Để bạn đọc hiểu rõ hơn những đóng góp thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ này, phóng viên Tạp chí Hậu cần đã có cuộc trao đổi với đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về chủ đề này.

leftcenterrightdel
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh. 

PV: Đề nghị đồng chí Phó Tư lệnh cho biết chức năng, nhiệm vụ của BĐBP và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ?

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh: BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới (KVBG); BĐBP có chức năng tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

KVBG có 1.083 xã, phường, thị trấn biên giới, với dân số khoảng 2,4 triệu hộ/9,7 triệu nhân khẩu (dân tộc thiểu số chiếm khoảng 16,14% tổng dân số), với 51 thành phần dân tộc, 06 tôn giáo chính.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, thiết thực, đi vào cuộc sống, hệ thống chính trị và cơ sở hạ tầng các vùng biên ngày càng được củng cố vững chắc; đảng bộ, chính quyền sâu sát thực tế, bám địa bàn, đồng thời chính bà con cũng đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, tự lực vươn lên, làm cho các vùng biên ngày càng "thay da, đổi thịt". Bên cạnh đó, đã có nhiều các doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư lên các KVBG; các đoàn kinh tế - quốc phòng và nhiều tập thể, cá nhân, tri thức trẻ ngày đêm gắn bó, bám bản, bám dân, tình nguyện hy sinh một phần tuổi trẻ của mình với núi rừng, biển đảo quê hương, qua đó góp phần xây dựng KVBG ngày càng vững mạnh toàn diện. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý và lịch sử nên KVBG vẫn là địa bàn khó khăn, chậm phát triển hơn các địa bàn khác, nổi lên là những vấn đề về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, hệ thống cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, văn hóa... chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Vì vậy, đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ của BĐBP.

PV: Trước những khó khăn trên, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có những giải pháp nào?

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh: Do điều kiện địa lý và lịch sử ở KVBG nước ta nêu trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP xác định tham gia phát triển KT - XH là một trong những nhiệm vụ chính trị của BĐBP, là cơ sở quan trọng để Nhân dân có điều kiện tham gia bảo vệ biên giới cùng BĐBP. Ngay những ngày đầu thành lập, BĐBP đã có mặt ở vùng cao, biên giới, hải đảo vừa lập đồn, dựng trạm, bám đất, bám dân vừa tham gia xây dựng cơ sở chính trị, giúp dân phát triển KT - XH. Nổi bật là:

Một là, chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ký kết và thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT - XH ở KVBG, tiêu biểu như: Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; Chương trình chống tái mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; Chương trình đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập; Chương trình đẩy mạnh hoạt động văn hoá, thông tin ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới; Chương trình tăng cường vận động đồng bào các dân tộc phát triển KT - XH, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; Chương trình vận động phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo; Chương trình vận động nông dân các dân tộc vùng biên giới, ven biển, hải đảo đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ biên giới Tổ quốc...

Hai là, chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố tiếp tục tham mưu, phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện các phong trào, chương trình, mô hình tiểu biểu của BĐBP hướng về biên giới. Đồng thời, đã chỉ đạo các đồn Biên phòng triển khai mỗi đơn vị 01 mô hình giúp dân phát triển KT - XH trên địa bàn biên giới.

Ba là, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ BĐBP tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, cán bộ tăng cường xã, đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản biên giới và phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới trong tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân phát triển KT - XH ở KVBG.

Đây là những chương trình lớn, đã và đang mang lại ý nghĩa thiết thực, hiệu quả đối với sự phát triển KT - XH, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở KVBG.

PV: Đồng chí có thể cho biết một số chương trình, mô hình tiêu biểu đã và đang phát huy tốt hiệu quả trong phát triển KT-XH ở địa phương KVBG?

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh: Một số phong trào, chương trình, mô hình tiêu biểu giúp dân phát triển KT - XH, xóa đói, giảm nghèo ở KVBG của BĐBP thời gian qua, đó là:

-Đề án “Bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt” ở Hương Khê, Hà Tĩnh; Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ”ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; Đề án“Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai” ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; Công trình thuỷ lợi ruộng lúa nước Rục Làn ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

-Thực hiện Chương trình “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, đến nay các đơn vị BĐBP đã và đang tham gia hỗ trợ cho 586 xã, phường biên giới xây dựng nông thôn mới, trực tiếp giúp đỡ 142 xã biên giới và 4.442 hộ dân giảm nghèo nhanh, bền vững. Một số mô hình tiêu biểu như: BĐBP tỉnh Quảng Bình tham gia xây dựng công trình thủy lợi ruộng lúa nước ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; BĐBP tỉnh Thanh Hóa phát triển mô hình VAC-R ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa; BĐBP tỉnh Nghệ An phát triển mô hình trồng chanh leo ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An; BĐBP tỉnh Cao Bằng phát triển mô hình trồng mía đường ở xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng; BĐBP tỉnh Lào Cai phát triển mô hình trồng chuối, trồng dứa cao sản ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai... Mô hình khu dân cư văn hóa biển của BĐBP thành phố Đà Nẵng, quy hoạch Cụm dân cư bản Làng Ho và mô hình “Thắp sáng vùng biên” của BĐBP tỉnh Quảng Bình; vận động Nhân dân di dời gia súc, gia cầm ra khỏi gầm, sàn nhà của BĐBP tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh... tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng nông thôn, cải thiện chất lượng đời sống Nhân dân ở khu vực biên giới.

-Các Chương trình, mô hình: “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán với nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm; “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng”, hằng năm nhận đỡ đầu gần 3.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới, với mức hỗ trợ 500.000đ/ tháng/cháu, nhận nuôi gần 400 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các đồn Biên phòng;“Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”đã trao tặng trên 25 nghìn con bò giống, trị giá trên 376 tỷ đồng;“Thầy giáo quân hàm xanh”, đã mở gần 1.000 lớp xóa, mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho gần 15.000 học viên... với mô hình “Thầy thuốc quân hàm xanh”, hiện nay, toàn lực lượng có 134 phòng khám, trạm y tế quân dân y, thường xuyên tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe và khám chữa bệnh từ 130.000-140.000 lượt người dân. Đặc biệt đã tổ chức Phòng khám quân dân y tại Thoọng Pẹ và Phon Thoong tại nước bạn Lào (do BĐBP tỉnh Hà Tĩnh và BĐBP tỉnh Điện Biên quản lý); Phòng khám quân y dân y hữu nghị thuộc đồn Vàm Trảng Trâu/BĐBP tỉnh Tây Ninh, Phòng khám hữu nghị Đồn Biên phòng Lóng Sập/BĐBP tỉnh Sơn La. 10 năm qua đã khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí được 36.379 lượt người dân Campuchia, trị giá 1.683.637.000 đồng; 49.684 lượt người dân Lào, trị giá 3.702.000.000 đồng, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Đặc biệt, để đảm bảo bình yên nơi biên giới, góp phần cùng các lực lượng khác phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả, từ tháng 01/2020 đến nay, BĐBP đã tổ chức tuần tra, kiểm soát tại cửa khẩu, các đường mòn, lối mở; phát hiện, xử lý 19.877 người xuất, nhập cảnh trái phép; tổ chức tiếp nhận gần 7.000 người, phân luồng bàn giao cho địa phương cách ly 75.522 người...

Qua đó, góp phần thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân của BĐBP với đồng bào các dân tộc ở KVBG; được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, Nhân dân đồng tình, ủng hộ; trực tiếp góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết quân - dân, xây dựng KVBG ngày càng vững mạnh; tạo cơ sở, nền tảng vật chất xây dựng, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” bảo vệ biên giới.

PV: Những nội dung, giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả tham gia phát triển KT- XH địa phương khu vực biên giới thời gian tới, thưa đồng chí Phó Tư lệnh?

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh: Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển KT - XH, củng cố quốc phòng, an ninh ở KVBG, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp với các tỉnh, thành ủy; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng duy trì và thực hiện nghiêm quy chế phối hợp với cấp ủy Đảng cấp huyện, xã biên giới, hải đảo, nhất là trong phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 68-KL/TW ngày 5-2-2020 của Ban Bí thư về chủ trương tăng thêm cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã địa bàn biên giới, biển đảo.

Hai là, tham mưu, tham gia, phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo trong tình hình mới. Phát huy tốt vai trò đội ngũ cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã; cán bộ tăng cường xã; đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản và phụ trách các hộ gia đình ở KVBG trong tham mưu kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chính trị của địa phương với nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng nền biên phòng toàn dân và “thế trận lòng dân” vững mạnh ở KVBG.

Ba là, tiếp tục tham mưu, tham gia cùng địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển KT - XH; khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng dân tộc, từng ngành nghề truyền thống ở KVBG; tham mưu, phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức, bố trí, sắp xếp dân cư ở khu vực biên giới, kết hợp phát triển KT - XH với bảo vệ biên giới, tạo “vành đai nhân dân” trên biên giới.

Bốn là, phát huy có hiệu quả các chương trình, mô hình của BĐBP hướng về biên giới, như: “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”...

Năm là, làm tốt công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương và đơn vị.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Phó Tư lệnh.

HỒNG QUANG (thực hiện)