nguồn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu; tạo sự chuyển biến trong đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, sẵn sàng chuyển thành bộ phận hệ thống, mạng lưới hậu cần, kỹ thuật tại chỗ bảo đảm khi có tình huống.

Trên cơ sở định hướng phát triển các khu kinh tế cửa khẩu giáp Trung Quốc thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng, đầu mối của hành lang kinh tế, vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ; phát triển các khu kinh tế cửa khẩu giáp Lào về thương mại, xuất nhập khẩu và dịch vụ qua cửa khẩu; CQHC QSĐP, Bộ đội Biên phòng các tỉnh làm tốt tham mưu với chỉ huy trưởng để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, đảm bảo kết hợp chặt chẽ kinh tế - quốc phòng trong cung ứng, lưu thông hàng hóa khu vực biên giới.

Trong định hướng phát triển thương mại, dịch vụ của vùng, sẽ hình thành mới các trung tâm thương mại, logistics, hệ thống kho bãi gắn với các tuyến cao tốc, hành lang kinh tế, cửa khẩu. Do đó, CQHC chiến lược, Cục Hậu cần Quân khu 1, 2 cần chủ động tham mưu, tham gia các kế hoạch xây dựng vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, vừa tăng cường quốc phòng theo quy định pháp luật về dự trữ quốc gia trong hệ thống trung tâm thương mại, logistics, kho bãi của vùng, chú trọng các mặt hàng thiết yếu bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, phòng thủ dân sự như: lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, xăng dầu, nhu yếu phẩm… để sẵn sàng huy động bảo đảm, khai thác khi có yêu cầu. Đồng thời làm tốt quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống kho, cơ sở hậu cần gắn kết, liên thông với hệ thống trung tâm thương mại, kho bãi trên địa bàn đứng chân, tạo thế trận hậu cần vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu bảo đảm cho các nhiệm vụ trên từng hướng, khu vực.

Về giao thông vận tải: Bên cạnh làm tốt tham mưu, tham gia theo quy định, phân cấp vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, CQHC các cấp cần thực hiện tốt xây dựng kế hoạch để sử dụng mạng lưới giao thông cho thực hiện nhiệm vụ thời bình, thời chiến, đặc biệt là các tuyến vận tải huyết mạch, như:  Hà Nội - Hòa Bình -         Sơn La, Trà Lĩnh - Đông Đăng, Chợ Mới - Bắc Kạn, Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Tuyên Quang -Phú Thọ, tuyến Đoan Hùng - Chợ Bến và đường Vành đai 5 (qua Bắc Giang, Thái Nguyên) và các đoạn, tuyến đi qua các căn cứ, cơ sở hậu cần của từng đơn vị; có phương án, chuẩn bị đường vòng tránh, phối hợp sẵn sàng xây dựng các bến phà, bến vượt, ngầm, cải tạo các yếu tố tự nhiên sẵn có, các công trình kiên cố dọc hai bên đường làm kho trạm, nơi trú quân khi cần thiết... Kiến nghị đảm bảo tính lưỡng dụng của kết cấu hạ tầng trong thiết kế, xây dựng các công trình giao thông, vừa bảo đảm cho nhu cầu kinh tế, dân sinh, vừa đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, phòng thủ dân sự, xử trí tình huống…

Bám sát chủ trương từng bước đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai biên giới như: Đường vành đai biên giới số 1 (QL.4), vành đai biên giới số 2 (QL.279), vành đai biên giới số 3 (QL.37) và các tuyến kết nối các trục ngang; CQHC bộ chỉ huy quân sự, Bộ đội Biên phòng, hậu cần các đơn vị trên địa bàn chủ động kế hoạch, phối hợp khai thác, sử dụng đáp ứng yêu cầu vận chuyển của đơn vị. Tham gia bảo vệ, bảo trì theo quy định và khi được yêu cầu; chuẩn bị phương án kết nối giữa các tuyến vành đai và giữa các căn cứ, cơ sở hậu cần theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Nghiên cứu sẵn sàng tổ chức phù hợp lực lượng quân vận và các lực lượng vận tải khác trên các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng để đáp ứng vận chuyển cho tác chiến. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng này theo sự phát triển các tuyến đường sắt trong vùng được cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa.

Theo phạm vi ở từng cấp, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của ngành Giao thông vận tải, địa phương có sân bay, xây dựng kế hoạch kết hợp, huy động lực lượng kỹ thuật, các dịch vụ mặt đất, năng lực vận chuyển nhiên liệu, hệ thống kho, bãi của các sân bay Lai Châu, Điện Biên, Nà Sản, Sa Pa, sẵn sàng phục vụ yêu cầu quân sự khi có tình huống.

Về Y tế: Thực hiện tốt vai trò làm tham mưu trong ban Quân dân y quân khu, hội đồng cung cấp, ban Quân dân y khu vực phòng thủ tỉnh; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng Bộ Y tế, các địa phương, hoàn thiện hợp phần mạng lưới y tế của địa phương để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, vùng, thời kỳ 2021 - 2030; luôn nắm chắc kết quả thực hiện định hướng: Phát triển mạng lưới y tế cơ sở, mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe hộ gia đình, phấn đấu đến sau năm 2030, trạm y tế xã/phường có đủ năng lực đảm nhận vai trò là cơ sở chăm sóc ban đầu; bổ sung thêm một số bệnh viện đa khoa tỉnh có vai trò bệnh viện tuyến cuối của vùng: khu vực Tây Bắc (Yên Bái), khu vực Đông Bắc (Tuyên Quang) và đảm bảo mỗi tỉnh đều phải có bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh trở thành bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, để tham mưu, tổ chức tốt các hoạt động kết hợp quân dân y, huấn luyện lực lượng dự bị động viên ngành Y tế, diễn tập phòng thủ dân sự, diễn tập khu vực phòng thủ, đặc biệt là cập nhật, bổ sung hoàn thiện các kế hoạch hậu cần, trong đó có huy động số giường bệnh dân y ở các tuyến, địa bàn bảo đảm cho các tình huống tác chiến.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Y tế trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, đào tạo nguồn nhân lực. Phối hợp trong quản lý môi trường y tế, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai có hiệu quả bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc ít người; tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục trong chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng sâu, dân tộc ít người; điều tra, giám sát và tổ chức các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống, các chủ trương, chính sách về phát triển KT - XH, bảo đảm QP, AN được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa bằng các nghị quyết, văn bản pháp quy. Nghị quyết số 11/NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT - XH, bảo đảm QP, AN vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có liên quan, tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó có công tác hậu cần Quân đội, đòi hỏi phải nghiên cứu, quán triệt, vận dụng linh hoạt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, góp phần phát triển KT - XH, bảo đảm vững chắc QP, AN vùng trung du và miền núi Bắc bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng đề ra.

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng-Phó chủ nhiệm, TMT Tổng cục Hậu cần