Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, không theo quy luật (nắng nóng kéo dài, hạn hán, rét đậm rét hại, sương muối, mưa đá, mưa lớn trái mùa, mưa cường độ cao…) gây bất lợi cho cây trồng phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và kế hoạch gieo trồng của đơn vị. Để giúp các đơn vị có thêm kiến thức kỹ thuật trồng cây leo giàn thích ứng với điều kiện bất lợi, chúng tôi cung cấp một số thông tin cơ bản sau:

Lựa chọn giống cây có khả năng chịu nhiệt và kháng sâu bệnh tốt

Khi trồng cây leo giàn, các đơn vị cần lựa chọn kỹ giống cây có khả năng thích nghi tốt với biến đổi khí hậu, có khả năng chịu nhiệt (chịu nóng hoặc lạnh), kháng sâu bệnh, chịu hạn, úng, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn. Các loại cây leo giàn có khả năng chịu nhiệt và kháng sâu bệnh là: Bí xanh số 1 và số 2, bí xanh HN999, mướp hương Melo 59, đậu Hà Lan, mướp đắng… Một số giống dưa chuột ít bị sâu bệnh hại, chịu nhiệt độ thấp, được nhập khẩu từ Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan, Mỹ như: Giống dưa chuột Hazera 55003, Tomax, Romya, Happy 02 F1, An- daman 883, C715... Giống cây cà chua nhập khẩu từ Ấn Độ, Hà Lan và Isarel hoặc các giống cà chua trong nước do Viện nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, lai tạo có khả năng chịu nhiệt và kháng bệnh tốt.

leftcenterrightdel
Bộ đội Trung đoàn Bộ binh cơ giới 102 (Sư đoàn Bộ binh cơ giới 308 - Quân đoàn 12) thu hoạch su su. Ảnh: Đình Thảo 

Kỹ thuật làm đất và bón phân

Làm đất để trồng cây leo giàn không cần quá nhỏ, tránh rễ cây bị nghẹt khi mưa to kéo dài. Luống trồng cây leo cao từ 0,25 - 0,3 m, rộng 3 - 5 m (trồng hàng đôi) hoặc 1,5 - 2 m (trồng hàng đơn), giữa các luống làm rãnh thoát nước rộng 0,5 m. Hố (hốc) trồng cây kích thước 0,5 x 0,5 x 0,3 m, khoảng cách giữa các hố (hốc) 1 m. Sau khi lên luống xong, cần bón phân lót và phủ bao tải, rơm rạ, lá khô lên mặt luống để hạn chế cỏ dại mọc và giữ ẩm, tránh thất thoát phân bón. Nếu có điều kiện thì sử dụng màng phủ nông nghiệp phủ lên mặt luống để hạn chế sâu bọ cư trú, phát triển, cách ly mầm bệnh có trong đất; giúp thoát nước nhanh khi mưa lớn kéo dài.

Khi bón phân cho cây leo giàn cần nắm chắc nguyên tắc “5 đúng và 1 cân đối”: Đúng phân, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng cách, đúng thời tiết, mùa vụ và cân đối giữa các chất dinh dưỡng. Lượng phân bón cho 100 m2 diện tích đất trồng như sau: Phân chuồng hoai mục từ 200 - 250 kg; phân đạm: 0,3 kg; supe lân: 0,35 - 0,4 kg lân supe và kali clorua: 0,2 - 0,35 kg. Nếu sử dụng toàn bộ phân chuồng hoai mục và supe phân lân, thì bón lót thêm kali clorua, đạm ure. Khi bón phân xong cần lấp một lớp đất mỏng để hạt giống không bị thối do tiếp xúc trực tiếp với phân. Tiến hành bón thúc cho cây vào các giai đoạn: khi cây có từ 4 - 6 lá thật, bón 30% lượng đạm ure, 30% lượng kali clorua; cây bắt đầu có nụ, hoa, bón 40% lượng đạm ure, 40% lượng kali clorua, khi cây có quả rộ, bón lượng phân còn lại. Tăng cường bổ sung phân bón lá bằng các chất vi lượng giúp cây phát triển khỏe mạnh, chống chịu với sâu bệnh và môi trường bất lợi. Không bón phân chuồng tươi vì làm tăng khả năng nhiễm sâu bệnh; không bón phân vào lúc trời mưa hoặc nắng nóng sẽ giảm hiệu quả hấp thụ phân bón của cây.

