Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng sản xuất và lưu thông rau không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên thị trường diễn ra khá phổ biến, đang là vấn nạn báo động. Do trình độ và tập quán canh tác lạc hậu, người sản xuất đã sử dụng các nguồn nước ô nhiễm, phân tươi để tưới, bón làm cho rau bị nhiễm hóa chất, trứng giun sán và vi sinh vật gây bệnh. Hoặc bón quá nhiều phân đạm và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không tuân theo quy trình kỹ thuật đã làm dư thừa Nitrat (NO3) và thuốc BVTV quá ngưỡng cho phép trên rau. Đáng lo ngại hơn, để rau, củ, quả có mẫu mã đẹp, nhiều hộ sản xuất, buôn bán rau đã sử dụng các loại thuốc bảo quản nông sản không rõ nguồn gốc, không đủ tiêu chuẩn VSATTP, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Trong quân đội, nhu cầu tiêu thụ rau phục vụ bữa ăn bộ đội hằng ngày rất lớn. Nếu mua rau ngoài thị trường phải chi lượng tiền mặt lớn, khó quản lý được chất lượng VSATTP. Vì vậy, để đáp ứng nguồn rau an toàn phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội, các đơn vị cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong trồng rau từ khâu sản xuất (đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật canh tác...) đến khâu tiêu thụ, sử dụng sản phẩm (thu hoạch, đóng gói, bảo quản...). Trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

Bố trí vườn và đất trồng rau phù hợp: Vườn rau phải được quy hoạch cách xa khu công nghiệp, nguồn nước thải, bệnh viện, nghĩa trang, khu dân cư, nhà ở, đường giao thông để đảm bảo vệ sinh môi truờng và tránh cho rau không bị nhiễm kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh. Đất trồng rau phải tơi xốp, thoáng khí, có pH trung tính, tầng canh tác dày, dễ thoát nước, mực nước ngầm thấp để cây rau sinh trưởng, phát triển tốt tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và cho năng suất, chất lượng cao. Đất không được nhiễm các loại hoá chất độc hại cho người và môi trường.

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, điều kiện khác nhau, một số đơn vị vẫn bố trí vườn rau sát nhà ở bộ đội. Để tiến tới sản xuất đủ rau an toàn và đảm bảo vệ sinh môi truờng, các đơn vị cần từng bước quy hoạch vườn rau cách xa nhà ở. Bên cạnh việc duy trì các vườn rau tập trung cấp tiểu đoàn gắn với bếp ăn cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng vườn rau tập trung, đồng thời tích cực cải tạo đất trồng rau bằng nhiều biện pháp như tăng cường bón phân hữu cơ, bùn ao, trồng cây họ đậu để cải tạo đất hoặc có thể thay thế bằng đất màu.

Sử dụng phân bón hợp lý: Phân bón cho rau có hai nguồn là phân hữu cơ (phân chuồng, , phân xanh, nước giải, bã mắm, khô dầu thực vật...) và phân vô cơ (đạm, lân, kali...).

Phân hữu cơ có khả năng phân giải chậm nên trước khi bón cho rau cần ngâm ủ kỹ từ 1-2 tháng trở lên để phân hoai mục và diệt trừ được các mầm sâu bệnh, cỏ dại, vi sinh vật gây bệnh. Để đảm bảo vệ sinh môi trường nên ngâm ủ phân theo phương pháp ủ kín (chất phân thành đống và trát bùn bên ngoài). Khi ngâm ủ phân hữu cơ nên kết hợp trộn thêm 3% lân, 5%  bột vôi để tránh mất đạm, tăng dinh dưỡng và sử dụng các loại chế phẩm sinh học, chủng vi sinh vật (Nitrosomonas, Nitrobacter, Actinomyces...) giúp phân nhanh hoai mục. Tuyệt đối không sử dụng phân tươi chưa qua ngâm ủ để tưới bón cho rau.

Phân vô cơ khi bón cho rau cần theo tỷ lệ cân đối. Không bón quá nhiều phân đạm hoặc bón đạm sát ngày thu hoạch làm dư thừa lượng NO3 trong rau sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng.  NO3 được hấp thụ vào cơ thể ở mức độ bình thường không gây độc, nhưng khi vượt quá ngưỡng cho phép sẽ bị khử thành Nitrit (NO2), là một trong những chất chuyển biến Oxyhaemoglobin (chất vận chuyển oxy trong máu) thành chất không hoạt động (Methaemoglobin). Ở mức độ cao sẽ xuất hiện triệu chứng bệnh, làm giảm hô hấp của tế bào, ảnh hưởng tới hoạt động của tuyến giáp, gây đột biến và phát triển các khối u. Trong cơ thể con người, ở nồng độ cao, NO2 có thể gây phản ứng với amin thành chất Nitroamin gây ung thư. Các loại rau khác nhau có ngưỡng NO3 khác nhau. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, lượng dư NO3 có trong rau không được vượt quá 300 mg/kg sản phẩm tươi. Để NO3 không vượt quá ngưỡng cho phép, cần bón cân đối giữa các loại phân với liều lượng phù hợp và kết thúc sớm trước thu hoạch từ 15-20 ngày.

