Một số đơn vị đóng quân khu vực thành phố, thị xã, khu du lịch hoặc trên đảo, giá các mặt hàng thực phẩm thường cao hơn so với địa bàn khác, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Trong khi quân số bảo đảm cao, nhu cầu thực phẩm lớn, do đó, việc chủ động tạo nguồn thực phẩm tại chỗ từ hoạt động tăng gia sản xuất (TGSX), chế biến (CB) rất quan trọng, giúp giữ vững, nâng cao chất lượng bữa ăn, ổn định đời sống bộ đội.
|
|
Nhà lưới trồng rau, cây leo giàn áp dụng công nghệ cao của Ban CHQS thành phố Phủ Lý, Bộ CHQS tỉnh Hà Nam. Ảnh: CTV |
Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3, hướng dẫn, chỉ đạo sâu sát của Cục Hậu cần, những năm qua, các đơn vị của QK luôn chủ động khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có phát triển mạnh chăn nuôi, trồng trọt, CB, góp phần bảo đảm tốt hậu cần cho các nhiệm vụ. Trong đó, các đơn vị tập trung phát triển TGSX, CB theo 02 cấp là: TGSX cấp tiểu đoàn, đại đội gắn với bếp ăn; TGSX tập trung cấp sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn và tương đương gắn với hoạt động CB tập trung. Nhiều đơn vị chủ động đầu tư kinh phí, áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt theo hướng an toàn, mở rộng quy mô sản xuất mang tính ổn định bền vững, hiệu quả, chất lượng cao. Điển hình là mô hình “Vườn rau ô thửa lớn”, “Vườn củ cải Hàn Quốc” bảo đảm cho thời điểm giáp vụ ở Sư đoàn 395;“Nuôi bò nhốt”ở Trường Quân sự QK; trồng nấm Bào ngư của Lữ đoàn 603 ; nuôi gia cầm của Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Thái Bình... Năm 2022, toàn QK tự túc được 80 - 95% nhu cầu rau xanh (nhiều đơn vị tự túc 100%); 55 - 65% thịt lợn; 60 - 65% thịt gia cầm, 40 - 45% cá tươi. Giá sản phẩm TGSX, CB đưa vào bữa ăn thấp hơn thị trường từ 10 - 20% đối với rau xanh, 5 - 10% đối với các loại thực phẩm khác... Từ TGSX, CB các đơn vị trong toàn QK thu lãi gần 28,5 tỉ đồng, đạt 106,8% so với chỉ tiêu của QK và đạt 198,3% so với Chỉ lệnh công tác Hậu cần năm 2022 của Bộ.
Tuy đạt được kết quả trên, song, công tác TGSX, CB còn một số hạn chế là: Quy hoạch khu TGSX tập trung của một số đơn vị chưa khoa học, chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có; kế hoạch TGSX chưa cân đối theo mùa vụ và diện tích gieo trồng dẫn đến hiện tượng thừa rau chính vụ, thiếu rau giáp vụ; tỉ lệ diện tích trồng rau gia vị thấp. Hệ thống chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm xuống cấp, không đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Sản phẩm chế biến tại một số đơn vị chưa đa dạng và chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Các đơn vị khối quân sự địa phương chưa có trạm CB; quy hoạch các khu TGSX chưa cơ bản, hiệu quả hoạt động còn thấp…
Trước thực trạng trên, quán triệt Chỉ lệnh công tác Hậu cần năm 2023 của QK, Hướng dẫn công tác quân nhu năm 2023 của Cục Quân nhu và từng bước thực hiện Đề án “QN-21” tại các đơn vị thời gian tới, Cục Hậu cần ban hành Kế hoạch số 212/KH-HC ngày 16-2-2023 về xây dựng đơn vị điểm công tác TGSX, CB năm 2023. Đồng thời tham mưu với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QK lựa chọn Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395), Lữ đoàn 405 và Ban chỉ huy quân sự (CHQS) thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đại diện cho các loại hình đơn vị xây dựng mô hình điểm về TGSX, CB, làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn QK. Sau gần 6 tháng thực hiện, đã đạt được một số kết quả bước đầu là:
|
|
Máy làm đậu phụ mới được trang bị tại Trạm chế biến Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3). Ảnh: Hoàng Hiền
|
Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395): Đầu tư trên 80 triệu đồng từ quỹ vốn đơn vị để củng cố vườn, giàn, quy hoạch lại khu TGSX, tận dụng diện tích đất trống quanh đơn vị để mở rộng vườn trồng rau, cây lấy củ, quả; chủ động liên hệ mượn 2.000m2 đất của địa phương để phát triển vườn trồng rau; thay thế giàn cây leo trên vườn trước đây bằng giàn khung thép kiên cố quanh bờ ao với diện tích 1.400m2; san gạt 2.000m2 đất đồi trống để trồng bí đỏ; khai thác trên 1.200m3 đất màu đưa vào cải tạo 3.200m2 đất bạc màu; xây dựng 150m2 vườn ươm cây giống; sửa chữa củng cố nhà lưới trồng rau, củ, quả cao cấp; xây dựng 3.700m2 vườn rau có khung phủ màng ni-lon để trồng các loại rau trái vụ. Nhờ đó, tổng diện tích trồng trọt toàn Trung đoàn tăng từ 32.000m2 lên 36.750m2; quy hoạch đủ “5 vườn, 3 giàn”. Hiện nay, đơn vị tự túc 100% nhu cầu rau xanh, khắc phục tình trạng thiếu rau thời điểm giáp vụ.