Kỹ thuật làm giàn

Cây leo giàn thân yếu nên không thể mọc thẳng, khi trồng phải làm giàn, giúp cho cây có độ bám, vươn dài hơn, nhánh bám vững, giúp lưu thông gió, ánh sáng, cành lá phân bố đều, ra hoa, quả, màu sắc quả tươi, bóng sáng, chất lượng tốt và tăng khả năng đậu quả. Đối với các loại bầu, bí, mướp, mướp đắng, dưa chuột… thường làm giàn đứng, giàn chữ A hoặc giàn vách tường. Tùy vào đặc điểm của từng loại cây trồng, vị trí trồng, diện tích đất để làm giàn cho phù hợp, chiều cao của giàn khoảng từ 1,5 - 2,5 m đảm bảo chống chịu được khi mưa, gió, bão...

Các loại cây leo giàn nặng như: bầu, bí, mướp, thường làm giàn đứng, có cột chống chắc chắn bằng  bê  tông,  gỗ,  tre…  đường kính từ 8 - 12 cm, chôn sâu 0,5 m có thể chống chịu trong điều kiện mưa, gió, bão. Trên mặt giàn, sử dụng tre, nứa làm xà ngang, dọc, đường kính từ 3 - 5 cm, khoảng cách giữa các hàng từ 30 - 40 cm. Các loại cây leo thân nhẹ như dưa chuột, đậu leo, mướp đắng… làm giàn chữ A bằng vật liệu tre, gỗ, nứa, đường kính từ 1,5 - 2,5 cm. Đan các thanh tre tạo thành ô vuông dạng lưới khoảng cách: 15 × 15 cm hoặc 20 - 20 cm, dùng dây để buộc, cố định chắc chắn. Nếu sử dụng lưới bằng cước hoặc sợi nilon, chỉ cần chôn cột chắc chắn sau đó căng lưới theo kiểu giàn chữ A, chữ I hoặc chữ U tùy thuộc vào loại cây. Trong quá trình làm giàn, không sử dụng vật liệu bằng thép trải trên mặt giàn, tránh dây leo bị héo khi nắng to.

Chăm sóc đúng kỹ thuật

Trong điều kiện khí hậu bất thường, cây leo giàn cần nhiều nước ở các giai đoạn: bén rễ, ra hoa, đậu quả và quả phát triển. Thực hiện chế độ tưới nước hợp lý khoảng 1 - 2 lần/ ngày, buổi sáng vào lúc 7 - 10 giờ và buổi chiều từ 15 - 16 giờ.

Sau khi trồng từ 7 - 10 ngày, cây ra hoa, đậu quả và quả phát triển mạnh, cần tiến hành xới phá váng, làm cỏ, kết hợp bón phân cho cây. Khi cây vừa lên giàn, cần tưới nước phân chuồng pha loãng hoặc bùn ao lên mặt luống, quanh gốc để bộ rễ phát triển rộng. Khi sắp thu hoạch, tưới thúc phân chuồng hoặc phân đạm có hòa lẫn kali để chống rụng quả; không đổ phân bón trực tiếp vào gốc cây vì cây dễ bị bệnh.

Khi cây có 8 - 10 lá cần tỉa nhánh gốc và nhánh nhỏ, khi cây bắt  đầu  leo  giàn  cần  buộc cây để tránh bị đổ, nếu thân cây phát triển mạnh phải bấm ngọn để tăng ra nhánh; cây bắt đầu ra hoa cần tỉa hoa đực để tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Mỗi  cây để 2 - 3 nhánh chính, mỗi nhánh 2 - 3 quả, loại bỏ những quả bị dị dạng, sâu bệnh. Trong điều kiện thời tiết bất lợi, nắng nóng, mưa nhiều cây trồng rất khó đậu quả, có thể sử dụng các chất điều tiết sinh trưởng để kích thích đậu quả.