Tưới nước cho rau đúng kỹ thuật: Rau là cây trồng cần nhiều nước trong quá trình sinh trưởng, phát triển. Để có năng suất cao và chất lượng đảm bảo VSATTP, chỉ nên sử dụng nước giếng khoan, nước ao, hồ, sông, suối lưu thông, không bị nhiễm bẩn, nhiễm hoá chất độc hại để tưới. Tuyệt đối không sử dụng nước thải khu công nghiệp, thành phố, bệnh viện, khu dân cư nhằm tránh cho rau không bị nhiễm kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh.

Do khả năng đầu tư còn hạn chế nên hiện nay một số đơn vị trong quá trình sản xuất rau vẫn sử dụng nguồn nước tự nhiên (ao, hồ, sông, suối). Thậm chí, có đơn vị do khan hiếm nguồn nước tự nhiên còn sử dụng nguồn nước thải sinh hoạt chưa qua lọc để tưới rau. Đối với các đơn vị này, cần chú ý tránh để nước tưới rau nhiễm hoá chất tẩy rửa.

Phương pháp tưới phổ biến hiện nay vẫn là tưới thủ công, dựa vào công sức bộ đội. Một số đơn vị có điều kiện đầu tư hệ thống mương máng tự chảy theo hình thức bán tự động và sử dụng hệ thống tưới nước tự động. Trong điều kiện ở các vườn rau tập trung, thời gian tới việc tưới tiêu cần được đầu tư theo hướng công nghiệp hoá, sử dụng máy móc để giảm công sức của bộ đội như: Hệ thống mương máng tự chảy, tưới nhỏ giọt, tưới thấm, tưới phun mưa bằng vòi quay tự động...

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng nguyên tắc: Trong trồng rau, việc áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp để diệt trừ các loại sâu, bệnh hại cây trồng rất quan trọng; phương châm phòng là chính, trừ triệt để. Để phòng ngừa hiệu quả, các đơn vị cần làm tốt các biện pháp luân canh cây trồng, bố trí thời vụ hợp lý, sử dụng giống chống bệnh. Cần xử lý đất và hạt giống trước khi gieo trồng, vệ sinh vườn rau, dùng bẫy, bả, nuôi thiên địch...để bảo vệ vườn rau. Khi sâu bệnh đã phát sinh thành dịch, phá hại nặng, gây thiệt hại lớn, phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)  để diệt trừ nhanh và triệt để.

Các thuốc BVTV có độ độc thuộc nhóm 1, nhóm 2 chủ yếu là các thuốc có chứa hợp chất Clorua hữu cơ và lân hữu cơ có độ độc cao và thời gian tồn đọng lâu. Các thuốc có chứa hợp chất Clorua hữu cơ như: 666, DDT, Thiodan... khả năng phân giải rất chậm, tồn đọng lâu trên nông sản và môi trường (từ vài tháng đến vài năm), nên chỉ sử dụng cho cây lâm nghiệp và cây công nghiệp dài ngày. Các thuốc có chứa hợp chất lân hữu cơ như Wofatox, Bitox, Nitox, Dipterex...có độ độc cấp tính cao, đặc biệt trong quá trình chuyển hoá phân giải tạo thành nhiều hợp chất trung gian độc hơn hợp chất ban đầu gấp nhiều lần, do đó cần hạn chế sử dụng cho cây lương thực, thực phẩm, nhất là không nên sử dụng trong trồng rau, củ, quả. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc cấm lưu hành, thuốc quá hạn, mất nhãn, biến chất. Khi sử dụng thuốc BVTV cần đọc kỹ hướng dẫn có ghi trên vỏ bao bì, đồng thời phải tuân thủ đúng nguyên tắc sử dụng thuốc là: Dùng đúng thuốc; đúng lúc, đúng cách; đúng nồng độ, liều lượng và phải đảm bảo thời gian cách ly an toàn khi thu hái sản phẩm.

Để trồng rau đảm bảo chất lượng VSATTP, các đơn vị cần hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV, chỉ dùng khi thật cần thiết. Chỉ nên sử dụng các loại thuốc BVTV có độ độc thuộc nhóm 3, nhóm 4 và các loại thuốc thảo mộc có thời gian phân giải nhanh, đồng thời phải đảm bảo thời gian cách ly an toàn khi thu hái sản phẩm theo khuyến cáo của từng loại thuốc có ghi trên bao bì sản phẩm.

Cùng với việc thực hiện tốt các nội dung nêu trên, khi thu hoạch và sử dụng sản phẩm phải tuân thủ đúng quy trình, thu hái đúng lứa, đúng thời kỳ (không nên thu hoạch quá non hoặc quá già), tránh làm dập nát rau để đảm bảo chất lượng VSATTP và thu hoạch đến đâu sử dụng hoặc chế biến bảo quản ngay đến đó, tránh để rau bị hỏng. Cần lập hệ thống sổ sách, mẫu biểu, nhật ký sản xuất để theo dõi, quản lý, giám sát chất lượng, làm cơ sở truy nguyên xuất xứ sản phẩm (nghiên cứu vận dụng các mẫu hồ sơ ghi chép trong sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP). Tuỳ theo điều kiện thực tế của từng đơn vị mà ứng dụng cho phù hợp nhằm sản xuất ra những sản phẩm rau, củ, quả đảm bảo VSATTP cung cấp cho bữa ăn hàng ngày, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống và đảm bảo sức khoẻ bộ đội.

Thiếu tá, KS NGUYỄN GIA XUYÊN