Đến Lữ đoàn Pháo binh 16, chúng tôi được hòa mình vào không gian của doanh trại khang trang, xanh, sạch, đẹp. Các đoạn đường nội bộ trong đơn vị được rải nhựa hoặc bê tông phẳng lì, hai bên trồng cây xanh thẳng tắp; trước các khu nhà ở bộ đội xen lẫn những khuôn viên thanh niên, vườn hoa, thảm cỏ được cắt tỉa cẩn thận rất đẹp mắt.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Huy Long, Chính ủy Lữ đoàn cho biết: “Để có được khuôn viên doanh trại khang trang, xanh, sạch, đẹp như ngày hôm nay là có sự đóng góp mồ hôi, công sức của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ; trong đó, phải nhắc đến sự sáng tạo thực hiện mô hình “3 cần, 2 tận dụng”. Đây là mô hình được cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sát với đặc điểm, tình hình đơn vị và được lan tỏa rộng rãi đến từng cán bộ, chiến sĩ”.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, để khơi dậy tính năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, ý thức cần kiệm của cán bộ, chiến sĩ, tháng 6-2011, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn Pháo binh 16 phát động phong trào “3 cần, 2 tận dụng”, theo đó, “3 cần” gồm: Cần, kiệm trong chi tiêu ngân sách, kinh phí; cần, kiệm trong sử dụng cơ sở vật chất, tài sản đơn vị; cần kiệm trong chi tiêu sinh hoạt cá nhân. Đối với “2 tận dụng” gồm: Tận dụng nguyên vật liệu, vật tư phục vụ nhiệm vụ đơn vị; tận dụng thời gian để làm việc, học tập… Để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình này, Lữ đoàn thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Chính ủy làm Trưởng ban; lấy cấp phòng, tiểu đoàn, đại đội trực thuộc làm đầu mối phát động thi đua. Nội dung phong trào được đưa vào nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy và kế hoạch công tác của người chỉ huy các cấp trong từng tháng, từng giai đoạn.
|
|
Chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 16 chăm sóc bồn hoa, cây cảnh.
|
Cùng với đó, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, bám nắm, giúp Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả thực hiện phong trào, nhất là những chuyển biến, hạn chế cụ thể trong từng giai đoạn, tổ chức rút kinh nghiệm, phát huy hoặc chấn chỉnh kịp thời. Theo đó, Phòng Tham mưu chịu trách nhiệm duy trì nền nếp, chế độ, thời gian công tác, huấn luyện, việc tận dụng thời gian ngoài giờ, các buổi học ngoại khóa đem lại hiệu quả, hiệu suất cao, phát huy trang bị trong huấn luyện, diễn tập. Phòng Chính trị chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động về phong trào, nhất là những biện pháp hay, cách làm tốt, những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến. Phòng Hậu cần - Kỹ thuật chỉ đạo, hướng dẫn, đánh giá kết quả sử dụng phương tiện, trang bị, vật tư, nguyên vật liệu (xe máy, xăng, dầu, điện nước, vật liệu xây dựng...).
Định kỳ 06 tháng, Lữ đoàn tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm thực hiện phong trào, gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ… Quá trình triển khai thực hiện mô hình, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, từ khâu lập kế hoạch, xác định nội dung, chỉ tiêu cho từng tập thể, cá nhân đến việc đánh giá, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân rộng trong toàn đơn vị.
|
|
Chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 16 sử dụng đá, cát, sỏi tự khai thác để thi công các công trình doanh trại. |
Theo đồng chí Đại tá Nguyễn Bá Thủy, Lữ đoàn trưởng, để thực hiện cần, kiệm trong chi tiêu ngân sách, Lữ đoàn yêu cầu các ngành nghiệp vụ, đơn vị tập trung kinh phí thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, SSCĐ; đảm bảo sử dụng kinh phí chặt chẽ, đúng mục đích, đạt hiệu quả cao nhất; kiên quyết rút giảm những nội dung chi tiêu không thật sự cần thiết, nhưng phải đúng nguyên tắc quản lý tài chính. Trong sử dụng cơ sở vật chất, tài sản (phương tiện, vật tư, nguyên liệu, điện, nước, xăng dầu…), phấn đấu đảm bảo mức tiêu thụ tiết kiệm nhất nhưng đạt hiệu quả cao.
