Trung bình hằng năm, địa bàn QK chịu ảnh hưởng từ 4 - 6 cơn bão và nhiều đợt áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa lớn, giông lốc, lũ ống, lũ quét cục bộ, làm sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, hoa màu, vật nuôi của Nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) QK. Mặt khác, do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của gió Lào, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình lên tới 40-450C dẫn đến số vụ cháy rừng, hỏa hoạn, nổ không ngừng tăng lên. Chỉ tính riêng năm 2020, xảy ra 52 vụ cháy rừng, 20 vụ cháy, cháy nổ công trình, nhà xưởng, nhà ở. Đặc biệt, tháng 10-2020, trên địa bàn QK liên tiếp chịu ảnh hưởng của 04 cơn bão và 02 đợt áp thấp nhiệt đới, gây ngập lụt nghiêm trọng tại hơn 30 huyện, thị, thành phố, hàng nghìn thôn, bản bị ngập sâu, cô lập, chia cắt, hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở, mùa màng bị tàn phá… gây tổn thất nặng nề đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

leftcenterrightdel
Thủ trưởng BTL Quân khu 4 trao tặng lương thực hỗ trợ Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả cơn bão số 10 (năm 2020). Ảnh: PV 

Nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ phòng chống, khắc phục thiên tai thảm họa, cứu hộ cứu nạn (TTTHCHCN); quán triệt nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, những năm qua, Cục Hậu cần QK đã chủ động xây dựng, hoàn chỉnh phương án, kế hoạch bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho nhiệm vụ phòng, chống TTTHCHCN. Căn cứ vào phương án, kế hoạch đã được phê duyệt, cơ quan Hậu cần QK chỉ đạo các đơn vị xây dựng các phương án BĐHC phù hợp với từng cấp; hướng dẫn và quy định thống nhất từng mặt hàng phải dự trữ, mang theo đối với mỗi cá nhân, tập thể khi thực hiện nhiệm vụ. Triển khai hướng dẫn các đơn vị tổ chức chuẩn bị, đối phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Hằng năm, tiến hành kiểm tra, rà soát, điều chỉnh văn kiện hậu cần TTTHCHCN ở các cấp sát với yêu cầu thực tế. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành địa phương trong công tác BĐHC cho lực lượng vũ trang QK và Nhân dân địa phương. Chỉ tính riêng đợt mưa lũ lớn xảy ra tháng 10/2020, ngành Hậu cần QK 4 đã chủ động tổ chức cứu trợ vật chất, phương tiện, nhu yếu phẩm cho LLVT và Nhân dân trên địa bàn 04 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) gồm: 13 tấn lương khô, 2.480 thùng mì tôm, 05 tấn gạo, 41 xuồng HT67, 270 áo phao, 3.500 áo mưa, 5.500 túi đựng đồ, 15 nhà bạt gia đình, 1.800 khẩu trang… Điều động 11 tổ quân y thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, vệ sinh môi trường và 35 lượt tổ quân y phục vụ Lễ tang tại thành phố Huế, Quảng Trị...

Cục Hậu cần QK thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị duy trì dự trữ đủ lượng vật chất hậu cần và sẵn sàng cơ động khi có tình huống. Quy định cụ thể dự trữ các loại lương thực, thực phẩm bảo đảm cho 07 ngày ăn, trong đó, loại chế biến sẵn là 03 ngày, gạo tẻ dự trữ 04 ngày... nhằm chủ động bảo đảm tốt nhu cầu ăn uống phục vụ cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trong mọi tình huống. Đi đôi với xây dựng các phương án, kế hoạch bảo đảm, Cục Hậu cần QK đã tổ chức nhiều đợt luyện tập BĐHC và tham gia diễn tập phòng, chống bão lụt ở các cấp nhằm kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện các phương án, nâng cao năng lực chỉ huy, chỉ đạo cho cán bộ, nhân viên hậu cần.

Đồng thời, tham mưu với Bộ Tư lệnh QK bố trí sẵn một số vật chất và phân công chỉ huy, chỉ đạo BĐHC trên các hướng theo kế hoạch. Mỗi khu vực đều bố trí tổ quân y cơ động với đầy đủ thuốc quân y các loại và thuốc khử mốc, ngâm chân; trang bị các loại vật chất như: túi bảo quản, dụng cụ cấp dưỡng, chăn, màn, ni lông, nhà bạt, dầu, đèn, áo phao, xe tải, xe cứu thương… Ngoài việc tích cực tham gia phòng chống bão, lụt, hậu cần các đơn vị đã triển khai BĐHC kịp thời cho hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu nạn, dập cháy rừng, khắc phục sự cố môi trường. Trong thực hiện nhiệm vụ BĐHC và phòng, chống TTTHCHCN, nhiều đơn vị, cá nhân của ngành Hậu cần không quản ngại khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QK và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao...

leftcenterrightdel
Đoàn cán bộ Quân khu 4 kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão lụt tại tỉnh Thừa Thiên  Huế. Ảnh: CTV 

