Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, năm 2023 có khoảng 1,28 tỉ người trưởng thành (từ 30 - 79 tuổi) mắc bệnh THA. Trong số đó có 46% người bị THA nhưng không biết; khoảng 42% người được chẩn đoán và điều trị; chỉ có khoảng 21% người bị THA đã được kiểm soát.

Hiện nay tại Việt Nam, người trẻ tuổi mắc bệnh THA có xu hướng gia tăng; người dưới 35 tuổi mắc bệnh bệnh THA chiếm tỷ lệ từ 5-12%; người trưởng thành mắc THA khoảng 25%, có xu hướng tăng lên đến mức báo động đỏ. Hằng năm, tỷ lệ người mắc THA tăng gần 1%; khoảng 1/3 dân số Việt Nam mắc bệnh THA, khoảng 1/3 bệnh nhân được điều trị; 1/3 bệnh nhân kiểm soát được bệnh THA bằng thuốc. Hằng năm, trong Quân đội, tỷ lệ cán bộ cao cấp mắc bệnh THA có xu hướng tăng; kết quả khảo sát năm 2023 tại một số cơ quan cho thấy, tỷ lệ cán bộ cao cấp mắc THA chiếm 34%. Nếu mắc bệnh THA không được điều trị và kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tổn thương nặng các cơ quan đích, gây biến chứng nguy hiểm như: Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ, suy tim, suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân THA Khi huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) ≥ 90 mmHg thì được xác định là THA. Nguyên nhân THA có nguyên nhân thứ phát và nguyên phát. Nguyên nhân thứ phát do các bệnh về thận (như: viêm cầu thận cấp; viêm cầu thận mạn sỏi thận; viêm thận kẽ; hẹp động mạch thận...); do các bệnh nội tiết (u tủy thượng thận; cushing; cường aldosteron; cường giáp; cường tuyến yên...); các bệnh hệ tim mạch (hở van động mạch chủ gây THA tâm thu đơn độc; hẹp eo động mạch chủ gây THA chi trên; bệnh vô mạch; hẹp, xơ vữa động mạch chủ bụng, ảnh hưởng đến động mạch thận); do dùng một số thuốc (cam thảo; các thuốc cường á giao cảm; thuốc tránh thai...); do nguyên nhân khác (ngộ độc thai nghén; rối loạn thần kinh…). Nguyên nhân THA nguyên phát phần lớn mắc ở người trưởng thành, không rõ nguyên nhân, chỉ có khoảng 10% trường hợp có nguyên nhân.

leftcenterrightdel
Minh họa: medihome.com.vn 

 

Yếu tố nguy cơ và tổn thương cơ quan đích ở bệnh nhân THA

Các yếu tố nguy cơ: rối loạn lipid máu; đái tháo đường; có microalbumin niệu hoặc mức lọc cầu trần ước tính < 60 ml/ph.

Biến chứng của THA hoặc tổn thương cơ quan đích: Đột quỵ não (thiếu máu não, xuất huyết não, chảy máu khoang dưới nhện), thiếu máu não thoáng qua; sa sút trí tuệ; phì đại thất trái (trên điện tâm đồ hay siêu âm tim), suy tim, phù phổi cấp; nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực; bệnh mạch máu ngoại vi, phình lóc tách; xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thành động mạch chủ; protein niệu, tăng creatinin huyết thanh, suy thận mạn.

Cách chẩn đoán xác định THA

Đo huyết áp theo quy trình chuẩn: Trước khi đó huyết áp phải nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 - 10 phút; không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ. Tư thế đo chuẩn (người được đo huyết áp ngồi ghế có tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu  ngang  mức  với  tim;  có thể đo ở các tư thế nằm, đứng; đối với người cao tuổi hoặc mắc bệnh đái tháo đường, nên đo huyết áp tư thế đứng để xác định có hạ huyết áp tư thế hay không). Không nói chuyện khi đang đo huyết áp, không bắt chéo chân. Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có số đo huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi. Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng. Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà. Ghi lại số đo theo đơn vị mmHg dưới dạng HA tâm thu/HA tâm trương (ví dụ 126/82 mmHg), không làm tròn số quá hàng đơn vị.