Mỗi nhà, phòng của đơn vị đều có công tơ theo dõi điện, nước sử dụng hằng tháng. Khi chi tiêu sinh hoạt cá nhân, mỗi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên phải có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tránh lãng phí. Đối với nội dung “2 tận dụng”, Lữ đoàn động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện giữ tốt, dùng bền, kéo dài niên hạn sử dụng các loại phương tiện, trang bị tài sản dùng chung. Đồng thời, tổ chức thu gom vật liệu, vật tư phế thải; khai thác nguồn cát, đá, sỏi xung quanh đơn vị mình để xây dựng, củng cố khuôn viên doanh trại.
Thượng tá Đặng Thanh Hồng, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn chia sẻ: “Ngay sau khi phát động thực hiện mô hình được các cấp ủy, chi bộ, cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ đồng tình ủng hộ, tích cực tự giác tham gia thực hiện. Nhân các ngày lễ, truyền thống, các đơn vị trực thuộc đều tự giác đăng ký làm công trình kỷ niệm, gắn biển tên đầy đủ; công trình vừa góp phần làm đẹp cảnh quan đơn vị, vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho bộ đội. Để xây dựng các công trình, cán bộ, chiến sĩ tranh thủ ngày nghỉ tổ chức khai thác đá, cát, sỏi... gần đơn vị để củng cố các công trình doanh trại, do đó giảm được 50% chi phí mua nguyên vật liệu. Đặc biệt, các chi đoàn thanh niên đều xây dựng mô hình thu gom phế thải, chai nhựa vừa làm sạch môi trường vừa tận dụng tạo nguồn thu...
Trung tá Trần Thanh Tuấn, Chính trị viên Tiểu đoàn 2 cho biết: “Năm 2012, doanh trại mới xây dựng cơ bản, chưa có khuôn viên, vườn hoa, cây cảnh… Thực hiện mô hình “3 cần, 2 tận dụng”, đơn vị phát huy nội lực, huy động gần 3.000 ngày công của cán bộ, chiến sĩ san lấp mặt bằng; khai thác đá, sỏi đổ bê tông đường đi, xây dựng các công trình tiểu cảnh, bồn hoa trong khuôn viên đơn vị. Hằng năm, đơn vị đều đăng ký xây dựng các công trình chào mừng các ngày lễ lớn, ngày thành lập đơn vị, điển hình như xây dựng mô hình sa bàn Điện Biên Phủ; sa bàn bắn pháo; khu tăng gia sản xuất tập trung; một số công trình thanh niên; tuyến đường tự quản; ao cá thanh niên; hệ thống bảng tin; bảng ảnh…”. Sau hơn 10 năm thực hiện, mô hình “3 cần, 2 tận dụng” mang lại hiệu quả thiết thực, mỗi tháng tiết kiệm được hàng chục triệu đồng ngân sách. Từ khi phát động phong trào đến nay, Lữ đoàn tiết kiệm được 21.850 lít xăng dầu phục vụ san lấp mặt bằng, 76.500 KWh điện, 50.300m³ nước; 32.200 kg chất đốt; khai thác tại chỗ được hơn 1.500m3 cát, 3.200m3 sỏi, 35.000m3 đá để củng cố doanh trại…
Do thực hiện hiệu quả mô hình “3 cần, 2 tận dụng”, Lữ đoàn phát huy tốt tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo trong củng cố, xây dựng khuôn viên doanh trại. Đến nay, 100% đường nội bộ của đơn vị được rải nhựa hoặc bê tông; các khuôn viên, bồn hoa, khu vực trồng cây cảnh, thảm cỏ được quy hoạch gọn, thẩm mỹ cao; vườn rau được quy hoạch cơ bản, xây dựng kiên cố, hợp vệ sinh; hệ thống khẩu hiệu, bảng biển trong doanh trại được làm mới theo mẫu thống nhất chính quy… Với kết quả trên, nhiều năm liền, Lữ đoàn được Bộ tư lệnh Quân khu 4 tặng Cờ thi đua; năm 2023, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc.
Bài, ảnh: HOÀNG TRUNG