Để đảm bảo chăn nuôi hiệu quả, Trung đoàn triển khai tu sửa, củng cố khu chăn nuôi tập trung, thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: lắp đặt lưới chống côn trùng, quạt thông gió, giàn phun nước chống nóng trên mái; tổ chức khoan giếng làm nguồn nước riêng cho chăn nuôi... Hiện nay, đơn vị duy trì nuôi 450 con lợn các loại, tự túc 100% thịt xô lọc và một phần nhu cầu thịt nạc; nuôi 5.000 gia cầm thịt, bảo đảm 90% nhu cầu.
Đặc biệt, Trung đoàn phát huy nội lực, đầu tư 550 triệu đồng mua trang thiết bị, con giống, củng cố chuồng trại triển khai mô hình nuôi gà siêu trứng, quy mô 2.000 con, đáp ứng đủ nhu cầu về trứng cho bếp ăn. Cùng với chăn nuôi, trạm CB tập trung của Trung đoàn được quy hoạch lại, phân khu chức năng hợp lý, bố trí liên hoàn, mua sắm nhiều thiết bị hiện đại như: máy làm đậu phụ, tủ làm giá đỗ, tủ hấp giò...; áp dụng phương pháp gây choáng bằng máy châm tê thay cho phương pháp thủ công trong giết mổ gia súc. Đầu năm 2023, đơn vị đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng hệ thống thoát nước thải, bể nước, khu cấp phát. Do đó, hoạt động của Trạm ngày càng nền nếp, hiệu quả, bảo đảm đủ nguồn thực phẩm tại chỗ an toàn, chất lượng tốt.
Đối với Lữ đoàn 405: Tiến hành điều chỉnh quy hoạch khu TGSX gắn với quy hoạch mặt bằng doanh trại đơn vị. Huy động 290 triệu đồng từ quỹ vốn đơn vị và 500 ngày công bộ đội củng cố hạ tầng, đầu tư con giống phục vụ TGSX. Hệ thống đường nội đồng được tu sửa, phân lô, chia thửa vườn, giàn hợp lý; củng cố 700m2 nhà lưới trồng rau và ươm giống đảm bảo chắc chắn; làm mới 600m2 giàn kiên cố… Các loại rau ăn lá, cây lấy củ, quả được gieo trồng đúng mùa vụ, với cơ cấu, lứa lớp hợp lý, khắc phục tình trạng thiếu rau thời điểm giáp vụ. Hệ thống chuồng trại được củng cố, phân chia các khu chức năng. Bố trí hố vôi khử trùng khu vực chuồng trại; lắp bạt che chống gió lùa, lưới ngăn côn trùng, ruồi muỗi. Cùng với củng cố chuồng trại, tăng cường biện pháp phòng dịch bệnh, đơn vị đầu tư 200 triệu đồng mua con giống gia súc, gia cầm. Theo đó, số lượng đàn lợn thịt tăng từ 70 con lên gần 170 con, gia cầm thịt từ 2.000 lên 4.500 con; gia cầm đẻ trứng từ 120 lên 300 con. Bên cạnh đó, ao nuôi cá được gia cố lại bờ kè, cống thoát nước đảm bảo chắc chắn, tổ chức nuôi cá giống, cá thịt với nhiều lứa lớp kế tiếp. Khu vực Trạm CB của Lữ đoàn được củng cố, sửa chữa 120m2 mái che và lắp trần chống nóng…
Đối với Ban CHQS thành phố Phủ Lý: Do đặc thù là cơ quan quân sự địa phương, quân số ít, đơn vị đã tận dụng lợi thế về diện tích đất, hạ tầng TGSX được xây dựng trong căn cứ chiến đấu để tổ chức chăn nuôi, trồng trọt theo hình thức liên kết nhằm chủ động tạo nguồn thực phẩm tại chỗ cung cấp cho bữa ăn bộ đội, cung ứng ra thị trường và sẵn sàng huy động bảo đảm cho các nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Trong đó, đơn vị bảo đảm về nhân lực, cơ sở hạ tầng (hệ thống nhà lưới, ao cá, chuồng chăn nuôi gà…), đơn vị liên kết cung ứng vật tư, giống, vốn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Vừa qua, đơn vị đã đầu tư xây dựng 1.400m2 nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt đến từng luống; trồng các loại rau, cây lấy quả có giá trị kinh tế cao (rau cao cấp, dưa lưới, dưa lê…). Ngoài ra, đơn vị triển khai chăn nuôi gà bằng công nghệ đệm lót sinh học, quy mô 8.000 con; tổ chức nuôi thả cá trên diện tích ao 1.100m2. 6 tháng đầu năm 2023, lãi từ TGSX trên 230 triệu đồng.
Từ thực tiễn công tác TGSX, CB của QK và kết quả xây dựng các mô hình điểm nói trên cho thấy: Để phát triển TGSX, CB đạt hiệu quả, trước hết phải có sự quan tâm sâu sát và vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, người chỉ huy các cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ đối với hoạt động TGSX, CB; gắn kết quả thực hiện công tác TGSX, CB của tập thể và cá nhân với thực hiện chỉ tiêu các phong trào thi đua của đơn vị, nhất là Phong trào Thi đua Quyết thắng. Tổ chức quy hoạch các khu TGSX, CB phải phù hợp với quy hoạch chung, điều kiện thực tế của từng đơn vị, đảm bảo các mô hình TGSX, CB phải thật sự thiết thực, hiệu quả, tính khả thi cao. Làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, đồng bộ, có hiệu quả của các cơ quan, trong đó, phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của cơ quan hậu cần, nhất là ngành Quân nhu trong tham mưu, đề xuất, hướng dẫn chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập để có biện pháp khắc phục kịp thời. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Quan tâm chăm lo, thực hiện tốt chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cho người trực tiếp làm công tác TGSX, CB phù hợp...
Để các mô hình điểm được nhân rộng, thực sự phát huy tốt hiệu quả, thời gian tới, ngành Quân nhu và các đơn vị tiếp tục chủ động nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm từ các mô hình điểm; so sánh lợi thế, khó khăn, xây dựng kế hoạch TGSX, CB cụ thể, sát với điều kiện đơn vị mình. Đối với các đơn vị chủ lực từng bước vận dụng, áp dụng linh hoạt theo Đề án“QN-21”trong quy hoạch TGSX, CB đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy hoạch tổng thể của đơn vị tránh đầu tư chồng chéo, dàn trải. Phát huy nội lực củng cố hạ tầng TGSX, CB; nghiên cứu vận dụng mô hình nuôi gia cầm đẻ trứng của Trung đoàn 2, mô hình nuôi lợn của Lữ đoàn 405, 454... Đối với các tiểu đoàn, kho, trạm, xưởng tùy theo điều kiện, vận dụng linh hoạt mô hình TGSX vườn - ao - chuồng gắn với bếp ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Bộ CHQS các tỉnh (và tương đương), ban CHQS các huyện (và tương đương) khai thác hiệu quả nguồn kinh phí từ địa phương, vận dụng phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, đầu tư hạ tầng TGSX và tổ chức thực hiện gắn với căn cứ hậu cần, căn cứ hậu phương. Nghiên cứu vận dụng phù hợp mô hình liên doanh, liên kết. Liên hệ chặt chẽ với chính quyền, cơ quan, ban, ngành, các đơn vị đóng quân trên địa bàn, nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội, dịch bệnh gia súc, gia cầm để xây dựng kế hoạch TGSX phù hợp, nhất là dự trữ, cung ứng sản phẩm TGSX ra thị trường.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QK; sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chỉ huy các cấp; cùng với tinh thần chủ động của đơn vị; các mô hình điểm sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, nhân rộng, tạo động lực thúc đẩy công tác TGSX, CB của QK ngày càng phát triển, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ ổn định, vững chắc, nâng cao chất lượng đời sống bộ đội, góp phần hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đại tá NGÔ VĂN HIẾN, Trưởng phòng Quân nhu/Cục Hậu cần Quân khu 3