Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng (BQP) đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu 4 và Quân khu 5 triển khai đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, huy động mọi nguồn lực, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó kịp thời với bão lũ và các tình huống xảy ra.
Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp đe dọa đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, với tinh thần “Cứu dân là mệnh lệnh trái tim”, Quân ủy Trung ương, BQP lập tức chỉ đạo các đơn vị Quân đội trên địa bàn miền Trung tập trung lực lượng, phương tiện giúp các địa phương và Nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; các đồng chí Thủ trưởng BQP, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Hậu cần trực tiếp vào miền Trung kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT,TKCN). Khắc phục hậu quả Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương cấp bổ sung trang thiết bị, phương tiện cho các tỉnh miền Trung thuộc địa bàn Quân khu 4, Quân khu 5 phục vụ công tác ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, gồm: 32 bộ máy bơm, 200 máy phát điện, 20 xuồng cứu sinh, 4.750 áo phao cứu sinh; 1.200 thùng mì ăn liền, 77,5 tấn lương khô và một số vật dụng thiết yếu trị giá gần 100 tỷ đồng...
|
|
Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị huy động Ca-nô, thuyền đưa người dân thị xã Quảng trị tới nơi an toàn. Ảnh: CTV |
Xác định nhiệm vụ PCTT, TKCN là nhiệm vụ “Chiến đấu trong thời bình”, BTL Quân khu 4 và Quân khu 5 đã tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản, công điện chỉ đạo của cấp trên về công tác ứng phó thiên tai, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả; duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ, cứu hộ, cứu nạn; phối hợp với ban chỉ huy PCTT các tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn; di dời, sơ tán Nhân dân, cơ sở vật chất; điều động lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, khắc phục hậu quả trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhanh chóng tổ chức lực lượng, phương tiện ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tập trung vào các địa bàn bị cô lập, các khu vực sạt lở.
Từ ngày 06 đến 08-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to, gây ra tình trạng chia cắt cục bộ ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ… Trên địa bàn tỉnh đã có 8 người mất tích, 01 trường hợp tử vong do bị lũ cuốn; nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả, hồ nuôi thủy sản bị úng ngập; các công trình dân sinh bị tàn phá, hư hỏng. Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố, Trung đoàn Bộ binh 842 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện có mặt ở các địa bàn trọng điểm ứng cứu, di dời người dân và tài sản, tổ chức tìm kiếm cứu nạn… Cuối ngày 08-10, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đã huy động gần 700 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, 3.884 dân quân, 23 ca-nô, 15 ô tô các loại trực tiếp tham gia ứng phó với mưa lũ, tìm kiếm những nạn nhân mất tích. Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai lực lượng xuống địa bàn giúp dân phòng, chống lũ. Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống lũ tại các địa bàn trọng điểm ngập lụt. Các cơ quan, đơn vị đã điều động 320 cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương và gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện giúp dân phòng, chống lũ.
12 giờ ngày 11-10, sau khi nhận được thông tin vụ lở núi khiến nhà điều hành Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 bị vùi lấp, đoàn công tác của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế lập tức lên đường đi kiểm tra, xác minh để có phương án cứu hộ, cứu nạn. Khi xe không thể đi được do mưa lũ, sạt lở, đoàn đã đi bộ, vượt lũ, băng rừng để có thể đến hiện trường nhanh nhất, kịp thời cứu giúp dân. Vụ sạt lở đất kinh hoàng vào khoảng 0 giờ ngày 13/10 tại Trạm kiểm lâm Tiểu khu 67, huyện Phong Điền đã khiến 13 cán bộ trong đoàn công tác hy sinh, trong đó có 11 cán bộ Quân đội, 2 cán bộ địa phương. Ngày 18-10 tiếp tục xảy ra sự cố sạt lở núi làm 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) 337 hy sinh khi vừa thực hiện nhiệm vụ giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trở về doanh trại. Sau khi xảy ra sự việc sạt lở ở Trạm kiểm lâm thuộc Tiểu khu 67 và Đoàn KTQP 337, BTL Quân khu 4 tổ chức nhiều đoàn công tác do các đồng chí thủ trưởng BTL Quân khu chỉ huy, chỉ đạo trên các hướng, phối hợp với các địa phương nhanh chóng thiết lập Sở chỉ huy phía trước, xây dựng kế hoạch, phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, huy động lực lượng, phương tiện khắc phục giao thông, tiếp cận hiện trường tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn những người mất tích, mất liên lạc ở các khu vực sạt lở và chỉ đạo công tác ứng phó khắc phục hậu quả mưa, lũ trên địa bàn 6 tỉnh thuộc Quân khu 4.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, BTL Quân khu 4 đã huy động gần 17.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, điều động trên 850 phương tiện; tổ chức di dời 53.380 hộ dân, đưa 22 thuyền viên gặp nạn tại vùng biển Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) vào bờ an toàn. Phối hợp tổ chức lực lượng, phương tiện khắc phục sạt lở, hư hỏng hệ thống giao thông, tập trung đường 71 vào Rào Trăng 3 và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào Đoàn KTQP 337 để phục vụ TKCN. Phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân sử dụng máy bay trực thăng thả hàng cứu trợ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và đưa những người bị thương, mắc kẹt về phía sau an toàn. Đồng thời, tổ chức các đoàn cứu trợ, vận chuyển 13 tấn lương khô, 2.480 thùng mỳ tôm; 05 tấn gạo; 41 xuồng HT67; 270 áo phao; 3.500 áo mưa; 5.500 túi đựng đồ; 15 nhà bạt gia đình; 1.800 khẩu trang... cho Nhân dân và các đơn vị trên địa bàn 05 tỉnh (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) bị ngập lụt. Tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3, Đoàn KTQP 337; phối hợp với các địa phương, gia đình tổ chức lễ tang, truy điệu 35 liệt sĩ về quê hương an táng đảm bảo, chu đáo, trang nghiêm.
Rốn lũ miền Trung vừa trải qua những ngày mưa lũ lớn, lại tiếp tục đối mặt với cơn siêu bão số 9, cơn bão lớn nhất trong lịch sử 20 năm trở lại đây, càn quét dọc dải đất ven biển trên địa bàn Quân khu 5. Ngày 28-10, trong vụ sạt lở đất khiến nhiều người chết và mất tích tại xã Trà Leng và xã Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo Quân khu 5 và Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam ngay trong đêm để tìm phương án. 03 giờ sáng ngày 29-10, 200 cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam và các huyện, Sư đoàn Bộ binh 315, Lữ đoàn Công binh 270, Lữ đoàn Thông tin 575 cùng các phương tiện, khí tài chuyên dụng như xe múc, xe lật, xe thông tin Vsat, xe cứu thương... tức tốc lên đường, thông tuyến vào Trà Leng. Đến nơi, cán bộ, chiến sĩ khoan cắt bê tông, đào bới đất đá, cùng bộ đội biên phòng sử dụng chó nghiệp vụ nỗ lực tìm kiếm người bị nạn. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, 33 người dân gặp nạn còn sống sót đã được cứu sống an toàn, trong đó 8 người bị thương nặng được đưa đi bệnh viện điều trị kịp thời. Ở một hướng khác, do ảnh hưởng của mưa bão, hàng nghìn người dân các xã Phước Lộc, Phước Thành thuộc huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) bị cô lập hoàn toàn do sạt lở. Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam và các lực lượng chức năng khẩn trương tiếp cận hiện trường, tập trung tìm kiếm, những người lính với chân trần, chí thép, xuyên rừng, băng đèo, lội suối, vượt qua hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm. Đội tìm kiếm cứu nạn gồm 60 cán bộ, chiến sĩ đã tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở trong bão số 9 tại xã Phước Lộc. Tại Sở Chỉ huy tiền phương TKCN huyện Phước Sơn do Thượng tá Lê Trung Thành - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam trực tiếp chỉ huy đã chỉ đạo sử dụng dây cáp làm ròng rọc bắc ngang qua sông Nước Mét giải cứu thành công 217 công nhân của Thủy điện Đắk-Mi 2 ra khỏi khu vực bị cô lập. Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi tổ chức các lực lượng xung kích giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời bà con đến các khu an toàn. Trên huyện đảo Lý Sơn, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng chia thành các nhóm tỏa về các địa bàn xung yếu, sát cánh với cán bộ và Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bão. Bộ CHQS tỉnh Bình Định thành lập 4 sở chỉ huy tiền phương ở các huyện Hoài Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn do Đại tá Trần Thanh Hải - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh trực tiếp chỉ huy ứng phó bão số 9, điều động Trung đội xung kích PCTT-TKCN cùng 3 xe Thiết giáp, 4 máy phát điện và các loại trang thiết bị phòng, chống lụt bão sẵn sàng cơ động đến những vị trí xung yếu hỗ trợ cho địa phương khi có yêu cầu.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 5 khẩn trương tìm kiếm người mất tích ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. tỉnh Quảng Nam (tháng 10-2020). |
Trong phòng, chống bão số 9 vừa qua, Quân khu 5 đã huy động hơn 43.000 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng nghìn dân quân và các phương tiện (ô tô, xe chuyên dụng, xe đặc chủng, xuồng, ca-nô, áo phao, phao cứu sinh...) phối hợp với lực lượng địa phương và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn kịp thời tổ chức sơ tán được 24.765 hộ/81.017 nhân khẩu đến nơi trú tránh an toàn. Chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Quân chủng Hải quân, Tổng cục Hậu cần, Tổng công ty xây dựng Quân đội di chuyển 5.400m3 nhiên liệu và tổ chức khắc phục hậu quả sạt lở kho xăng dầu chiến lược của bộ tại Tiểu đoàn 6 (Cục Hậu cần Quân khu). Triển khai tiếp nhận phương tiện, trang thiết bị, lương khô của BQP và tổ chức cấp phát kịp thời cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo Bộ CHQS các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng địa phương tổ chức thông báo cho gần 27.000 tàu thuyền, với 150.000 lao động đang hoạt động trên biển nhanh chóng neo đậu, tránh trú bão; tổ chức vận chuyển, sơ tán hơn 250.000 người dân tại các khu vực ven biển, xung yếu và có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú bảo đảm an toàn. Quân khu đã tổ chức các đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình có người thân mất tích, qua đời hoặc bị thiệt hại nặng bởi thiên tai, với tổng số tiền hơn 895 triệu đồng. Các đơn vị tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia thu dọn cây xanh gãy đổ, vệ sinh môi trường nhà ở, trường học, trạm xá, trụ sở làm việc của UBND các cấp; tổ chức khám, cấp phát thuốc, hướng dẫn Nhân dân phòng, chống dịch bệnh; khắc phục các điểm sạt lở khu dân cư, các tuyến giao thông, ven biển; thu hoạch hoa màu; nạo vét kênh mương nội đồng, giúp Nhân dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Có thể nói, với tinh thần cứu giúp Nhân dân trong thiên tai, hoạn nạn là nhiệm vụ “Chiến đấu trong thời bình”, là “Mệnh lệnh trái tim”, trong đợt bão lũ lịch sử ở các tỉnh miền Trung vừa qua, các đơn vị Quân đội đặc biệt là lực lượng vũ trang Quân khu 4, Quân khu 5 đã thể hiện xuất sắc vai trò xung kích, nòng cốt trong ứng phó sự cố thiên tai, bão lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.
NGỌC DIỆP, NGỌC TRÂN