Để đáp ứng yêu cầu BĐXD cho huấn luyện SSCĐ, thường xuyên và đột xuất, ngành Xăng dầu Quân chủng luôn phải bảo đảm khối lượng lớn, nhiều chủng loại, yêu cầu chất lượng cao, thời gian chuẩn bị ngắn, phạm vi bảo đảm rộng, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, địa hình bảo đảm phức tạp (ven biển, biển, đảo, nhà giàn…). Song với tinh thần tích cực, chủ động khắc phục khó khăn; nâng cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh tổng hợp, ngành Xăng dầu Hải quân đã triển khai thực hiện quyết liệt, với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong những năm tiếp theo để nâng cao khả năng BĐXD đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành Xăng dầu Hải quân xác định tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Nâng  cao  hiệu  quả  BĐXD đối với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ thường xuyên

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, nâng cao chất lượng công tác xăng dầu (CTXD). Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đối với CTXD. Bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân cho đội ngũ cán bộ, nhân viên xăng dầu; kết hợp chặt chẽ xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu với xây dựng cơ quan, đơn vị xăng dầu vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết; nêu gương người tốt, việc tốt, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong CTXD ở các cấp.

Hai là, xây dựng lực lượng xăng dầu Hải quân theo hướng tinh, gọn, mạnh; nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, lấy yếu tố con người là trung tâm. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của QUTW lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Tổ chức sáp nhập cơ quan hậu cần - kỹ thuật các cấp, song phải đảm bảo được đủ lực lượng xăng dầu làm công tác chuyên môn và phù hợp với Đề án xây dựng ngành Hậu cần Hải quân cách mạng, chính quy, hiện đại theo lộ trình năm 2020-2030. Kiện toàn lực lượng xăng dầu các cấp trong toàn Quân chủng theo hướng thống nhất, chính quy, hoạt động hiệu quả, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên; đồng thời sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khi có tình huống. Duy trì nền nếp chính quy, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ, nhất là bảo đảm trên biển; bồi dưỡng chuyên môn cho nhân viên kỹ thuật, hóa nghiệm viên xăng dầu. Đề xuất nghiên cứu, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cho các đối tượng sĩ quan cấp phân đội tại Học viện Hậu cần sát với tổ chức, biên chế, đặc điểm, nhiệm vụ của các quân binh chủng, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ ngay khi ra trường.

leftcenterrightdel
Tổ chức tiếp dầu trên biển. Ảnh: CTV 

Ba là, phân cấp bảo đảm, dự trữ xăng dầu hợp lý, tạo nguồn ổn định, vững chắc; tăng cường công tác kiểm  tra, phúc tra; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng xăng dầu. Cơ quan Xăng dầu các cấp phát huy vai trò là hạt nhân, trung tâm trong CTXD; tích cực, chủ động hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị, duy trì mọi mặt chế độ CTXD. Tăng cường công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình; kịp thời tham mưu với cấp  ủy, chỉ huy triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm hiệu quả xăng dầu cho các nhiệm vụ và lực lượng.

Chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, phân cấp bảo đảm hợp lý, kết hợp linh hoạt các phương thức BĐXD kịp thời cho nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, SSCĐ. Thực hiện điều chỉnh cơ cấu xăng dầu; phương tiện kỹ thuật vật tư xăng dầu hợp lý, cân đối giữa các cấp, khu vực theo yêu cầu, nhiệm vụ, trọng tâm là bảo đảm cho các lực lượng trực SSCĐ, nhất là lực lượng tàu trực trên biển tại các khu vực trọng điểm; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm cứu hộ cứu nạn… Phân cấp kinh phí cho các đơn vị chủ động tạo nguồn, mua một số chủng loại dầu mỡ nhờn đặc chủng; bám sát diễn biến thị trường, biến động giá xăng dầu, kịp thời mua đủ số lượng xăng dầu theo kế hoạch, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.

Tiếp tục phối hợp với các cấp, cơ quan liên Bộ tháo gỡ các bất cập trong công tác đấu thầu mua xăng dầu phân cấp hiện nay phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ thực tiễn các hoạt động quân sự. Chấp hành nghiêm nguyên tắc, chế độ công tác Ngành gắn liền phân cấp bảo đảm đi đôi với phân cấp quản lý. Nâng cao chất lượng hiệu quả trên tất cả các mặt từ lập nhu cầu, phân bổ và quản lý sử dụng xăng dầu theo hạn mức, bảo đảm đúng nhiệm vụ và tiết kiệm. Kiên quyết không sử dụng quá hạn mức khi không có nhiệm vụ đột xuất, phát sinh. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng xăng dầu các nguồn quốc phòng và nguồn ngân sách khác.

Quy định thực hiện phân cấp dự trữ xăng dầu SSCĐ hợp lý. Duy trì chế độ công tác kiểm tra, phúc tra theo đúng quy định. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh khắc phục hạn chế; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác quản lý, sử dụng xăng dầu. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả” đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực. Thực hiện khảo sát tiềm năng huy động xăng dầu từ nền kinh tế quốc dân, khả năng bảo đảm của địa phương trên từng khu vực đóng quân; định vị trước các doanh nghiệp, phương tiện vận chuyển, kho tàng dân sự, sẵn sàng huy động khi có nhiệm vụ; thường xuyên triển khai phối hợp, hiệp đồng hiệu quả giữa các lực lượng Quân đội với chính quyền địa phương, cơ quan, doanh nghiệp dân sự.

Bốn là, phát huy hiệu quả cơ sở bảo đảm hiện có; đầu tư mua sắm trang bị, phương tiện mới, bảo đảm cho nhiệm vụ thường xuyên, sẵn sàng bảo đảm khi có tình huống tác chiến. Trước mắt, khai thác sử dụng phát huy hiệu quả các cơ sở bảo đảm, trang thiết bị, phương tiện hiện có để bảo đảm cho nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị. Bảo đảm đủ ngân sách cho công tác cải tạo, sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng các kho xăng dầu và phương tiện vật tư, khí tài xăng dầu; củng cố các phòng hóa nghiệm xăng dầu; thực hiện xây mới, cải tạo, mở rộng sức chứa kho xăng dầu. Sử dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành hệ thống các kho, nâng cao khả năng cấp phát với lưu lượng lớn, bảo đảm cùng lúc cho nhiều tàu, sẵn sàng bảo đảm cho biên đội tàu xuất phát nhanh khi có nhiệm vụ.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh, quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ các kho, trạm xăng dầu thuộc các căn cứ hậu cần, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, sẵn sàng bảo đảm tác chiến, phù hợp với thế bố trí lực lượng và phân chia chiến trường biển, đảo của các vùng hải quân, tạo sự gắn kết chặt chẽ với thế bố trí xăng dầu chiến lược, quân khu, tỉnh, thành phố và phương thức bảo đảm xăng dầu trong tác chiến. Xây dựng hệ thống kho xăng dầu ở các đảo Trường Sa, đảo gần bờ có sức chứa trữ phù hợp, tạo thành các cơ sở bảo đảm tại chỗ, bảo đảm phát triển kinh tế - quốc phòng, hình thành thế trận “bờ - biển - đảo” liên hoàn, vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng. Đầu tư đóng mới giai đoạn từ năm 2023 - 2030, Quân chủng có 1 - 2 tàu Vận tải tổng hợp đa năng; 3 - 5 tàu (sà lan) chở dầu thay thế các tàu dầu đã quá cũ để các Vùng thực hiện vận chuyển trong vụng (vịnh), gần bờ cấp phát, tiếp nhận xăng dầu giữa các khu vực. Giai đoạn tiếp theo, mỗi vùng hải quân có ít nhất 1 tàu vận tải tổng hợp đa năng.

Năm là, tăng cường hoạt động đối ngoại quân sự, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật xăng dầu. Tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại quân sự, hợp tác quốc phòng về lĩnh vực xăng dầu, nhất là với các nước có nền khoa học công nghệ hiện đại theo chương trình đối ngoại quân sự của Quân chủng  để  tiếp  cận  công  nghệ mới, nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng BĐXD các cấp. Phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Viện Kỹ thuật xăng dầu Quân đội tiếp tục mở mới, nghiên cứu, hợp tác chuyển giao công nghệ, tiến tới làm chủ hoàn toàn việc sản xuất các chủng loại dầu mỡ nhập khẩu, đặc biệt là các loại dầu  mỡ kỹ  thuật  bảo  đảm cho lực lượng tàu chiến đấu mặt nước, tàu ngầm, tên lửa và không quân. Áp dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa vào các mặt CTXD. Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào quản lý đồng bộ dữ liệu theo thời gian thực lượng nhiên liệu tồn ở các kho cấp vùng và Quân chủng; tiếp tục cải tiến kỹ thuật bộ cấp phát dầu trên biển, nâng cao hiệu quả cấp phát nhiên liệu trên biển. Phát triển, xây dựng phần mềm quản lý xăng dầu, khí tài xăng dầu thống nhất, đảm bảo tính thực tiễn, hiệu quả trong quản lý dữ liệu; quy chuẩn đồng bộ kích thước đầu cấp - nhận, khớp nối nhanh trên tất cả các tàu quân sự và tàu dân sự được huy động.

Sáu là, thường xuyên phối hợp với các quân binh chủng; đặc biệt là Quân chủng PK-KQ để trao đổi, hiệp đồng các biện pháp BĐXD cho lực lượng Không quân Hải quân và các quân binh chủng khác trên bờ, biển, các đảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đạt hiệu quả cao và đảm bảo an toàn. Hiện nay, ngoài việc bảo đảm cho lực lượng và phương tiện có trong biên chế, Quân chủng Hải quân còn phải bảo đảm thêm cho các lực lượng và phương tiện của các quân binh chủng khác hoạt động trên vùng biển xa theo nhiệm vụ của các đơn vị và mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng như: Cảnh sát biển, Quân khu 7, Quân khu 9, Tổng cục II… Đặc biệt là bảo đảm cho các lực lượng, đơn vị, phương tiện của Quân chủng Phòng không - Không quân, Không quân Hải quân đang đóng quân trên các đảo như Trường Sa Lớn, Song Tử, Sinh Tồn… với yêu cầu bảo đảm khối lượng lớn, chất lượng rất cao, phương tiện bảo đảm khó khăn, điều kiện bảo đảm trong môi trường khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp. Do đó, phải phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Quân chủng Hải quân và các quân binh chủng khác trong công tác BĐXD.

Nâng cao hiệu quả BĐXD đối với các lực lượng trong các tình huống tác chiến

Một là, tích cực, chủ động chuẩn bị chu đáo, toàn diện; bố trí kho, trạm xăng dầu tạo thế bảo đảm liên hoàn, vững chắc, cơ động cao. Xuất phát từ đặc điểm CTXD của Quân chủng Hải quân: Bảo đảm cho nhiều thành phần, lực lượng (đơn vị tàu, Hải quân đánh bộ, tên lửa bờ, Không quân Hải quân, Đặc công, đảo, nhà giàn…); bảo đảm trong không gian rộng (từ các đơn vị phía Bắc đến Phú Quốc), ở nhiều môi trường, địa hình khác nhau (đất liền; trên biển, đảo, nhà giàn…); thời tiết phức tạp; khối lượng bảo đảm lớn, nhiều chủng loại, yêu cầu chất lượng cao; trang bị phương tiện cấp phát xăng dầu hạn chế… Mặt khác, trong BĐXD tác chiến còn liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

Do đó trong giai đoạn chuẩn bị, nhất là giai đoạn chuẩn bị trực tiếp cần phải chủ động chuẩn bị chu đáo, toàn diện theo nguyên tắc lấy bảo đảm tại bờ, tại căn cứ là chính, kết hợp với bảo đảm trong quá trình tác chiến. Hoạt động tác chiến trên biển biến đổi mau lẹ, các tàu hoạt động trong không gian rộng, có thể từ khu sơ tán bí mật hoặc từ căn cứ thường xuyên cơ động ra khu đợi cơ hoặc ra thẳng khu vực làm nhiệm vụ (nhiệm vụ BM, BV), ra vị trí hỏa lực (nhiệm vụ CV)…, lượng xăng dầu tiêu hao rất lớn, nhất là đối với tàu chiến, vì vậy phải có kế hoạch (phương án) tiếp tế bổ sung ở nhiều khu vực mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến, do đó cần phải bố trí kho trạm xăng dầu phù hợp tạo thế bảo đảm liên hoàn, vững chắc, cơ động cao, có lực lượng ở căn cứ tại bờ, có lực lượng cơ động phía trước trên biển, trên các đảo gần bờ…

