Tuy nhiên, hệ thống vườn, ao, chuồng, trạm chế biến của một số đơn vị xây dựng lâu năm đã xuống cấp. Mặt khác, việc duy trì hoạt động TGSX, CB tại một số đơn vị còn nhiều hạn chế, nhất là việc ứng dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt; phương pháp quản lý, hạch toán sản phẩm TGSX, CB còn nhiều bất cập. Do đó, kết quả TGSX, CB chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và hiệu quả đầu tư...

Để góp phần nâng cao chất lượng đời sống bộ đội, đầu năm 2023, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng xác định tập trung đột phá công tác TGSX, CB theo hướng “Mô hình - Cơ cấu - Hiệu quả”, phát triển bền vững, thiết thực. Trong đó, tập trung vào 4 nội dung, 35 tiêu chí là: Công tác lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo và triển khai thực hiện; công tác TGSX; công tác CB; xây dựng nền nếp chính quy, quản lý thực hành tiết kiệm. Để đột phá thành công, Cục Hậu cần đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 75 đồng chí chỉ huy cơ quan hậu cần, trưởng ngành quân nhu, trợ lý hậu cần và nhân viên phụ trách công tác TGSX, CB trong toàn Binh chủng. Nội dung tập trung vào khắc phục hạn chế trong công tác TGSX, CB; giải pháp bảo đảm rau giáp vụ; hạch toán sản phẩm; quản lý, sử dụng mẫu biểu, sổ sách theo dõi TGSX, CB; hệ thống bảng biểu chính quy nhà ăn, nhà bếp, trạm chế biến, khu TGSX... Binh chủng bảo đảm một phần kinh phí, trích quỹ vốn hỗ trợ đơn vị xây dựng, củng cố chuồng trại, trạm chế biến, vườn rau... theo phương châm trên dưới cùng lo, cùng làm.

leftcenterrightdel
 Vườn rau chuyên canh của Lữ đoàn 229. Ảnh: CTV 

Trên cơ sở kế hoạch, hướng dẫn của Cục Hậu cần và Phòng Quân nhu, cấp ủy các cấp ra nghị quyết lãnh đạo, nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch thực hiện, hiệu quả lãi thu từ TGSX, CB; chế độ thống kê báo cáo; hệ thống đảm bảo khả thi cao. Tích cực tuyên truyền, động viên cán bộ, nhân viên, chiến sĩ nhiệt tình tham gia; huy động mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện. Cơ quan hậu cần thực hiện tốt chức năng tham mưu với cấp ủy đảng, người chỉ huy; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan thực hiện chủ trương đột phá TGSX, CB gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động khác. Sau 1 năm thực hiện, kết quả đạt được như sau:

Trên cơ sở quân số ăn tại bếp, nhiệm vụ, điều kiện đất đai, ao hồ hiện có, các đơn vị quy hoạch lại khu TGSX phù hợp với tổng thể quy hoạch doanh trại. Bổ sung 396m3 đất màu; cải tạo  36.970m2 đất trồng; làm mới  và  củng cố, sửa chữa 4.830m2 giàn cây leo; 3.382m2 nhà lưới; 18.155m đường ống tưới nước tự động; mở rộng 6.500m2 đất trồng cỏ voi, ngô, sắn tạo nguồn thức ăn chăn nuôi. Đến nay, 100% đầu mối đơn vị có khu trồng trọt tập trung, đủ 5 loại vườn với diện tích, cơ cấu cây trồng phù hợp.

Trong đó, vườn trồng rau chuyên canh có từ 4-6 loại rau ăn lá, 2-3 loại cây trồng lấy củ, quả bảo đảm đủ nhu cầu thường xuyên, dự trữ giáp vụ và sẵn sàng cho tình huống thiên tai, bão lũ. Các đơn vị có thế mạnh về diện tích đất trồng tích cực đầu tư kinh phí củng cố, sửa chữa, làm mới, mở rộng vườn rau có mái che, hệ thống tưới nước tự động để trồng các loại rau cao cấp, rau trái vụ. Xây dựng hệ thống giàn cố định trồng cây lấy quả như: mướp hương, mướp đắng, bầu, bí, dưa chuột, cà chua, su su, đậu đũa…

