Tuy nhiên, cũng gặp nhiều khó khăn, đó là: Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch COVID-19; các đơn vị Biên phòng hầu hết đóng quân phân tán nhỏ lẻ ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão; một số phương tiện, trang bị hậu cần đã xuống cấp do sử dụng lâu năm, hoạt động với cường độ cao..., nguồn lực ngân sách, cơ sở vật chất tuy đã được quan tâm đầu tư song vẫn còn hạn chế; giá cả các mặt hàng thiết yếu thường xuyên biến động tăng; cán bộ hậu cần còn thiếu nhiều so với biên chế… đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác hậu cần (CTHC).

Để bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi mặt hậu cần cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, Cục Hậu cần đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị những nội dung, giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả CTHC, nổi bật là: Ngành Hậu cần BĐBP đã triển khai xây dựng đầy đủ các loại văn kiện, kế hoạch hậu cần bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, thường xuyên và đột xuất; nội dung CTHC trong Điều lệ tác chiến của BĐBP, hướng dẫn các đơn vị trong BĐBP thực hiện thống nhất, hiệu quả. Tham mưu với cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, xây dựng, bổ sung quy chế các mặt công tác trọng yếu như: Xây dựng cơ bản, xăng dầu, vận tải, quản lý sử dụng đất quốc phòng; ban hành “Tiêu chí CTHC, tài chính trong các cơ quan, đơn vị BĐBP”... góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy các cấp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, xây dựng chính quy hậu cần, tài chính, thiết thực nâng cao chất lượng CTHC.

leftcenterrightdel

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng, Phó chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần kiểm tra công tác hậu cần tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắc Lắc. Ảnh: CTV 

Thực hiện đổi mới phương thức tạo nguồn bảo đảm vật chất hậu cần theo cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội; trên cơ sở hướng dẫn của Cục Hậu cần, các cơ quan, đơn vị chủ động tạo nguồn những mặt hàng thông dụng, sẵn có tại địa phương; mở rộng đấu thầu, lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của Nhà nước và BQP; thực hiện mua sắm tập trung đối với những mặt hàng có đặc thù riêng, đảm bảo thống nhất trong toàn lực lượng; tích cực khai thác nguồn lực của địa phương và huy động hàng tồn kho để tăng khả năng cân đối.

Đã tham mưu đề xuất các cơ quan chức năng của BQP xây dựng và ban hành thông tư tiền ăn thêm cho lực lượng Trinh sát; Phòng chống ma túy và tội phạm; giáo viên, huấn luyện viên nuôi dạy chó nghiệp vụ...; chế độ tiêu chuẩn quân trang nghiệp vụ cửa khẩu (nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp); quân trang tuần tra song phương; quân trang cho giáo viên, huấn luyện viên nuôi dạy chó nghiệp vụ, bảo đảm cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống ma túy và tội phạm; màu sắc quân phục dã chiến K20 Biên phòng... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở tiêu chí hậu cần, tài chính cơ quan, đơn vị BĐBP, đặc biệt đối với các đồn Biên phòng và tương đương; Phòng Quân nhu đã cụ thể hóa thành các tiêu chí cụ thể về quy hoạch, đầu tư xây dựng các mô hình tăng gia sản xuất, chế biến phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng vùng, miền, nhiệm vụ đơn vị… góp phần chủ động bảo đảm tốt bữa ăn hằng ngày của bộ đội và là mô hình để các đơn vị, địa phương đến tham quan, học tập. Hiện nay, các mô hình nuôi cá tầm, cá hồi, nuôi tôm, chăn nuôi lợn rừng tập trung, làm nước mắm, trồng cây cao su, cây mắc ca…phát huy rất hiệu quả. Đối với các đơn vị được đầu tư cơ sở hạ tầng chăn nuôi, trồng trọt đã tự bảo đảm được từ 80-85% định lượng rau xanh, trên 50% định lượng thực phẩm chính, giá sản phẩm tăng gia sản xuất, chế biến đưa vào bữa ăn thấp hơn giá thị trường từ 10-15%.