Những năm tới, dự báo QK 4 là một trong địa bàn trọng điểm của cả nước chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết cực đoan, thảm họa có thể xảy ra, rất khó đoán. Để thực hiện tốt nhiệm vụ BĐHC cho các lực lượng tham gia phòng, chống TTTHCHCN, ngành Hậu cần QK xác định thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, thường xuyên phối hợp, làm tốt công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTHCHCN cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hậu cần. Phát huy vai trò cấp uỷ Đảng và chủ trì các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, điều hành thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai. Phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các phương án ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Phát huy truyền thống, kinh nghiệm, tích cực chuẩn bị đầy đủ, toàn diện mọi mặt lực lượng, phương tiện, trang bị vật chất hậu cần ứng trực, bảo đảm an toàn con người, kho tàng, doanh trại, sẵn sàng tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả TTTHCHCN đạt hiệu quả cao nhất.

Hai là, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, nhằm huy động vật chất, trang bị hậu cần tại chỗ, bảo đảm kịp thời nhu cầu cho các lực lượng tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTHCHCN, đặc biệt là tại các địa bàn, khu vực dễ bị chia cắt. Hoàn thiện kế hoạch dự trữ hậu cần; xác định nhu cầu và phân cấp dự trữ vật chất hợp lý, phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ cụ thể. Tham mưu với cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị trước về hậu cần cho nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Thực hiện nghiêm Mệnh lệnh nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Bộ Tư lệnh Quân khu, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan liên quan tới công tác BĐHC phòng, chống và khắc phục hậu quả TTTHCHCN. Phát huy vai trò tham mưu của chủ nhiệm và cơ quan hậu cần các cấp; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần, huy động nguồn lực tại chỗ. Khẩn trương chuẩn bị trực tiếp khi có tình huống; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, từng bước điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi cao.

Ba là, xây dựng phương án, hệ thống kế hoạch hậu cần ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từng giai đoạn ở các cấp. Kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng phòng chống TTTHCHCN. Phát huy vai trò của cơ quan hậu cần quân sự địa phương các cấp trong tham mưu với cấp ủy, chỉ huy để lãnh đạo, chỉ đạo BĐHC phòng chống, khắc phục hậu quả TTTHCHCN của đơn vị. Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, tích cực trồng và bảo vệ rừng. Cơ quan hậu cần quân sự địa phương các cấp chủ động đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng phương án và huấn luyện cho các lực lượng trên địa bàn BĐHC cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTHCHCN theo phương châm “4 tại chỗ”; huy động nguồn lực và phân cấp cho các cấp, các ngành kinh tế - xã hội địa phương tổ chức dự trữ phù hợp để sẵn sàng huy động bảo đảm. Thực hiện tốt chức năng là “cầu nối” hiệp đồng giữa các đơn vị LLVT với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tham gia phòng chống TTTHCHCN.

Bốn là, đẩy mạnh công tác huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ hiểu biết, kỹ năng thực hành BĐHC và tham gia phòng chống TTTHCHCN cho cán bộ, chiến sĩ. Tập trung huấn luyện về phương pháp sử dụng, điều khiển các phương tiện tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, như thuyền cao su, thuyền chèo tay, thuyền máy, bè mảng...; kỹ thuật cứu người, cấp cứu người bị nạn trong điều kiện bão lụt, thảm họa. Chú trọng phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai; cách thức chằng chống nhà cửa, kho tàng; huấn luyện công tác bảo hộ an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ...

Năm là, duy trì nghiêm chế độ trực cứu hộ, cứu nạn của cơ quan, đơn vị hậu cần ở các cấp, phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung tổ chức và phương pháp BĐHC cho nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTHCHCN; hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng trong khai thác tạo nguồn hậu cần tại chỗ. Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ BĐHC trong các tình huống. Tăng cường tổ chức huấn luyện, diễn tập theo các phương án, nâng cao khả năng ứng phó, bảo đảm của cơ quan, phân đội hậu cần trong mọi tình huống. Chú trọng các đơn vị đóng quân ở các địa bàn trọng điểm, các đơn vị kiêm nhiệm, các lực lượng tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả TTTHCHCN.

Sáu là, tích cực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn. Quản lý, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, từng bước mua sắm trang thiết bị hiện đại, đa chức năng phục vụ công tác phòng chống, khắc phục hậu quả TTTHCHCN. Tích cực nghiên cứu đổi mới sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công tác bảo đảm phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTHCHCN, đảm bảo an toàn hệ thống kho tàng, doanh trại. Hằng năm, tiến hành sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả TTTHCHCN. Đẩy mạnh tuyên truyền hình ảnh LLVT QK trên các phương tiện thông tin đại chúng về thực hiện nhiệm vụ phòng chống, khắc phục TTTHCHCN trên địa bàn...

Phát huy kết quả đạt được và những kinh nghiệm thời gian qua, ngành Hậu cần QK 4 tiếp tục nỗ lực phấn đấu, bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho LLVT QK hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục TTTHCHCN, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cấp trên giao.

Đại tá NGUYỄN THANH VÂN, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 4