Các đơn vị BĐBP đóng quân phân tán trên địa bàn cả nước, nhất là các đồn, trạm biên phòng đứng chân trên tuyến biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi kinh tế - xã hội phát triển chậm, thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt; hệ thống đường giao thông khó khăn; nguồn khai thác lương thực, thực phẩm khan hiếm, giá cả thị trường tăng cao... Được sự quan tâm của cơ quan nghiệp vụ cấp trên, cùng với sự nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn, đặc biệt là thực hiện Tiêu chí công tác hậu cần - tài chính ở cơ quan, đơn vị biên phòng, công tác quân nhu BĐBP đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là:

Trong công tác nuôi dưỡng bộ đội, đến nay, các bếp ăn từ cơ quan Bộ Tư lệnh BĐBP đến cơ quan bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, thành phố; học viện, trường, hải đoàn, đồn biên phòng, tiểu đoàn, đại đội, hải đội... đều được tổ chức bếp ăn tập trung trong một khu vực đóng quân (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, phân tán nhỏ lẻ). Tại các đơn vị, 100% bếp ăn thực hiện chia ăn định suất, theo cơ cấu ăn phù hợp, tùy theo nhu cầu, nhiệm vụ của từng đối tượng, đảm bảo đủ định lượng ăn theo quy định. Các trạm, chốt lẻ quân số ăn dưới 10 người đều tổ chức bếp ăn phục vụ bộ đội, có đủ bàn ăn, ghế ngồi và cơ cấu bữa ăn phù hợp. Để duy trì chất lượng bữa ăn đồng đều, các đơn vị quản lý chặt chẽ việc khai thác lương thực, thực phẩm, chất đốt tại địa bàn đóng quân theo giá do hội đồng giá quy định. Các đơn vị đóng quân tập trung tổ chức tạo nguồn thực phẩm tập trung để cấp cho các bếp ăn, không thực hiện tiếp phẩm nhỏ lẻ như trước đây. Kết hợp sử dụng sản phẩm tăng gia sản xuất (TGSX) với phát huy hiệu quả hoạt động trạm chế biến tập trung để cung cấp thực phẩm tại chỗ chất lượng tốt cho bếp ăn. Riêng các đơn vị đóng quân phân tán, nhỏ lẻ chủ động khai thác lương thực, thực phẩm tại các cơ sở uy tín trên địa bàn đóng quân để đảm bảo an toàn. Ngành Quân nhu BĐBP còn thường xuyên đã tổ chức các lớp tập huấn cho trợ lý quân nhu của bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và nhân viên quản lý bếp ăn cấp đồn biên phòng, hải đoàn, hải đội và tương đương trong toàn lực lượng tại 03 miền Bắc, Trung, Nam về chế độ, tiêu chuẩn quân nhu, kỹ thuật chế biến món ăn theo vùng, miền, do đó chất lượng bữa ăn được nâng lên rõ rệt.

Thời gian qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của cấp trên, cùng với sự chủ động phát huy nội lực, hiện nay, cơ bản nhà ăn, nhà bếp của các đơn vị được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp khang trang, có đủ bảng, biểu theo quy định. Trang thiết bị, dụng cụ cấp dưỡng (DCCD) được bảo đảm đồng bộ, chính quy, thống nhất về kiểu dáng, chất liệu, hợp vệ sinh. Phòng Quân nhu đã chủ động đề nghị Cục Quân nhu cấp các loại DCCD bằng Innox, như: xoong chia cơm, chia canh, khay chia thức ăn Inox có nắp đậy; bàn ăn, ghế ngồi, bàn pha thái thực phẩm Inox… ưu tiên bảo đảm đồng bộ cho bếp có quân số ăn đông. Đồng thời, dồn dịch DCCD giữa các đơn vị, bảo đảm đồng bộ cho bếp ăn theo từng đơn vị. Riêng một số loại DCCD, trang thiết bị nhà ăn, nhà bếp, đơn vị tự mua sắm thêm bảo đảm đồng bộ trong cùng đơn vị. Đặc biệt, các đơn vị luôn giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng nuôi quân về ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng trang thiết bị nhà ăn, nhà bếp, DCCD, qua đó hạn chế tình trạng hư hỏng trước niên hạn. Hiện nay, 100% bếp ăn được lắp đặt hệ thống bếp lò hơi cơ khí, bếp dầu, bếp điện hoặc sử dụng bếp đặc thù của BĐBP phù hợp với biên chế, quân số ăn hằng ngày, đáp ứng yêu cầu chính quy, tiết kiệm chất đốt. Đồng thời, làm tốt việc kiểm tra tình trạng kỹ thuật, bảo quản, vận hành, sửa chữa, bảo trì, kiểm định hệ thống bếp lò hơi cơ khí theo quy định, bảo đảm an toàn cho bộ đội.

Công tác quân trang cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các chế độ, nguyên tắc trong bảo đảm, quản lý và sử dụng quân trang được duy trì thực hiện nền nếp hơn, từ khâu lập dự toán, tạo nguồn, mua sắm, tổ chức tiếp nhận, bảo quản đến cấp phát, quản lý... đáp ứng yêu cầu công tác nghiệp vụ. Tiêu chuẩn quân trang thường xuyên, niên hạn, dùng chung được bảo đảm đủ theo quy định, kịp thời gian, đúng cỡ số, đáp ứng yêu cầu mang mặc, sinh hoạt chính quy. Đối với quân trang chống rét, Phòng Quân nhu kịp thời lập nhu cầu, đề nghị cấp trên bảo đảm cho bộ đội, nhất là bổ sung đủ đệm nằm kiểu mới, chăn bông, mũ lông, quần áo chống rét cho bộ đội các đồn biên phòng ở vùng rét đậm. Bám sát với các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần nghiên cứu xây dựng và đề nghị Bộ ban hành tiêu chuẩn quân trang tuần tra song phương và điều chỉnh mẫu quân trang nghiệp vụ đồn biên phòng cửa khẩu, quân trang dã chiến K20 của BĐBP. Đến nay, lực lượng này được bảo đảm đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao vị thế của lực lượng BĐBP Việt Nam trong hoạt động đối ngoại.

Điểm nổi bật trong công tác TGSX là lãnh đạo, chỉ huy các cấp và đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia ủng hộ nhiệt tình, phong trào TGSX phát triển mạnh, đồng đều ở tất cả các đơn vị tuyến miền núi và biển đảo. Các đơn vị có diện tích đất đai cơ bản quy hoạch khu TGSX tập trung mang tính lâu dài, bền vững, hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở lợi thế diện tích đất đai, nguồn nước, nhân lực, cùng với nguồn vốn vay và quỹ vốn, các đơn vị chủ động quy hoạch, phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp, như: VAC, VAC-G, VAC-R... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn vị đóng quân trên địa bàn biên giới đất liền có đất, có rừng, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình trang trại (trồng rau xanh, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thả cá nước ngọt. Đơn vị tuyến biển, ngoài việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt còn tổ chức chế biến hải sản, làm nước mắm… để tăng nguồn thu. Các đơn vị có cả tuyến núi và biển đẩy mạnh TGSX, chế biến bảo đảm đủ nhu cầu rau xanh, thực phẩm tươi sống trong bữa ăn hằng ngày, hạn chế phụ thuộc vào thị trường. Tùy vào điều kiện thực tế của đơn vị có thể tổ chức mô hình tập trung hay phân tán phù hợp nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ trung tâm. Đến nay, đơn vị tuyến núi bình quân mỗi người đạt 25 m2 vườn rau, 3 m2 giàn cây leo, 5 con gia cầm, 2 người/đầu lợn; đơn vị tuyến biển, mỗi người đạt 15 m2 vườn, 2 m2 giàn, 01 con gia cầm, chế biến 10 lít nước mắm/năm; đơn vị tuyến đảo, bình quân đạt 10 m2 vườn trồng rau, 01m2 giàn cây leo, 5 người/đầu lợn, 5 con gia cầm/người, chế biến 10 lít nước mắm/năm. Cùng với các nội dung trên, hệ thống sổ sách mẫu biểu của ngành Quân nhu BĐBP có sự chuyển biến mới. Các đơn vị đều xây dựng đủ, đồng bộ hệ thống văn kiện, sổ sách công tác quân nhu ở các cấp theo quy định, hướng dẫn của Cục Quân nhu. Thực hiện tốt chế độ báo cáo và quyết toán quân nhu kịp thời theo quy định, đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, cơ quan quân nhu các cấp đều được trang bị máy tính, ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý nên không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong các khâu nghiệp vụ.

Những kết quả đạt được theo Tiêu chí công tác hậu cần - tài chính ở cơ quan, đơn vị biên phòng đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ công tác quân nhu của BĐBP. Thời gian tới, rất mong được sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và ngành nghiệp vụ cấp trên để công tác quân nhu BĐBP phát triển đồng bộ, vững chắc, bảo đảm tốt cho các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN VĂN THUYẾT, Trưởng phòng Quân nhu - Cục Hậu cần BĐBP