Đối với công tác quản lý, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội, ngành Quân y thực hiện tốt tham mưu, chỉ đạo về công tác vệ sinh phòng dịch, xây dựng nếp sống vệ sinh, khoa học; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, chiến sỹ; xét nghiệm HIV, ma túy và tiêm phòng uốn ván cho 100% tân binh; triển khai khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế cho 100% quân nhân tại ngũ. Hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám chữa bệnh của BĐBP và chứng chỉ hành nghề cho cán bộ, nhân viên Quân y theo quy định. Tổ chức hỗ trợ, điều trị cho 691 gia đình vô sinh, hiếm muộn với số tiền trên 18 tỷ đồng, trong đó 307 gia đình đã sinh con.

Phối hợp với y tế địa phương chủ động ngăn ngừa các dịch bệnh lây lan qua biên giới, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Triển khai Chương trình “Nâng cao năng lực hệ thống y học dự phòng Quân đội”. Toàn lực lượng hiện có 134 phòng khám, trạm y tế quân dân y, mỗi năm khám từ 130.000-140.000 lượt người dân, cấp thuốc miễn phí hàng tỷ đồng; tham gia thực hiện tốt Chương trình tiêm chủng mở rộng triển khai trên địa bàn biên giới được Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao... Tổ chức Phòng khám Quân dân y ở Thoọng Pẹ và Phon Thoong bên nước bạn Lào và các phòng khám Quân dân y hữu nghị thuộc đồn Vàm Trảng Trâu/BĐBP tỉnh Tây Ninh, Phòng khám hữu nghị Đồn Biên phòng Lóng Sập/ BĐBP tỉnh Sơn La đã khám cho hàng chục nghìn người dân nước bạn Lào và Campuchia, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị của 3 nước Đông Dương. Ngoài ra, ngành Quân y còn phối hợp với Bộ Y tế triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới; phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc triển khai công tác cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện cho người nghiện ma túy trên địa bàn các xã khu vực biên giới. Kết quả đã tổ chức cắt cơn cai nghiện cho hàng trăm người nghiện mỗi năm, dạy nghề, hướng nghiệp và hỗ trợ cho nhiều người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Đối với công tác doanh trại, công tác lập và trình duyệt quy hoạch doanh trại đúng theo quy định; có 95,43% cơ sở doanh trại từ cấp đồn Biên phòng và tương đương trở lên có quy hoạch tổng mặt bằng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng đảm bảo chặt chẽ, đúng mục đích; tiếp tục hoàn chỉnh phương án, triển khai thí điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng và hoạt động kinh tế; 80,69% điểm đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của BQP; áp dụng thiết kế mẫu đồn Biên phòng theo Quyết định số 1626/QĐ-BQP của BQP đảm bảo chính quy, thống nhất từ công tác quy hoạch đến kiến trúc, công năng sử dụng của từng hạng mục công trình, giảm tối đa chi phí; thực hiện công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát, đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công các công trình. Triển khai đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị lọc nước bảo đảm nước sạch cho các đơn vị; lắp đặt hệ thống tắm nước nóng, bảo đảm cho 95% quân số ở cấp đồn Biên phòng và tương đương thuộc các đơn vị đóng quân trên địa bàn các tỉnh phía Bắc. Xây dựng các bể dự trữ nước sinh hoạt cho các ĐBP khu vực Tây Nguyên và trên đảo. Sản xuất lắp dựng nhà bán kiên cố và các công trình phụ trợ cho các tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt là, triển khai xây dựng 08 công trình trọng điểm phục vụ giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia, bảo đảm chất lượng, thời gian theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua (PTTĐ) “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”theo Chỉ thị số 05/CT-BQP ngày 06/3/2012 của BQP.