Đối với phân đội đóng quân xa, lẻ như kho, trạm... tận dụng đất trống quy hoạch vườn, giàn trồng các loại rau, cây leo giàn, tăng khả năng tự bảo đảm, dự trữ rau cho bếp ăn. Nhiều đơn vị quan hệ tốt với địa phương, cơ sở chăn nuôi, trồng trọt được hỗ trợ một phần đất màu, phân bón hữu cơ, cây giống, con giống. Hiện, toàn Binh chủng có 119.370m2 vườn trồng rau, trong đó vườn rau có mái che 12.650m2, tự túc 100% định lượng rau ăn lá và trên 85% củ quả.

leftcenterrightdel
 Vườn rau chuyên canh của Lữ đoàn 229. Ảnh: CTV 

Cùng với đó, các đơn vị duy trì và mở rộng vườn trồng cây ăn quả phù hợp với cảnh quan môi trường, quy hoạch của đơn vị, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Đã trồng mới 1.410m2 cây ăn quả thay thế cây bị thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp bằng cây ăn quả ngắn ngày; đầu tư xây dựng nhà lưới trồng các loại dưa để đa dạng sản phẩm phục vụ bữa ăn. Liên hệ, hiệp đồng với cơ quan nông nghiệp, cơ sở cung ứng cây giống có uy tín, chất lượng trên địa bàn mua cây giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Hiện nay, cơ bản các đơn vị có vườn cây ăn quả được quy hoạch trồng chuyên canh chuối, đu đủ, ổi, dưa, nhãn, vải, thanh long, táo, mít, bưởi, cam, quýt... cho thu hoạch quanh năm.

Đi đôi với trồng trọt, các đơn vị phát huy thế mạnh hiện có tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp, đảm bảo có đủ 3 chuồng (nuôi lợn nái, lợn thịt, gia cầm) và khu chăn nuôi gia súc, thủy cầm tại một số đơn vị có điều kiện. Bằng nguồn kinh phí trên cấp, kết hợp trích quỹ vốn, toàn Binh chủng xây mới, củng cố 2.240m2 chuồng nuôi gia súc, gia cầm; lắp đặt 2.210m2 hệ thống làm mát chuồng chăn nuôi. Do đó, hệ thống chuồng chăn nuôi tập trung được quy hoạch khoa học, hợp lý; thiết kế, xây dựng cơ bản, có khu vực sát trùng, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay, các đơn vị duy trì thường xuyên 3 người/ đầu lợn; cấp lữ đoàn, trường và tương đương nuôi 20 lợn nái trở lên; các tiểu đoàn, đại đội độc lập có từ 2-3 con lợn nái để chủ động con giống và giảm chi phí chăn nuôi. Tổ chức nuôi từ 3-4 lứa gia cầm thịt/năm, đảm bảo 2 con gia cầm thịt/người. Đơn vị có điều kiện phát triển đàn gia cầm đẻ trứng tự bảo đảm nhu cầu trứng. Một số đơn vị có trại chăn nuôi tập trung phát triển trâu, bò, dê và gia súc khác đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với hệ thống chuồng hiện nay, toàn Binh chủng luôn duy trì nuôi từ 2.400 - 2.700 con lợn; 22.000-23.000 con gia cầm, tăng 11,5% so với trước, tự túc trên 85% nhu cầu thịt lợn, 75% nhu cầu thịt gia cầm.

Phát huy lợi thế ao hồ sẵn có, các đơn vị tận dụng phương tiện xe máy để củng cố, nạo vét 34.700m2 ao, hồ, kè bờ chắc chắn, ứng dụng kỹ thuật mới, sử dụng chế phẩm sinh học cải tạo môi trường ao để nuôi cá theo hướng nhiều lứa thâm canh, bán thâm canh tăng năng suất; tận dụng phụ phẩm từ vườn rau, nhà ăn, nhà bếp, trạm chế biến làm thức ăn cho cá để hạ giá thành sản phẩm. Tổ chức thu hoạch theo lứa cung cấp cho các bếp ăn. Với biện pháp tích cực, đến nay, toàn Binh chủng có 156.540m2 ao, hồ nuôi thả cá nước ngọt, đáp ứng trên 50% nhu cầu cá tươi.