Các phương pháp đo huyết áp khác: Tự đo theo dõi huyết áp tại nhà, tránh đến cơ sở y tế nhiều lần, giúp theo dõi điều trị tốt hơn, tránh  hiện  tượng THA “áo choàng trắng”. Nếu đo huyết áp tại nhà để chẩn đoán THA, nên đo huyết áp trong khoảng 1 - 2 tuần, ít nhất 2 lần/ngày (trong đó có 1 lần đo buổi sáng khi vừa thức dậy), mỗi lần đo, thao tác đo 3 lần (bỏ lần đầu, lấy trung bình hai lần sau).

Điều trị bệnh nhân THA

THA là bệnh mạn tính, huyết áp sẽ tăng dần dần theo tuổi, cần theo dõi đều, điều trị đúng, đủ hằng ngày, điều trị lâu dài và cần điều chỉnh liều định kỳ. Mục tiêu điều trị đạt “huyết áp mục tiêu” và giảm tối đa “nguy cơ tổn thương đích” như tim, não, thận, mắt và động mạch ngoại vi nhằm ngăn ngừa các biến chứng lâu dài các cơ quan đích. Huyết áp mục tiêu cần đạt < 140/90mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Huyết áp mục tiêu có thể < 130/80 mmHg đối với những người mắc protein niệu, đái tháo đường hoặc có tiền sử tai biến mạch máu não từ trước. Đối với người cao tuổi (đặc biệt > 80 tuổi), mức huyết áp mục tiêu có thể giữ 150/90 mmHg. Tránh hạ huyết áp quá mức, tránh  hạ  huyết  áp  tâm  trương < 60 mmHg ở người mắc bệnh mạch vành. Khi điều trị đạt huyết áp mục tiêu, cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài, theo dõi chặt chẽ, định kỳ để điều chỉnh kịp thời. Cần phải đi khám để phát hiện sớm, kiểm soát đồng thời (nếu có) các yếu tố nguy cơ tim mạch khác (như rối loạn lipid máu, đái tháo đường...) nhằm giảm thiểu các tổn thương trên cơ quan đích. Nếu dùng đồng thời > 2 loại thuốc để đạt huyết áp mục tiêu thì ưu tiên dùng thuốc hạ huyết áp phối hợp với liều cố định để tăng hiệu quả điều trị. Người bệnh tuân thủ tốt việc thay đổi lối sống kết hợp với điều trị lâu dài bằng thuốc hạ huyết áp. Điều trị THA phải kiên trì suốt đời, mục đích chính là phòng bệnh (phòng biến cố  ở cơ quan đích). Chỉ có thay đổi lối sống, tuân thủ chế độ điều trị THA phù hợp, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ tim mạch mới giảm các biến cố cơ quan đích do THA. Huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác luôn tiến triển theo tuổi, vì thế theo dõi đều định kỳ (hằng tháng, hằng quý, hằng năm), tiến triển của các yếu tố nguy cơ tim mạch kèm theo để điều chỉnh lối sống và điều trị kịp thời.

Các biện pháp tích cực thay đổi lối sống

Chế độ ăn hợp lý, giảm ăn mặn (<06 gam muối hay 2,3 gam natri mỗi ngày), nhất là người dùng thuốc lợi tiểu để điều trị THA; tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi giàu chất xơ và protein thực vật; hạn chế ăn thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no; tích cực giảm cân (nếu thừa cân), duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ; hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào; tăng cường hoạt động thể lực phù hợp: Tập thể dục, đi bộ hoặc vận động mức độ vừa, đều khoảng 30 - 60 phút/ ngày, 5 - 7 ngày/tuần; tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.

Thuốc điều trị THA

Hiện có nhiều loại thuốc hạ huyết áp mới, tác dụng tốt, ít tác dụng phụ và khả năng dung nạp dễ hơn. Người mắc bệnh THA, cần phải tuân thủ điều trị bệnh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

THA là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc phát hiện sớm triệu chứng, điều trị kịp thời và duy trì lối sống lành mạnh rất quan trọng, giúp kiểm soát tình trạng THA, đảm bảo an toàn tim mạch, các cơ quan quan trọng khác trong cơ thể. Thường xuyên kiểm tra huyết áp và được tư vấn chuyên sâu từ các chuyên gia y tế để quản lý tốt tình trạng THA, bảo vệ sức khỏe.

Trung tá, BSCKI LÊ BÁ NAM, Phòng Quân y, Cục Hậu cần/TCHC