Phòng trừ sâu bệnh hại

Sâu bệnh thường gặp trên các loại cây leo giàn như: sâu xanh ăn lá, sâu khoang, bọ trĩ, bọ dưa, rệp sáp, nhện đỏ, bệnh vàng lá, bệnh nứt thân chảy nhựa, bệnh phấn trắng, bệnh thán thư, sương mai, héo xanh… quá trình canh tác cần có biện pháp phòng ngừa kịp thời, cụ thể: Trước khi trồng hoặc sau mỗi vụ thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, cày xới phơi đất hoặc cho ngập nước và xử lý đất bằng thuốc dạng hạt như: Vibam 5 GR, Padan 4G… để hạn chế sâu bọ, tiêu diệt nhộng và sâu non.

Trong quá trình canh tác, thường xuyên quan sát, phát hiện và diệt sâu bệnh, như: ổ trứng trên thân lá, bắt sâu, tỉa cây, lá bị bệnh hoặc loại bỏ cây bị bệnh nặng. Ngoài ra, sử dụng các loại bẫy bả tiêu diệt sâu như: Bẫy đèn, bẫy dính màu vàng, màu xanh bắt và tiêu diệt rệp có cánh, ruồi đục lá. Khi cây bị sâu bệnh mức thấp, nên sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc để trừ dịch hại, bảo vệ sức khỏe con người, vật nuôi và môi  trường. Có thể dùng các chế phẩm sinh học Bacillus thuringiensis phòng trừ sâu ăn lá, nấm ký sinh côn trùng Beauveria, Metarhizium…; thuốc thảo mộc Azadirachtin , Rotenone, Saponin, Matrine…; dùng phòng trừ, xua đuổi nhiều sâu hại, nấm Trichoderma hạn chế nấm bệnh trong đất hoặc các hoạt chất có nguồn gốc sinh học: Abamectin, Emamectin benzo- ate, Validamycin…

Nếu trong  vườn  trồng  cây leo có nhiều sâu hại cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Một số  thuốc sử  dụng  để  diệt trừ sâu bệnh trên các cây leo giàn như sau: Đối với sâu xanh sử dụng thuốc Wamtox 100EC, Fimex 36EC, Abasuper 1.8EC…; đối với sâu khoang dùng thuốc Wamtox 100EC, Fimex36EC, Anphatox 5EC…; đối với bọ trĩ dùng thuốc Trebon 10EC, Bassa 50EC, Abamine 3.6EC… Đối với các loại rệp sử dụng dầu khoáng, Map Winer 5WG, Map Green 6SL, Radiant 60SC, Alfamite 15EC, Octur 5SC, Comite 73 EC, Nilmite 550EC…; chống bệnh thối rễ dùng thuốc Ridomil Gold 68WP, Tilt super 300 EC, Revus Opti 440SC… ; bệnh phấn trắng dùng thuốc Score 250 ND, Chevin 40WG, Amistar Top®325SC... và các loại thuốc chứa lưu huỳnh. Khi phun thuốc cần phun đều cả 2 mặt lá để tăng hiệu quả. Nếu sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị nhưng hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả thì nhanh chóng loại bỏ cây bị bệnh để tránh lây lan.

Trong quá trình trồng cây leo giàn, đơn vị cần chủ động nắm chắc và theo dõi tình hình dự báo thời tiết để điều chỉnh thời vụ gieo trồng phù hợp và chủ động các biện pháp ứng phó, khắc phục điều kiện bất lợi, duy trì năng suất, chất lượng cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thượng tá, TS CHU HOÀNG NGA, Học viện Hậu cần