Trên cơ sở trạm chế biến tập trung và khu chế biến tại bếp, các đơn vị đầu tư thay mới trang thiết bị chế biến đảm bảo chính quy, giảm công sức lao động và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh. Năm 2023, toàn Binh chủng xây mới và củng cố 401m2 khu chế biến; bảo đảm đồng bộ 107 bộ vại muối dưa, ngâm ủ giá đỗ, khuôn gói giò cho các đơn vị làm nhiệm vụ phân tán; thay mới 4 máy làm đậu phụ, 6 máy xay thịt cho trạm chế biến tập trung. Hiện nay, trạm chế biến được thiết kế liên hoàn, đúng kỹ thuật, dụng cụ thiết bị đồng bộ, đáp ứng quy mô chế biến của đơn vị. 100% trạm chế biến tập trung tổ chức giết mổ lợn, gia cầm do đơn vị tự chăn nuôi; tự túc 100% nhu cầu đậu phụ, giá đỗ, giò, chả cung cấp cho bếp ăn.

Cùng với các nội dung trên, nền nếp hoạt động quản lý công tác TGSX, CB của các đơn vị được nâng lên rõ rệt. Hệ thống sổ sách quản lý đảm bảo đủ số lượng, thống nhất hình thức, nội dung ghi chép, phương pháp hạch toán. Việc quản lý nguồn thu lãi từ TGSX, CB chặt chẽ hơn, sử dụng đúng nguyên tắc, đảm bảo hiệu quả. Giá sản phẩm đưa vào bữa ăn thống nhất, thấp hơn giá thị trường theo từng thời điểm từ 8-25%.

Từ kết quả thực hiện đột phá công tác TGSX, CB của Binh chủng, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm là: Quá trình triển khai cần có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các ngành liên quan. Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong toàn đơn vị về mục đích, ý nghĩa TGSX, CB đối với chất lượng đời sống, tạo sự đồng thuận cao, không khí thi đua sôi nổi. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức thực hiện, đảm bảo đúng nội dung, yêu cầu đề ra, đồng thời gắn việc thực hiện đột phá của Ngành với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Kế hoạch, hướng dẫn đột phá phải sát với tình hình thực tế đơn vị, nhất là đặc điểm, nhiệm vụ, diện tích đất đai, chuồng trại, khí hậu, thổ nhưỡng. Cơ quan hậu cần giữ vai trò nòng cốt trong tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy về chủ trương, biện pháp thực hiện; làm tốt chức năng chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức thực hiện đảm bảo khoa học, hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, chỉ ra những điểm còn tồn tại, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ đơn vị kịp thời khắc phục, rút ra kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt hơn các nội dung, tiêu chí đột phá, đảm bảo ổn định bền vững.

Thực hiện thống kê, theo dõi, quản lý sử dụng sản phẩm TGSX, CB chặt chẽ, công khai, đúng quy định. Kịp thời động viên, có chính sách khuyến khích đội ngũ nhân viên trực tiếp làm công tác TGSX, CB gắn với trách nhiệm, quyền lợi cụ thể. Tích cực tổ chức hội thi, hội thao, tham quan các mô hình TGSX, CB để các đơn vị có điều kiện học hỏi, rút kinh nghiệm lẫn nhau trong tổ chức thực hiện.

Với chủ trương đúng, quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt, cách làm khoa học, đến nay, công tác TGSX, CB trong toàn Binh chủng có bước phát triển mạnh mẽ, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ chất lượng cao, thiết thực cải thiện đời sống bộ đội.

Thực hiện chủ trương đột phá công tác TGSX, CB, năm 2023, Binh chủng đầu tư 4,046 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trên cấp và phát huy nội lực đơn vị. Nhờ đó, kết quả TGSX, CB tăng từ 5-10% so với trước. Tổng giá trị sản phẩm thu từ TGSX, CB và dịch vụ hậu cần năm 2023 bình quân 1.335.100 đồng/người, đạt 102,7% kế hoạch; trong đó thu từ TGSX, CB (đã trừ chi phí) bình quân 825.800 đồng/người, đạt 103,2% kế hoạch.

Đại tá, ThS NGUYỄN VĂN TUẤN, Trưởng phòng Quân nhu/Cục Hậu cần/BCCB