Tỉnh Quảng Bình có đường biên giới đất liền dài 222,18km và hơn 116km đường bờ biển. Địa hình hẹp và dốc từ Tây sang Đông, với hơn 85% diện tích đất là đồi núi, được chia thành các vùng sinh thái cơ bản gồm: Vùng núi cao, đồi, trung du, đồng bằng và vùng cát ven biển. Thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt, vào mùa khô, số ngày nắng nóng trên 40 độ C nhiều, kết hợp với gió Tây Nam gây nên hiện tượng hạn hán; mùa mưa thường xảy ra lũ lụt trên diện rộng và cục bộ. Do chịu ảnh hưởng bất lợi của điều kiện tự nhiên nên kinh tế - xã hội của Tỉnh chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng sâu, vùng xa ở khu vực biên giới phía Tây.

Để góp phần xây dựng địa bàn an toàn, giữ vững an ninh, chính trị - xã hội, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã làm tốt chức năng tham mưu với chính quyền địa phương giúp Nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là các xã biên giới. Trong điều kiện còn khó khăn về mọi mặt, Phòng Hậu cần được giao trách nhiệm tham mưu, chỉ đạo các đồn biên phòng (ĐBP) xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, chế biến điển hình, phù hợp với từng địa bàn để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ và giúp Nhân dân học tập, phát triển kinh tế hộ gia đình.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Đồn Biên phòng Ngư Thủy chăm sóc đàn lợn thịt. Ảnh: Đình Thảo

Trên cơ sở nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng, Phòng Hậu cần phối hợp với các cơ quan đề xuất xây dựng mô hình:“Nuôi lợn bản địa”, “Nuôi giống gà địa phương bằng phương pháp bán chăn thả”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Trồng cây Mắc - ca”, “Ánh sáng vùng biên”; hỗ trợ Nhân dân giống, vốn sản xuất, trồng rừng, xây dựng nông thôn mới, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp…

Theo đó, các ĐBP tuyến biên giới đất liền có lợi thế về diện tích đất đai, phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn rừng, lợn bản, gia cầm, thủy cầm... theo phương pháp nuôi nhốt hoặc bán thả. Mỗi đồn thường xuyên nuôi từ 35 - 50 con lợn các loại, từ 150 - 200 con gia cầm, thủy cầm; từ 15 - 20 con trâu, bò và 20 - 30 con dê. Mới đây, một số đồn còn áp dụng khoa học kỹ thuật mới thử nghiệm nuôi hươu lấy nhung.

Song song với chăn nuôi, các đồn phát triển vườn rau xanh, giàn cây leo theo hướng cơ bản, đồng thời tận dụng diện tích đất đai hiện có, tiếp tục quy hoạch, khai hoang mở rộng vườn trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, trồng rừng, trồng cây công nghiệp (cao su, Mắc - ca…) với diện tích từ 1 - 2 ha/đồn. Thành công từ các mô hình này, các đồn chủ động hỗ trợ một phần chi phí mua cây con giống, phân công đảng viên phụ trách từng hộ gia đình theo phương châm “ba bám, bốn cùng”, hướng dẫn kỹ thuật theo cách làm “cầm tay chỉ việc” và giúp bà con thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Nổi bật là: Từ năm 2015, các ĐBP hướng dẫn, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vùng cao phát triển gần 20 ha lúa nước; giúp đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều tại bản Chân Trộng (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) trồng hơn 01 ha dứa. Cuối năm 2021, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Ra Mai phối hợp với cán bộ ngành Nông nghiệp địa phương trồng thí điểm giống cam Khe Mây (có nguồn gốc từ huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), mít Thái cho hàng chục hộ dân.

leftcenterrightdel

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo giúp bà con thu hoạch lúa. Ảnh: CTV

Cùng với đó, các đồn giúp bà con phát triển 2 mô hình chăn nuôi gà ri thuần chủng theo phương pháp bán thả, với quy mô trên 100 con/hộ tại xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) và xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa); giúp 10 hộ gia đình ở xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) nuôi lợn bản địa. Từ năm 2015 - 2022, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tặng 50 con bò giống cho 25 hộ dân theo Chương trình “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới”. Đến nay, các mô hình nói trên đang được bà con phát triển hiệu quả, từng bước thoát nghèo, nhất là mô hình trồng lúa nước, trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm quy mô lớn theo phương pháp bán thả.

Đối với đơn vị tuyến ven biển, khí hậu quanh năm khắc nghiệt, diện tích đất hạn chế, chủ yếu cát trắng, nước ngọt khan hiếm nên rất khó phát triển trồng trọt quy mô lớn. Do vậy, các đồn tận dụng tối đa diện tích đất, quy hoạch, cải tạo thành các khu vườn trồng rau xanh, giàn cây leo, chè xanh, cây ăn quả phục vụ đời sống bộ đội. Một số đồn tham gia quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng (keo, thông…) ven biển theo chương trình của địa phương. Tổ chức quy hoạch, xây dựng hệ thống chuồng trại phát triển đa dạng vật nuôi theo phương pháp bán thả; xây bể nuôi thả cá nước ngọt và chế biến nước mắm.

Điển hình như: Đồn Biên phòng Ngư Thủy, Lệ Thủy, Lý Hòa, Đồn Ròn và Đồn cửa khẩu Cảng Gianh thường xuyên duy trì từ 40 - 50 con lợn các loại; trên 200 con gia cầm, thủy cầm lấy thịt, trứng; từ 25 -30 đôi chim bồ câu; nuôi từ 1.200 - 1.500 con cá trắm, chép, trôi trắng, rô phi lai, mỗi năm thu hoạch gần 01 tấn cá. Đặc biệt, ĐBP Ngư Thủy còn nuôi thí điểm thỏ, nhím thương phẩm và nuôi ong lấy mật, bước đầu đạt hiệu quả cao. Đồn Lý Hòa, đồn Ròn tổ chức chế biến nước mắm, mỗi năm, mỗi đồn thu từ 1.000 - 1.500 lít nước mắm loại 1 phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội và bán ra thị trường.

Những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả của các ĐBP trên hai tuyến được chính quyền địa phương đánh giá cao, Nhân dân đến tham quan học tập kinh nghiệm để phát triển kinh tế. Đồng thời giúp các đơn vị tự túc được trên 90% định lượng rau xanh, 85% định lượng thịt lợn, gia cầm. Từ phần thu lãi tăng gia sản xuất, các đồn đưa vào ăn thêm bình quân từ 1.500 - 5.000 đồng/người/ngày.

Bên cạnh việc chăn nuôi, trồng trọt tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, các đồn còn tích cực xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp bằng việc trồng cây xanh bóng mát, cây ăn quả như: xoài, bưởi, mít, ổi, cam, quýt... xung quanh doanh trại theo nhiều tầng tán để tạo bóng mát và ngăn cát bay và giữ ẩm cho đất. Một số đồn trồng nhiều loại cây cảnh, hoa đa sắc màu, nở theo mùa, khiến doanh trại đơn vị ngày càng xanh, sạch, đẹp, là địa chỉ tham quan của các tổ chức xã hội, Nhân dân địa phương.

Song song với xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, BĐBP tỉnh Quảng Bình còn tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới. Các ĐBP (kể cả đồn tuyến ven biển) đều tham gia Chương trình “Ánh sáng vùng biên”. Theo đó, các đồn tự trích quỹ mua vật liệu, tận dụng công sức bộ đội xây dựng các công trình.

Đến nay, BĐBP Tỉnh đã hoàn thành trên 84 công trình chiều dài trên 81km, giá trị gần 4 tỷ đồng tại các trục đường chính dẫn vào thôn bản vùng sâu, vùng xa; tham gia xây dựng và duy trì 12 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới; tham gia thi công trên 50km đường ra biên giới, phục vụ quốc phòng - an ninh kết hợp dân sinh. Ngoài ra, khối cơ quan Bộ Chỉ huy và các đồn nhận đỡ đầu, giúp đỡ 13 thôn, bản khó khăn thuộc xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa); hỗ trợ cơ sở vật chất thiết chế văn hóa, phương tiện, vật tư phòng, chống lụt bão, giống vật nuôi, cây trồng... cho nhiều địa phương với tổng trị giá hàng tỷ đồng.

Ngoài ra, các ĐBP còn thực hiện một số Chương trình như: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi ĐBP”, “Xuân biên giới - Tết yêu thương”, “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân biên giới”…; nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đỡ đầu con liệt sĩ; vận động hỗ trợ xây dựng nhà “Nhà tình nghĩa”, “Nhà tình thương” và trao hàng trăm suất quà tặng các đối tượng chính sách, người nghèo nơi biên giới; nhận đỡ đầu trên 90 học sinh có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có 08 học sinh Lào); hỗ trợ các địa phương khó khăn xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, điểm trường, cầu đường giao thông, giếng nước dân sinh… Quân y các đồn phối hợp với trạm quân - dân y kết hợp tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 2.000 đối tượng chính sách/năm (trong đó có khoảng 700 lượt người dân nước bạn Lào).

Bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với thực tế, BĐBP tỉnh Quảng Bình đã chung tay, góp sức giúp đỡ người dân tuyến ven biển và biên giới thực hiện thành công các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, góp phần tô thắm thêm hình ảnh người chiến sĩ "quân hàm xanh" trong lòng cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn đóng quân.

Thượng tá LÊ CÔNG BẢY, Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP tỉnh Quảng Bình