Hai là, phát huy sức mạnh nguồn BĐXD tại chỗ, kết hợp với khả năng bảo đảm của cấp trên, địa phương trong khu vực phòng thủ tạo nguồn BĐXD ổn định, vững chắc. Thực tiễn trong BĐXD thường xuyên và trong thực hiện nhiệm vụ tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo thời gian qua cho thấy, các đơn vị đã phát huy được sức mạnh to lớn từ nguồn bảo đảm tại chỗ của các đơn vị kết hợp với các nguồn bảo đảm khác (trên cấp, khai thác tại địa phương…) kịp thời bảo đảm đầy đủ cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ; đồng thời khẳng định, chỉ có kết hợp giữa các nguồn bảo đảm, mới giải quyết được những khó khăn do yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Trong tác chiến bảo vệ biển, đảo, công tác BĐXD có những thuận lợi cơ bản, có chỗ dựa vững chắc từ nền kinh tế của các tỉnh ven biển phát triển mạnh, nhất là sự phát triển của các doanh nghiệp, các công ty xăng dầu địa phương…; do đó, các đơn vị có điều kiện trực tiếp khai thác xăng dầu tại chỗ phục vụ cho tác chiến kịp thời, đầy đủ theo kế hoạch…

Vì vậy, hiện nay trong BĐXD tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc cần tiếp tục phát huy sức mạnh của nguồn tại chỗ, tạo nguồn BĐXD ổn định, vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phát huy sức mạnh của từng cấp, tổ chức BĐXD cho các lực lượng tác chiến thắng lợi. Tác chiến bảo vệ biển, đảo có sự phối hợp, hiệp đồng của rất nhiều lực lượng, không chỉ lực lượng của Hải quân mà có cả các lực lượng tăng cường, phối thuộc, chuyển thuộc (Cảnh sát biển, tàu cá dân sự, Hải đội dân quân thường trực…).

Vì vậy, các đơn vị phải chủ động hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với đơn vị bạn, các công ty, cơ sở BĐXD của Tổng cục Hậu cần, khu vực phòng thủ để khai thác tạo nguồn cung cấp xăng dầu cho đơn vị, nhất là phải hiệp đồng chặt chẽ, cụ thể thống nhất về trách nhiệm bảo đảm, phương thức bảo đảm, tổ chức tiếp nhận, vận chuyển tiếp tế bổ sung trên biển…, bảo đảm liên tục trong các giai đoạn tác chiến, không để gián đoạn.

Thực tiễn từ BĐXD trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các đơn vị Hải quân đã tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với cấp trên, cấp dưới, đơn vị bạn và với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương để tiếp nhận, khai thác và BĐXD cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ; nhất là đã tổ chức tốt công tác hiệp đồng bảo đảm cho lực lượng tăng cường, phối thuộc, chuyển thuộc (lực lượng Cảnh sát biển, tàu cá ngư dân…).

Bốn là, chỉ huy, chỉ đạo BĐXD kiên quyết, linh hoạt, sáng  tạo. Trong chỉ huy, chỉ đạo BĐXD tác chiến bảo vệ biển, đảo phải kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo; quán triệt sâu sắc nhiệm vụ tác chiến, bám sát quyết tâm, diễn biến thực tế và yêu cầu bảo đảm; nắm chắc các quyết định, chỉ thị của trên, tình hình, khả năng cấp mình, cấp trên, đơn vị bạn có liên quan… Đề ra kế hoạch sát đúng, chủ động, linh hoạt, cụ thể, xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm của từng giai đoạn.

Trong giai đoạn chuẩn bị, tập trung chỉ huy, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ khai thác, tiếp nhận và bảo đảm cho đơn vị kịp thời, đầy đủ; xây dựng kế hoạch BĐXD và tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng... Công tác chuẩn bị phải được tiến hành toàn diện, thiết thực, kịp thời. Trong giai đoạn tác chiến, theo dõi, bám sát diễn biến tình hình, dự kiến chính xác các yêu cầu, chủ động chuẩn bị, xử trí linh hoạt các tình huống về xăng dầu. Sau tác chiến, nhanh chóng khôi phục sức chiến đấu ở các tàu, kho trạm, đơn vị; củng cố cơ quan, kho trạm xăng dầu; giải quyết các vấn đề liên quan, giữ vững đoàn kết giữa các lực lượng.

Những năm tới, công tác BĐXD cho các nhiệm vụ của Quân chủng ngày càng nặng nề, liên tục, khẩn trương. Quá trình tổ chức BĐXD gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp; đặt ra cho ngành Xăng dầu Hải quân phải tiếp tục bám sát yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình  mới… để tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ  huy các cấp tiếp tục điều chỉnh, bổ sung kịp thời các biện pháp, bảo đảm kịp thời, đầy đủ xăng dầu cho các lực lượng làm nhiệm vụ SSCĐ, thường xuyên và đột xuất, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thượng tá ĐÀO TƯ THƯƠNG, Phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân