Đội ngũ y, bác sĩ của Đoàn phát huy tinh thần trách nhiệm trong khám, điều trị, cấp cứu người bệnh trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, thực sự trở thành những “từ mẫu” của bà con dân bản.

Màu xanh trên vùng đất cằn

Từ đường liên huyện, theo con đường nhỏ quanh co, chúng tôi có mặt tại Sở Chỉ huy Đoàn KT - QP 4 tại vùng biên viễn đầy sỏi đá phía Tây tỉnh Nghệ An. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi lúc đặt chân đến Đoàn là khi tham quan khu TGSX của đơn vị. Trước mắt chúng tôi là màu xanh mướt của rau muống, rau đay, rau ngót, mồng tơi, giàn bí xanh, bầu, dưa leo… được trồng trong nhà có mái che, có lắp đặt thiết bị tưới nước tự động đang kỳ ra hoa, kết trái.

leftcenterrightdel
Bộ đội Đoàn KT - QP 4 chăm sóc vườn dưa leo trong nhà kính. 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đại tá Lê Văn Thắng, Đoàn trưởng cho biết: “Mặc dù đóng quân trên địa hình núi cao, nhiều sương muối, mưa nắng thất thường, thường xuyên xảy ra mưa đá, lũ ống, lũ quét… song, Đoàn luôn chủ động khắc phục những khó khăn, phát huy nội lực, đẩy mạnh TGSX tạo nguồn thực phẩm tại chỗ phục vụ bữa ăn của bộ đội. Hiện nay, các khu TGSX của Đoàn phát triển đa dạng vật nuôi, cây trồng. Trong đó có những loại cây trồng, vật nuôi mới được lai tạo, Đoàn đang thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng”.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Diện, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Đoàn KT-QP 4: Để có được hệ thống vườn như hiện nay, nhiều năm liền, đơn vị đã tích cực cải tạo đất và quy hoạch thành hệ thống vườn, giàn cơ bản để trồng chuyên canh các loại rau xanh theo mùa và trồng bầu, bí, su su, dưa leo… Những nơi đất khô cằn, thiếu nguồn nước tưới thì trồng chuối, nghệ, gừng, dong riềng… Năm 2021, Đoàn trích quỹ vốn xây dựng 1.500 m2 nhà có mái che bằng kính để trồng thử nghiệm giống dưa lưới theo công nghệ tiên tiến. Đây là loại cây mới được trồng trên vùng đất này nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Để trồng thành công giống cây này, cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải rất kỳ công, thực hiện chặt chẽ các khâu từ chọn hạt giống đến ươm cây, trồng và chăm sóc. Quá trình chăm sóc phải rất cẩn thận, tỉ mỉ, tưới bằng phương pháp nhỏ giọt, nước tưới đã hòa tan các chất dinh dưỡng. Mỗi năm thu hoạch 4 vụ, mỗi vụ thu 01 tấn, trừ chi phí thu lãi từ 70 - 80 triệu đồng. Thành công từ mô hình trồng dưa lưới, thời gian tới, Đoàn dự định sẽ mở rộng quy mô, nhân rộng ra các thôn bản”.

Đến thăm khu TGSX của Đội Sản xuất 3, chúng tôi rất ấn tượng, bởi có nhiều mô hình chăn nuôi lạ như: nuôi lợn đen, gà đen, vịt, ngỗng, cá tầm… Thiếu tá Chu Văn Hoàng, Đội trưởng chia sẻ: “Đến nay, Đội luôn duy trì nuôi trên 1.000 con gia cầm các loại và trên 50 con lợn nuôi lấy thịt, mỗi năm trừ chi phí thu lãi trên 120 triệu đồng. Đặc biệt, tận dụng nguồn nước suối lạnh dồi dào, từ năm 2012, đơn vị nuôi giống cá tầm thương phẩm theo phương pháp nuôi trong bể. Với 4 bể hiện nay, đơn vị đang duy trì nuôi hơn 1.000 con cá thương phẩm, dự kiến sẽ mang lại nguồn thu đáng kể”.

Với những nỗ lực và cách làm sáng tạo, hằng năm, Đoàn KT - QP 4 luôn vượt chỉ tiêu về rau xanh (đạt 140%), thịt xô lọc (116%), cá (105%), giá trị TGSX bình quân đạt 3.500.000 đồng/người, trích từ quỹ TGSX đưa vào ăn thêm 2.500 đồng/người/ngày. Ngoài ra, Đoàn còn tổ chức xay xát thóc, duy trì hoạt động của trạm chế biến tập trung để bảo đảm lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội và Nhân dân trên địa bàn.

Niềm vui nơi đầu nguồn sông Nậm Mô

Từ thành công của những mô hình TGSX hiệu quả, Đoàn đã tổ chức khảo sát kỹ địa hình, thổ nhưỡng để nhân rộng nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, giúp Nhân dân địa phương phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Các phòng, ban, đội thực hiện mô hình “mỗi cơ quan, đơn vị giúp đỡ 2-3 hộ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” bằng nguồn quỹ vốn đơn vị mình. Triển khai thực hiện các mô hình “Đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo”, “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng”; hỗ trợ con giống, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế ổn định. Tiêu biểu như mô hình trồng Bí Mông giúp đỡ gia đình anh Lô Văn Hà, bản Lam Hợp, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong; trồng mít Thái của gia đình ông Moong Phò Nhì, bản Na Mỳ, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn; nuôi ngan siêu trứng của hộ gia đình Hà Văn Thông, bản Mường Piệt, xã Thông Thụ, huyện Kỳ Sơn...

Ngược lên dòng sông Nậm Mô, đến bản Pụng, xã Mường Ải, trò chuyện với bà con nơi đây, chúng tôi thấy ai cũng nói cảm ơn bộ đội Đoàn KT-QP 4 đã dẫn ống nước từ khe suối về cánh đồng bản Pụng, giúp bội thu vụ lúa Hè Thu năm 2021, bà con có thêm thu nhập, từng bước thoát nghèo. Anh Lương My, Bí thư Chi bộ bản Pụng, vui mừng nói: “Trước đây, nguồn nước cho cánh đồng bản Pụng trông chờ vào nước trời, thường xuyên khô hạn, lúa phát triển kém. Từ ngày bộ đội Đoàn KT - QP 4 cùng địa phương kéo ống nước từ khe suối về cánh đồng, bà con chủ động nước trồng lúa, sản lượng thu hoạch cao, ai cũng vui mừng”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, giai đoạn 2016 - 2020, Đoàn KT-QP 4 đã xây dựng được 29 mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho 667 hộ trên địa bàn 32 bản, tổng đầu tư dự án 7 tỷ đồng. Năm 2021, Đoàn đã xây dựng Nhà văn hóa bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi với tổng giá trị gần 1,5 tỷ đồng; làm đường điện hạ thế bản Thăm Hón, xã Na Ngoi với tổng giá trị gần 3,5 tỷ đồng, cùng nhiều chương trình dân vận, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn...

Những “từ mẫu” nơi biên cương

Mới đây, Bệnh xá Quân - Dân y Đoàn KT-QP 4 tiếp nhận sản phụ Lương Thị Mằn, ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An trong tình trạng mệt mỏi, đau bụng dữ dội. Chẩn đoán chị Mằn có dấu hiệu chuyển dạ đẻ, sau nhiều giờ thăm khám kỹ lưỡng của đội ngũ y, bác sĩ, chị Mằn đã sinh hạ bé gái nặng 3,4 kg an toàn. Anh Kha Văn Văn, chồng chị Mằn xúc động nói: “Vợ mình có dấu hiệu chuyển dạ hơn một ngày trước, nhưng mãi không sinh được. May mà có cán bộ, y sĩ Bệnh xá đã giúp đỡ, không thì vợ con mình sẽ như thế nào? Cảm ơn bộ đội nhiều lắm”.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Diện, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật, thời gian qua, Bệnh xá đã khám và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân, trong đó, có hơn 50 sản phụ sinh tại Bệnh xá. Nhiều trường hợp thai ngang, thai ngược, song, với trình độ chuyên môn, lòng nhiệt tình trách nhiệm, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh xá đã giúp nhiều sản phụ “vượt cạn” thành công trong niềm vui của bà con dân bản. Tháng 3-2022, Bệnh xá tiếp nhận 3 học sinh bị ngộ độc do ăn phải lá ngón. Khi đến Bệnh xá, bệnh nhân trong trạng thái lơ mơ, gần như hôn mê bất tỉnh. Ngay sau khi tiếp nhận, các y bác sĩ nhanh chóng rửa ruột, trợ tim, trợ sức và truyền dịch giải độc. Sau hơn 01 ngày điều trị, 3 học sinh đã hồi phục, sức khỏe trở lại bình thường. Theo Đại úy QNCN, bác sĩ Nguyễn Công Minh, từ năm 2021 đến nay, Bệnh xá của Đoàn đã tiếp nhận và cứu chữa kịp thời 7 trường ngộ độc lá ngón và 2 trường hợp uống nhầm thuốc trừ sâu...

Đại tá Chu Huy Lương, Chính ủy Đoàn, cho biết: “Từ năm 2020 - 2022, Bệnh xá Quân - Dân y đã khám và điều trị cho gần 2.000 lượt bệnh nhân, cấp cứu khẩn cấp thành công 20 ca; tư vấn chăm sóc sức khỏe 3.000 lượt người, khám cấp thuốc miễn phí trên 5.000 người. Đặc biệt, các y, bác sĩ còn hành quân đến tận các bản làng vùng sâu, vùng xa để khám, tư vấn, cấp phát thuốc, chữa bệnh miễn phí cho Nhân dân”.

Với những suy nghĩ, hành động trách nhiệm, nghĩa tình, hết lòng vì Nhân dân, Đoàn KT-QP 4 đã góp phần giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, kiên trì bám đất, bám bản, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc.

Bài, ảnh:  HOÀNG TRUNG (Báo Quân khu 4)