Cùng với bảo đảm đủ số lượng, tốt chất lượng xăng dầu dự trữ cho nhiệm vụ SSCĐ, thường xuyên và đột xuất, ngành Xăng dầu đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan báo cáo đề nghị BQP bảo đảm xăng dầu cho nhiệm vụ mới, nhiệm vụ phát sinh, các nhiệm vụ có tính đặc thù của BĐBP. Tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm xăng dầu, không sử dụng quá hạn mức; triển khai thực hiện tốt công tác khai thác, tạo nguồn và mua phân cấp xăng dầu trong từng thời điểm thích hợp, hạn chế giảm số lượng do giá tăng cao. Các đơn vị chủ động kết hợp các hình thức, phương thức vận tải phù hợp; khai thác, sử dụng hiệu quả các loại phương tiện hiện có, kết hợp với thuê phương tiện của các doanh nghiệp vận tải bên ngoài (vận chuyển tân binh)... hoàn thành các kế hoạch vận chuyển, nhất là vận chuyển vũ khí đạn, trang bị kỹ thuật, vật chất hậu cần, vận chuyển quân, chó nghiệp vụ... đảm bảo kịp thời, an toàn hiệu quả. Bên cạnh nguồn kinh phí trên cấp, các đơn vị đã chủ động khai thác nguồn kinh phí địa phương để mua sắm các trang bị, phương tiện vận tải như xe cứu thương, xe ca, xe bán tải, xe máy thồ, xuồng vận tải cỡ nhỏ, sửa chữa, bảo quản vận tải với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua sắm phương tiện là trên 163 tỷ đồng. Đã hoàn chỉnh và ban hành tài liệu“Mạng đường giao thông giữa các đơn vị trong BĐBP”và“Quy định về việc tổ chức vận tải cấp chiến dịch trong BĐBP”để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn lực lượng.

Công tác quản lý, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong CTHC cũng được cấp ủy, chỉ huy và ngành Hậu cần các cấp chú trọng. Các cơ quan, đơn vị đã duy trì thực hiện nghiêm quy chế lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đối với các mặt công tác trọng yếu như tài chính, xăng dầu, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất quốc phòng, tài sản công. Triển khai đồng bộ các biện pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong CTHC như thực hiện tiết kiệm 10% hạn mức xăng dầu, điện năng; 2% giá trị đối với các gói thầu xây dựng, mua sắm và 5% đối với các gói thầu tư vấn được chỉ định thầu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phúc tra, thanh tra của các cấp, các ngành, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập; đấu tranh ngăn ngừa, xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực trong CTHC; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy và cá nhân, đặc biệt là cán bộ, nhân viên trực tiếp làm CTHC với việc quản lý, bảo quản, sử dụng vật chất, phương tiện, trang bị, kinh phí hậu cần. Trong 10 năm qua, toàn lực lượng đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng; riêng thẩm định phê duyệt các dự án xây dựng đã điều chỉnh giảm, tiết kiệm được 311,9 tỷ đồng (giảm dự toán sau thẩm định 173,4 tỷ đồng, không sử dụng dự phòng 138,5 tỷ đồng) góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và tạo nguồn để đầu tư trang bị cơ sở vật chất hậu cần, cải thiện đời sống bộ đội.

Cùng với thực hiện tốt các nội dung trên, ngành Hậu cần còn đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong chỉ huy, quản lý và xây dựng Ngành. Đổi mới công tác huấn luyện hậu cần sát thực tiễn, sát đối tượng, coi trọng nâng cao trình độ chỉ huy, quản lý, tổ chức bảo đảm hậu cần, khả năng cơ động, SSCĐ; tổ chức tốt các hội thi, hội thao nâng cao chất lượng, hiệu quả CTHC. Xây dựng thành công nhiều mô hình điểm, nhân rộng điển hình tiên tiến trong CTHC; đẩy mạnh PTTĐ“Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”và các PTTĐ của các chuyên ngành phát triển cả bề rộng và chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.

Với tinh thần tích cực, chủ động đổi mới, CTHC đã đem lại những đột phá quan trọng về chất lượng, hiệu quả; đời sống bộ đội được giữ vững và cải thiện rõ nét, góp phần quan trọng xây dựng ngành Hậu cần BĐBP ngày càng chính quy, vững mạnh toàn diện“Mẫu mực, tiêu biểu”, bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi mặt hậu cần cho toàn lực lượng BĐBP, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đại tá NGUYỄN ĐỨC SỸ, Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP