Khắc phục tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra những biện pháp cơ bản trong quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn (RAT). Trong đó, đưa ra khái niệm: RAT chỉ những sản phẩm rau tươi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng làm thực phẩm cho con người, có chất lượng đúng như đặc tính giống, hàm lượng hóa chất độc và mức độ nhiễm sinh vật gây hại dưới mức tiêu chuẩn cho phép đối với từng loại, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và môi trường.

Cùng với đó, Bộ cũng đã ban hành tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng trong cả nước. Trong đó, có 4 chỉ tiêu quan trọng (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), dư lượng Nitrat trong rau, dư lượng hàm lượng kim loại nặng, dư lượng vi sinh vật) phải thấp hơn mức cho phép.

Cụ thể: Dư lượng thuốc BVTV thấp hơn 01/10 triệu (mg/1kg rau) đến 01/01 triệu; dư lượng Nitrat thấp hơn 05/01 vạn; dư lượng Hg thấp hơn mức cho phép là 5 phần tỉ; dư lượng chì, cadimi thấp hơn 01 phần triệu...). Chỉ tiêu về dư lượng vi sinh vật không được vượt quá mức cho phép (Ví dụ: Trong 25g rau, không có vi khuẩn Samonella, trong 01g rau chỉ được phép có 10 con E. coli... ).

leftcenterrightdel
Cán bộ Cục Quân nhu và Học viện Hậu cần trao đổi kinh nghiệm sản xuất rau an toàn với cán bộ Hậu cần Quân đội nhân dân Lào tại Kho 205/Cục Quân nhu. Ảnh: Thanh Hiền 

Như vậy, sản xuất RAT thực sự rất cần thiết trong đời sống hiện nay. Để sản xuất RAT, các đơn vị cần tuân thủ một số biện pháp kỹ thuật cơ bản sau đây:

Đất trồng

Đất trồng RAT không bị ô nhiễm, không có tồn dư hóa chất độc hại. Có thể là đất cát pha, đất thịt nhẹ hoặc đất thịt trung bình có tầng canh tác dày (20 - 30 cm). Đất trồng rau phải cao ráo, thoát nước nhanh, xa bệnh viện ít nhất 2 km; cách khu chất thải sinh hoạt dân cư ít nhất 200 m.

Giống

Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên hiện nay nguồn giống rau của nước ta rất phong phú, nhiều giống có khả năng phòng chống sâu bệnh tốt. Khi chọn giống rau, nên chọn những hạt tốt, cây giống khỏe mạnh, không có mầm bệnh, có lý lịch nơi sản suất rõ ràng. Nếu là giống nhập ngoại phải qua kiểm dịch thực vật. Hạt giống trước khi gieo phải được xử lí hóa chất và nhiệt. Trước khi đưa cây giống ra trồng, phải xử lý bằng Sherpa 0,1% để phòng trừ sâu hại về sau.

Nước tưới

Trong sản xuất RAT, nguồn nước tưới rất quan trọng, vì nước chứa trên 90% trọng lượng rau xanh. Nguồn nước tưới cho rau phải là nguồn nước sạch, không ô nhiễm. Nếu có điều kiện, các đơn vị nên sử dụng nguồn nước giếng khoan. Các nguồn nước tưới khác phải xử lý trước khi sử dụng.

Phân bón

Chỉ được dùng phân hữu cơ đã được ủ hoại mục để bón lót cho rau, tuyệt đối không sử dụng phân tươi. Lượng phân bón lót càng nhiều càng tốt để cây rau hấp thu dần chất dinh dưỡng trong quá trình sinh trưởng. Mỗi loại cây có chế độ bón phân và lượng phân bón khác nhau. Để bón lót cho 01 ha đất trồng rau, thường dùng 15 tấn phần chuồng và 300 kg phân hữu cơ vi sinh. Lượng phân hóa học tùy theo yêu cầu từng loại cây, có thể bón lót 30% đạm và 50% kali, số còn lại dùng để bón thúc. Thông thường, với những cây có thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 60 ngày) bón thúc 2 lần, kết thúc bón trước thu hoạch 7 - 10 ngày. Với cây có thời gian sinh trưởng dài, có thể bón thúc 3 - 4 lần, kết thúc bón phân hóa học trước thu hoạch 10 - 12 ngày. Đối với phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng phải bón ngay sau khi bén rễ, theo hướng dẫn trên bao bì và kết thúc bón phân trước thời điểm thu hoạch ít nhất 15 ngày. Khi sử dụng phân bón lá phải giảm sử dụng phân hóa học từ 30 - 40%.

Thuốc bảo vệ thực vật

Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết, không được dùng thuốc thuộc nhóm độc I và II; có thể sử dụng thuốc BVTV thuộc nhóm độc III và IV khi thật cần thiết. Khi dùng thuốc nên chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, động vật và con người. Kết thúc phun thuốc trước khi thu hoạch ít nhất từ 5 - 10 ngày. Ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học, các chế phẩm thảo dược, các kí sinh thiên địch để phòng bệnh.

Ngoài dùng thuốc BVTV, cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM, như: Luân canh cây trồng hợp lý; sử dụng giống tốt chống chịu sâu bệnh và sạch bệnh; chăm sóc theo yêu cầu sinh lý của cây. Tăng cường vệ sinh đồng ruộng, tận dụng nhân lực bắt sâu; sử dụng các chế phẩm sinh học để trừ sâu bệnh. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và kịp thời có biện pháp phòng trừ sâu bệnh... Bên cạnh đó, có thể sử dụng nhà lưới, nhà kính để che chắn, sử dụng màng nilon phủ đất nhằm hạn chế sâu bệnh, cỏ dại, sương muối, nắng nóng và rút ngắn thời gian sinh trưởng của rau.

Thu hoạch và bao gói

RAT cần được thu hoạch đúng độ chín theo yêu cầu của từng loại rau, quả; khi thu hoạch phải loại bỏ lá già, héo, quả bị sâu, dị dạng. Sau đó, rửa rau bằng nước sạch, để ráo nước trước khi cho vào bao, túi, sọt, rổ sạch, mang đi tiêu thụ hoặc cấp cho bếp ăn. Bảo quản rau ở nhiệt độ 200 C với tổng thời gian không quá 02 ngày để đảm bảo chất lượng.

Thượng tá Bùi Huy Lê, Phó Trưởng phòng Sản xuất/Cục Quân nhu