Thời gian qua, công tác QHXD doanh trại của các đơn vị toàn quân có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả tốt. Theo báo cáo của Cục Doanh trại cho thấy: Công tác quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng doanh trại được thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch và quy định của Bộ Quốc phòng (BQP). Nội dung quy hoạch cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại các văn bản hiện hành của BQP và Tổng cục Hậu cần (TCHC). Kết quả 100% quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại được phê duyệt trước khi trình phê duyệt dự án; có 94,57% số cơ sở doanh trại từ cấp tiểu đoàn và tương đương trở lên được phê duyệt quy hoạch, hơn 30 đơn vị có số cơ sở doanh trại phê duyệt quy hoạch trên 90%. Nhiều đơn vị có QHXD doanh trại chất lượng tốt, ổn định, lâu dài, phân khu chức năng rõ ràng, hợp lý, tận dụng được các công trình còn giá trị sử dụng phù hợp với quy hoạch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác  QHXD  doanh trại vẫn còn những hạn chế bất cập, cụ thể là: Về tổ chức lập quy hoạch chưa nghiên cứu, khảo sát kỹ các đặc điểm tự nhiên  như địa hình, khí hậu, thủy văn… khu vực xây dựng và hiện trạng các công trình doanh trại dẫn tới chất lượng đồ án quy hoạch thấp. Việc đề xuất, lựa chọn phương án quy hoạch san nền, xây dựng công trình và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa khoa học, đồng bộ các khu chức năng, thiếu tính ổn định, lâu dài. Quy mô các hạng mục công trình xây dựng chưa phù hợp tổ chức, biên chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn về diện tích và yêu cầu, nhiệm vụ đơn vị.

Một số công trình có quy mô thiếu hoặc vượt quá tiêu chuẩn quy định; bố trí công trình nhà ở, nhà làm việc theo hướng bất lợi; diện tích sân, đường lớn chưa liên hoàn giữa các khu chức năng. Hồ sơ quy hoạch chưa đầy đủ thành phần, thiếu nội dung; nhiệm vụ quy hoạch chưa được lập hoặc lập sơ sài, chưa tính toán chi tiết cụ thể, chưa lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan và thông qua cấp ủy đảng của cơ quan, đơn vị cùng cấp. Có tình trạng thay đổi quy hoạch khi thay đổi người chỉ huy; trình phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa được phê duyệt quy hoạch dẫn đến không đủ cơ sở đánh giá sự phù hợp dự án với thực trạng khu đất xây dựng...

leftcenterrightdel
 Khuôn viên Lữ đoàn Công binh 25/ Ảnh minh họa/qdnd.vn 

Nguyên nhân trên xuất phát từ sự thiếu quan tâm trong công tác quản lý của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị. Chưa phát huy trí tuệ tập thể trong tham gia ý kiến lập quy hoạch; trình độ kinh nghiệm của  một số đơn vị tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế. Kinh phí bảo đảm cho công tác lập quy hoạch còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu. Cơ quan chuyên môn chưa thực hiện tốt chức năng tham mưu với thủ trưởng đơn vị về công tác quy hoạch; chưa quyết liệt kiểm tra, giám sát và thực hiện các chế tài xử lý khi phát hiện vi phạm công tác quy hoạch. Việc quán triệt và tổ chức chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch của Nhà nước, BQP còn chưa đầy đủ, kịp thời và hiệu quả. Công tác kiểm tra, chỉ đạo của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, sâu sát, cụ thể; trình độ, năng lực, kinh nghiệm của cơ quan chuyên môn còn hạn chế…

Để nâng cao chất lượng QHXD doanh trại Quân đội, cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác QHXD doanh trại của người đứng đầu.

Đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định pháp luật về quy hoạch, ĐTXD; tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế số 823-QC/QUTW ngày 18/12/2021 của Quân ủy Trung ương (QUTW) đối với công tác đầu tư và xây dựng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực  hiện  nghiêm Chỉ thị số 117/CT-BQP ngày 02/8/2017 về việc chấn chỉnh công tác QHXD doanh trại, tuyệt đối không phá dỡ các công trình còn niên hạn sử dụng trên 10 năm; trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của thủ trưởng BQP. Trong mọi trường hợp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Thường vụ QUTW, Thủ trưởng BQP và trước pháp luật về công tác QHXD doanh trại thuộc phạm vi do mình quản lý. Nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động QHXD theo quy định tại Điều 13 Luật Quy hoạch 2017.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có QHXD tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực, tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật để tham gia giúp cơ quan, đơn vị lập QHXD doanh trại phù hợp với dự án đầu tư. Tổ chức lấy ý kiến tham khảo các cơ quan, đơn vị có liên quan đóng góp ý kiến cho QHXD doanh trại; chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền triển khai lập, trình phê duyệt hoặc phê duyệt QHXD doanh trại theo đúng quy định; đề nghị BQP quan tâm nguồn lực, hỗ trợ kinh phí QHXD doanh trại. Tận dụng mọi nguồn kinh phí để thực hiện lập QHXD; quản lý ĐTXD, khai thác, sử dụng doanh trại theo đúng quy hoạch.

Hai là, nâng cao chất lượng lập QHXD doanh trại.

Khi tổ chức lập nhiệm vụ và tiến hành QHXD chú ý tổ chức khảo sát, nghiên cứu kỹ đặc điểm tự nhiên, địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn khu vực xây dựng và điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của địa phương, tham khảo quy hoạch trước. Đây là cơ sở quan trọng để lập QHXD doanh trại đảm bảo khoa học, khai thác tối đa đặc điểm tự nhiên, hạn chế san lấp phá vỡ liên kết tự nhiên của nền đất, ảnh hưởng tiêu thoát nước, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở do mưa lũ, mất an toàn khi sử dụng.

QHXD doanh trại phải đồng bộ với hệ thống công trình chiến đấu (nếu có). Nghiên cứu tận dụng diện tích cây xanh, thảm cỏ, mặt nước tạo cảnh quan hài hòa trong doanh trại. Tăng cường bố trí vị trí trồng cây xanh, đào hồ ao nếu điều kiện cho phép để cải thiện môi trường và không gian sinh hoạt ngoài trời cho bộ đội. Bố trí công trình phải đảm bảo yêu cầu thông thoáng, hạn chế nắng nóng vào mùa hè, gió lạnh vào mùa đông, tránh vị trí khe, vùng tụ thủy, sạt lở đất, lũ cuốn.

Bố trí công trình chú trọng các chỉ số mật độ xây dựng; cự ly khoảng cách an toàn giữa các công trình trong doanh trại và các công trình lân cận... đảm bảo thông thoáng, giảm thiểu tác động của khí hậu, thời tiết và môi trường. Nghiên cứu QHXD các công trình nằm trên khu đất hẹp đảm bảo vừa tiết kiệm đất, vừa phù hợp với tổ chức biên chế và tính chất hoạt động của đơn vị. Bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với quy hoạch của khu vực,  tuân  thủ  các  quy định của địa phương, phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất khu vực, tránh phá vỡ cảnh quan môi trường, đảm bảo đồng bộ và hợp lý khi sử dụng.

Chỉ tiêu quy hoạch phải được tính toán dựa trên quy mô các hạng mục công trình xây dựng theo tổ chức, biên chế, yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị. Phân kỳ đầu tư phù hợp, hạn chế tối đa việc phá dỡ các công trình còn niên hạn sử dụng, chất lượng còn tốt. Bố trí tầng hầm cho các công trình xây dựng ở địa bàn có tính chất trọng điểm về quốc phòng và các công trình nhà cao tầng đảm bảo tính lưỡng dụng theo Luật Quốc phòng và Nghị định của Chính phủ về phòng thủ dân sự. Quá trình lập, thẩm định quy hoạch làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng của địa phương về đấu nối hạ tầng, quy hoạch lĩnh vực liên quan phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ba là, chú trọng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ QHXD doanh trại.

Hồ sơ QHXD doanh trại được lập như loại hình quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng theo hình thức rút gọn, gồm nhiệm vụ quy hoạch, thuyết minh và các bản vẽ quy hoạch. Cụ thể:

Nội dung nhiệm vụ quy hoạch gồm: Lý do, sự cần thiết, căn cứ lập quy hoạch; vị trí, phạm vi ranh giới, diện tích khu đất; đặc điểm tự nhiên và hiện trạng; dự kiến các khu chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch chung; yêu cầu về điều tra khảo sát, thu thập tài liệu, số liệu, đánh giá hiện trạng; các yêu cầu đối với việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan (chiều cao, hình thức, kiến trúc, màu sắc, vật liệu chủ đạo...), kết nối hạ tầng kỹ thuật; số lượng, quy cách của sản phẩm hồ sơ quy hoạch; kế hoạch và tiến độ thực hiện.

Nội dung thuyết minh quy hoạch, gồm: Xác định phạm vi, quy mô diện tích quy hoạch; đánh giá điều kiện tự nhiên; hiện trạng sử dụng đất,  các công trình kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và môi trường khu vực lập quy hoạch; xác định mục tiêu quy hoạch; chức năng sử dụng đất, chỉ giới xây dựng công trình; xác định khu vực xây dựng công trình ngầm (nếu có); quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; tính toán quy mô xây dựng các hạng mục công trình và chỉ tiêu quy hoạch xây dựng; xác định phân kỳ thực hiện quy hoạch.

Nội dung bản vẽ quy hoạch gồm: sơ đồ vị trí, phạm vi ranh giới khu đất quy hoạch; bản vẽ tổng mặt bằng hiện trạng khu đất quy hoạch; bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại thể hiện trên nền bản đồ địa hình (tỷ lệ 1/500).

Hồ sơ quy hoạch trước khi trình thẩm định phải được người chỉ huy báo cáo, thông qua cấp ủy đảng của cơ quan, đơn vị cùng cấp, tuân thủ Điều 14 Quy chế số 823-QC/QUTW. Cơ quan, đơn vị lập hồ sơ QHXD doanh trại kèm theo tờ trình; quyết định vị trí đóng quân; tổ chức, biên chế của cơ quan, đơn vị; quyết định giao đất hoặc chứng nhận quyền sử dụng đất của đơn vị; thông tin về các chỉ tiêu quy hoạch chung của địa phương; hồ sơ năng lực của tổ chức, cá nhân lập quy hoạch báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Bốn là, tăng cường quản lý, thực hiện và điều chỉnh quy hoạch.

Cơ quan doanh trại cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và các đơn vị trực thuộc BQP tham mưu với thủ trưởng đơn vị chỉ đạo cơ quan chuyên môn và đơn vị thuộc quyền tăng cường quản lý, rà soát các cơ sở doanh trại được ĐTXD hoặc có trong kế hoạch, chương trình ĐTXD trung hạn (2021-2025) trước khi trình phê duyệt dự án hoặc trước  năm kế hoạch, đảm bảo 100% phải được phê duyệt quy hoạch theo quy định.

Trên cơ sở QHXD doanh trại được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị quản lý việc ĐTXD đảm bảo chặt chẽ theo đúng các chỉ tiêu quy hoạch được duyệt. Có đầy đủ biển chỉ dẫn, sơ đồ, hệ thống biển, bảng, khẩu hiệu… theo đúng quy định của BQP. Tổ chức xây dựng, cải tạo hạng mục công trình và hạ tầng kỹ thuật đúng quy hoạch (quy hoạch điều chỉnh) được duyệt. Quá trình thực hiện công tác quy hoạch doanh trại luôn gắn với việc hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý các điểm đất quốc phòng do đơn vị được giao quản lý, sử dụng theo quy định; sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả; quản lý chặt chẽ ranh giới, diện tích, không để xảy ra tranh chấp, lấn chiếm.

Hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh quy hoạch khi thay đổi lãnh đạo, chỉ huy, dẫn đến phải phá dỡ công trình mới được đầu tư, chưa hết niên hạn sử dụng hoặc đã hết niên hạn sử dụng nhưng chất lượng còn tốt, gây lãng phí đầu tư công. QHXD doanh trại chỉ được điều chỉnh khi chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế của đơn vị có sự thay đổi; không còn phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hoặc tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến định hướng quy hoạch của đơn vị. Việc điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo tính kế thừa của các QHXD doanh trại trước đã lập và phê duyệt theo quy định.

QHXD doanh trại là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, ngành trong đơn vị. Do vậy, cơ quan doanh trại phải nắm chắc các quy định, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tham mưu với cấp ủy, chỉ huy đơn vị thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý QHXD, góp phần nâng cao chất lượng ĐTXD doanh trại trong đơn vị Quân đội.

Thượng tá, ThS VŨ THANH HẢI, Học viện Hậu cần